Bài học về sự thiếu sâu sát

(Baonghean) - Đầu tháng 6/2013, Báo Nghệ An nhận được đơn kiến nghị của hơn 60 tiểu thương chợ Nhà Đỉn, P.Hưng Dũng, TP.Vinh bày tỏ sự băn khoăn lo lắng việc UBND phường Hưng Dũng ra thông báo thanh lý, chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bàn giao quầy ốt để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. phóng viên Báo nghệ an đã tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những băn khoăn trên...

Theo ông Nguyễn Văn Dung - đại diện các tiểu thương chợ Nhà Đỉn, ngày 14/3/2013, UBND P.Hưng Dũng thông báo qua loa phát thanh: Sau khi kết thúc hợp đồng vào ngày 31/3/2013, UBND phường Hưng Dũng sẽ không tiếp tục ký kết hợp đồng với các hộ hiện đang thuê quầy ốt kinh doanh khu vực chợ Nhà Đỉn; các hộ chủ động trong việc bố trí địa điểm kinh doanh mới, giải quyết hàng hóa, bàn giao quầy ốt, mặt bằng khu vực chợ Nhà Đỉn để đến 30/4, UBND phường Hưng Dũng, UBND Thành phố Vinh tiến hành giải phóng mặt bằng thực hiện quy hoạch theo quy định.

Ông Dung nói: “Chợ Nhà Đỉn hình thành từ năm 1996 nhằm giải quyết việc làm cho những người dân bị thu hồi đất ở phường Hưng Dũng. Chợ có quy hoạch, thiết kế được cấp thẩm quyền phê duyệt, chúng tôi đã đóng góp kinh phí để xây dựng. 17 năm qua, chúng tôi đóng góp đầy đủ các loại thuế, phí và dù chợ Nhà Đỉn quy mô nhỏ nhưng đã góp phần phục vụ nhu cầu của nhân dân trong khu vực. Tại sao lại bất chấp quyền, lợi ích của chúng tôi mà thu hồi đất để cho một tổ chức kinh doanh khác?

Gặp gỡ nhiều người từng có trách nhiệm ở phường Hưng Dũng để nắm bắt thông tin tìm hiểu sự việc họ đều rất buồn với những gì chính quyền P.Hưng Dũng đã làm, đó là cách làm không tính đến nguồn gốc ban đầu, lãng quên quá khứ và không xem xét tới quyền lợi của người dân.

Ki-ốt kinh doanh tại chợ Nhà Đỉn.

Ông Nguyễn Khắc Liên - đại biểu HĐND phường, kiêm Khối trưởng khối Tân Lâm cho rằng: "Chợ Nhà Đỉn được hình thành là để tạo việc làm cho các xã viên HTX tiểu thủ công nghiệp Hưng Dũng sau khi Nhà nước thu hồi 120 ha đất (chủ yếu là đất nông nghiệp) khu vực phía Nam đường Nguyễn Sỹ Sách. Đồng thời, chợ được xây dựng với sự đóng góp kinh phí của nhân dân. Việc thu hồi đất phải có trình tự, phải công khai quy hoạch mới, tổ chức họp dân nói rõ lý do, nguyên nhân và phải có hướng giải quyết các vấn đề liên quan đến dân sau khi thu hồi đất ra sao... Không thể chỉ thông báo qua loa như vậy. Làm như vậy người dân sẽ dị nghị là có chuyện không minh bạch".

Còn ông Nguyễn Phúc Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Vinh nguyên là Chủ tịch UBND phường Hưng Dũng những năm 1996 - 1997 kể cho chúng tôi nghe khá tỉ mỉ về nguồn gốc hình thành chợ Nhà Đỉn và cơ bản giống như những gì ông Nguyễn Khắc Liên đã nói. Theo ông Toàn, năm 1995, phường Hưng Dũng và Thành phố Vinh đề xuất tỉnh cho xây dựng chợ Nhà Đỉn để tạo việc làm cho nhân dân sau khi Nhà nước thu hồi đất. "Chủ tịch UBND tỉnh bấy giờ là ông Hồ Xuân Hùng đã đồng ý về mặt chủ trương và giao cho ông Hoàng Tất Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết việc quy hoạch xây dựng chợ Nhà Đỉn. Sau đó, Phó Chủ tịch tỉnh Hoàng Tất Thắng đã có văn bản giao nhiệm vụ cho thành phố, phường Hưng Dũng và một số ban, ngành liên quan xây dựng chợ Nhà Đỉn. Hồ sơ liên quan phường Hưng Dũng đang lưu giữ" - ông Toàn nói.

