Để nghề vệ sỹ phát triển đúng hướng

(Baonghean) - Năm 2005, ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ bắt đầu xuất hiện tại địa bàn Nghệ An, đến nay đã có 9 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, với gần 600 vệ sĩ. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu của xã hội, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động thì loại hình dịch vụ này vẫn bộc lộ những bất cập...

Nguyễn Bá Hùng, quê Nghi Thuận, Nghi Lộc, nhân viên của Công ty CP Dịch vụ bảo vệ INVICO, hiện làm bảo vệ cho Công ty TNHH điện tử Việt Nam - BSE tại KCN Nam Cấm, với nhiệm vụ quản lý xe ra vào nhà máy, cho biết: Sau khi đi Hàn Quốc về em xin vào làm việc ở Công ty CP Dịch vụ bảo vệ INVICO và được bố trí công việc hiện nay, mức lương 3,2 triệu đồng mỗi tháng.

Với kinh nghiệm gần 2 năm trong nghề, Hồ Thành Long, bảo vệ tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh cho rằng, để trở thành vệ sỹ chuyên nghiệp, ngoài việc chịu được áp lực cao trong công việc, cần có khả năng phản xạ nhanh nhạy trước mọi tình huống. Bởi công việc này phải đối mặt với đủ các thành phần trong xã hội, nhất là các đối tượng càn quấy, đối tượng hình sự... nên người vệ sỹ không chỉ áp dụng những kiến thức đã học mà đòi hỏi phải có vốn sống thực tế.

Về hiệu quả của dịch vụ bảo vệ - vệ sỹ, ông Phan Sỹ Thông - Trưởng phòng Quản trị Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, cho hay: Ở bệnh viện, lượng người ra vào đông, từ khi bệnh viện hợp đồng thuê lực lượng vệ sỹ bảo vệ đã hạn chế được các đối tượng trộm cắp. Vì vậy, bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân yên tâm hơn.

Công ty cổ phần dịch vụ bảo vệ INVICO tuyển dụng lao động.

Theo bà Lê Thị Huyền Nhung, phụ trách nhân sự Công ty CP dịch vụ bảo vệ - vệ sỹ Nhật Hoàng: Tiêu chuẩn để tuyển dụng bảo vệ - vệ sỹ chuyên nghiệp, nam phải cao trên 1,65m, cân nặng trên 50 kg; nữ cao trên 1,60m, nặng 45 kg; tốt nghiệp THCS trở lên, có lý lịch rõ ràng, không tiền án tiền sự, không xăm vẽ trên cơ thể, sức khỏe tốt, ưu tiên bộ đội xuất ngũ, công an phục viên, có chứng chỉ võ thuật...

Ngoài các tiêu chuẩn trên, sau khi được tuyển dụng, các học viên sẽ được đào tạo về pháp luật cơ bản, nghiệp vụ bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, nội quy, quy định của công ty, phòng cháy chữa cháy, sơ cấp cứu, sử dụng công cụ hỗ trợ... Công ty nào mạnh thì đào tạo nhiều môn, mời nhiều giáo viên từ các cơ quan chức năng đến dạy, còn không thì tự hướng dẫn, chỉ bảo lẫn nhau. Nhìn chung, hiện nay các doanh nghiệp đang tự chiêu sinh, tự đào tạo và cấp chứng chỉ, vì vậy chất lượng vệ sỹ cũng tùy thuộc vào chính doanh nghiệp! Anh N.T.B (nhân viên của một công ty dịch vụ bảo vệ X), cho biết: Tôi nộp hồ sơ sau đó họ gọi tới phỏng vấn rồi bảo cứ về nhà chờ, khi nào có việc sẽ gọi. Rồi trước khi nhận việc, tôi được chỉ dẫn nội quy mấy bữa rồi đi làm luôn chứ có đào tạo chi mô... bảo vệ thôi mà!

