Đừng làm ảnh hưởng nét đẹp văn hóa truyền thống dòng họ

(Baonghean) - Vừa qua, Báo Nghệ An nhận được đơn của 25 hộ dân, thuộc tổ dân cư số 1, xóm Quyết Thành, xã Diễn Bích (Diễn Châu) phản ánh: Đường dân sinh của xóm có cách đây 30 năm, đột nhiên, ngày 11/4/2014, trưởng tộc họ Đậu huy động con cháu dùng gạch đá xây bịt lại rồi chuyển 4 ngôi mộ đã yên vị hàng trăm năm ra chôn cất trên tuyến đường... Sự việc đã được người dân phản ánh lên các cấp chính quyền, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Tìm về xóm Quyết Thành, nơi xảy ra sự việc người dân phản ánh, trước mắt chúng tôi là con đường rộng chừng 3m chạy giữa khu dân cư với ngổn ngang gạch, đá, đổ vỡ từ bức tường bị đập, ngay giữa đường là 4 ngôi mộ nằm án ngự. Xe máy, xe đạp, kể cả người đi bộ, mỗi khi qua lại buộc phải đi sát chân các ngôi mộ. 
Đường đi của người dân thuộc tổ dân cư số 1, xóm Quyết Thành bị cản trở  bởi 4 ngôi mộ của dòng họ Đậu.
Đường đi của người dân thuộc tổ dân cư số 1, xóm Quyết Thành bị cản trở bởi 4 ngôi mộ của dòng họ Đậu.
Bà con nơi đây cho biết, suốt 30 năm qua, họ đi lại trên tuyến đường dân sinh dài 30m, rộng 3m, nối thẳng vào trục đường chính. Đây là tuyến đường phục vụ việc đi lại của người dân xóm Quyết Thành, hơn thế, còn là con đường thoát hiểm vào mùa mưa bão. Tuy nhiên, ngày 11/4/2014, một số con cháu họ Đậu dưới sự chỉ huy của Trưởng tộc Đậu, Tuấn Huy (SN 1951, xóm Hải Trung, cán bộ hưu trí) chở đá, cát, xi măng đến xây bịt đường không cho người dân qua lại. Không thể chịu được sự ngang ngược này, các hộ dân xóm Quyết Thành xô đổ bờ tường, giải tỏa vật liệu lấy lại đường đi. Đáp lại, họ Đậu lập tức khai quật 4 ngôi mộ nằm ở mảnh đất phía bên kia chuyển đến chôn cất trải dài trên mặt đường... 
Bà Hồ Thị Liên, Tổ trưởng khu dân cư số 1, bức xúc: 4 ngôi mộ của họ Đậu nằm ngay giữa đường khiến cho việc đi lại hết sức khó khăn, việc thồ hàng hóa của bà con bị cản trở, tối đến, bà con, nhất là các cháu học sinh sợ hãi không dám qua đây. Ông Cao Thanh Thủy, Xóm trưởng xóm Quyết Thành, cho hay: Xóm Quyết Thành có 25 hộ dân và 125 nhân khẩu. Suốt 30 năm qua, đây là con đường chính để con em trong xóm đến trường đi học, bà con ngày ngày chạy chợ... Vì vậy, không thể để như thế này được, cần sớm trả lại con đường như cũ để bà con đi lại được thuận tiện.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Hồng, cán bộ địa chính xã Diễn Bích cho biết: Là con cháu họ Đậu, nhưng tôi không đồng tình với hành động này của dòng họ. Bởi trước khi ông Đậu Tuấn Huy được cấp đất tại thửa số 55, tờ bản đồ số 4 (thửa đất nằm cạnh con đường đi lại của tổ dân cư số 1, xóm Quyết Thành lâu nay - P.V) với diện tích 510m2, trong đó, đất xây dựng nhà thờ 200m2, đất vườn 310m2, theo đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất ngày 11/11/1997 do ông Đậu Tuấn Huy là Tộc trưởng thay mặt họ Đậu đăng ký kê khai, thì tại đây đã tồn tại con đường. Từ sự việc này, địa chính xã về đo đạc cho thấy thực tế diện tích thửa đất mà ông Đậu Tuấn Huy đang sử dụng hiện nay tăng lên 713m2 (đất trong bìa là 510m2), không kể con đường đi lại lâu nay của xóm. Vì vậy, không thể nói con đường này nằm trong diện tích được cấp cho ông Huy.
Được biết, sau khi sự việc xảy ra, Chủ tịch UBND xã Diễn Bích lập tức yêu cầu đình chỉ việc xây dựng trái phép, mời ông Huy cùng hội đồng gia tộc lên trao đổi, vận động và lập Biên bản số 12 về việc “Vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”, đồng thời ra Quyết định số 28 về “Xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai”, cùng Quyết định số 29 về “Đình chỉ hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”, Thông báo số 06 về việc “Tháo dỡ công trình vi phạm” có hiệu lực đến ngày 12 - 13/4/2014. Tại thông báo ghi rõ “Qua thời gian trên, nếu Hội đồng gia tộc không chấp hành thì chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, hết thời hạn theo thông báo, nhưng sự việc vẫn không có gì thay đổi. Đến ngày 16/4/2014, UBND xã Diễn Bích đã báo cáo sự việc lên huyện. Theo đó, UBND huyện Diễn Châu đã có công văn yêu cầu Phòng TN&MT, Phòng Công Thương kiểm tra, tham mưu Chủ tịch UBND huyện phương án xử lý.
Ngày 17/4/2014, đoàn Thanh tra của huyện Diễn Châu đã về xã Diễn Bích xác minh sự việc. Đến ngày 21/4/2014, Phòng TN&MT, Phòng Công Thương có báo cáo “Về việc lấn chiếm đường giao thông đi lại của thôn xóm để xây lăng mộ tại xã Diễn Bích”. Báo cáo nêu rõ: “Việc họ Đậu ở xóm Quyết Thành, xã Diễn Bích ngăn đường, xây mộ là sai, bởi vì Bản đồ 364 của xã tại thửa đất số 55, tờ bản đồ số 4 có thể hiện đoạn đường. Đường dân sinh của xóm đã có từ lâu (khoảng năm 1984). Theo Bản đồ 364 lập năm 1992, thửa đất số 55, tờ bản đồ 04 được cấp bìa đỏ cho ông Đậu Tuấn Huy, Trưởng tộc họ Đậu từ tháng 12/1997, diện tích 510 m2, trong đó 200m2 đất nhà thờ, 310m2 đất vườn, trong sổ mục kê số 01 thể hiện ở trang 2 cũng thể hiện như vậy. Sự việc xảy ra không phải vì họ Đậu không có nơi mai táng mà còn mang màu sắc tâm linh của dòng họ Đậu. Vì vậy, đề nghị UBND xã Diễn Bích tuyên truyền, vận động để dòng họ Đậu tự tháo dỡ công trình trái phép. Nếu không chấp hành thì tổ chức lực lượng tháo dỡ, chuyển các ngôi mộ về nơi quy định”. 
Từ ngày ra thông báo vi phạm đến nay gần 3 tháng, nhưng dòng họ Đậu cũng như chính quyền địa phương không thực hiện thêm động thái nào. Lý giải cho sự việc này, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Diễn Bích, cho biết: Từ trước tới nay, dòng họ Đậu luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Nhưng việc làm của họ Đậu lần này là không đúng. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề tâm linh, nên hiện nay xã đang tích cực tuyên truyền, vận động để Hội đồng gia tộc họ Đậu tự di dời. Cùng với đó, xã đã có kế hoạch cưỡng chế nếu trong thời gian tới, gia tộc họ Đậu không chịu di dời. Song, trước khi ban hành kế hoạch cưỡng chế, xã sẽ xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của huyện, đồng thời, xin bổ sung thêm lực lượng. 
Như vậy, trước tiên có thể thấy việc họ Đậu tự ý dùng gạch, đá xây tường rào, đưa các ngôi mộ ra xây chắn lối đi lại của bà con tổ dân cư số 1, xóm Quyết Thành là sai. Vì vậy, trên cơ sở tuyên truyền, vận động, UBND huyện Diễn Châu cần nhanh chóng trực tiếp chỉ đạo UBND xã Diễn Bích thực hiện biện pháp cưỡng chế để sớm trả lại con đường cho người dân đi lại, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Về phía gia tộc họ Đậu, cần nhận thức rõ việc làm sai trái của mình, bởi trên thực tế, tại thời điểm ông Đậu Tuấn Huy có đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất với diện tích 510m2 vào ngày 11/11/1997, tiếp đó là Giấy chứng nhận QSDĐ được cấp cho ông Đậu Tuấn Huy vào 12/12/1997, thì tại đây đã có con đường. Vì vậy, không có lý do gì để họ Đậu cho rằng con đường nằm trong phần đất của mình. Chính vì vậy, cách tốt nhất là họ Đậu cần tự giác di dời các ngôi mộ, thể hiện nếp sống văn hóa truyền thống của dòng họ, đảm bảo vệ sinh môi trường trong cộng đồng dân cư, như vậy mới không làm ảnh hưởng tới nơi yên nghỉ của những người đã khuất như hiện nay.
Bài, ảnh: Quảng An

Luật sư Nguyễn Trọng Hải, Trưởng Văn phòng luật sư Trọng Hải & Cộng sự thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An, cho biết: Thể hiện tâm linh là quyền của mỗi công dân, tuy nhiên nó phải phù hợp với quy định của pháp luật. Việc một hay nhiều cá nhân lấy tư cách đại diện dòng họ để thực hiện những hành vi nói trên không những đi ngược lại với quy tắc ứng xử bình thường của cuộc sống, mà còn vi phạm quy định của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng.

Vì vậy, việc cơ quan có thẩm quyền kết luận việc “Lấn chiếm đường giao thông đi lại của thôn xóm để xây lăng mộ” là vi phạm quy định về quản lý và sử dụng đất cũng như buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép là kịp thời, đúng pháp luật. Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 về “Quản lý và sử dụng nghĩa trang” và Thông tư số 02/2009/TT-BYT “Hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hoả táng” đã quy định rất cụ thể: Thi hài, hài cốt khi mai táng phải được mai táng trong các nghĩa trang... Vì vậy, để tôn trọng quyền lợi hợp pháp của cộng đồng và quy định của pháp luật, những người trong dòng họ Đậu nên tự nguyện chấp hành và tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

tin mới

Trần Thị Trâm.

Người mẹ được cụ Phan gọi là Quốc mẫu và chuyện chiếc khăn tay tiễn con xuất dương

(Baonghean.vn) - Một người phụ nữ nhỏ bé, được giáo dục dưới sở học và lễ nghĩa phong kiến, nhưng bằng tài hoa, khí phách và lòng yêu nước vô bờ, đã vượt qua bao gian truân để 3 lần sang Xiêm mua vũ khí cho nghĩa quân. Đó là bà Trần Thị Trâm - người được cụ Phan Bội Châu khâm phục gọi là Quốc mẫu, "Tiểu Trưng", là nữ kiệt đất Hồng Lam.
Ném pao

Bản làng người Mông nô nức vào hội ném pao

(Baonghean.vn) - Dịp đầu năm mới, khắp các bản làng người Mông ở vùng cao Nghệ An lại nô nức bước vào hội ném pao. Đây là nét đẹp trong văn hóa của cộng đồng người Mông mỗi dịp Tết đến Xuân về, đồng thời cũng là thời điểm các nam thanh nữ tú tìm hiểu nhau để nên duyên vợ chồng.
Người Mông Nghệ An

Lợn trong đời sống người Mông Nghệ An

(Baonghean.vn) - Nếu như các dân tộc khác coi việc chăn nuôi lợn là để phục vụ đời sống đồng thời mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, thì một số người Mông ở Nghệ An cho rằng lợn chỉ được dùng để giết thịt phục vụ cho các ngày lễ, Tết.
Bà Sầm Thị Vinh (áo trắng, ngoài cùng bên trái) dạy các thành viên trong CLB các làn điệu dân ca Thái. Ảnh: Chu Thanh

Người lưu giữ làn điệu dân ca Thái

(Baonghean.vn) - Đến với bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, già trẻ, trai gái trong bản không ai không biết đến bà Sầm Thị Vinh (1950), một trong số ít người “lưu giữ” được nhiều làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Thái.