Vườn chim Khe Hồ - nơi trú ngụ của hàng ngàn chim trời
(Baonghean.vn) - Nằm sát Quốc lộ 7, vườn chim đập Khe Hồ (Hòa Sơn, Đô Lương) - nơi trú ngụ của hàng ngàn con chim trời đang được người dân nơi đây ra sức bảo vệ.
Đập Khe Hồ tưới tiêu cho đồng ruộng các xóm Vạn Yên, Vũ Vũ, Đông Xuân xã Hòa Sơn. Phía Đông Bắc của đập là đồi Tròn có diện tích chưa đầy 1 ha, nhô ra giữa đập như một bán đảo - đây chính là vườn chim nổi tiếng. 3 mặt của "vườn chim" được bao vây bởi đập nước, cây cối trong "vườn chim" chủ yếu là keo tràm, bạch đàn và tre được trồng đã lâu năm.
Vườn chim giữa đập Khe Hồ. |
"Vườn chim" ở đập Khe Hồ có từ trước năm 1980, tính đến nay cũng đã trên dưới 40 năm. Chim quy tụ về đây gồm nhiều loài nhưng chủ yếu là cò với số lượng lúc đông nhất. Ước tính khoảng vài nghìn con, có năm xuất hiện thêm chim bồ nông và vịt trời. Tùy vào từng thời điểm mà cò về nhiều hay ít. Từ tháng 8 cho đến hết mùa Xuân, khi đập Khe Hồ đầy nước, cũng là lúc cò về trú ngụ đông nhất. Mùa hè, khi lòng đập cạn, con người có thể lội qua được, thì số lượng cò sẽ giảm hẳn.
Vào lúc xế chiều, từ khắp các cánh đồng Đô Lương, cò bay về chao lượn đầy trên mặt nước và đậu trắng vườn cây. Chúng đậu trên ngọn bạch đàn cao vút hoặc ẩn nấp dưới những lùm tre sát mặt nước quanh đồi Tròn. Cò rất tinh nhanh, chỉ cần có người hoặc con vật lạ vào vườn hay tiếng động mạnh giữa lòng đập là chúng sẽ kêu lên nháo nhác, vỗ cánh rầm rập và vuột lên không trung ngay tức thì. Ở đồi Tròn, tuy cò xuất hiện đã hàng chục năm, nhưng chỉ trú ngụ chứ không sinh sản.
Cò trên đồng ruộng ở xã Hòa Sơn (Đô Lương). |
Vườn chim đập Khe Hồ hiện đang nằm trong khu vực quản lý của lâm trường Đô Lương. Ông Thái Đình Quế (56 tuổi) - người bảo vệ lâm trường cho hay: “Ban quản lý lâm trường cũng như UBND xã Hòa Sơn từ lâu đã có chủ trương bảo vệ vườn chim, coi vườn chim như là một tài sản quý. Trong hợp đồng bảo vệ với lâm trường có ghi rõ cả nhiệm vụ bảo vệ vườn chim”.
Theo ông Quế, những năm qua, thấy "vườn chim" bắt mắt, không ít phường săn liều lĩnh đến quấy phá, săn bắn chim vườn nhưng đã được ông và người dân ở đây kịp thời phát hiện và ngăn chặn. 25 hộ dân quanh khu vực Khe Hồ nói riêng và người dân Hòa Sơn nói chung rất có ý thức trong việc bảo vệ chim trời, cả trên đồng ruộng lẫn tại vườn chim.
Đi trên Quốc lộ 7, nếu chú ý, mọi người cũng có thể phát hiện ra vườn chim nổi bật giữa đập nước trong xanh, còn đứng trên bờ đập thì thỏa sức quan sát, quay phim, chụp ảnh… Điều đặc biệt là chỉ được chiêm ngưỡng chim trời vào lúc sáng sớm khi cò rời vườn đi kiếm ăn và lúc chiều muộn khi cò từ các cánh đồng tập trung về đây để ngủ. Vào tận vườn chim để quan sát là một sai lầm vì trong vườn rất nhiều muỗi và chỉ cần động nhẹ là cò đã bay đi.
Cò chao lượn trên các ngọn cây trong vườn. |
Vườn chim đập Khe Hồ đã và đang tạo nên vẻ đẹp riêng, hiếm có cho vùng đất Hòa Sơn. Người địa phương cho rằng, đây là vùng “đất lành chim đậu”, nên phải cùng nhau bảo vệ gìn giữ lấy vẻ đẹp thanh bình của quê hương.
“Tôi sẽ cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ, vừa là bảo vệ tài sản của lâm trường, vừa góp phần bảo vệ môi trường sống tươi đẹp quanh ta” - ông Quế quả quyết.
Clip chim trời sải cánh đập Khe Hồ:
Huy Thư