William Burns và sự thay đổi chiến lược với cộng đồng tình báo Mỹ

Thúy Ngọc 26/02/2021 08:11

(Baonghean.vn) - Vượt qua phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ vào hôm qua, ông William Burns đã chính thức trở thành tân Giám đốc của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA).

Đây là lần đầu tiên một quan chức ngoại giao kỳ cựu của Mỹ được lựa chọn để lãnh đạo CIA, và việc Tổng thống Joe Biden lựa chọn một nhân vật không nằm trong nội các làm Giám đốc CIA thể hiện thông điệp rõ ràng rằng hoạt động của cộng đồng tình báo sẽ không bị ảnh hưởng bởi các phe phái chính trị - một sự thay đổi chiến lược so với thời ông Donald Trump.

Sự lựa chọn chưa có tiền lệ

Khi ông Joe Biden tìm kiếm nhân vật thay thế bà Gina Haspel đảm nhiệm vị trí Giám đốc CIA, rất nhiều cái tên đã nổi lên như những ứng cử viên tiềm năng, và điểm chung nhất giữa họ chính là từng có thời gian làm việc tại cơ quan này. Đó là cựu Phó Giám đốc CIA David Cohen, cựu quan chức cấp cao CIA Darrell Blocker và cựu quyền Giám đốc CIA Michael Morell. Nhưng William Burns - người được ông Joe Biden lựa chọn đã khiến mọi dự đoán chệch hướng hoàn toàn, bởi trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, tình báo chính là lĩnh vực mà William Burns chưa từng thử sức.

Ông Williams Burns được Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ. Ảnh: CNN
Ông Williams Burns được Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ. Ảnh: CNN

Nhưng dù không có kinh nghiệm trong lĩnh vực tình báo, William Burns vẫn vượt qua phiên điều trần tại Thượng viện một cách dễ dàng - “cửa ải” cuối cùng để ông chính thức ngồi vào vị trí Giám đốc CIA. Ông William Burns dễ dàng nhận được “cái gật đầu” của các Thượng nghị sĩ nhờ vào mối quan hệ tốt đẹp với cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa. Tốt nghiệp Đại học La Salle ở Philadenphia và sau đó là Đại học Oxford, William Burns gia nhập lĩnh vực ngoại giao từ năm 1982. Trước khi nghỉ hưu vào năm 2014 với tư cách Thứ trưởng Ngoại giao, William Burns từng phục vụ 5 đời Tổng thống cả Dân chủ lẫn Cộng hòa, kéo dài từ thời Ronald Reagan tới Barack Obama. Cộng sự thân thiết của William Burns bao gồm những cái tên đình đám nhất trong giới ngoại giao Mỹ như Warren Christopher, Madeleine Albright, Colin Powell, Condoleezza Rice, Hillary Clinton và John Kerry. Trong giới ngoại giao, William Burns được nể trọng bởi trí tuệ, kinh nghiệm, tài năng phân tích và phán đoán. Ông từng tham gia xử lý những hồ sơ rất quan trọng với Nga và Iran với vai trò Đại sứ Mỹ tại Jordan dưới thời Bill Clinton và Đại sứ Mỹ tại Nga dưới thời George Bush, đáng chú ý nhất là việc dẫn đầu các cuộc đàm phán bí mật mở đường cho thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Ở William Burns có sự vững vàng, khả năng xử lý những vấn đề gai góc, theo cách mà cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nhận định là “nhân vật chữa cháy rất hiệu quả”.

Một “điểm cộng” nữa của William Burns là mối quan hệ với Tổng thống Joe Biden. Khi phê chuẩn đề cử nhân sự cho vị trí Giám đốc CIA, các Thượng nghị sĩ cả Dân chủ và Cộng hòa đều cho rằng, phẩm chất quan trọng nhất của người được lựa chọn không phải là chuyên môn tình báo, mà là mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống, mà đây lại là điều mà ông William Burns “có thừa”. Hai người đã có thời gian dài làm việc cùng nhau về chính sách đối ngoại, không chỉ trong giai đoạn ông Joe Biden làm Phó Tổng thống cho ông Barack Obama, mà còn trong thời gian ông Biden lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Khi đề cử William Burns làm Giám đốc CIA, Tổng thống Joe Biden cũng dành cho ông những lời “có cánh”: “William Burns là một một nhà ngoại giao mẫu mực với hàng chục năm kinh nghiệm trên trường quốc tế, là người có khả năng giữ cho nước Mỹ và người dân Mỹ được an toàn. William Burns có kiến thức, khả năng phán đoán và chúng ta rất cần để ngăn chặn và đối đầu với các mối đe dọa trước khi các mối đe dọa này có thể chạm tới bờ biển của chúng ta”.

Tân Giám đốc CIA Willian Burns có mối quan hệ mật thiết với Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Times
Tân Giám đốc CIA Willian Burns có mối quan hệ mật thiết với Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Times

Dù không trực tiếp làm việc trong lĩnh vực tình báo, nhưng William Burns luôn dành sự tôn trọng to lớn với các đồng nghiệp trong CIA, bởi với ông, họ chính là những người đã hỗ trợ ông trong suốt thời gian ông đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn trên khắp thế giới. Ông Douglas London - một cựu quan chức cấp cao của CIA cũng cho rằng, William Burns đã hợp tác một cách rất chuyên nghiệp với cộng đồng tình báo trong nhiều chương trình nhạy cảm. Nhưng trong mọi chương trình đó, William Burns đều hành động với tư cách người sử dụng thông tin tình báo. Còn giờ đây, ông sẽ đứng ở vị trí ngược lại: người cung cấp thông tin tình báo.

Tình báo “phi đảng phái”

William Burns là một trường hợp hiếm hoi đảm nhiệm vị trí Giám đốc CIA khi không còn là thành viên trong nội các. Chính vì vậy, việc bổ nhiệm William Burns được cho là mang thông điệp “tình báo phi đảng phái” của Tổng thống Joe Biden. Trong tuyên bố đầu tiên sau khi được phê chuẩn trở thành Giám đốc CIA, William Burns đã nhấn mạnh thông điệp thông tin tình báo không được mang tính chính trị - đánh dấu sự khác biệt rõ ràng với cách tiếp cận dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Rất nhiều người còn nhớ ông Donald Trump từng công khai chỉ trích và sa thải các nhân viên tình báo khi họ thể hiện sự độc lập trong cung cấp thông tin - những bước đi bị chỉ trích mạnh mẽ vì đã “chính trị hóa cộng đồng tình báo”. Trong khi đó, William Burns chia sẻ quan điểm rõ ràng về việc một khi công việc tình báo bắt đầu, thì sự nghiệp chính trị phải dừng lại, bởi vì thông tin tình báo tốt phải là thông tin “trung thực và chính trực”, chỉ có như vậy thông tin tình báo mới đảm nhiệm được vai trò là “tuyến phòng thủ đầu tiên của nước Mỹ”. Bởi vậy, ông khẳng định sẽ sẵn sàng thông báo với giới lãnh đạo, trong đó có Tổng thống những thông tin mà họ cần phải nghe, dù cho họ không muốn nghe chăng nữa. Và đây chính là điều mà Tổng thống Joe Biden mong đợi ở CIA.

Một sự thay đổi chiến lược nữa khi ông William Burns làm Giám đốc CIA so với thời Donald Trump, đó là sự tích hợp giữa khả năng thu thập, phân tích và hành động bí mật của CIA để phục vụ các mục tiêu lớn hơn của Mỹ về chính sách đối ngoại như vấn đề hạt nhân Iran, quan hệ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc hay mối quan hệ “nhiều duyên nợ” với Nga. Đây là điều đã bị mai một rất nhiều khi ông Donald Trump còn là Tổng thống bởi ông Donald Trump vẫn cho rằng CIA và Bộ Ngoại giao chỉ hữu ích khi phục vụ những ý tưởng chính trị của ông. Dưới thời ông Donald Trump, người ta từng chứng kiến các quan chức tình báo và quan chức ngoại giao cạnh tranh gay gắt để nắm quyền chỉ huy và kiểm soát chính sách đối ngoại. Bởi vậy nhiều người kỳ vọng khi một nhà ngoại giao như William Burns chính thức đảm nhiệm vị trí Giám đốc CIA, trong vòng 4 năm tới, sẽ có một bầu không khí hợp tác thiện chí giữa cộng đồng ngoại giao và tình báo của Mỹ.

Ông William Burns đóng vai trò quan trọng trong Thỏa thuận hạt nhân Iran lịch sử. Ảnh: Getty
Ông William Burns đóng vai trò quan trọng trong Thỏa thuận hạt nhân Iran lịch sử. Ảnh: Getty

Với việc Tổng thống Joe Biden lựa chọn ông Tony Blinken làm Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, nhiều người ví von cặp bài trùng William Burns và Tony Blinken với “anh em nhà Dulles của thập niên 1950”. Khi đó, dưới thời của Tổng thống Dwight Eisenhower, Allen Dulles nắm giữ vị trí Giám đốc CIA, còn John Foster Dulles là Bộ trưởng Ngoại giao. Bằng sự hỗ trợ của cộng đồng tình báo cho các chính sách ngoại giao, anh em nhà Dulles được ví những “chiến binh” giúp nước Mỹ giành lấy vị trí siêu cường số 1 thế giới thời kỳ hậu Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Giờ đây, khi bối cảnh địa chính trị thế giới đang có rất nhiều thay đổi, vị trí số 1 thế giới của Mỹ cần phải được củng cố và bảo vệ trước những thế lực mới nổi, một lần nữa, người ta chờ đợi sự “tái xuất” của “anh em nhà Dulles phiên bản 2021”, đó là William Burns và Tony Blinken.

Mới nhất

x
William Burns và sự thay đổi chiến lược với cộng đồng tình báo Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO