Vượt lũ trong đêm giúp 'mẹ tròn con vuông'

(Baonghean.vn) - Trong và sau mưa lũ, những cán bộ y tế ở huyện Quỳ Châu đã luôn có mặt kịp thời để giúp đỡ, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

16h16' ngày 27/9, Trung tâm y tế huyện Quỳ Châu nhận được thông tin có sản phụ đang chuyển dạ cần sự hỗ trợ khẩn cấp. Theo đó, sản phụ này đang đứng trước tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” do bị nước lũ bao vây không thể đến được cơ sở y tế để sinh nở.

Cụ thể: Sản phụ chuyển dạ là người ở bản Luồng Lạnh, xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu. Trước thời điểm chuyển dạ, sản phụ đã đi khám, siêu âm thai, tiên lượng thai to. Khi sản phụ chuyển dạ, xác định là một ca sinh khó, nữ hộ sinh Vi Thị Lý (Trạm Y tế xã Châu Bính) đã đưa sản phụ xuống Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu để sinh con.

bna_Ảnh PV (5).jpg
Các bác sĩ vượt lũ trong đêm để giúp đỡ sản phụ sinh nở. Ảnh: CSCC

Tuy nhiên, khi di chuyển đến dốc Bù Bài, xã Châu Hạnh thì cán bộ y tế và sản phụ đã không thể di chuyển thêm do đường đã bị sạt lở bởi mưa lũ. Nữ hộ sinh Vi Thị Lý và người nhà quyết định đưa sản phụ quay ngược lên Trung tâm Y tế huyện Quế Phong để sinh. Song con đường này cũng không thông suốt do bị ngập nước.

Trước tình cảnh này, nữ hộ sinh Vi Thị Lý đã gọi điện về Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu để xin ý kiến chỉ đạo và được lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu hướng dẫn đưa sản phụ vào Trạm Y tế Châu Thắng (nơi gần nhất) để sinh nở.

bna_Ảnh PV (1).jpg
Ca sinh đã diễn ra thuận lợi, mẹ con sản phụ được đưa về Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu để chăm sóc. Ảnh: TTYT huyện Quỳ Châu

Ngay sau đó, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu đã cử đội cấp cứu ngoại viện xuống Trạm Y tế Châu Thắng để hỗ trợ, đồng thời chỉ đạo 2 nữ hộ sinh theo dõi sát và báo cáo liên tục các diễn biến của sản phụ. Tuy nhiên do trời mưa to cùng với sạt lở nên đội cấp cứu ngoại viện không thể di chuyển về Trạm Y tế Châu Thắng được.

Trước tình thế cấp bách, Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu đã báo cáo với lãnh đạo huyện. Lãnh đạo huyện Quỳ Châu đã chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ khẩn trương thông đường để đội cấp cứu đến trạm y tế giúp sản phụ sinh con, nếu cần thiết sẽ phẫu thuật để lấy thai…

Đến 19 giờ, những chỗ sạt lở đã được xử lý xong, Quốc lộ 48 được thông tuyến. Đội cấp cứu ngoại viện của Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu đã tức tốc chạy đến Trạm Y tế xã Châu Thắng giúp đỡ sản phụ.

Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu đã cho xe cấp cứu đưa sản phụ về để tiếp tục theo dõi, chăm sóc. Clip: TTYT huyện Quỳ Châu

Khoảng hơn 20 giờ tối cùng ngày, với sự hỗ trợ của các bác sĩ và y sĩ, sản phụ đã sinh thường 1 bé trai nặng 3,2kg, trẻ khóc to, bú tốt. Trong quá trình sinh nở, do thai to nên phần phụ của sản phụ bị rách phức tạp, các y bác sĩ đã tiến hành khâu cầm máu, cho xe cấp cứu đưa sản phụ về Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu để tiếp tục theo dõi xử lý, đồng thời tiến hành tiêm vaccine cho bé. Thời điểm này, sức khoẻ của sản phụ và bé trai đã ổn định, "mẹ tròn con vuông".

Trong đợt mưa lũ này, huyện Quỳ Châu bị thiệt hại rất nghiêm trọng, đã có 1 người chết, 1.210 ngôi nhà bị ngập sâu từ 1-5m; trên 5.000 người phải di dời; có 3 xã, 6 bản bị cô lập hoàn toàn, 7 điểm trường bị ngập sâu trong nước. Hàng ngàn gia đình phải lâm vào cảnh sống bi đát. Chỗ ở tạm bợ, đói rét do tài sản, nhà cửa bị sụp đổ, cuốn trôi và ngập nước...

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ người dân sớm ổn định lại cuộc sống, ngay sau khi nước rút, Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu đã cử nhiều cán bộ thuộc trung tâm và các trạm y tế xuống tận nhà dân tại các xóm bản để hỗ trợ bà con xử lý nguồn nước cũng như khử khuẩn môi trường xung quanh.

Cán bộ y tế Trạm Y tế thị trấn Tân Lạc xuống tận nhà dân giúp bà con xử lý nguồn nước, khử khuẩn môi trường xung quanh. Clip: PV

Bác sĩ Đặng Tân Minh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu cho biết: Trung tâm đã cấp phát cho 12 xã, thị trấn hơn 21.000 viên Aquatabs và 52 kg Chloramin B. để xử lý nguồn nước. Các cán bộ y tế đã trực tiếp hướng dẫn cho từng hộ dân về việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đảm bảo ăn chín, uống sôi; trực tiếp xử lý nước sinh hoạt cho người dân.

Ở thời điểm này, Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về nguy cơ các loại dịch bệnh sau mưa lũ; tăng cường công tác giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh nếu có./.

tin mới

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: Dấu ấn 60 năm, khẳng định vị thế 'lá cờ đầu' của ngành y tế

(Baonghean.vn) - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, với nhiều dấu ấn thành tựu đáng tự hào; trở thành “lá cờ đầu” của ngành y tế Nghệ An; 1 trong 7 đơn vị xếp hạng I trên toàn quốc về chuyên ngành y học cổ truyền.

Chữa ngứa da theo đông y

Chữa ngứa da theo đông y

Ngứa da mùa xuân có nguyên nhân chủ yếu là do huyết nhiệt trong cơ thể kết hợp với tà khí bên ngoài xâm nhập vào cơ thể lưu lại ở bì phu mà gây nên bệnh.

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến vì những thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và căng thẳng tâm lý gây nên. Phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý này. Vậy có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?

Loãng xương

Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương

Chế độ ăn đúng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng đối với những người mắc bệnh cơ xương khớp nói chung và người mắc bệnh loãng xương nói riêng là rất quan trọng.