WHO chưa từng cảnh báo amiang trắng quá nguy hiểm và phải cấm?

02/12/2015 21:16

Có một nhóm người không chính thức làm việc cho WHO luôn phát biểu rằng các bệnh ung thư liên quan amiang đó là do phơi nhiễm amiang trắng.

Mới đây, tại một hội thảo về sử dụng amiang trắng do Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM – thuộc Bộ Kế hoạch-Đầu tư) tổ chức, TS. John Hoskins Cố vấn độc lập – Hội Hoá học Hoàng gia Vương quốc Anh (Haslemere, UK) cho biết: “Thực chất, WHO chưa có tiếng nói chính thức là amiang trắng quá nguy hiểm và chúng ta phải cấm. Nhưng có một nhóm người không chính thức làm việc cho WHO trong nhiều bài trình bày ở các nước họ cho rằng các bệnh ung thư liên quan amiang đó là do phơi nhiễm amiang trắng. Tuy nhiên, nhóm này vẫn cố chấp sử dụng quan điểm này, họ lờ đi các yếu tố như loại amiang, mức độ phơi nhiễm, mức độ an toàn trong sử dụng…”

Cơ quan có thẩm quyền cấp cao nhất của Tổ chức y tế thế giới [WHO] là Đại hội đồng Y tế Thế giới [WHA] trong năm 2007 đã phản đối việc cấm amiăng trắng. Cho đến nay, trái ngược với quan điểm đang phổ biến, quyết định này vẫn là chính sách chính thức của WHA và WHO. “Tuy nhiên, một nhóm không chính thức của WHO vẫn cố chấp phủ nhận chính sách chính thức này và sử dụng những số liệu thống kê không đầy đủ, bị bóp méo, gây nhầm lẫn cho người dân. Thực tế có nhiều trường hợp bị ung thư bị qui kết do amiang, nhưng họ còn có thói quen hút thuốc lá mà không bị qui kết vì lý do này mà chọn là do amiang.” – ông John Hoskins nói.

Cụ thể, theo ông John Hoskins, họ thường lờ đi những yếu tố quan trọng sau: Loại amiang, mức độ phơi nhiễm, phương thức an toàn trong sử dụng. Họ thường trích dẫn không đầy đủ như sau: “Hiện nay có khoảng 125 triệu người trên thế giới đang tiếp xúc với amiăng ở nơi làm việc. Theo ước tính toàn cầu, có ít nhất 90.000 người chết mỗi năm vì ung thư phổi liên quan đến amiăng” mà đã bỏ đi dẫn chứng rằng: “Trong 20 nghiên cứu trên 100.000 người lao động tại môi trường làm việc liên quan đến amiăng, tỷ lệ tử vong dao động từ 1,04 đối với công nhân amiang trắng và 4,97 đối với công nhân amiang nâu. Do đó có thể nói, số lượng ca bệnh ung thư phổi không nhiều hơn dự kiến do mức độ phơi nhiễm thấp”.

Dẫn kết quả các nghiên cứu gần đây nhất về ảnh hưởng của amiang, ông John Hoskins cho biết: Các loại sợi khoáng amiang có thể gây nên một số bệnh nhất định (Bệnh bụi phổi, Ung thư phổi, U trung biểu mô… nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến những bệnh đó. Những bệnh này là hậu quả của việc phơi nhiễm với amiang nồng độ cao hoặc phơi nhiễm trong thời gian kéo dài. Ngày nay, do ngưỡng phơi nhiễm được quy định rất thấp, những bệnh này có thể được coi là những bệnh đã thuộc về quá khứ. Chúng phần lớn là bệnh do phơi nhiễm với amiang amphibole (amiang nâu và xanh) mặc dù thí nghiệm trên động vật cũng cho thấy rủi ro gây nên những căn bệnh này từ amiang trắng. Cụ thể: Bệnh bụi phổi - gây ra bởi tất cả các loại sợi amiang; Ung thư phổi – Gây ra phần lớn bởi amiang thuộc nhóm amphiboles; U trung biểu mô – Do amiang amphiboles.

Một số kết quả nghiên cứu đáng quan tâm

Theo TS John Hoskins, mặc dù chưa có sự đồng thuận trên toàn cầu nhưng ung thư phổi liên quan đến amiang có thể là hệ quả của các bệnh bụi phổi amiang hiện đang tồn tại. Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCI) đã tuyên bố rằng trong bảy người mắc bệnh bụi phổi amiang thì có 1 người có bệnh bụi phổi phát triển thành ung thư phổi.

Các số liệu cho thấy giả thuyết về việc amiang trắng và amiang amphibole đều có khả năng gây bệnh ung thư trung biểu mô giống như nhau là không hợp lý. Giả thuyết về việc amiang trắng nguyên chất không có khả năng gây ra u trung biểu mô không bị bác bỏ bởi bất kì số liệu nào. (Berman & Crump, 2008)

“Mặc dù các nỗ lực trên phương diện khoa học và các luận cứ pháp lý vẫn đang tiếp tục được đưa ra, nguy cơ mắc u trung biểu mô màng phổi ở người do tiếp xúc với amiang trắng trong không khí không bị nhiễm khuẩn amiang amphibole là không đáng kể” (Yarborough, Curr Opin Pulm Med 2007)

Hầu hết các vật liệu chứa amiang (ACM) được sản xuất và sử dụng hiện nay đều được làm từ xi măng amiang có mật độ kết dính cao. Trong các sản phẩm này, amiang trắng bị kết dính bởi một ma trận chặt chẽ và không dễ dàng phát tán sợi trong quá trình sử dụng hàng ngày.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng amiang trắng trong xi măng trải qua nhiều thay đổi về đặc tính bề mặt, thành phần và cấu trúc tinh thể.

Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng những thay đổi hóa học đó làm cho khả năng sinh học của sợi amiang trắng suy giảm đi đáng kể. Vì vậy, rủi ro do xi măng amiăng gây ra cũng giảm đi đáng kể. (Elovskaya, 1992)

Một nghiên cứu sau này điều tra kết luận của Elovskaya và tất cả các kết quả nghiên cứu trước đó đã chỉ rõ rằng sợi amiang trắng có trong kết cấu của xi măng Portland bị thay đổi về mặt hóa học và cấu trúc. Ngoài ra nghiên cứu cũng cho thấy liều lượng canxi và silicon tăng một phần là do sự liên kết chặt chẽ của các phân tử và có xu hướng liên kết ngày càng gia tăng. (Pooley, 2004)

Một nghiên cứu đánh giá về nguy cơ mắc bệnh ung thư tại vùng mỏ Thetford đưa ra một con số ước tính rất thấp về nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi và u trung biểu mô do amiang gây ra. Kết quả này gần với ngưỡng “không đáng kể” theo tiêu chuẩn Y tế Canada về rủi ro ung thư cả đời. (Bourgault, Gagné and Valcke. Intl J Hyg Environ Hlth 2013).

Theo VOV.VN

Mới nhất
x
WHO chưa từng cảnh báo amiang trắng quá nguy hiểm và phải cấm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO