Nét đẹp mừng thọ đầu Xuân

(Baonghean) - Mỗi năm vào dịp đầu xuân năm mới, khắp các địa phương ở huyện Quỳnh Lưu lại dấy lên phong trào tổ chức lễ mừng thọ cho các bậc cao niên, phụ lão. Cùng với tết trồng cây thì việc tổ chức lễ mừng thọ được xem là nét đẹp đầu xuân năm mới cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.

Những ngày đầu xuân, không khí đón chào năm mới Qúy Tỵ 2013 khắp nơi vẫn đang tràn ngập. Hoà chung với không khí sôi nổi, hào hứng đó là tiếng chiêng, tiếng trống cổ vũ cho lễ mừng thọ đầu xuân. Đã thành thông lệ, từ ngày mồng 6 đến ngày mồng 10 tháng Giêng hàng năm, 43/43 xã, thị trấn huyện Quỳnh Lưu lại tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ. Năm nay, lễ mừng thọ không chỉ được tổ chức tại nhà văn hoá khối xóm mà còn được tổ chức quy mô lớn tại hội trường các xã, thị trấn.

Lễ mừng thọ các cụ ở khối 11, phường Hà Huy Tập, Thành phố Vinh. Ảnh: An Vinh

Cùng với quà mừng của tỉnh, của huyện, các địa phương cũng đã trích ngân sách để mua quà tặng các cụ. Nhờ sự quan tâm đó mà phong trào hội người cao tuổi những năm gần đây đã thu được thành quả đáng ghi nhận. Số người cao tuổi đạt danh hiệu “Tuổi cao, gương sáng” chiếm trên 70%, gia đình văn hóa chiếm gần 80%. Không giấu nổi niềm hạnh phúc khi được tham dự lễ mừng thọ, ông Lê Văn Gia - hội viên Hội Người cao tuổi xã Quỳnh Hậu chia sẻ: “ Năm nay tôi tròn 70 tuổi, được tổ chức mừng thọ tôi rất phấn khởi. Tôi rất cảm ơn hội người cao tuổi và các cơ quan đã tạo điều kiện chúc mừng các cụ tuổi tròn. Đây là một việc làm rất ý nghĩa và động viên các cụ sống khỏe, sống vui, sống có ích và làm gương cho con cháu noi theo”.

Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có hơn 35 nghìn hội viên Hội Người cao tuổi, trong đó có trên 4.300 cụ tuổi từ 70 trở lên. Trong năm Quý Tỵ, toàn huyện có 38 cụ thọ từ 101 tuổi trở lên, đặc biệt có cụ Kiều Thị Nhỏ ở Thị trấn Cầu Giát thọ 113 tuổi, 33 cụ tròn tuổi 100 được nhận áo lụa của Chủ tịch nước. Dịp này, ngoài kinh phí trên 830 triệu đồng của tỉnh, huyện đã trích kinh phí 17,5 triệu đồng tặng quà cho các cụ tuổi tròn 100. Lễ mừng thọ đầu xuân được xem là nét đẹp truyền thống, thể hiện bản sắc văn hoá của dân tộc, qua đó giáo dục cho thế hệ trẻ về cách đối nhân xử thế, sự hiếu kính của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, đồng thời động viên các cụ tiếp tục phấn đấu sống vui, sống khỏe, là tấm gương mẫu mực cho con cháu.

Bà Nguyễn Thị Nhâm - Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Cứ mỗi năm vào dịp Tết đến Xuân về thì các cơ sở hội lại tổ chức mừng thọ cho các cụ. 100% người cao tuổi được tham gia lễ mừng thọ. Qua lễ mừng thọ đã tạo nên một phong trào, một khí thế sôi nổi trong cộng đồng dân cư, tạo nên một ngày hội lớn. Thông qua lễ mừng thọ đã tăng cường xã hội hóa công tác người cao tuổi để người cao tuổi phấn khởi sống khỏe, sống vui”.

Dịp Tết đến Xuân về, con cháu đi làm ăn xa quê sau một năm vất vả bộn bề với công việc lại được trở về quây quần, sum họp bên ông bà, cha mẹ. Đó là dịp thể hiện lòng hiếu kính đầy đủ, trọn vẹn nhất. Do vậy, tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ chính là một trong những nét đẹp đầu xuân năm mới.

Lê Nhung (Đài Quỳnh Lưu)

tin mới

Trần Thị Trâm.

Người mẹ được cụ Phan gọi là Quốc mẫu và chuyện chiếc khăn tay tiễn con xuất dương

(Baonghean.vn) - Một người phụ nữ nhỏ bé, được giáo dục dưới sở học và lễ nghĩa phong kiến, nhưng bằng tài hoa, khí phách và lòng yêu nước vô bờ, đã vượt qua bao gian truân để 3 lần sang Xiêm mua vũ khí cho nghĩa quân. Đó là bà Trần Thị Trâm - người được cụ Phan Bội Châu khâm phục gọi là Quốc mẫu, "Tiểu Trưng", là nữ kiệt đất Hồng Lam.
Ném pao

Bản làng người Mông nô nức vào hội ném pao

(Baonghean.vn) - Dịp đầu năm mới, khắp các bản làng người Mông ở vùng cao Nghệ An lại nô nức bước vào hội ném pao. Đây là nét đẹp trong văn hóa của cộng đồng người Mông mỗi dịp Tết đến Xuân về, đồng thời cũng là thời điểm các nam thanh nữ tú tìm hiểu nhau để nên duyên vợ chồng.
Người Mông Nghệ An

Lợn trong đời sống người Mông Nghệ An

(Baonghean.vn) - Nếu như các dân tộc khác coi việc chăn nuôi lợn là để phục vụ đời sống đồng thời mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, thì một số người Mông ở Nghệ An cho rằng lợn chỉ được dùng để giết thịt phục vụ cho các ngày lễ, Tết.
Bà Sầm Thị Vinh (áo trắng, ngoài cùng bên trái) dạy các thành viên trong CLB các làn điệu dân ca Thái. Ảnh: Chu Thanh

Người lưu giữ làn điệu dân ca Thái

(Baonghean.vn) - Đến với bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, già trẻ, trai gái trong bản không ai không biết đến bà Sầm Thị Vinh (1950), một trong số ít người “lưu giữ” được nhiều làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Thái.