Vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp
(Baonghean.vn) - Những năm qua, Nghệ An thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, bước đầu đem lại tư duy sản xuất mới, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, tập trung. Tuy nhiên, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, cần giải quyết các vướng mắc, chưa phù hợp thực tế.
Chưa đáp ứng nhu cầu thực tế
Năm 2021, anh Bùi Đình Hội - chủ doanh nghiệp Hưng Long 1 Farm ở xóm 3, xã Nghi Hưng (Nghi Lộc) đầu tư xây dựng nhà màng diện tích 2.000 m2. Một năm sau đó, anh tiếp tục xây dựng thêm 3.000 m2 nhà màng nữa, trồng nho đen, cà chua, dưa lưới, rau, củ, quả các loại.
Từ chương trình hỗ trợ của tỉnh tại Nghị quyết 18 và chương trình hỗ trợ nhà lưới của huyện, cuối năm 2022 anh được nhận 200 triệu đồng tiền hỗ trợ xây dựng 2.000 m2 nhà màng. Đến nay, anh Hội đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây dựng, trong đó riêng nhà màng 2.000 m2 gần 1 tỷ đồng, gồm tiền nhà và hệ thống tưới.
Ngoài tiền vay mượn của người thân, hiện anh còn vay nợ ngân hàng trên 1,5 tỷ đồng. Nguồn vốn ban đầu quá lớn, đầu tư hệ thống hạ tầng hiện đại song vẫn chịu ảnh hưởng của thời tiết, sản phẩm tự tiêu thụ vẫn thường lâm vào cảnh được mùa mất giá… Trong dự kiến, vợ chồng anh sẽ đầu tư xây dựng thêm 2.000 - 3.000 m2 nhà màng nữa để có thể đủ diện tích sản xuất tập trung, quay vòng, cuốn chiếu nhưng anh vẫn chưa thể triển khai do khó khăn về nguồn vốn.
Là doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà màng đầu tiên trên địa bàn huyện, năm 2019, khi HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Thịnh (xã Hưng Thành, Hưng Nguyên) xây dựng nhà màng rộng 1.100 m2 với trị giá gần 500 triệu đồng, doanh nghiệp đã được huyện hỗ trợ 250 triệu đồng, cùng với trên 55 triệu đồng từ chính sách Nghị quyết 18 của tỉnh. Tuy nhiên, thiệt hại do thiên tai bão lụt thì đến nay hầu như chưa được nhận.
Anh Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc HTX cho biết: Năm 2020, ngay từ năm đầu tiên đưa vào sản xuất, bão lụt đã cuốn trôi nhiều diện tích cây trồng, thiệt hại trên 100 triệu đồng. Năm 2022, cũng do lụt, HTX bị thiệt hại nhiều diện tích dâu tây, dưa lưới và hệ thống tưới tự động, tổng thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Thế nhưng, ngoài 10 triệu đồng hỗ trợ từ Ủy ban MTTQ huyện, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ từ nguồn nào khác.
Không chỉ doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn đối mặt với nhiều khó khăn, mà những người sản xuất nhỏ cũng rất khó. Chị Hoàng Thị Loan ở xóm 6, xã Thanh Hương (Thanh Chương) cho biết: Gia đình có 2 ha chè được trồng lại cách đây mấy năm, sau khi thanh lý lứa chè trước bị thiệt hại do nắng hạn. Hiện nay, có 14 sào chè tiếp tục chết cháy, buộc phải phá bỏ trồng lại. Trước đây, do hệ thống điện bất cập nên không đầu tư hệ thống tưới được, mới để xảy ra cháy chè. Ngay khi trên địa bàn có đường điện đảm bảo, gia đình đã đầu tư xây dựng hệ thống tưới. Tuy nhiên, riêng tiền đầu tư làm hệ thống tưới đã hơn 100 triệu đồng; những diện tích chè bị cháy nắng phải thuê xe đào bới, chở dọn để lấy mặt bằng trồng lại, rồi tiền đầu tư phân bón, giống ban đầu khá lớn. Số tiền hỗ trợ chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu.
Xã Thanh Hương có hơn 255 ha chè. Từ năm 2019 đến nay, hạn hán xảy ra thường xuyên trên địa bàn. Chỉ tính riêng 2 năm 2019- 2020, có 416 hộ trồng chè chịu thiệt hại do nắng hạn, trong đó có hơn 25 ha chè thiệt hại hơn 70%, phải phá bỏ trồng lại; hơn 31 ha thiệt hại từ 30 -70%. Trong 2 năm, số tiền hỗ trợ thiệt hại do hạn đối với chè là trên 160 triệu đồng. Bà Đinh Thị Hằng, công chức nông nghiệp xã cho biết: Trên địa bàn xã, số hộ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ rất ít. Đồng chè rộng, địa hình xa, nguồn nước khó khăn nên đầu tư cho hệ thống tưới rất tốn kém. Thế nhưng, nguồn kinh phí hỗ trợ tưới có hạn, nên xã chỉ chọn hộ có diện tích chè lớn. Đến nay, trên địa bàn xã mới chỉ có 5 hộ dân được hưởng chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 18 với tổng số tiền 40 triệu đồng, trong khi cả xã có mấy trăm hộ trồng chè.
Như gia đình ông Nguyễn Thế Hợi ở xóm 6 có gần 1 ha chè. Nhiều thời điểm giá chè xuống thấp, thu nhập bấp bênh trong khi nắng hạn làm cháy nhiều diện tích phải trồng lại, thế nhưng do diện tích vườn chè không đủ để được hỗ trợ, nên ông phải gom góp, đào giếng khoan, xây dựng hệ thống tưới béc phun mưa nhỏ trị giá 20 triệu đồng. Theo ông, mặc dù chưa thật sự đáp ứng nhu cầu nhưng cũng giúp cây chè chống chịu với hạn hán, đỡ chết cháy.
Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Những năm qua, các chính sách của tỉnh đã giúp người dân và các địa phương có điều kiện tiếp cận, áp dụng các tiến bộ KHKT, tập trung đầu tư thâm canh nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị canh tác. Tuy nhiên, để chính sách thực sự phát huy hiệu quả và đến được với người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, thì so với yêu cầu thực tế vẫn còn khiêm tốn. Đơn cử như chính sách tưới cho cây công nghiệp. Thanh Chương là huyện trọng điểm về cây chè của tỉnh, và đây cũng là một trong những loại cây chủ lực của huyện, giúp giải quyết việc làm và thu nhập cho hàng trăm hộ gia đình, hàng nghìn lao động trên địa bàn.
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nắng nóng hạn hán xảy ra thường xuyên, nặng nề nên nhu cầu về hệ thống tưới cho chè rất bức thiết. Huyện Thanh Chương có hơn 4.780 ha chè; diện tích được tưới bằng hệ thống phun mưa đến nay là 2.015 ha, nhưng trong đó, diện tích tưới được hỗ trợ kinh phí theo Nghị quyết của HĐND tỉnh từ 2019-2022 mới chỉ đạt 101,51 ha với số tiền hỗ trợ là 830 triệu đồng.
Rất mong HĐND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ các hộ dân trồng chè nếu có đầu tư đều được hưởng chính sách. Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ tiếp cận, chính sách dễ triển khai, đề nghị tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện một cách đơn giản và hiệu quả nhất”.
Quy định “chênh” thực tiễn
Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Nghệ An, năm 2022, nguồn kinh phí thực tế đã cấp trên địa bàn tỉnh đạt hơn 66 tỷ 237 triệu đồng; kinh phí đã thực hiện hơn 55 tỷ 461 triệu đồng. Sau hơn 01 năm thực hiện, các chính sách hỗ trợ đã có nhiều tác động tích cực, giúp người dân mở rộng vùng nguyên liệu, tăng năng suất chất lượng và hiệu quả sản xuất cây trồng.
Năm 2022 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND, huyện Yên Thành đã thực hiện được 03 chính sách gồm: Hỗ trợ giống và hỗ trợ tiền làm đất cây ăn quả (cây cam, bưởi) trồng mới cho các xã Xuân Thành, Đồng Thành, Nam Thành, Tây Thành; hỗ trợ mua máy cấy, máy gieo hạt, khay mạ cho HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Bắc Thành; hỗ trợ tưới cho cây công nghiệp, cây ăn quả cho 5 xã Đồng Thành, Xuân Thành, Lý Thành, Minh Thành, Thịnh Thành. Tổng số tiền hỗ trợ là gần 559 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện, trong thực hiện các chính sách hỗ trợ vẫn còn một số vấn đề chưa hợp lý, khó triển khai trong thực tế. Ví như chính sách hỗ trợ 40% chi phí chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi lợn, gà rất khó thực hiện, vì theo quy định, các hộ gia đình, cá nhân phải đăng ký qua UBND xã, UBND xã đăng ký về Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để lập dự toán, đề xuất thông báo giá của cấp có thẩm quyền, làm hợp đồng thực hiện,… Vì vậy, mặc dù xã muốn đăng ký thực hiện nhưng giá cả chưa được duyệt và phải chờ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổng hợp, phê duyệt trên địa bàn toàn tỉnh, rất khó cho việc triển khai, thực hiện.
"Đề nghị HĐND tỉnh cho phép điều chỉnh cách thức thực hiện, có thể ủy quyền cho người dân tự mua trên cơ sở duyệt giá của Sở Tài chính, hồ sơ vẫn đảm bảo hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa theo quy định”, ông Nguyễn Văn Dương chia sẻ.
Đại diện lãnh đạo huyện Yên Thành cũng cho biết thêm về bất cập trong thực hiện chính sách hỗ trợ nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng. Theo quy định hiện tại, yêu cầu đầm tôm phải "nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm". Đây là mô hình mới phát triển trên địa bàn huyện, trong khi quy hoạch phát triển nông nghiệp huyện Yên Thành đã được tỉnh phê duyệt từ ngày 21/12/2018, nên để chính sách có thể đi vào cuộc sống, cần điều chỉnh, cho phép thực hiện khi đối tượng "nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản", giúp người nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn được hưởng cơ chế chính sách hỗ trợ.
Không chỉ có chính sách của tỉnh, mà tại các địa phương, đều có các chương trình lồng ghép, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Như tại huyện Nghi Lộc, trong năm 2022 trên địa bàn đã có 5 mô hình nhà lưới được hỗ trợ (trong đó hơn 776 triệu đồng hỗ trợ từ tỉnh và hơn 776 triệu đồng từ huyện); huyện cũng đã hỗ trợ xây dựng mã truy xuất nguồn gốc cho 8 xã với số tiền 33 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng mô hình 9,18 ha rau VietGAP tại xã Nghi Thuận với số tiền hơn 27,5 triệu đồng. Hay tại Thanh Chương, từ lồng ghép các chương trình, huyện đã hỗ trợ xây dựng mô hình, thương hiệu, nhãn mác, xúc tiến thương mại, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản và có tiềm năng phát huy, nhân rộng của địa phương.
Tuy nhiên, theo ông Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, trong triển khai thực hiện, còn bộc lộ một số vấn đề bất cập. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đến người dân còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới; kinh phí triển khai một số chính sách còn hạn chế hoặc được đảm bảo nhưng chưa cân đối nhu cầu thực tế, như chính sách tưới cho cây công nghiệp và cây ăn quả, chế phẩm vi sinh để sản xuất phân bón hữu cơ… dẫn đến những khó khăn trong quá trình triển khai ở một số địa phương; cán bộ HTX hầu như chưa được đào tạo bài bản nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện chính sách và lập hồ sơ thanh toán…
Sản xuất nông nghiệp nhận được sự hỗ trợ từ rất nhiều chính sách khác của tỉnh như: Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND; Chính sách phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐND; Chính sách hỗ trợ trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND; Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quyết định 48/2017/QĐ-UBND…