Vượt qua hoài nghi, Thượng đỉnh G20 đạt đồng thuận cao

Diệp Khanh 10/09/2023 17:04

(Baonghean.vn)- Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại New Delhi, Ấn Độ vừa kết thúc ngày 10/9, sau 2 ngày làm việc. Trái ngược với những hoài nghi trước đó, ngay cuối ngày làm việc đầu tiên, Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã ra được Tuyên bố chung - một thành công ngoài mong đợi với chính chủ nhà Ấn Độ.

Vượt qua hoài nghi

Trước ngày Hội nghị Thượng đỉnh G20 khai mạc tại thủ đô New Delhi, nước chủ nhà Ấn Độ nhận được tin kém vui: Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không tham dự sự kiện quan trọng nhất trong năm của nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới này. Bởi G20 là tập hợp của các nước công nghiệp phát triển giàu có và các đối tác đang phát triển mới nổi, đại diện cho phần còn lại của thế giới nên việc thiếu vắng hai đại diện có tiếng nói trọng lượng là Nga và Trung Quốc khiến nhiều người hoài nghi Hội nghị Thượng đỉnh G20 của thể trở thành “sàn diễn của phương Tây”, trở thành nơi phương Tây áp đặt những quan điểm liên quan đến cuộc xung đột Ukraine, từ đó cản trở khả năng đạt được đồng thuận trong những vấn đề lớn mà nước chủ nhà đưa vào chương trình nghị sự.

Anh G20 1 - Telegraph India.jpg
Hội nghị Thượng đỉnh G20 ra Tuyên bố chung ngay trong ngày làm việc đầu tiên. Ảnh: Telegraph India

Nhưng với quan điểm “G20 không phải là diễn đàn để giải quyết các vấn đề địa chính trị hay an ninh, và các nhà lãnh đạo cần nhận thức rằng họ có thể tạo những kết quả đáng kể với nền kinh tế toàn cầu”, nước chủ nhà Ấn Độ đã điều phối các cuộc thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 hướng trọng tâm vào 2 vấn đề là khủng hoảng nợ và biến đổi khí hậu – được cho là ít gai góc hơn để có thể tìm kiếm được sự đồng thuận. Đây cũng là hai vấn đề lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 cũng như là hệ quả từ cuộc xung đột Ukraine. Với vấn đề khủng hoảng nợ, Ấn Độ ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Mỹ đối Khuôn khổ chung (CF) - một sáng kiến G20 được đưa ra vào năm 2020 nhằm giúp các nước nghèo trì hoãn việc trả nợ; sau đó được mở rộng để bao gồm cả các nước có thu nhập trung bình. Trong khi đó, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu ngày càng cấp thiết và được Ấn Độ thúc đẩy trong suốt năm Chủ tịch 2023, bởi hiện có khoảng 3,6 tỷ người trên thế giới đang sống trong tình cảnh dễ bị tổn thương do khí hậu.

Việc tránh những chủ đề gai góc có liên quan trực diện đến cuộc xung đột Ukraine có thể là cách để Ấn Độ thúc đẩy việc ra Tuyên bố chung, nhưng việc Tuyên bố chung đạt được ngay cuối ngày làm việc đầu tiên vẫn được đánh giá là một thành công bất ngờ. Điểm đáng chú ý nhất của Tuyên bố là tất cả 83 đoạn của văn bản này đã được nhất trí thông qua với sự đồng thuận 100% của tất cả 21 thành viên. Lần đầu tiên trong lịch sử G20, tuyên bố của các nhà lãnh đạo không có chú thích cuối trang hoặc Tóm tắt của Chủ tịch. Ngoài ra, bản Tuyên bố cũng được cho là tham vọng nhất, với 112 kết quả bao gồm cả kết quả và các tài liệu đính kèm, nhiều hơn hai lần rưỡi so với bất kỳ Hội nghị Thượng đỉnh G20 nào trước đó. Bên cạnh đó, tuyên bố có những thỏa thuận rất mới là ra mắt của Liên minh Nhiên liệu Sinh học Toàn cầu do Chính phủ Ấn Độ khởi xướng và ra mắt hành lang kết nối đường sắt và vận tải Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu của Ấn Độ, Mỹ, Saudi Arabia và Liên minh châu Âu. Trong đó, Liên minh Nhiên liệu Sinh học được đánh giá là bước ngoặt trong nỗ lực hướng tới sự bền vững và năng lượng sạch của Ấn Độ, theo đó tập trung vào việc củng cố thị trường, tạo thuận lợi cho mua bán nhiên liệu sinh học toàn cầu.

Vị thế mới của Ấn Độ

Trước Hội nghị Thượng đỉnh, các hội nghị cấp Bộ trưởng diễn ra trong những tháng đầu năm 2023 của G20 cũng đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhất trí về một thông cáo chung do quan điểm khác biệt về cuộc xung đột Ukraine. Trước khi tới Ấn Độ dự Thượng đỉnh G20, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dẫn đầu đoàn Nga cũng đã cảnh báo sẽ chặn tuyên bố chung của hội nghị nếu không bao gồm quan điểm của Nga về xung đột Ukraine. Đây chỉ là một trong các dấu hiệu cho thấy những khó khăn sẽ ngáng trở G20 tìm được sự đồng thuận chung. Bởi vậy, việc Hội nghị thượng đỉnh G20 ra được Tuyên bố chung ngay trong ngày làm việc đầu tiên cho thấy những nỗ lực rất lớn trong việc điều phối các nội dung thảo luận của nước chủ nhà Ấn Độ. Đó cũng là mục tiêu mà Ấn Độ hướng tới, đó là xây dựng hình ảnh một cường quốc mới nổi với uy tín toàn cầu.

Anh G20 2 - Politico.png
Cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20. Ảnh: Politico

Để thực hiện mục tiêu này, Ấn Độ đã dành nhiều công sức cho chương trình nghị sự của khối trong năm nay. Ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình, Ấn Độ đã lựa chọn chủ đề của năm G20 2023 là "Vasudhaiva Kutumbakam" theo tiếng Sanskrit, có nghĩa "Thế giới này là một Gia đình”, và chủ đề này một lần nữa được thể hiện tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, nhất là qua việc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chào mừng sự tham dự của Liên minh châu Phi (AU) với tư cách thành viên đầy đủ của khối, coi khu vực Nam Bán cầu là một phần không thể thiếu trong hành trình hướng tới phát triển bền vững, toàn diện và lấy con người làm trung tâm. Hội nghị Thượng đỉnh G20 được đánh giá là thành công ngoài mong đợi, đánh dấu sự kiện quan trọng nhất trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ. Như nhận định của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Ấn Độ đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, và vai trò Chủ tịch G20 của Ấn Độ đã trở thành biểu tượng của sự hòa nhập cả trong và ngoài nước.

Anh G20 3 - CNN.jpg
Hội nghị Thượng đỉnh G20 củng cố hình ảnh nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng toàn cầu của Thủ tướng Narendra Modi. Ảnh: CNN

Thượng đỉnh G20 vừa diễn ra và vai trò Chủ tịch của khối trong năm 2023 đã giúp Ấn Độ nâng tầm hình ảnh và vị thế của đất nước. Giờ đây, Ấn Độ đã định hình chính mình là một cực đang lên trong bàn cờ đa cực của thế giới. Ấn Độ thể hiện rõ quan điểm không đứng về phe nào trong căng thẳng địa chính trị mà đang chủ động can dự với các cường quốc để xác lập vị thế của bản thân, đồng thời đóng góp vào hòa bình, tiến bộ của thế giới, góp phần giải quyết các thách thức. Với các hoạt động trong khuôn khổ Năm Chủ tịch G20, Ấn Độ đã thể hiện khả năng điều phối và dàn xếp các khác biệt về lợi ích giữa các thành viên. Ở vế còn lại, Ấn Độ đã cho thấy năng lực lãnh đạo với khả năng đối thoại và kết nối các quốc gia đang phát triển và kém phát triển trong cái gọi là thế giới Nam Bán cầu. Không phải ngẫu nhiên mà Ấn Độ đã có thể vận động để G20 đưa Liên minh châu Phi (AU) trở thành thành viên thứ 21 của khối. Tham vọng của Ấn Độ thể hiện ở việc tập hợp các nguyện vọng và quan tâm của các nước đang phát triển để đưa vào chương trình nghị sự. Với cá nhân Thủ tướng Narendra Modi, Hội nghị Thượng đỉnh G20 cũng là cơ hội để ông xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng với các vấn đề toàn cầu. Việc khắc họa hình ảnh Ấn Độ là một cường quốc sẽ tác động mạnh mẽ tới dư luận trong nước - những người khao khát chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước, từ đó tạo lợi thế rất lớn cho ông Narendra Modi và đảng Bharatiya Janata cầm quyền trước thềm cuộc bầu cử vào năm sau./.

Mới nhất

x
Vượt qua hoài nghi, Thượng đỉnh G20 đạt đồng thuận cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO