Thời sự

Xã hội 5.0: Công nghệ sẽ đưa con người đi đến đâu?

GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh 12/07/2024 08:59

Chúng ta vẫn thường nghe nói đến thời đại công nghệ 4.0 và xã hội 4.0. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta sẽ dần quen thuộc và thường xuyên sử dụng các cụm từ: thời đại công nghệ 5.0, xã hội 5.0. Một trong những minh chứng cho điều này là việc ấn hành cuốn sách: “Mối quan hệ 5.0 – Trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và rô bốt sẽ tái định hình đời sống cảm xúc của con người như thế nào” của tác giả Elyakim Kislev. Cuốn sách được dịch và xuất bản năm 2023 ở Việt Nam. Từ góc nhìn của Elyakim Kislev, trên thực tế chúng ta đã bước sang xã hội 5.0. Cụ thể hơn, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của xã hội 5.0 và thời điểm chúng ta đang sống là thời điểm giao thoa, đan xen giữa xã hội 4.0 và xã hội 5.0.

xa-hoi-5.0-cover.png

• 12/07/2024

Từ xã hội 1.0 đến xã hội 4.0

Dựa trên sự tiến bộ về công nghệ từ trong lịch sử cho đến nay, qua ấn phẩm “Mối quan hệ 5.0 - Trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và rô bốt sẽ tái định hình đời sống cảm xúc của con người như thế nào”, Elyakim Kislev cho rằng, lịch sử phát triển của xã hội loài người đã trải qua 5 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, hay xã hội 1.0, là xã hội săn bắt và hái lượm. Xã hội 1.0 được xây dựng trên nền tảng của công nghệ săn bắt và hái lượm. Giai đoạn thứ hai trong lịch sử của nhân loại là xã hội nông nghiệp, hay xã hội 2.0. Công nghệ canh tác định hình nên xã hội 2.0. Giai đoạn thứ ba trong tiến trình phát triển của loài người là xã hội công nghiệp, hay xã hội 3.0. Xã hội 3.0 được xây dựng dựa trên nhiều công nghệ như động cơ hơi nước, điện và các quy trình sản xuất. Giai đoạn thứ tư của lịch sử nhân loại là xã hội 4.0. Công nghệ quan trọng định hình xã hội 4.0 là máy tính, internet và điện thoại không dây.

cuon-sach-moi-quan-he-5.0.jpg
Cuốn sách: “Mối quan hệ 5.0 - Trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và rô bốt sẽ tái định hình đời sống cảm xúc của con người như thế nào” của tác giả Elyakim Kislev.

Những công nghệ đột phá (máy tính, mạng Internet và điện thoại không dây) trong kỷ nguyên thông tin đã làm nền tảng cho sự siêu kết nối giữa các cá nhân, các nhóm xã hội, các quốc gia trên toàn thế giới.

Elyakim Kislev cho rằng, xã hội 4.0, hay thời đại thông tin, bắt đầu vào khoảng giữa thế kỷ XX cho đến khoảng năm 2010. Nhân loại bước vào kỷ nguyên thông tin sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi các nhà khoa học bắt đầu đặc biệt quan tâm đến việc “lưu trữ, trích xuất, điều khiển, truyền tải và tiếp nhận thông tin theo dạng thức kỹ thuật số”. Những công nghệ này đã giúp nhân loại có những bước tiến vượt bậc trong các phương pháp giao tiếp và cách thức sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ. Nếu như trong xã hội công nghiệp, xã hội 3.0, con người chủ yếu dựa vào các phương tiện cơ khí, thì xã hội thông tin, xã hội 4.0, nhân loại đã dựa chủ yếu vào kỹ thuật số.

Nhìn một cách tổng thể, trong những thập kỷ vừa qua chúng ta đã chứng kiến và trải nghiệm nhiều đột phá công nghệ làm nên xã hội 4.0; nhưng 3 thành tựu trọng tâm của đổi mới sáng tạo đã định hình nên kiểu xã hội này là máy tính, mạng internet và điện thoại không dây. Những công nghệ đột phá này trong kỷ nguyên thông tin đã làm nền tảng cho sự siêu kết nối giữa các cá nhân, các nhóm xã hội, các quốc gia trên toàn thế giới. Những đột phá công nghệ này cũng gia tăng quá trình toàn cầu hóa lên một mức cao chưa từng có, và trong bối cảnh đó, các quốc gia ngày càng trở nên toàn cầu hóa, ngày càng trở nên đa dạng, ngày càng trở nên đa văn hóa. Đồng thời, trong bối cảnh xã hội thông tin và toàn cầu hóa ở mức độ cao, nhiều công ty trở thành những công ty đa quốc gia, tri thức có vai trò hàng đầu trong nền kinh tế, và khu vực dịch vụ đã mang lại nhiều giá trị hơn khu vực sản xuất.

Những đột phá công nghệ này cũng gia tăng quá trình toàn cầu hóa lên một mức cao chưa từng có. Ảnh minh họa
Những đột phá công nghệ này cũng gia tăng quá trình toàn cầu hóa lên một mức cao chưa từng có. Ảnh minh họa

Ba cuộc cách mạng làm nên xã hội 5.0: cách mạng nhận thức, cách mạng giác quan, cách mạng thể xác

Sau xã hội thông tin, Elyakim Kislev luận giải rằng nhân loại bước vào xã hội - công nghệ 5.0. Xã hội 5.0 dựa trên tiến bộ vượt bậc của công nghệ trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence, viết tắt là AI), công nghệ thực tế mở rộng (Extended Reality, viết tắt là XR) và rô bốt học xã hội. Elyakim Kislev nhấn mạnh rằng, xã hội 5.0 được xây dựng trên cơ sở của 3 cuộc cách mạng: Cách mạng nhận thức, cách mạng giác quan, cách mạng thể xác, cụ thể như sau.

Cuộc cách mạng nhận thức dựa trên sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Đó là việc tạo ra “bộ não giống con người trong máy móc”, tức là những cỗ máy có bộ não giống con người, những cỗ máy thông minh giống như con người. Để tạo ra những cỗ máy có bộ não thông minh giống như con người, các nhà khoa học dựa vào 3 phương pháp cơ bản. Thứ nhất, phương pháp mạng lưới thần kinh giúp tạo ra “mạng lưới thần kinh của trí tuệ nhân tạo bắt chước sự sắp xếp tinh tế của hệ thần kinh đa nhiệm trong não người bằng cách ra lệnh cho máy tính xử lý nhiều đơn vị thông tin cùng một lúc”. Thứ hai, phương pháp học sâu là cách “sử dụng các kỹ thuật điện sinh học và quang học để nghiên cứu những bản ghi cách xử lý thị giác ở một tế bào trong bộ não của động vật có vú”. Thứ ba, phương pháp học tăng cường giúp tạo ra “các mô hình tăng cường xác định nguyên nhân và hệ quả rồi ghép chúng lại với nhau thông qua các quá trình dựa trên khoa học thần kinh”.

tri-tue-nhan-tao-ai-2-3436.jpg
Hình ảnh minh họa.

Elyakim Kislev nhấn mạnh rằng, để có được những cỗ máy có trí tuệ nhân tạo giống như con người thì nhân loại vẫn còn phải đi một chặng đường xa nữa, nhưng trong tương lai các cỗ máy với trí tuệ nhân tạo sẽ như một “giống loài” mới trong xã hội loài người mà con người cần phải chuẩn bị tâm thế để chấp nhận.

Mặc dù hiện nay, cả 3 phương pháp này chưa giúp các nhà khoa học tạo ra các cỗ máy với trí tuệ nhân tạo “có thể tư duy và phản ứng giống con người”; nhưng trên thực tế máy móc dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo đã có thể làm rất nhiều hoạt động tốt hơn con người, ngay cả trong những lĩnh vực phức tạp như chẩn đoán bệnh tật hay phẫu thuật. Vì thế, Elyakim Kislev nhấn mạnh rằng, để có được những cỗ máy có trí tuệ nhân tạo giống như con người thì nhân loại vẫn còn phải đi một chặng đường xa nữa, nhưng trong tương lai các cỗ máy với trí tuệ nhân tạo sẽ như một “giống loài” mới trong xã hội loài người mà con người cần phải chuẩn bị tâm thế để chấp nhận.

Câu hỏi đặt ra là các cỗ máy với trí tuệ nhân tạo có hình thành nên mối quan hệ với con người giống như mối quan hệ giữa con người với con người không. Hiện nay, sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo đã giúp làm ra những chatbot có thể trò chuyện với con người gần giống như cách con người trò chuyện với con người. Đây là cơ sở để đi đến giai đoạn con người có thể có cảm xúc với cỗ máy có trí tuệ nhân tạo; cảm xúc của con người được cỗ máy có trí tuệ nhân tạo hiểu; và cỗ máy có trí tuệ nhân tạo có thể có cảm xúc đối với con người. Tất nhiên, công nghệ cần phải tiến xa hơn nữa thì con người mới có thể tạo ra những cỗ máy có trí tuệ nhân tạo đáp ứng nhu cầu của con người về sự gần gũi, sự đồng cảm, sự thấu hiểu; nhưng những tiến bộ theo hướng này đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Vì thế, Elyakim Kislev đặt vấn đề là: “liệu con người có thể tìm thấy sự tương đồng và đồng cảm với chatbot để rồi nảy sinh cảm giác đối với chúng tới ngưỡng xây dựng những quan hệ toàn diện và đầy đủ với chúng không”.

Robot trí tuệ nhân tạo đầu tiên của Việt Nam mang tên Trí Nhân. Ảnh: Tư liệu
Robot trí tuệ nhân tạo đầu tiên của Việt Nam mang tên Trí Nhân. Ảnh: Tư liệu

Dựa trên các khảo sát xã hội, Elyakim Kislev cho biết, nhiều ý kiến cho rằng, đây là điều không lành mạnh và nhiều ý kiến cự tuyệt xác lập quan hệ với các cỗ máy có trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, Elyakim Kislev cũng cho biết, nhiều người, nhất là trong giới trẻ, có xu hướng cởi mở về khả năng kết bạn với các cỗ máy có trí tuệ nhân tạo; và họ có xu hướng dịch chuyển sang các mối quan hệ với các cỗ máy có trí tuệ nhân tạo. Elyakim Kislev dự đoán rằng, trong tương lai khi năng lực của trí tuệ nhân tạo được phát triển và trí tuệ nhân tạo trở nên tinh tế hơn, thì tương tác giữa trí tuệ nhân tạo với con người ngày càng tự nhiên hơn; trí tuệ nhân tạo sẽ tham gia vào đời sống cá nhân nhiều hơn; xã hội ngày càng chấp nhận trí tuệ nhân tạo hơn và cách mạng nhận thức có thể làm thay đổi đời sống cảm xúc của con người.

Cuộc cách mạng thứ hai góp phần làm nên xã hội 5.0 theo quan điểm của Elyakim Kislev là cuộc cách mạng giác quan. Cuộc cách mạng giác quan dựa trên sự phát triển của công nghệ thực tế mở rộng (Extended Reality - XR). Công nghệ thực tế mở rộng bao gồm cả 3 công nghệ cụ thể như sau.

Thứ nhất, là công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR). Đây là công nghệ giúp tạo ra môi trường hoàn toàn nhân tạo. Tức là môi trường ảo. Công nghệ này được sử dụng bằng cách người dùng đeo một bộ thiết bị đeo trên đầu để “đi vào” một thế giới hoàn toàn không có thật - thế giới ảo do công nghệ tạo ra. Trong thế giới ảo này, người dùng có thể nhìn, nghe và tương tác với những nhân vật trong đó.

Công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR). Ảnh: Tư liệu
Ảnh: Tư liệu

Trong thế giới ảo này (Virtual Reality - VR), người dùng có thể nhìn, nghe và tương tác với những nhân vật trong đó.

Thứ hai, là công nghệ thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR). Đây là công nghệ giúp "tăng cường" thế giới thực bằng cách sử dụng môi trường của thế giới thực và đặt thông tin ảo lên trên môi trường của thế giới thực đó. Công nghệ này giúp tạo ra các hình ảnh ảo xuất hiện trong thế giới thực khi nhìn qua camera, giúp nâng cao thế giới thực qua nhiều yếu tố kỹ thuật số chẳng hạn như hình ảnh, văn bản, hoạt ảnh.

Thứ ba, là công nghệ thực tế hỗn hợp (Mixed Reality - MR). Đây là công nghệ làm cho các đối tượng ảo được tích hợp vào thế giới thực. Nói cách khác, công nghệ này mang đến sự pha trộn các đối tượng của thế giới thực với các đối tượng ảo. Kết quả là, trong thực tế hỗn hợp, các đối tượng ảo do kỹ thuật số tạo ra và các đối tượng của thế giới thực có thể tồn tại cùng nhau và tương tác với nhau trong thời gian thực.

Công nghệ thực tế mở rộng bao gồm hoặc kết hợp công nghệ thực thế ảo, công nghệ thực tế tăng cường, và công nghệ thực tế hỗn hợp. Công nghệ này giúp người dùng có thể “hiện thân” vào môi trường ảo, tương tác với đối tượng ảo trong thế giới thực; giúp nâng cao tất cả các giác quan, cung cấp nhiều thông tin bổ sung về thế giới thực; hoặc tạo ra những thế giới ảo hoàn toàn để người dùng có thể trải nghiệm trong thế giới ảo đó.

Di sản Huế được giới thiệu bằng công nghệ Thực tế ảo hỗn hợp MR. Ảnh: xaydung.vn
Di sản Huế được giới thiệu bằng công nghệ thực tế ảo hỗn hợp MR, mang đến trải nghiệm ấn tượng, đơn giản và dễ tiếp cận hơn cho công chúng. Ảnh: xaydung.vn

Như vậy, với công nghệ thực tế mở rộng, người dùng có thể “sống trong” một thế giới được gọi là “thực tế ảo chủ động” qua các thiết bị công nghệ. Trong thế giới này, những người dùng có thể hóa thân vào các nhân vật trong đó, hay “hiện thân số” vào các nhân vật ở trong đó để xây dựng nên đời sống trong thế giới ảo này. Trong đó, “các cư dân của thế giới ảo có thể làm quen với nhau, hẹn hò, quan hệ tình dục, yêu nhau, kết hôn và xây dựng gia đình riêng...”. Điều này đặt ra một vấn đề rất quan trọng mà Elyakim Kislev quan tâm, đó là: Con người “có thể phát triển các mối quan hệ trực tuyến” với các nhân vật trong thế giới ảo sâu sắc tương tự như các mối quan hệ giữa con người với con người ở ngoài đời thực.

Cuộc cách mạng thứ ba là cuộc cách mạng thể xác. Elyakim Kislev nhấn mạnh rằng, cuộc cách mạng thể xác dựa trên sự phát triển của ngành rô bốt học xã hội. Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển thần tốc của nhiều loại rô bốt ngày càng thông minh trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhìn một cách tổng thể, Elyakim Kislev phân loại các rô bốt thành 2 nhóm. Nhóm rô bốt thứ nhất là những rô bốt có chức năng hỗ trợ về mặt kỹ thuật và nhóm rô bốt thứ hai là những rô bốt thực hiện các chức năng liên quan đến cảm xúc. Nhóm rô bốt thực hiện các chức năng liên quan đến cảm xúc “thường được thiết kế theo diện mạo của con người”. Đây là lĩnh vực được gọi là rô bốt học xã hội. Vấn đề đặt ra là khi nào thì con người có thể tạo ra được rô bốt giống con người để con người có thể xây dựng mối quan hệ đầy đủ với rô bốt. Trên thực tế, với sự phát triển của công nghệ, việc con người tạo ra rô bốt giống như con người, với những chức năng về mặt trí tuệ và cảm xúc, ngày càng có khả năng trở thành hiện thực.

Sophia - nữ robot giống người nhất thế giới. Con robot này được thiết kế để mô phỏng hành vi xã hội, lấy cảm hứng từ tình yêu thương và lòng trắc ẩn ở con người.
Sophia - nữ robot giống người nhất thế giới. Con robot này được thiết kế để mô phỏng hành vi xã hội, lấy cảm hứng từ tình yêu thương và lòng trắc ẩn ở con người. Ảnh: Tư liệu

Rô bốt ngày càng có năng lực hành vi cơ thể để thực thi nhiều công việc đa dạng, từ “dọn dẹp nhà cửa đơn giản cho đến ôm ấp và thậm chí là quan hệ tình dục”. Elyakim Kislev còn đề cập đến khả năng đến một thời điểm nào đó trong tương lai con người “sẽ có những mối quan hệ thỏa mãn về mặt tình dục và cảm xúc với rô bốt nhiều hơn so với con người”; và thậm chí đến mức con người “thích những trải nghiệm với rô bốt hơn là trải nghiệm với con người”. Mặc dù chỉ là điều có thể trong tương lai, nhưng sự phát triển của công nghệ đang cho chúng ta nghĩ về những khả năng này.

Cách mạng nhận thức, cách mạng giác quan, cách mạng thể xác: Con người với các thực thể nhân tạo, vấn đề nhân tính và đạo đức

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, công nghệ thực tế mở rộng, và rô bốt xã hội dẫn đến hai vấn đề lớn. Vấn đề lớn thứ nhất là sự phụ thuộc của con người vào thế giới các thực thể nhân tạo mà con người tạo ra. Liên quan đến vấn đề này, nhà xã hội học Georg Simmel đã từng đưa ra luận điểm về bi kịch của văn hóa khi ông bàn về mối quan hệ biện chứng giữa “văn hóa khách quan” và “văn hóa chủ quan”. Georg Simmel hiểu “văn hóa khách quan” là tất cả những sản phẩm mà con người tạo ra; còn “văn hóa chủ quan” phản ánh năng lực của cá nhân trong việc tạo ra, hấp thu, kiểm soát các thành tố của văn hóa khách quan. Georg Simmel cho rằng bi kịch của văn hóa xảy ra khi văn hóa khách quan thống trị văn hóa chủ quan. Nói cách khác, bi kịch của văn hóa xảy ra khi ý chí và năng lực của cá nhân chịu phục tùng trước sản phẩm sáng tạo của chính mình. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, công nghệ thực tế mở rộng, và rô bốt xã hội, nhân loại sẽ tạo ra các thực thể nhân tạo rất đa dạng, các cỗ máy có trí tuệ nhân tạo, các rô bốt xã hội có trí tuệ nhân tạo, biết tư duy, biết học hỏi, có cảm xúc. Lúc đó, thực tế có thể diễn ra như tỷ phú công nghệ hàng đầu trên thế giới, Elon Musk đã nhận xét: “Nếu bạn đang xây dựng những hệ thống mạnh hơn con người, làm thế nào con người có thể duy trì quyền lực mãi mãi trên những hệ thống đó?” Vì thế, có quan điểm dự đoán rằng, một thời điểm nào đó trong tương lai rô bốt với trí tuệ siêu việt do con người tạo ra có thể tự xây dựng nhà máy để sản xuất ra một thế hệ rô bốt siêu thông minh mới. Và quy trình này cứ lặp đi, lặp lại để tạo ra những thế hệ rô bốt ngày càng thông minh. Nhiều người còn lo lắng về một thời điểm nào đó trong tương lai rô bốt thông minh sẽ có cuộc nổi dậy để chống lại con người. Tuy nhiên, đối ngược với quan điểm này nhiều người cho rằng, đó chỉ là quan niệm hão huyền vì “rô bốt chỉ có thể nhận thức chứ ý chí tự do là điều mà con người không tạo ra được ở rô bốt”. Tất nhiên, đây vẫn là vấn đề bỏ ngỏ, nhưng chúng ta cần nghĩ về điều đó vì tương lai bền vững của nhân loại.

Robot hóa các dây chuyền sản xuất Ảnh Bloomberg
Robot hóa các dây chuyền sản xuất. Ảnh: Bloomberg

Vấn đề lớn thứ hai là với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, công nghệ thực tế mở rộng, và rô bốt xã hội, chúng ta thấy những câu hỏi được đặt ra về bản chất của con người, về luân thường đạo lý theo quan điểm hiện nay của chúng ta. Giả định, đến một thời điểm nào đó trong tương lai con người có xúc cảm với những cỗ máy có trí tuệ nhân tạo. Giả định, đến một thời điểm nào đó trong tương lại, công nghệ thực tế mở rộng khiến cho con người có quan hệ và cảm xúc với những nhân vật trong thế giới ảo do công nghệ tạo ra giống như quan hệ và cảm xúc với con người trong thế giới thực; thậm chí là con người có quan hệ và cảm xúc với những nhân vật trong thế giới ảo do công nghệ tạo ra sâu sắc hơn quan hệ và cảm xúc với những người trong thế giới thực. Giả định, đến một thời điểm nào đó trong tương lai, con người có quan hệ đầy đủ với rô bốt, con người có những mối quan hệ để thỏa mãn về mặt tình dục và cảm xúc với rô bốt nhiều hơn với con người và thích những trải nghiệm với rô bốt hơn với con người. Đến thời điểm đó, bản chất của con người, bản chất của mối quan hệ giữa con người với con người sẽ bị biến đổi theo cách nào? Tức là con người có đánh mất bản chất người của mình trong mối quan hệ với rô bốt không? Con người có xu hướng coi người khác như những đồ vật không? Câu trả lời cho những câu hỏi này chỉ có ở tương lai nhưng chúng ta có quyền lạc quan như quan điểm của Elyakim Kislev rằng: Mối quan hệ với các thực thể nhân tạo “không nhất thiết chỉ liên quan đến năng lực công nghệ” mà còn “phụ thuộc vào các thông lệ xã hội và sự chấp nhận của công chúng”. Elyakim Kislev còn nhấn mạnh thêm: “Những yếu tố làm nên sự độc đáo cho giống loài đã giúp chúng ta tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử chính là khả năng tiến hóa và thích nghi với điều kiện mới”, nên chúng ta có quyền tin rằng, loài người sẽ“tìm cách thích nghi với công nghệ” để tiến vào xã hội 5.0; ở đó con người tiếp tục“phát triển thăng hoa”./.

style-nguyen-tuan-anh(1).png
Xã hội 5.0: Công nghệ sẽ đưa con người đi đến đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO