Khoảng trống trong bảo tồn nhà cổ

(Baonghean) - Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay vẫn còn hàng trăm ngôi nhà cổ. Đó không chỉ đơn thuần là nơi sinh sống của mỗi gia đình mà còn là nơi bồi đắp, tích tụ văn hóa và thể hiện rõ sự sáng tạo trong kiến trúc, nghệ thuật sống giao hòa, cộng cảm với thiên nhiên của người Nghệ An...  Tuy nhiên, hiện nay, nếu không có chiến lược bảo tồn, gìn giữ kịp thời thì chẳng bao lâu, nhà cổ ở tỉnh ta sẽ dần vắng bóng.
Ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Thức Hiền.
Ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Thức Hiền.
Giá trị văn hóa - lịch sử
Lâu nay, các công trình nghiên cứu văn hóa đã xếp vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh thuộc vùng văn hóa đồng bằng Bắc bộ; do đó, dễ hiểu là so với các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng Bắc bộ, đặc điểm kiến trúc nhà cổ ở Nghệ An không có quá nhiều sự khác biệt. Nhà cổ ở Nghệ An thường có ba gian hai hồi hoặc năm gian hai hồi, mái rộng thoáng mát, có nhiều lớp cửa, có hiên, có liếp che chắn được tổ chức chặt chẽ, hài hòa với các công trình phụ trợ như nhà ngang, bếp, sân vườn, giếng nước, hàng cau, cây cổ thụ… 
Một trong những ngôi nhà cổ mà chúng tôi tìm đến là nhà của ông Nguyễn Thức Hiền ở xóm 15 xã Nghi Trường (Nghi Lộc). Từ con đường bê tông liên xóm rẽ vào nhà, chúng tôi như lạc không gian của một làng quê nông thôn Việt Nam xưa, với sân gạch đỏ, hàng cau dẫn vào một ngôi nhà 5 gian, 2 hồi được lợp bằng ngói âm dương. Chủ nhà, ông Nguyễn Thức Hiền cho biết: “Vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ông nội ông đã mua nguyên căn nhà bằng gỗ lim này ở xã Nghi Xuân. Căn nhà ban đầu lợp tranh, sau khi được dỡ về dựng lại ở xã Nghi Trường mới được lợp lại bằng ngói vảy”. Nhà có 16 chiếc cột tròn, đường kính mỗi chiếc cột trên dưới 20 cm, phía trước nhà thưng bằng gỗ. Phía trong ngôi nhà, mỗi góc xà, đường hạ được chạm trổ hết sức tinh xảo. Ngôi nhà mang đặc trưng kiến trúc dân gian Nghệ An và được xem là 1 trong 7 ngôi nhà cổ đẹp nhất của tỉnh. Không những có giá trị về mặt kiến trúc, ngôi nhà này còn có những giá trị nhất định về mặt lịch sử. Những năm đầu thế kỷ 20, ngôi nhà này từng là nơi tá túc cho một số học trò của nhà nho yêu nước Nguyễn Thức Tự. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ngôi nhà này còn là nơi các đơn vị bộ đội trú chân khi hành quân qua đây. Hiện nay, ngôi nhà được sử dụng làm nhà thờ của dòng đại tôn Nguyễn Thức. 
Ngôi nhà của ông Đinh Viết Lan ở khối 5, Thị trấn Đô Lương cũng được xem là một trong những ngôi nhà cổ có giá trị trên địa bàn tỉnh. Ngôi nhà được xây dựng cách đây hơn 200 năm, được thiết kế toàn bộ bằng gỗ lim, kiến trúc 3 gian, 2 hồi, 16 cột, tất cả được làm bằng 13 khối gỗ. Mái nhà được chạm trổ hình rồng, lợp ngói vảy âm dương. Ông Lan cho biết, ngôi nhà trước đây là nơi để các văn nhân về họp hành, sinh hoạt, làm thơ…, còn hiện nay nó vẫn được sử dụng để ở. 
Anh Nguyễn Mạnh Hà – cán bộ phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết): “Theo tiêu chí của ngành bảo tồn di tích, để được gọi là nhà cổ dân gian thì phải có các yếu tố cơ bản: trên 100 tuổi và có phong cách kiến trúc dân gian truyền thống. Cho đến nay, vẫn chưa có thống kê chính xác trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu ngôi nhà đáp ứng yêu cầu đó, nhưng theo ước tính toàn tỉnh có hơn 100 nhà cổ, tập trung ở các huyện Nghi Lộc, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Yên Thành… Trước đây, phần lớn những ngôi nhà cổ Nghệ An được gìn giữ với ý thức giữ lại nếp nhà của tổ tiên lưu truyền. Về sau, chủ nhân các ngôi nhà cổ ý thức được rằng, ngoài giá trị tình cảm thiêng liêng của dòng tộc, việc gìn giữ nhà cổ còn có ý nghĩa về mặt văn hóa, là tài sản chung của cộng đồng do tổ tiên truyền lại.
Chi tiết trần nhà cổ.
Chi tiết trần nhà cổ.
Khoảng trống trong bảo tồn
Qua tìm hiểu thực tế, dễ dàng nhận thấy rằng vấn đề bảo tồn nhà cổ hiện vẫn là môt khoảng trống trong công tác bảo tồn di sản của tỉnh. Chúng ta thường chú ý nghiêng hẳn vào các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh có tính cộng đồng cao gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo và các nghi lễ hàng năm như đình, chùa, đền, miếu…, còn nhà cổ dân gian truyền thống là loại hình di sản văn hóa chưa được quan tâm. Chị Nguyễn Thị An – cán bộ Trung tâm VH – TT huyện Nghi Lộc cho biết: “Nguồn ngân sách của huyện, ngành chỉ đủ để tu bổ các di tích đã xếp hạng. Còn đối với nhà cổ của các gia đình, chúng tôi mới chỉ có thể đến tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn” – chị An cho biết.
Cũng do “khoảng trống” trong vấn đề bảo tồn nhà cổ nên đến nay, nhiều ngôi nhà cổ tồn tại một cách lặng lẽ, rồi cũng biến dạng, thậm chí biến mất lặng lẽ. Như ngôi nhà của anh Đặng Khắc Long ở xóm 14 xã Nghi Thuận (Nghi Lộc), được xây dựng từ năm 1902, có 3 gian, 2 hồi, được xây dựng bằng gạch bản, lợp ngói vảy, phía trên xà, rui, mè cũng được chạm khắc “Long – Ly – Quy – Phượng” rất tinh tế. Tuy nhiên, qua thời gian, ngôi nhà xuống cấp dần, gia chủ không có đủ điều kiện kinh tế để bảo tồn ngôi nhà theo nguyên trạng, nên đến giờ các chi tiết cổ của ngôi nhà như mái ngói, tường, vách, một số thanh xà… đều phải thay thế bằng vật liệu thường. “Trong thời gian tới, có lẽ gia đình phải dỡ ngôi nhà để xây dựng nhà kiên cố hơn chứ không thể giữ mãi thế này” – anh Long tâm sự. 
Ông Nguyễn Thức Hiền – chủ ngôi nhà cổ nổi tiếng ở xã Nghi Trường cho biết: “Chục năm nay, hết đoàn này đến đoàn nọ, có cả nước ngoài cũng đến để khảo sát, đo đạc, rồi nói về chuyện trùng tu, tôn tạo nhưng cũng chỉ nghe vậy chứ chưa thấy có động thái gì cụ thể về chuyện bảo tồn, tôn tạo cả. Tôi sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà này, cố giữ đến ngày nào hay ngày đó, hư thì sửa, dột thì vá, cũng chẳng hy vọng hay chờ đợi gì chuyện bảo tồn đâu, nhà mình thì mình tự sửa lấy thôi. Giữa tháng 4/2014 vừa qua, con cháu dòng họ đã đóng góp hơn 600 triệu đồng để tu sửa lại ngôi nhà!”. 
“Đoàn nước ngoài” mà ông Hiền nhắc tới ở đây là một đoàn khảo sát của Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản). Từ năm 1997, Cục Di sản Văn hóa phối hợp với Trường đại học Nữ Chiêu Hòa - Nhật Bản và các cơ quan hữu quan triển khai dự án: "Điều tra nhà ở dân gian truyền thống ở Việt Nam", và Nghệ An là 1 trong 12 tỉnh của cả nước, 4 tỉnh miền Trung được chọn thực hiện đề tài. Hơn 5.000 ngôi nhà có giá trị cao đã được khảo sát đo vẽ và lập hồ sơ chi tiết. Riêng nhà ở dân gian truyền thống Nghệ An qua đợt điều tra đã chọn ra 7 ngôi nhà tiêu biểu lập hồ sơ chi tiết ở các huyện Nghi Lộc, Đô Lương, Hưng Nguyên, Nam Đàn... Năm 2004, cũng có một dự án khảo sát chi tiết về hệ thống nhà cổ ở Nghệ An của Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn thuộc Bộ Xây dựng thực hiện. Có thể nói, những dự án này đã bước đầu mở ra một hướng tu bổ và bảo tồn nhà cổ dân gian truyền thống Việt Nam nói chung, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, về phía tỉnh đến nay vẫn chưa có một kế hoạch tổng thể nào đối với việc khảo sát, đánh giá và bảo tồn di sản nhà cổ  và chưa có một nhà cổ dân gian truyền thống nào được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Do đó, nhà cổ vẫn thuộc quyền sở hữu tư nhân và việc bảo tồn các công trình kiến trúc cổ này hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức cũng như khả năng kinh tế của từng gia đình.
\Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Hùng – Phó Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh cho biết: “Nhà cổ Nghệ An khá nhiều, số lượng nhà cổ có giá trị lên con số hàng trăm, nhưng lại phân bố rải rác khắp mọi thôn xóm. Do vậy, giải pháp tu bổ, bảo tồn kiến trúc nhà cổ ở Nghệ An tốt nhất cần theo hướng xã hội hóa. Chủ nhân những ngôi nhà cổ, những người đang sống và sử dụng di sản văn hóa là những thành viên then chốt trong các hoạt động bảo tồn. Vai trò của họ cần được thừa nhận và khuyến khích trong quá trình hoạch định, thực hiện và giám sát hoạt động trên. Các chủ sở hữu cần được khuyến khích sử dụng các kiến thức và khả năng truyền thống để chăm lo thường xuyên ngôi nhà cổ của mình. Bên cạnh đó, cần khuyến khích và ủng hộ sự tham gia tự nguyện và tích cực của người dân và các tổ chức trên cơ sở phối hợp với chính quyền các cấp để gắn bảo tồn nhà cổ với khai thác du lịch. Trong thời gian tới, cần tu bổ, phục dựng nguyên bản một số ngôi nhà cổ tiêu biểu nhất để bảo tồn lâu dài và giới thiệu khách tham quan du lịch về đặc trưng văn hóa vùng Nghệ An như một số tỉnh đã làm”. Hy vọng giải pháp xã hội hóa trong tu bổ, bảo tồn nhà cổ sẽ được các cơ quan, ban ngành, các cấp chính quyền và nhân dân hưởng ứng phối hợp chặt chẽ để gìn giữ và phát huy tốt nhất loại hình di sản này.  
Minh Quân

tin mới

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

(Baonghean.vn) - Sáng 27/3, tại thủ đô Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân và Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”.

Lao động may Nghệ An

Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

(Baonghean.vn) - Năm 2023, công tác giải quyết việc làm của Nghệ An tiếp tục vượt chỉ tiêu kế hoạch khá cao. Tuy nhiên, việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa chặt chẽ; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp...

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

(Baonghean.vn) - Mua hải sản tươi sống ngay khi thuyền vừa cập bến, ghé tay đẩy thuyền cùng ngư dân, dõi mắt nhìn ngư dân nhanh tay gỡ những con cá, con ghẹ trên mắt lưới; thưởng thức món cá nướng thơm lừng ngay bên bếp than nơi bến cá… là những trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Cửa Lò.

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Lê Văn Lương - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An.

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

(Baonghean.vn) - “Trước đây, để tìm đến và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi thường phải về tận các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa. Nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ cần đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, ở đó luôn có những bệnh nhân khổ nhất, những con người cần hỗ trợ nhất”.

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ngày 24/3, tại xã Châu Kim (Quế Phong) đã diễn ra Hội thi quăng chài lần thứ nhất năm 2024. Đây là hoạt động nhằm duy trì và phát triển nghề chài của địa phương cũng như góp phần làm phong phú thêm các hoạt động trong Lễ hội Đền Chín Gian năm 2024.

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

(Baonghean.vn) -  Xây dựng đường giao thông, tổ chức bữa cơm yêu thương, tặng quà cho học sinh khó khăn… là những hoạt động của đoàn viên thanh niên xã Na Ngoi và các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về màu áo xanh tình nguyện nơi biên cương Tổ quốc.

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, tại thành phố Nha Trang, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Indonesia năm 2024". Hội nghị là hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia.