Dấu tích Lương Điền

(Baonghean) - Làng Lương Điền nổi tiếng trong sử cận đại huyện Thanh Chương, bởi đây là địa danh gắn với tinh thần yêu nước, cách mạng và khoa bảng, tiêu biểu có dòng họ Đặng của cụ Đặng Thai Mai - nhà văn hóa lớn ở thế kỷ XX. Nhưng Lương Điền đang dần như chỉ còn là một không gian ước lệ, một tên gọi có phần mơ hồ đối với hậu sinh...

Qua đò Phuống đến Thị tứ Phuống xã Thanh Giang, muốn hỏi đường vô Lương Điền thì nên hỏi đường đến UBND xã Thanh Xuân hay đường vô nhà thờ họ của cụ Đặng Thai Mai thì mới có nhiều người biết. Vậy mà mới quãng giữa thế kỷ trước thôi, Lương Điền còn là một địa giới hành chính trùm lên hầu hết các xóm dân cư vùng trung tâm xã Thanh Xuân nay; kể cả các hộ dân sau mở trại tạo làng mới  sâu trong dãy Thiên Nhẫn, dưới chân dãy Trường Sơn ven đường Hồ Chí Minh cũng đều là tách khẩu từ Lương Điền. Nói về truyền thống đấu tranh bất khuất thì đất Lương Điền là nơi cụ Phan Đình Phùng chọn xây dựng đồn Nu, tại đó vào năm 1893, tướng quân Cao Thắng và rất nhiều người con làng Lương Điền đã ngã xuống trong một trận đánh không cân sức với quân đồn trú Pháp. Nói về sự học, thì Lương Điền cũng là làng có truyền thống của tổng Bích Hào hạ, huyện Thanh Chương thời còn thuộc Pháp.

Người già nhất ở Thanh Xuân nay cho biết đời cha ông họ cũng chỉ được nghe kể lại gốc tích chợ Đàng ở Thanh Xuân, thì chợ ấy tuổi cũng phải tính bằng hàng thế kỷ và như thế hàng thế kỷ trước làng phải thịnh lắm thì chốn thâm sơn cách lụy đò giang này mới họp thành cái chợ nên danh chợ Đàng như thế. Chợ Đàng bây giờ đã được xây cất, nằm ở trung tâm xã Thanh Xuân cũng thuộc đất Lương Điền xưa. Ấy nhưng khi ghé vào chợ Đàng ăn sáng, hỏi chị hàng cháo rằng đã đến Lương Điền chăng; chị vẫn xuýt xoa mưa thế sớm thế, ăn xong làm “đọi” chè chát cho ấm bụng rồi vô Lương Điền (ý chị là vô xóm Xuân Liên – nơi có các di tích liên quan đến gia tộc cụ Đặng Thai Mai; và nhiều người dân Thanh Xuân giờ cũng chỉ dẫn như thế).

Nhà thờ họ Đặng và nhà lưu niệm cụ Đặng Thai Mai ở xã Thanh Xuân.

Theo trục đường rải nhựa xuyên xã Thanh Xuân đi tiếp vô, thấy bên trái đường có một biển chỉ dẫn đọc chữ được chữ mất “Di tích văn hóa cấp tỉnh: Nhà thờ họ Đặng và Nhà lưu niệm danh nhân Đặng Thai Mai – 700m). Giữa chừng mưa nên con đường cấp phối vô chốn thôn ổ đã sủi bùn từ ổ gà, ổ voi và lạo xạo sỏi bởi nền đường cứ nhũn ra. Làng gần mà thấy xa xăm, hóa chập chờn những gì nghe được, đọc được về một một xóm Cửa Trộ trù phú, náo nhiệt bậc nhất Lương Điền bắt đầu từ thời cụ Huyện Đặng khai khoa. Cái không gian Lương Điền trong tình cảm, tâm thức đại bộ phận người dân bản địa bây giờ chỉ còn ở một cái xóm Xuân Liên nơi có nhà thờ họ Đặng và nhà lưu niệm cụ Đặng Thai Mai.

Phát tích họ Đặng ở Lương Điền thì sử sách bây giờ đều ghi và giới học giả phần đa đều biết. Đất Lương Điền trước có 5 dòng họ lớn: họ Nguyễn Quang, họ Nguyễn Cảnh, họ Chu, họ Bùi và họ Đặng. Họ Đặng tuy không phải là họ đông nhất nhưng chính nhờ các tên tuổi lớn của người họ Đặng mà người nơi khác biết đến tên làng Lương Điền. Người họ Đặng - Lương Điền phát tích từ cử nhân Đặng Thai Giai (tức Đặng Thai Hài), làm quan tri huyện thời Tự Đức, người làng quen gọi là cụ Huyện Đặng. Chi cành cụ Huyện Đặng con cháu học hành đỗ đạt từ tú tài đến phó bảng. Trong thời kỳ cận đại, nhiều người con của dòng họ Đặng ở đây đã tham gia các phong trào yêu nước chống lại ách cai trị của thực dân Pháp và tay sai. Đã có hơn chục người họ Đặng ở Lương Điền thoát ly gia đình đi theo con đường cứu dân, cứu nước. Trong đó, có ba người trở thành danh nhân xứ Nghệ, của đất nước: Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thúc Hứa (con cụ Huyện Đặng) và Đặng Thai Mai (là con của Đặng Nguyên Cẩn,  gọi Đặng Thúc Hứa là chú ruột).

Tộc trưởng dòng họ Đặng ở Lương Điền, anh Đặng Thai Hà là cán bộ chính sách xã Thanh Xuân, có phần phân vân khi dẫn tôi vào thăm nhà thờ họ. Tôi chợt hiểu ngay cái phân vân đó của anh khi vượt lên con dốc đầy cỏ dại bò qua cái cổng xộc xệch, phủ dày khoảnh đất rộng cỡ 3 sào để bao vào giữa gồm ngôi nhà thờ họ được tôn tạo và nhà ở của cụ Huyện Đặng được phục dựng lại để làm nhà lưu niệm cụ Đặng Thai Mai. Theo lời anh Hà thì có lẽ chứng tích thực nhất cho một dòng họ làm nổi danh Lương Điền là cây tùng hàng trăm năm tuổi đã mấy lần mưa bão dập đổ, rồi được dựng lại vẫn “kiên cường” xanh tốt trước nhà thờ.

Nhà thờ họ Đặng – Lương Điền có nhà thượng và nhà hạ. Ban thờ đơn sơ đặt hai bức ảnh nhỏ của cụ Đặng Nguyên Cẩn và phu nhân (song thân của cụ Đặng Thai Mai), còn vách mái đều đã mối mọt và mục nát. Ngôi nhà lưu niệm cụ Đặng Thai Mai do mới được đầu tư phục dựng sau này, nhưng cũng đã bắt đầu nhuốm màu hoang phế, các gian đóng im ỉm không có hiện vật gì, chỉ gian giữa có ban thờ với bức ảnh, tượng đồng cụ Đặng Thai Mai, và kế bên là bộ tràng kỷ, tất cả cũng đều bụi phủ. Thật không thể không quan ngại về thực trạng xuống cấp, hoang lạnh của một di tích cấp tỉnh, nhà lưu niệm của một nhà văn hóa lớn, nguyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam.

Ông Đặng Bá Hiên, 75 tuổi, được coi là một trong những người già nhất bây giờ ở xóm Xuân Liên, có cụ cố là anh em thúc bá với cụ Đặng Nguyên Cẩn, cắt nghĩa “lương” là tốt lành, “điền” là ruộng; Lương Điền là ruộng tốt. Mở nghĩa ra nữa là người cày ruộng cũng phải xứng là một lương dân! Ông Hiên khù khụ ho rồi nói: “Xóm này được coi là “cốt lõi” của làng Lương Điền xưa. Ấy nhưng các “lương dân” Xuân Liên bây giờ bỏ ruộng, bỏ làng vô núi sâu cày trại hết. Xóm còn người già và con nít, buồn buồn là!... “.

Theo ông Hiên thì lần về quê cuối cùng của cụ Đặng Thai Mai là vào năm 1953, khi cụ đang đương chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hóa. “Ông về, suốt 3 tháng chỉ nằm đọc sách, thỉnh thoảng lại ngồi bất động vẻ suy nghĩ rất lung lắm; rồi ông đi... Sau đó là bắt đầu chương trình cải cách ruộng đất!...”. Nhà văn hóa Đặng Thai Mai ra đi lần ấy, để rồi công việc Chính phủ đã cuốn cụ đi mãi đến cuối đời không một lần về lại được nơi chôn nhau cắt rốn... Phỏng đó cũng là một sự hy sinh lớn lao của một người con ưu tú đất Lương Điền.

Tộc trưởng Đặng Thai Hà cho biết thêm, người họ Đặng - Lương Điền phần lớn ra đi và thành đạt trên khắp cả nước và ở nước ngoài nhưng cũng ít tìm về; còn lại ở rải rác khắp xã Thanh Xuân với hơn 30 hộ và 120 đinh hầu hết là cày ruộng. Mọi người cũng quan tâm, lo lắng cho các di tích gắn với dòng họ lắm, nhưng đang “lực bất tòng tâm” vì hoàn cảnh khó khăn. Nay dòng họ Đặng đang làm tường trình về tình trạng xuống cấp của di tích nhà thờ họ để xin kinh phí tu sửa...

Khai khoa phát tích khoa bảng, sự học và định danh một xứ Lương Điền là cụ Huyện Đặng vốn được sinh ra, lớn lên ở xóm Cửa Trộ xưa, Xuân Liên nay, nằm trọn trên địa thế ngọn đồi hình con rùa. Khu đất hương hỏa dòng họ Đặng nằm giữa đỉnh mai rùa. Năm 1976, hợp tác xã mở đường tránh lụt từ đầu “rùa” vắt qua đỉnh đi cắt ngang một phần khu đất nhà thờ ấy của dòng họ Đặng. Trong cái “hư” của những sự cắt nghĩa địa linh, chúng tôi đã gắng tìm hiểu và xác định một cái “thực”: Sau thời điểm mở đường tránh lụt ấy, con cháu dòng họ Đặng – Lương Điền bắt đầu rời quê tản mác dần, người gốc xóm Xuân Liên nói riêng cũng ít ổn định được nơi chôn nhau cắt rốn.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch xã Thanh Xuân – ông Nguyễn Khánh Thành cho biết: “Thanh Xuân có hai ngôi trường tiểu học và THCS mang tên cụ Đặng Thai Mai. Căn cứ tình hình thực tế hiện nay, địa phương xác định, quê nghèo Thanh Xuân chỉ có đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, quan tâm việc học hành của con em để đi ra mới mong thực sự thành đạt, có khả năng cống hiến cho đất nước và trợ giúp quê hương phát triển. Tấm gương hiếu học và lòng yêu nước của các bậc tiền bối dòng họ Đặng, đặc biệt là của cụ Đặng Thai Mai luôn được chúng tôi nhắc nhở, động viên phát huy đối với các em học sinh xã nhà...

Bài, ảnh: Đình Sâm

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

(Baonghean.vn) - Năm 2024, lễ hội du lịch Cửa Lò hướng đến quảng bá các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất và con người Cửa Lò đến du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Cửa Lò sẽ tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Thị xã Cửa Lò.