Trong khi đó, Nghị định 52/2008/NĐ-CP của Chính phủ ra ngày 22/4/2008 về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ đã quy định phải đảm bảo thời gian đào tạo 3 tháng mới có thể đi làm. Đây là nguyên nhân chính khiến cho chất lượng vệ sỹ, cả về đạo đức lẫn nghiệp vụ còn non kém. Từ đó dẫn đến một số trường hợp nhân viên bảo vệ có lời lẽ, cử chỉ thiếu lịch sự, thậm chí đánh người. Đơn cử như sự việc xảy ra vào 13h30 chiều 23/1/2013 tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh. Vào thời điểm trên, anh Nguyễn Đình Sỹ cùng em trai của mình vào bệnh viện để thăm anh trai bị TNGT. Khi vừa đến cửa, bảo vệ (do Bệnh viện thuê của một công ty chuyên cung cấp dịch vụ bảo vệ trên địa bàn TP Vinh) không cho vào vì đã quá giờ thăm bệnh nhân. Vì đường xa (anh Sỹ từ TP Hồ chí Minh bay ra) và quá lo lắng cho anh trai nên hai anh em năn nỉ bảo vệ cho vào thăm nhưng không được. Tại đây, hai bên xảy ra cãi vã và 4 bảo vệ của bệnh viện đã dùng dùi cui đánh hai anh em. Anh Sỹ còn bị dí roi điện vào người, sau đó còn bị còng tay và kéo ra cổng bệnh viện.

Thiếu tá Ngô Sỹ Chiến - Đội trưởng Đội Đặc doanh, Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết: Phòng có hướng dẫn địa chỉ một số trường công an nhân dân có chức năng đào tạo nghiệp vụ bảo vệ để các cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ chủ động cử nhân viên đi đào tạo. Tuy nhiên, trên thực tế số nhân viên bảo vệ được gửi đi đào tạo rất ít và cũng chỉ để đối phó trong trường hợp khách hàng yêu cầu.

Ông Lê Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty CP Dịch vụ bảo vệ INVICO thừa nhận: Ngoài các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài hiện đang hợp đồng với công ty về dịch vụ bảo vệ như Công ty TNHH điện tử Việt Nam-BSE, Công ty điện tử Em-tech... họ yêu cầu vệ sỹ phải có chứng chỉ đào tạo của các trường công an cấp, buộc công ty phải gửi nhân viên của mình đi đào tạo tại Học viện Cảnh sát, còn lại là tự đào tạo.

Cùng với chất lượng đào tạo, hiện nay loại hình kinh doanh dịch vụ bảo vệ phát triển với số lượng tương đối nhanh dẫn đến mất cân đối về cung - cầu, nên đã xảy ra hiện tượng lôi kéo nhân viên, chào giá hợp đồng bảo vệ thấp để tranh giành đối tác… giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc chi trả lương cho người lao động tại một số doanh nghiệp còn chưa kịp thời, như trường hợp Công ty TNHH bảo vệ SV... từ đó người lao động không gắn bó với doanh nghiệp, thích thì làm, không thích thì nghỉ, làm cho hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ luôn biến động về nhân sự.

Thiết nghĩ, để “nghề vệ sỹ” phát triển đúng hướng, được xã hội công nhận, các cơ quan quản lý cần kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ giúp loại hình kinh doanh này hoạt động đúng chức năng, tránh hiện tượng lạm dụng. Cùng với đó, cần có một trung tâm đào tạo chính quy để thống nhất về nội dung, phương thức đào tạo cũng như cấp chứng chỉ hoạt động chuyên nghiệp, phù hợp. Các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ cần nghiêm túc trong việc tuyển dụng, đào tạo vệ sỹ một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp. Về lâu dài, nên thành lập hiệp hội nghề nghiệp để có tiếng nói chung nhằm giải quyết các tranh chấp, cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực khá nhạy cảm này.

Bài, ảnh: Đặng Cường

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.