Vườn mẫu nông thôn mới, để không dừng lại ở mô hình
(Baonghean.vn)- Phong trào xây dựng vườn mẫu nông thôn mới, nếu muốn nhân rộng và lan toả thì trước hết phải xây dựng những vườn có tính phổ biến về cả quy mô diện tích, chi phí đầu tư, thu nhập mang lại… để bất cứ nông dân nào có vườn cũng có thể đầu tư, có thể xây dựng, có thể kiến thiết.
Mô hình vườn rau thuỷ canh ở xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu). Ảnh: Thanh Phúc |
Với mục tiêu phát triển kinh tế vườn hộ gắn với xây dựng cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp để mỗi địa phương trở thành “miền quê đáng sống”, phong trào “Xây dựng vườn chuẩn, vườn mẫu nông thôn mới” được triển khai tích cực, rầm rộ và có nhiều kết quả khả quan.
Từ phong trào, đã giúp người nông dân có động lực quy hoạch cải tạo khuôn viên, đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và giống cây có giá trị kinh tế cao vào trồng ở vườn nhà, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi bộ mặt vùng quê nông thôn mới.
Đồng thời, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Cổng vào vườn nhà ông Hồ Đình Đề (xóm Tân Xuân, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu) đạt giải Khuyến khích cuộc thi "Vườn mẫu NTM đẹp" tỉnh Nghệ An năm 2022. Ảnh: Thanh Phúc |
Các vườn được công nhận vườn chuẩn có quy hoạch hợp lý, khoa học, có tính thẩm mỹ cao; Phần lớn các vườn hộ đều có hệ thống tưới tiêu khoa học, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất; Các sản phẩm từ vườn là kết quả từ sự lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có giá trị, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương và nhu cầu tiêu thụ, thị hiếu của thị trường; yếu tố cảnh quan được các hộ đầu tư, quan tâm.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, phong trào xây dựng vườn chuẩn nông dân, vườn mẫu nông thôn vẫn mang nặng tính “phong trào” và đang dừng lại ở những “mô hình”, khó nhân ra diện rộng, khó có tính lan toả.
Hiệu quả kinh tế vườn được xem là yếu tố quan trọng trong tiêu chí vườn mẫu NTM. Ảnh: Thanh Phúc |
Thứ nhất, các vườn được quy hoạch, đầu tư xây dựng bài bản, thẩm mỹ, khoa học hầu hết là những hộ có điều kiện kinh tế khá giả mới có tiền để đầu tư vào việc quy hoạch, cải tạo vườn, đầu tư hệ thống nước tưới, xây khuôn viên.
Thứ hai, các vườn đạt chuẩn đa phần đang thiên về tiêu chí đẹp, về yếu tố thẩm mỹ chứ chưa thực sự coi trọng yếu tố hiệu quả kinh tế vườn. Những loại cây trồng trong vườn chủ yếu vẫn đang “chia năm sẻ bảy”, dăm ba cây ổi lê, vài ba cây na, vài gốc bưởi, vài gốc mít Thái; vườn rau thơm, một khoảnh rau muống, một luống rau cải; khu vực chăn nuôi cũng chỉ lèo tèo vài con gà, con vịt, chuồng bồ câu… theo kiểu “tự cung tự cấp” là chính chứ chưa hướng đến hàng hoá, kinh doanh ổn định, hoặc nếu có thì cũng là những vườn thuộc dạng trang trại, gia trại chuyên canh một loại cây trồng.
Mỗi vườn mẫu phải thực sự là một mô hình kinh tế, có thu nhập thường xuyên từ các sản phẩm của vườn. Ảnh: Thanh Phúc |
Thứ ba, nhiều khu vườn được xem là vườn chuẩn, thậm chí những khu vườn được giải thưởng đang bị bê tông hóa quá nhiều, mất đi những mảng xanh vốn có ở các làng quê...
Không thể phủ nhận, các vườn chuẩn, vườn mẫu nông thôn mới đã tạo diện mạo mới cho những vùng nông thôn, tạo cảnh sắc xanh-sạch-đẹp cho mỗi vùng quê. Thế nhưng, vì đối tượng chủ thể của phong trào xây dựng vườn chuẩn, vườn mẫu là nông dân, do đó, mục tiêu chính, tiêu chí cứng trong vườn mẫu nông thôn mới “trước hết”, “đầu tiên” vẫn là nâng cao thu nhập từ phát triển kinh tế vườn.
Vậy nên, thiết nghĩ, khi lựa chọn xây dựng, kiến thiết vườn chuẩn thì phải tư vấn cho người dân lựa chọn cây gì, con gì phù hợp? Với diện tích vườn chừng đó, đầu tư vào đó tiền cải tạo vườn, tiền mua giống, tiền phân bón, nước tưới… thì cần tính toán mỗi mùa, vụ, mỗi lứa sẽ cho lãi bao nhiêu...
Vườn mẫu NTM không nên chỉ dành cho “nhà giàu”, cho những người làm vườn chỉ vì đam mê, chỉ vì vui thú điền viên. Ảnh: Thanh Phúc |
Và, phong trào này, nếu muốn nhân rộng và lan toả thì trước hết phải xây dựng những vườn có tính phổ biến về cả quy mô diện tích, chi phí đầu tư, thu nhập mang lại… để nhiều nông dân nào có vườn cũng có thể đầu tư, học hỏi, xây dựng, có thể kiến thiết thành vườn chuẩn, vườn mẫu. Tránh vườn mẫu chỉ dành cho “nhà giàu”, cho những người làm vườn chỉ vì đam mê, chỉ vì vui thú điền viên…