Tiếp cận bộ hồ sơ liên quan đến việc hình thành và xây dựng chợ Nhà Đỉn thì thông tin từ ông Liên, ông Toàn là chính xác. Trong hồ sơ có Công văn số 08 - CV/UB của UBND tỉnh ban hành ngày 3/1/1996 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Tất Thắng ký. Tại Công văn số 08, UBND tỉnh đồng ý cho UBND P.Hưng Dũng được lập dự án đầu tư xây dựng chợ Nhà Đỉn tại khu vực phía Nam đường Phan Đăng Lưu, trong đó nhấn mạnh: "Đề nghị các ngành tạo điều kiện cho phường Hưng Dũng sớm làm xong các thủ tục đầu tư xây dựng phục vụ nhân dân và tăng nguồn thu cho ngân sách". Bộ hồ sơ này có cả bản vẽ thiết kế chợ, mặt bằng... thực hiện bởi Công ty tư vấn quy hoạch thiết kế xây dựng, được thẩm định bởi phòng Quy hoạch - Sở Xây dựng vào ngày 22/5/1996 và được Giám đốc Sở Xây dựng thời bấy giờ là ông Phan Thế Phùng ký tên, đóng dấu.

Tìm hiểu về việc đóng góp kinh phí xây dựng chợ Nhà Đỉn, việc nhân dân tham gia đóng góp kinh phí xây dựng chợ rất rõ ràng. Hiện vẫn có một số hộ giữ được hóa đơn gốc ghi rõ số tiền nộp, và lý do nộp tiền là để "xây dựng ốt chợ Nhà Đỉn" từ những năm 1997 và năm 2004. Theo đó, có 21 hộ có ki-ốt bám đường đóng góp mỗi hộ từ 5 - 7 triệu đồng vào tháng 5/1997; nhiều hộ kinh doanh đóng từ 2 - 5 triệu đồng vào năm 2004, khi UBND phường sửa sang các quầy phía trong chợ.

Biên lai thu tiền đầu tư xây dựng chợ.

Nói về phương thức thực hiện của phường Hưng Dũng, ông Hà Thanh Tĩnh - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vinh khẳng định phường đã thực hiện không đúng chủ trương của thành phố khi thông báo: "không tiếp tục ký kết hợp đồng với các hộ hiện đang thuê quầy ốt kinh doanh khu vực chợ Nhà Đỉn; các hộ chủ động trong việc bố trí địa điểm kinh doanh mới, giải quyết hàng hóa, bàn giao quầy ốt, mặt bằng khu vực chợ Nhà Đỉn". Ông Tĩnh cho biết, tại Công văn 1087/UBND.CNTM ngày 25/2/2013, UTBND tỉnh đã lưu ý "khu đất có khoảng 65 hộ dân thuê mặt bằng kinh doanh;... đảm bảo việc làm cho người dân và tránh khiếu kiện kéo dài"; tại Công văn số  584/UBND-QLĐT ngày 1/2/2013 về việc khảo sát lựa chọn địa điểm quy hoạch chi tiết dự án của Công ty cổ phần Da Vinh, thành phố đã có phương án bố trí tái kinh doanh cho các hộ tại chợ Mới phường Trường Thi trên đường Võ Thị Sáu.

Khi chúng tôi cung cấp những giấy tờ liên quan đến việc hình thành chợ Nhà Đỉn, ông Hà Thanh Tĩnh bất ngờ và khẳng định: "Nếu từ ban đầu, phường Hưng Dũng báo cáo rõ nguồn gốc của việc hình thành chợ Nhà Đỉn và quá trình đầu tư xây dựng chợ tại hồ sơ này thì mọi việc đã khác" (?!).

Theo ông Tĩnh, việc cấp thẩm quyền đồng ý cho nhà đầu tư khảo sát lựa chọn địa điểm tại khu đất chợ Nhà Đỉn được thực hiện đúng trình tự theo quy định. Theo đó, khi Công ty cổ phần Da Vinh (phải di dời khỏi khu vực Lâm viên núi Quyết vì ô nhiễm môi trường) xin khảo sát khu đất chợ Nhà Đỉn để thuê dài hạn xây dựng trụ sở làm việc và cửa hàng giới thiệu sản phẩm, UBND tỉnh đã giao các sở liên quan kiểm tra, đánh giá về tính khả thi của dự án. Sở Xây dựng đã đề nghị thành phố và phường Hưng Dũng báo cáo tình hình sử dụng đất ở chợ Nhà Đỉn.


Ngày 29/1/2013, UBND phường Hưng Dũng có Công văn số 21/UBND.ĐC trả lời Sở Xây dựng và UBND Thành phố Vinh với nội dung: "21 ki-ốt ngoài chợ được UBND phường xây dựng năm 1996. Năm 2004, phường đầu tư xây dựng các ki-ốt và mặt bằng kinh doanh trong chợ. Tài sản trên đất là tài sản của phường Hưng Dũng, do UBND phường xây dựng... ". Trên cơ sở đó, thành phố đã báo cáo Sở Xây dựng, và Sở này đã tham mưu để UBND tỉnh ban hành Công văn số 1087 có nội dung: "Về nguyên tắc đồng ý cho Công ty cổ phần Da Vinh được nghiên cứu khảo sát khu đất".

Có hai hướng giải quyết về chợ Nhà Đỉn được ông Hà Thanh Tĩnh nêu ra: Thành phố sẽ kiểm tra và báo cáo để UBND tỉnh biết nguồn gốc hình thành và quá trình đầu tư xây dựng chợ Nhà Đỉn, qua đó đề xuất tỉnh, nếu thực hiện Đề án "Quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn Nghệ An, giai đoạn 2011 - 2020" (không có chợ Nhà Đỉn) khi tổ chức giải phóng mặt bằng, thu hồi đất chợ Nhà Đỉn thì quan tâm giải quyết địa điểm kinh doanh và bù trừ lợi ích vật chất cho nhân dân; nếu không thì bổ sung vào quy hoạch chợ Nhà Đỉn và có hướng đầu tư xây dựng mới để đảm bảo ổn định kinh doanh cho nhân dân và mỹ quan đô thị...

Chợ Nhà Đỉn rộng khoảng 1200m2, bao quanh là đường Phong Định Cảng, đường Nguyễn Viết Xuân và 2 con đường khối xóm. Hiện tại, với những gì trên đó thì quả là chưa tương xứng với vị trí "vàng" của khu đất và cần có sự thay đổi.

Ngày 12/6/2013, Hội đồng tiếp dân Thành phố Vinh có Thông báo số 120/TB-UBND, trong đó giao trách nhiệm cho UBND phường Hưng Dũng phải làm rõ vấn đề nguồn gốc hình thành chợ thời điểm 1996 - 1997, hình thức đầu tư xây dựng chợ; việc quy hoạch chi tiết phường Hưng Dũng liên quan đến chợ Nhà Đỉn; phải tổ chức họp, phát phiếu thăm dò để lấy ý kiến các hộ dân đã và đang kinh doanh tại chợ Nhà Đỉn.


Theo ông Nguyễn Như Hải - Chủ tịch UBND phường Hưng Dũng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố tại Thông báo số 120, ngày 25/6/2013, phường đã có báo cáo, trong đó nêu rõ nguồn gốc hình thành chợ như nội dung Công văn số 08 của UBND tỉnh; hình thức đầu tư chợ Nhà Đỉn là từ ngân sách phường (3 phần) và huy động nhân dân đóng góp (7 phần), và khấu hao sau 5 năm... Từ ngày 1/1/2003 đến nay, sau khi hết tiền khấu trừ, phường ký hợp đồng với các hộ kinh doanh theo phương thức từng năm một, nên đất và tài sản tại chợ Nhà Đỉn thuộc phường quản lý. Về việc lấy ý kiến, 67/67 hộ kinh doanh đề nghị không thu hồi chợ.


Khi được hỏi về quy trình thực hiện, ông Hải công nhận chính quyền phường Hưng Dũng đã nóng vội...

Bài, ảnh: Nhật Lân

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.