Báo động xuất ngoại chui

(Baonghean) - Ở huyện Tương Dương, hiện có hơn 1 ngàn phụ nữ rời bản đi làm ăn xa, trong đó, đa phần đi lao động chui. Người tự nguyện đi sang làm công nhân, người bị lừa bán làm vợ cho người nước ngoài nhưng tất cả đều ẩn chứa những hậu quả xã hội khó lường.

Chúng tôi đến bản Quang Phúc, xã Tam Đình, huyện Tương Dương vào một ngày cuối tháng 3. Trời nắng dịu, không khí bản làng của đồng bào Thái khá trầm lắng. Dưới chân những nếp nhà sàn cổ, nhiều phụ nữ tụm năm, tụm bảy bồng con ngồi nói chuyện, chỉ trỏ, tò mò vì sự xuất hiện của những vị khách lạ.

Vào nhà ông Lô Văn Tăng, Trưởng bản Quang Phúc, hỏi về chuyện phụ nữ bản Quang Phúc rời bản đi làm ăn, ông Tăng thở dài ngao ngán rằng trong bản có 5 phụ nữ bỏ đi. “Nghe nói là họ đi Trung Quốc làm thuê nhưng không ai báo cáo với thôn bản, chúng tôi muốn nắm tình hình mà họ không cung cấp”, ông Tăng cho biết. Được sự giúp đỡ của cậu con trai ông Tăng, hiện là phó bí thư đoàn xã, chúng tôi tìm đến nhà chị Lương Thị Hiền, 32 tuổi. Dáng người cao, tóc ép thẳng và đôi bàn tay móng nhuộm đen đang vuốt chiếc điện thoại cảm ứng to khiến cô nổi bật hơn so với những sơn nữ khác.

Theo lời kể, chị Hiền đã có chồng con và làm được một ngôi nhà trệt ở trong bản nhưng sau đó, chồng chị nghiện ma túy, xách hàng trắng phải vào tù. Để trang trải cho những khoản nợ của chồng, chị Hiền đã phải vay tiền của ngân hàng rồi lâm vào khó khăn, không có khả năng chi trả. Cuối năm 2011, nghe theo lời rủ rê của một số người trong huyện, chị Hiền gửi con cho bà ngoại, bán tất cả những thứ có giá trị trong nhà vay mượn được 10 triệu đồng để đưa cho “cò” rồi bắt xe xuống ngã 3 Diễn Châu. Sau đó, chị được đón bằng xe khách chạy thẳng ra Móng Cái và vượt biên sang Trung Quốc.

Có lẽ vì nhiều tuổi và kém nhan sắc nên Hiền không phải đi làm vợ cho người khác mà được vào làm công nhân ở một xưởng sản xuất bột mì với mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2014, vì nhớ con, chị Hiền xin trở về nước. Khi tiếp xúc với chúng tôi, chị Hiền tỏ ra dè dặt, không cung cấp thêm các thông tin về người đưa đi, cách thức vượt biên mà chỉ nói thêm rằng: “Nhiều người sang đó được đưa đi làm vợ mà không phải làm công nhân”. Hỏi chị có sang Trung Quốc nữa hay không, chị cho biết ở nhà khổ quá, không có việc chi làm thì vẫn tiếp tục đi.

Gia đình anh Lô Văn Dương ở bản Quang Phúc, xã Tam Đình.
Gia đình anh Lô Văn Dương ở bản Quang Phúc, xã Tam Đình.
Ở cách nhà chị Hiền khoảng 50 mét là nhà của anh Lô Văn Dương - anh họ của chị Hiền. Cả gia đình đang quây quần bên mâm cơm trưa dọn muộn. Bé trai 3 tuổi, trắng bụ bẫm tỏ ra lạ lẫm với câu chuyện bằng tiếng Thái của người thân. Anh Dương cho biết, đó là cháu ngoại của mình “Nó chưa hiểu tiếng Việt nhiều đâu, vì nó sinh ra ở Trung Quốc, là người Trung Quốc đó”. Anh Dương cho biết thêm, cách đây 4 năm, con gái anh là Lô Thị Hải (SN 1987) bị kẻ xấu dụ dỗ bán sang Trung Quốc và phải làm vợ cho một gia đình người đàn ông nghèo, có bệnh nói ngọng rồi sinh ra cháu bé.
Bẵng đi một thời gian không nhận được tin tức gì của con, cách đây 5 tháng, Hải mang con trai về, nói là nhờ ông bà ngoại nuôi rồi nhanh chóng rời bản, tiếp tục đi sang Trung Quốc. Từ đó đến nay, Hải không liên lạc về nhà, mọi việc chăm sóc cháu bé đều do vợ chồng anh Dương đảm nhận. “Cũng thương con, thương cháu nó lắm. Khi ra đi còn con gái, bị lừa bán giờ đã có chồng, có con với người Trung Quốc rồi, không biết bên đó nó sống ra sao. Chỉ mong con nó trở về làm lụng nuôi cháu thôi”, anh Dương thở dài. Gia đình mới chỉ đặt tên cháu là Nhật, chưa làm thủ tục khai sinh vì không biết bố nó tên là gì, không biết lớn lên nó sẽ ra sao, sẽ mang quốc tịch nước nào,…  
Ở bản Quang Thịnh hiện có rất nhiều phụ nữ rời khỏi địa phương. Anh Quang Văn Hải, công an viên kiêm phó bản cho biết, trước tình trạng quá nhiều phụ nữ trong bản bỏ đi không rõ lý do, không đăng ký, chuyển tạm trú, tạm vắng. Vào giữa tháng 3 vừa qua, ban cán sự bản đã tổ chức họp dân, yêu cầu các gia đình có người bỏ đi khai báo. Đến nay, theo số liệu mà người dân cung cấp thì cả bản có 37 phụ nữ rời khỏi địa phương, trong đó có 15 người đi Trung Quốc. “Tất cả đều là đi chui, không thông báo với ban cán sự bản và chính quyền địa phương”, anh Hải khẳng định.
Rời xã Tam Đình, chúng tôi đến xã Tam Quang. Bản Tam Bông nằm yên bình bên con khe mùa cạn nước. Trưởng bản Trần Văn Tiến cho biết, cả bản có 200 hộ thì có đến 103 hộ nghèo và cận nghèo. Từ xưa đến nay, người dân trong bản sống dựa vào việc đốt nương, làm rẫy, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Rất nhiều thanh niên trong bản đi khắp nơi làm thuê. Sau Tết Giáp Ngọ, lượng người bỏ đi khỏi bản làm thuê tăng lên rất nhiều. Hiện nay có khoảng 30 – 40 người đang đi làm ăn ngoài bản, chủ yếu là phụ nữ. Ban quản lý bản cũng không nắm được là đi nước nào, làm nghề gì. “Chúng tôi cũng cố gắng thống kê, nắm tình hình nhưng tất cả các gia đình có người rời khỏi bản đều muốn dấu thông tin, một số không biết được là con cái, người thân của mình đang đi đâu, làm gì”, anh Trần Văn Tiến cho biết. Cụ ông Lô Văn Khắm (81 tuổi) cho biết: “Từ 4 tháng nay, cô con dâu Lương Thị Lưu (SN 1978) cũng bỏ lại đứa con đang học phổ thông để đi làm ăn. Ông Khắm cũng không biết là con dâu đi đâu.
Con trai đã qua đời. Dù đã tuổi cao, sức yếu nhưng vì thương cháu, ông Khắm phải cáng đáng mọi việc trong gia đình. Anh Trần Văn Quý, Công an thường trực xã Tam Quang cho biết, tình trạng người dân bỏ đi không rõ địa điểm, đi lao động chui sang Trung Quốc đã rộ lên trong thời gian gần đây, lực lượng công an xã phối hợp với chính quyền bản tìm cách vận động, tuyên truyền người dân không nên đi chui vì vừa nguy hiểm, dễ bị lừa bán, nếu gặp nạn sẽ không có quyền lợi gì, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, họ vẫn cố tình trốn đi. Đầu năm 2014, qua nắm tình hình biết được việc một số phụ nữ sẽ rời bản đi Trung Quốc, chính quyền xã đã báo với huyện, cắt cử lực lượng công an xã, công an viên thường trực đến vận động từng nhà không nên đi. Đến nửa đêm, 17 phụ nữ trong bản bí mật nhờ người chở xe máy xuống đến địa phận huyện Con Cuông đón xe bỏ đi. Hiện nay, cả xã Tam Quang đang có 63 người đi Trung Quốc và không ai nắm rõ những người này đang làm nghề gì, sống ra sao ở nước bạn. 
Theo tìm hiểu, tình trạng phụ nữ ở Tương Dương bỏ bản làng đi Trung Quốc, Lào, Thái Lan xuất hiện từ khoảng 2 – 3 năm trở lại đây. Nếu như ở các xã như: Yên Na, Yên Hòa, Nga My, Yên Tĩnh, Lưu Kiền thường đi Thái Lan thì ở các xã: Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái lại có nhiều người đi Trung Quốc. Năm 2013, cả huyện có 1558 người đi làm ăn xa, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái. Hầu hết số này đều đi chui, không làm các thủ tục xin tạm vắng, tạm trú, không cắt hộ khẩu, hộ tịch,… Sau Tết Giáp Ngọ, tình trạng phụ nữ và trẻ em gái rời bản tiếp tục xảy ra. Trước thực trạng trên, vào cuối tháng 3 vừa qua, Công an huyện Tương Dương đã tổ chức thống kê, phân loại các đối tượng rời khỏi địa phương đi nước ngoài trái phép. Hiện nay, theo kết quả sơ bộ, toàn huyện có 1.216 người đi làm ăn xa. Trong đó có 476 người đi Trung Quốc, 178 người đi Lào, hơn 60 người đi Thái Lan và 464 người đi làm ăn ở các tỉnh bạn. Tất cả những người này đều đi chui.
Ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, đã có những bi kịch gia đình xảy ra khi chị em bỏ đi hoặc bị lừa bán đi Trung Quốc, nhiều chị em bỏ chồng, nhiều gia đình khác không biết vợ, con mình đi đâu. “Tình trạng này gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, gây xáo trộn về an ninh trật tự và chắc chắn sẽ để lại những hậu quả xã hội như bệnh tật, các mầm mống truyền đạo trái phép, các loại văn hóa phẩm đồi trụy ở nước ngoài mang về các bản làng đang yên bình”, ông Vi Tân Hợi khẳng định.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng phụ nữ bỏ làng bản đi làm ăn ở nước ngoài là do nhận thức pháp luật hạn chế, cộng với đó là đời sống kinh tế khó khăn. Trong khi đó các loại tội phạm mua bán người hoạt động ngày càng tinh vi. Nếu như trước đây, các đối tượng mua bán người thường trực tiếp về địa phương để tìm người thì nay các đối tượng thường sử dụng điện thoại, mạng xã hội để liên lạc về bản, rủ rê chị em. Chỉ cần đồng ý thì bắt xe xuống Quốc lộ 1A rồi bắt xe khách sang Cửa khẩu Móng Cái sẽ có người tổ chức vượt biên. Nhiều chị em cho rằng “Đi Trung Quốc dễ hơn đi miền Nam”. 
Thượng tá Hồ Trọng Năm, Phó trưởng công an huyện Tương Dương cho biết, để tránh tình trạng chị em bị kẻ xấu dụ dỗ, lừa phỉnh, công an huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho người dân, thành lập 2 câu lạc bộ phụ nữ phòng chống mua bán người ở xã Nga My và Yên Hòa. Năm 2012, chính quyền huyện đã phối hợp lực lượng Biên phòng và Công an tỉnh Lạng Sơn tổ chức giải cứu thành công 1 phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ. Mới đây, công an huyện cũng phối hợp bắt giữ hai đối tượng Ngân Thị Thông (SN 1979) và Lô Thị Phương Sa (SN 1992) ở bản Tam Bông, xã Tam Quang về hành vi mua bán người,… Ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục có các biện pháp nhằm nâng cao trình độ, nhận thức cho các cán bộ quản lý ở xã và thôn bản, nhất là nghiệp vụ quản lý hộ tịch, hộ khẩu, quản lý lao động, đồng thời quan trọng nhất là tuyên truyền cho chị em hiểu được những hiểm nguy của việc đi chui ra nước ngoài và có các biện pháp để từng bước nâng cao đời sống kinh tế, xã hội của người dân nhằm hạn chế dần hiện tượng chị em bỏ bản làng ra đi.
Chia tay núi rừng Tương Dương, chúng tôi lo lắng khi nghĩ đến hình ảnh cháu bé người Trung Quốc đang ngơ ngác tập nói tiếng Thái ở gia đình anh Lô Văn Dương, đến những số liệu thống kê về số chị em của huyện đã rời bản làng ra đi. Phía sau những con số ấy là một tỷ lệ tương tự những người chồng đang mất vợ, những người con xa mẹ, những đứa em phải xa chị, những gia đình bi kịch,… kéo theo những hệ lụy khôn lường.
Nguyên Khoa

tin mới

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

(Baonghean.vn) - Năm 2024, lễ hội du lịch Cửa Lò hướng đến quảng bá các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất và con người Cửa Lò đến du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Cửa Lò sẽ tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Thị xã Cửa Lò.

Xu hướng du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5 ở Nghệ An

Xu hướng du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5 ở Nghệ An

(Baonghean.vn)- Biến động giá vé máy bay khiến xu hướng du lịch trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay ở Nghệ An ít nhiều có thay đổi. Theo đó, những tour đường bộ, điểm đến gần được nhiều du khách lựa chọn để tham quan, trải nghiệm trong kỳ nghỉ.