WTO 'tê liệt': Tranh chấp thương mại được xử bằng 'luật rừng'?

Thanh Huyền 12/12/2019 06:57

(Baonghean) - Thương mại toàn cầu đã mất đi vị “trọng tài” cuối cùng vào hôm thứ Ba (10/12) khiến các tranh chấp giữa các nước sẽ không được xét xử theo luật lệ và quy định vốn do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đặt ra. Thay vào đó, hệ thống thương mại quốc tế sẽ phải đối mặt với cái mà các nhà phân tích gọi là “luật rừng”, đồng thời kéo theo nguy cơ “toàn bộ hệ thống WTO sẽ sụp đổ”.

Quyền lực thuộc về kẻ mạnh

WTO là một trong những tổ chức quốc tế hiệu quả nhất nhờ việc xây dựng một hệ thống quy tắc cho thương mại toàn cầu và quản lý việc thực hiện các quy tắc đó. Nước Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới - trong hơn 2 thập kỷ qua cũng là bên “được lợi” rất nhiều từ thể chế này. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump lại có cách nhìn trái ngược khi cho rằng Washington chịu thua thiệt bởi những quy tắc WTO tồn tại nhiều lỗ hổng pháp lý khiến một số nước Trung Quốc được hưởng một số lợi ích nhất định.

Trong vòng 2 năm gần đây, chính quyền Mỹ luôn sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ việc bổ nhiệm và tái bổ nhiệm thành viên mới của Cơ quan Phúc thẩm WTO - đơn vị chuyên giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế. Chính vì thế trong thời gian đó, Cơ quan phúc thẩm chỉ còn ba thẩm phán, mức tối thiểu cần thiết để đưa ra phán quyết về các tranh chấp. Tuy nhiên, ngày 10/12, hai người trong số đó hết nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng. Do đó, Cơ quan phúc thẩm WTO buộc phải ngừng hoạt động và kéo theo sự sụp đổ của một cơ chế kiểm soát chính trong hệ thống thương mại toàn cầu. Nói cách khác, thương mại quốc tế đã mất đi vị “trọng tài” quan trọng.

Donald Trump cho rằng Washington chịu thua thiệt bởi những quy tắc WTO tồn tại nhiều lỗ hổng pháp lý khiến một số nước Trung Quốc được hưởng một số lợi ích nhất định. Ảnh: EPA
Donald Trump cho rằng Washington chịu thua thiệt bởi những quy tắc WTO tồn tại nhiều lỗ hổng pháp lý khiến một số nước Trung Quốc được hưởng một số lợi ích nhất định. Ảnh: EPA

Trong tương lai, nhiều tranh chấp sẽ được giải quyết bằng các cuộc đàm phán song phương".

Stephen Vaughn

Điều này cũng có nghĩa các tranh chấp thương mại lớn, bao gồm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay và các đòn áp thuế đơn phương của Mỹ lên các mặt hàng nhôm và thép của nhiều nước, sẽ không được giải quyết bởi trọng tài thương mại toàn cầu. Stephen Vaughn, người từng làm cố vấn cho Đại diện Thương mại Mỹ trong 2 năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump dự đoán, trong tương lai, nhiều tranh chấp sẽ được giải quyết bằng các cuộc đàm phán song phương, hoặc các đòn trả đũa qua lại lẫn nhau bằng thuế quan sẽ “vượt tầm kiểm soát”.

Các nhà phê bình cho rằng điều này có nghĩa là thương mại thế giới sự trở lại thời kỳ hậu chiến với rất nhiều quy định không nhất quán, và việc thành lâp ra WTO năm 1995 là nhằm mục đích khắc phục những vấn đề đó. Còn Đại sứ EU tại WTO nói rằng, cơ quan phúc thẩm WTO bị “tê liệt” có nguy cơ tạo ra một hệ thống quan hệ kinh tế dựa trên quyền lực thay vì các quy tắc. “Nó chẳng khác nào “luật rừng” trong hệ thống thương mại toàn cầu và quyền lực sẽ nằm trong tay kẻ mạnh”.

Một cuộc họp được tổ chức để thảo luận về thương mại quốc tế hồi tháng 3/2019. Ảnh: Flickr
Một cuộc họp được tổ chức để thảo luận về thương mại quốc tế hồi tháng 3/2019. Ảnh: Flickr

Việc cơ quan phúc thẩm WTO phải ngưng hoạt động là một thực tế đã được báo trước.

Thực tế, không phải đến thời Tổng thống Trump, WTO mới bị chỉ trích mạnh mẽ như vậy. Chỉ có điều với một tổng thống luôn ủng hộ cách tiếp cận độc lập về kinh tế và ngoại giao, ông Trump dường như “ác cảm” hơn cả với WTO và nhiều tổ chức đa phương khác. Việc cơ quan phúc thẩm WTO phải ngưng hoạt động là một thực tế đã được báo trước. Nó nằm trong kế hoạch vô hiệu hóa WTO mà chính quyền Trump đã dự định suốt gần 3 năm qua. Ông Trump muốn Mỹ nắm vai trò định hướng trong thương mại quốc tế, muốn ký kết các hiệp định thương mại song phương với các quốc gia khác để tận dụng ưu thế tuyệt đối từ sức mạnh của Mỹ, nhưng WTO là một trở ngại lớn đối với tham vọng của Washington. Do đó, Washington đã sửa đổi cấu trúc hệ thống thương mại quốc tế, gây ảnh hưởng tới cả hệ thống tài chính thế giới.

Làm sao để cứu WTO?

Tổng giám đốc WTO, ông Roberto Azevedo, cho biết ông dự định tham gia vào một vòng tham vấn với một số quốc gia thành viên WTO bao gồm cả Mỹ để xem có thể tìm ra giải pháp cho sự bế tắc hiện nay hay không. Trong khi đó, EU và các quốc gia khác đang nỗ lực thành lập một cơ quan phúc thẩm - bao gồm một số thành viên cũ của hội đồng phúc thẩm hiện tại - nhằm phân xử các tranh chấp thương mại trong tương lai. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời và không chắc có bao nhiêu quốc gia có thể tham gia.

Các đại biểu nói chuyện trước khi khai mạc Đại hội đồng tại trụ sở WTO tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 9/12. Ảnh: Getty
Các đại biểu nói chuyện trước khi khai mạc Đại hội đồng tại trụ sở WTO tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 9/12. Ảnh: Getty

Những nỗ lực cứu WTO đều rất quan trọng nhưng suy cho cùng, WTO có tồn tại hay không và tồn tại như thế nào cần có những chiến lược dài hơi, đặc biệt đòi hỏi một cuộc cải tổ lớn.

Bởi khách quan mà nói, với một tổ chức đã tồn tại hơn 2 thập kỷ, khi những nền kinh tế toàn cầu đã và đang có những biến chuyển không ngừng, chuyện cải cách là điều thiết yếu. Đơn cử như việc cơ chế phân loại chưa rõ ràng của WTO dẫn đến việc nhiều nước có nền kinh tế mạnh, thậm chí có mặt trong nhóm G20, nhưng vẫn tuyên bố tình trạng quốc gia đang phát triển để được hưởng các lợi ích và miễn trừ các nghĩa vụ. Ngoài ra, chức năng đàm phán của WTO tỏ ra thiếu hiệu quả do các nước thành viên gặp khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận hoàn toàn để đạt được các hiệp định mới, thay đổi luật hay trừng phạt các quốc gia không tuân thủ nghĩa vụ.

Ở một góc độ nào đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc chính quyền Mỹ “quay lưng” với các thể chế như WTO là một động thái nằm trong cuộc cạnh tranh địa chính trị - kinh tế với Trung Quốc. Điều đó có thể hiểu được khi Tổng thống Donald Trump nhiều lần lên án WTO không nỗ lực ngăn cản Trung Quốc trợ giá sản phẩm, thay vào đó lại phản đối các biện pháp của Washington nhằm ngăn hàng hóa giá rẻ tràn vào nước này. Tuy nhiên, không thể vì sự tranh chấp giữa 2 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới khiến các nước khác bị “vạ lây”.

Chính quyền Mỹ “quay lưng” với các thể chế như WTO là một động thái nằm trong cuộc cạnh tranh địa chính trị - kinh tế với Trung Quốc. Ảnh minh họa

Giữ gìn sự tồn tại của WTO vẫn phải là ưu tiên hàng đầu không chỉ vì giá trị của thể chế này hay vì sự thịnh vượng toàn cầu mà còn bởi vì nó rất cấp bách trong môi trường quốc tế toàn cầu hóa, khi những tranh chấp, căng thẳng thương mại cần phải được giải quyết dựa trên luật lệ quốc tế. Có thể thấy, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã và đang “tấn công” nhiều thể chế đa phương từ giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân đến chống biến đổi khí hậu và nay là điều tiết thương mại toàn cầu. Đó đều là những hệ thống do Mỹ là nhân tố tích cực xây dựng nên.

Rõ ràng, không phải Mỹ đang rời bỏ vai trò lãnh đạo truyền thống trong quản trị toàn cầu. Trên thực tế, những gì chính quyền Tổng thống Donald Trump đang làm là nhằm tái khẳng định sự lãnh đạo của Mỹ trong một hệ thống chỉ dựa trên sức mạnh và lực lượng, chứ không dựa trên các quy tắc được quốc tế thừa nhận. Và điều đó sẽ là bước thụt lùi đầy nguy hiểm cho thế giới.

Mới nhất

x
WTO 'tê liệt': Tranh chấp thương mại được xử bằng 'luật rừng'?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO