Xung quanh chuyện tìm mộ...

Tìm mộ liệt sỹ thất lạc đó là việc làm mang tính nhân văn và rất chính đáng, thể hiện sự tri ân của những người đang sống đối với các anh hùng liệt sỹ, đối với các bậc tiền bối có công với nước với dân, đối với gia tiên các dòng tộc. Và đó cũng là sự hưởng ứng tích cực đối với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong nghĩa cử thiêng liêng "uống nước nhớ nguồn". Thông qua nhiều hình thức tìm kiếm mộ liệt sỹ thất lạc, trong đó tìm mộ bằng khả năng đặc biệt đã giúp nhiều người tìm được mộ người thân. Thế nhưng, lợi dụng tâm lý này, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngày càng xuất hiện nhiều điểm tự nhận là tìm kiếm được mộ liệt sỹ. Xung quanh vấn đề này, đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau, nhưng những hệ lụy và rất nhiều vấn đề đã nảy sinh từ đó...

Kì 1: Những câu chuyện có thật


Lá đơn kiến nghị của gia đình ông Phan Sửu ở xóm 7, xã Hưng Đạo huyện Hưng Nguyên gửi đến các cơ quan chức năng cho biết: Gia đình ông có con trai là liệt sỹ Phan Trọng Trường, hy sinh ở mặt trận Gio Linh- Quảng Trị năm 1971, đến nay tròn 40 năm, nhưng do hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nên mấy chục năm qua không có điều kiện vào Nam tìm hài cốt của anh đưa về quê nhà.

Đầu năm 2011, nghe tin ở xã Nam Cát có "Trung tâm tìm kiếm mộ liệt sỹ" của cô Phan Thị Hạnh, gia đình đã đến tìm hiểu và đăng ký nhưng do số lượng người quá đông nên chờ đợi gần ba tháng mà chưa đến lượt. Đúng vào thời điểm đó, ở xóm 3, xã Hưng Đạo nổi lên một điểm khác, cũng tự đặt tên là "Trung tâm điện tâm linh" tìm mộ liệt sỹ mà người "chỉ huy" là cô Phạm Thị Thương - người tự nhận được liệt sỹ Phạm Khắc Việt "nhập vong" vào cô để tìm mộ cho các liệt sỹ khác. Gia đình ông Phan Sửu đã đến đăng ký và được cô Thương cho lập bàn thờ ở sân nhà cô để thắp hương cầu "vong" liệt sỹ Phan Trọng Trường. Sau hơn 3 ngày liên tục ngồi cầu hồn tại nhà cô Thương, đến ngày 5/5/2011, gia đình ông Sửu được cô Thương
cho đi bốc hài cốt liệt sỹ Phan Trọng Trường tại tỉnh Thừa Thiên Huế.


Nhận được "lệnh" này, gia đình ông Sửu đã về bàn nhau và thống nhất cử 6 anh em ruột cùng với 2 người nữa ở điểm của cô Thương lên đường vào Huế. Tuy nhiên, giữa đường đi, thay vì vào Huế, ông Phan Sỹ Hợp (em trai liệt sỹ Phan Trọng Trường) quyết định cho xe dừng lại ở Quảng Trị vì "giấy báo tử ghi nơi hi sinh của anh trai tôi là ở Gio Linh- Quảng Trị không thể nào hài cốt lại ở Thừa Thiên Huế được". Ngày đầu tiên vừa đến bến sông Thạch Hãn, gia đình tưởng đã tìm được mộ vì người anh bị câm bỗng dưng chỉ tay vào một ngôi mộ được xây cất cẩn thận.

Tuy nhiên, khi làm việc với chính quyền địa phương thì được chính quyền xã cho biết đây là ngôi mộ tổ đã hàng trăm năm, hiện nay có một gia đình trông coi. Chưa nguôi hi vọng, những ngày kế tiếp đó, 8 người trong đoàn đi lại không ngừng tìm kiếm. Thế nhưng, ròng rã ba đêm ngày chờ đợi, không một lần nào có "vong" về để chỉ cho gia đình biết mộ của liệt sỹ Phan Trọng Trường đang ở đâu.

Gọi điện về cho cô Thương thì được cô nói: Có thể mộ không còn nữa, bốc một nắm đất đen về cũng được và được cô Thương chú thích thêm là do gia đình "keo" quá, lúc chuẩn bị đi đưa hài cốt liệt sỹ về, "lộc" thắp hương tại bàn thờ nơi "Trung tâm điện tâm linh" ở nhà cô Thương chỉ có mấy chục nghìn đồng thì không đủ tiền để liệt sỹ ăn sáng nên liệt sỹ không "ốp vong" vào được. Nghe cô Thương nói, anh Hợp gọi điện về nhà, cô em gái ở quê "vay nóng" hàng xóm được 300.000 nghìn đồng đặt thêm lễ lên bàn thờ lập ở nhà cô Thương.


"Lúc nghe câu nói này qua điện thoại, trong lòng tôi cảm thấy bất an bởi nếu tìm thấy anh trai thì phải có xương cốt hoặc ít nhất phải có một di vật gì chớ. Lục lại cả quá trình tìm kiếm, tôi cũng thấy có nhiều điều vô lý, ví như trước khi đi tìm mộ đáng lẽ phải có sơ đồ mộ chí còn chúng tôi thì đi mông lung, chẳng biết đi đâu. "vong ốp" vào người của gia đình tôi thì lại ốp vào người anh lúc bình thường đã bị nói ngọng "có cũng bằng không" - ông Hợp cho biết thêm. Sau đó, gia đình ông đã có một cuộc hội ý khẩn cấp qua điện thoại và quyết định dừng cuộc tìm kiếm. Riêng ông Hợp, ở lại thêm hai ngày để tìm đến Ban chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị và huyện Gio Linh nhưng cũng không có kết quả. "Gần một tháng ròng rã tìm hài cốt anh trai ngoài việc phải chi phí tốn kém còn tổn hại về sức khỏe và tâm lý rất nhiều. Anh trai tôi dù không nói được, nhưng sau nhiều lần "ốp vong" tâm lý hoang mang, có biểu hiện ảo tưởng".


Chẳng riêng gia đình ông Phan Sửu, trường hợp của gia đình anh Lê Minh Phúc ở xã Lam Sơn - huyện Đô Lương đi tìm hài cốt cho bố ở điểm tìm kiếm mộ của cô Thương cũng thật trớ trêu. Tuy nhiên, lần này thay vì cho gia đình vào Nam nơi bố anh hi sinh, cô Thương lại chỉ cho gia đình anh ngôi mộ ở cách nhà cô Thương khoảng 200m để đào. Đáng tiếc, là khi gia đình đem cuốc, xẻng ra định cất bốc thì bị nhân dân ở đây giữ, không cho đào. Chứng kiến cuộc giằng co đó, anh Nguyễn Minh Đông - Trưởng công an xã Hưng Đạo- Hưng Nguyên cho biết: Chúng tôi cũng không tin vào ngôi mộ đó, vì đó là Mộ Chọ đã có ở đây lâu lắm rồi, trước thời điểm bố anh Phúc hi sinh năm 1972. Những người già ở trong thôn cũng nói trong thời kì chiến tranh ở Hưng Đạo chỉ có 4 trường hợp bộ đội hi sinh và đều được nhân dân an táng ở nghĩa trang cẩn thận.


Trường hợp 5 gia đình ở thị trấn Hưng Nguyên cùng chung cảnh ngộ, gia đình bỏ nhiều công, nhiều của để cầu vong liệt sỹ về nhưng cuối cùng đành bỏ giữa chừng vì sau nhiều ngày ngồi vong đã không có kết quả, hoặc được báo là "vong không về vì còn bận nhiều nhiệm vụ khác"(?).. Trong số đó, trường hợp của gia đình ông Hồ Sỹ Năm, 80 tuổi ở thị trấn Hưng Nguyên là một ví dụ. Sau khi đăng ký tìm kiếm mộ liệt sỹ Hồ Sỹ Cừ (con trai ông Năm) hi sinh ngày 25/7/1972 tại Quảng Nam ở điểm của cô Hạnh ở Nam Cát.

Chờ đợi không thấy gọi, gia đình ông Hồ Sỹ Năm, đã lên điểm tìm kiếm mộ của cô Lê Thị Kiều ở khối 7 thị trấn Hưng Nguyên đăng ký, xin chân hương về lập bàn thờ, gọi anh em con cháu trong nhà ngày đêm ngồi cầu. Tuy nhiên, hơn hai tuần ngồi cầu "vong" liệt sỹ không về nên gia đình không tiếp tục cầu nữa. Chi phí tốn kém hàng chục triệu đồng nhưng vẫn không được việc.


 
Hay như trường hợp của Liệt sỹ ĐXC ở xã Xuân Hoà, mặc dù gia đình đã tìm được mộ của ông đưa về nhưng hai người đồng đội của ông là ông Nguyễn Công Thành( 1949) ở xóm 11 Xuân Hoà và ông Trần Văn Thường 1945 ở xóm 9, xã Nam Anh lại không đồng tình vì theo họ thì: cả ba ông cùng nhập ngũ vào năm 1964, đến ngày 3/9/1965 lúc các ông đang trên đường vượt sông Semănghiên, tỉnh Xamakhẹt (hạ Lào) thì thuyền bị lật và ông C bị chết đuối. Chính ông Thành, ông Thường là người trực tiếp vớt xác và an táng cho ông C ở Lào. Nay không thể người chết được chôn ở Lào mà mộ lại bốc ở rừng Bình Dương được. Ông Võ Văn Kỷ ở xóm Nam Bình - xã Vân Diên- Nam Đàn cũng phản đối việc tìm mộ của đồng đội là liệt sỹ TQT vì theo ông, ông và ông T cùng nhập ngũ một đợt và đóng quân tại xã Bình Hoà, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An. Khi ông T hi sinh, ông Kỷ và một vài đồng đội khác đến tìm thì chỉ còn thấy súng và quần áo, không thấy xác nữa. Thời điểm đó, đồng đội và người dân địa phương đều cho rằng ông T đã bị cá sấu ăn mất (vì khu vực đầm lầy nhiều cá sấu). Nay gia đình Liệt sỹ T lại tìm thấy mộ ông ở tỉnh Bình Phước (cách Long An) khoảng 200km là điều vô lý...


Tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An hiện nay đang điều trị nhiều trường hợp phát bệnh "thần kinh" sau khi đi tìm mộ về. Tuy nhiên, theo bác sỹ Nguyễn Đức Toàn - Trưởng khoa bán cấp tính nữ thì "số người đến xin điều trị tại nhà đông gấp nhiều lần". Như trường hợp của bệnh nhân X thì người nhà kể rằng: Trước đây, từ nhỏ đến lớn chị X đều khoẻ mạnh, sau khi đi tìm vong liệt sỹ về thì xuất hiện tình trạng không ngủ, nói năng lảm nhảm, cười khóc vô cớ. Một bệnh nhân khác thì mình mẩy xây xát thâm tím, rơi vào hoảng loạn vì bị người nhà đánh, do trong quá trình lên đồng, vong không về nên được khuyên là "đánh cho mạnh để liệt sỹ về". Trường hợp khác thì do khi "vong" về không nói được đã phải tốn không ít tiền để mua thuốc tây điều trị cho "liệt sỹ".


Bản thân chúng tôi khi đi tìm hiểu về vấn đề này, trong vai những người thân đi tìm mộ liệt sỹ cũng đã "tự" nghĩ ratên một liệt sỹ là Hoàng Văn Hinh để đăng ký tìm hài cốt liệt sỹ tại địa điểm của cô Phạm Thị Thương ở xóm 7, xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên. Điều bất ngờ là với cái tên không có thật này, chúng tôi đã nhận được một lời khẳng định chắc chắn của cô Thương là : Cô soi thấy "vong" liệt sỹ về rồi đó, gia đình chuẩn bị tinh thần đến cầu đi!.

(còn nữa)

Nhóm PV

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.