Đền Bạch Mã - Nét đẹp văn hóa một vùng quê

(Baonghean) - Huyện miền núi Thanh Chương dẫu chưa có những lễ hội thực sự quy mô, nhưng các lễ hội trên địa bàn được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn thu hút nhiều du khách gần xa. Một trong những lễ hội lớn và quan trọng là lễ hội Đền Bạch Mã được tổ chức trong các ngày 9, 10/2 âm lịch hàng năm...
Rước kiệu tại Lễ hội đền Bạch Mã.	 Ảnh: Duy Hưng
Rước kiệu tại Lễ hội đền Bạch Mã. Ảnh: Duy Hưng
Đền  Bạch Mã  nằm trên địa bàn thôn Tân Hà xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, cạnh con đường lớn nối đường Hồ Chí Minh về quê Bác, cách cầu Rộ về phía Tây khoảng 3km. Theo truyền thuyết và đền phả, thì đền Bạch Mã được lập để thờ danh tướng Phan Đà, người thôn Chí Linh thuộc xã Võ Liệt, là một trong những người có công lớn và hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân Minh ở thế kỷ XV. 
Lễ rước trong Lễ  hội Đền Bạch Mã
Lễ rước trong Lễ hội Đền Bạch Mã
Tri ân công lao của Phan Đà, sau ngày đất nước sạch bóng quân xâm lược, vua Lê Thái Tổ đã truy phong ông là “Đô Thiên Đại Đế Bạch Mã Thượng Đẳng Phúc Thần”, cho lập đền thờ và liệt vào hàng “Điển lễ Quốc tế” - nghĩa là lễ tế theo nghi thức nhà nước do quan triều đình làm chủ tế. Về sau các triều đại phong kiến đã tiếp tục sắc phong hơn 100 đạo sắc và gia phong Phan Đà là Thượng Thượng Thượng Đẳng tối tinh tôn thần. Theo Đền phả và truyền thuyết của người dân địa phương, từ xa xưa đền Bạch Mã nổi tiếng linh thiêng. Người, xe qua đây kể cả quan lại cũng phải dừng lại cất mũ nón vái lạy, người dân có điều gì khó khăn, oan ức  đều đến làm lễ xin được phù hộ giúp đỡ. Có nhiều câu chuyện kể về việc thần đền đã giúp đỡ người dân xã Võ Liệt vượt qua nhiều trận thiên tai, giặc dã. 
Vật cù - môn thể thao dân gian tại lễ hội Đền Bạch Mã.	 Ảnh: Mai Hoa
Vật cù - môn thể thao dân gian tại lễ hội Đền Bạch Mã. Ảnh: Mai Hoa
Không những nổi tiếng linh thiêng, Đền Bạch Mã còn là một công trình kiến trúc có giá trị lịch sử văn hóa. Công trình gồm có tam quan, nghi môn, thượng điện, trung điện, hạ điện, tả vu và hữu vu. Có tam quan ngoài gồm 2 cổng chính và 1 cổng phụ được liên kết với nhau bằng 1 mảng tường chính và hệ thống cột nanh, cột trụ. Bề mặt thân trụ trang trí rồng, cá vượt vũ môn, cá hóa rồng. Mặt trước các bức tường đắp nổi hình voi chiến, ngựa chiến, hổ. Phía trước cổng được đắp hình 2 voi chiến và 2 quản voi, hai bên mặt đối diện cột nanh ghi 2 câu đối được dịch là “Trời  rung đất chuyển công lao vĩ đại, triều đình khen thưởng khí sắc phong. Nước biếc non xanh, chuông thật linh thiêng, vũ trụ khua vang yên cảnh phúc”. Đây là đôi câu đối  nhằm ca ngợi cảnh đẹp và sự linh thiêng của đền Bạch Mã, đồng thời ca ngợi công lao to lớn của vị thần Phan Đà. 
Qua tam quan ngoài, đến tam quan trong là cửa thứ 2 của đền, còn gọi là nghi môn gồm: Chính môn, hữu môn và tả môn kiến trúc kiểu cửa vòm 2 lầu, mặt đối diện cửa chính đắp nổi tượng quan văn, quan võ. Hai nhà của nghi môn và hạ điện tạo thành khuôn viên bao quanh sân đền. 2 nhà này dùng làm nơi tiếp khách và để các đồ dùng trước khi hành lễ. Trong mỗi nhà có một  ngựa và một cỗ xe ngựa với 1 ngựa bạch,1 ngựa hồng. Tiếp đến là nhà hạ điện nằm giữa sân đền, được xây dựng khá công phu gồm 2 tầng chồng diêm 8 mái, nhà có 4 cột gỗ mít cấu tạo suốt cho 2 tầng, cột vuông thành sắc cạnh. Nhà hạ điện được dùng làm nơi hành lễ của du khách, chính giữa nhà đặt một khán thờ, trên các bờ mái bờ nóc là hình lưỡng long triều nguyệt, các đầu đao cong vút tăng thêm vẻ đẹp cổ kính cho ngôi đền. Sau nhà hạ điện là trung điện, phía trước đóng cửa bàn khoa, phía sau để trống thông với nhà thượng điện, 2 hồi thưng ván, nhà có rất nhiều đồ tế khí tập trung ở gian giữa.
Đứng từ xa có thể thấy mặt trước nhà trung điện giống như một bức tranh muôn màu muôn vẻ, toàn bộ cửa, thân cột, mặt tiền, các vì kèo được chạm trổ rất tinh vỉ, trang trí các con vật trong tứ linh, tứ quý. Tất cả các đồ thờ bằng  gỗ đều được sơn son thiếp vàng rực rỡ. Theo đền phả, nhà trung điện thờ các Âm binh, Âm tướng của nghĩa quân Lam Sơn, những nghĩa sỹ đã chiến đấu và hy sinh trên đất Thanh Chương. Khác với hạ và trung điện,  nhà thượng điện xây dựng kiểu trùng thềm điệp ốc, theo kiến trúc đền chùa Việt Nam – đây là nơi thờ Phan Đà và 2 vị thần linh ứng trong địa phương nhưng không rõ lai lịch. Ở đây chúng ta có thể thấy rất nhiều đồ tế khí quý hiếm, tất cả được chạm trổ công phu tỷ mỷ sơn son thiếp vàng rực rỡ với nhiều hình thức phong phú đa dạng. Trần nhà thượng điện, gian giữa làm bằng gỗ sơn đen... 
Hội thi người đẹp Lễ hội đền Bạch Mã
Hội thi người đẹp Lễ hội đền Bạch Mã
Có thể nói, với những gì còn gìn giữ được cho đến hôm nay, đền Bạch Mã là một chứng tích hùng hồn thể hiện khí phách và những đóng góp quan trọng của một vị tướng, của những con người và một vùng đất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; thể hiện sự tài hoa của các bậc tiền nhân và thể  hiện sự tôn trọng của nhà nước phong kiến đối với những người đã có công khai quốc; thể hiện lòng ngưỡng mộ của các thế hệ nhân dân đối với một con người  đã được coi như thần thánh. Đền Bạch Mã vì vậy là  ngôi đền đẹp và linh thiêng nổi tiếng ở Nghệ - Tĩnh. Từ xưa đã có câu “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”… Với những giá trị như vậy, ngày 24/3/1994 Bộ Văn hóa - Thông tin đã có Quyết định số 226 xếp hạng Đền Bạch Mã là “Di tích lịch sử văn hóa - Kiến trúc nghệ thuật”. 
Từ khi được xếp hạng di tích cấp quốc gia, đền Bạch Mã thường xuyên được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí để tu sửa, tôn tạo nhằm bảo vệ và phát huy tốt giá trị. Đặc biệt từ năm 2001 đến nay, Sở Văn hóa - Thông tin đã cùng huyện Thanh Chương khôi phục lễ hội, gọi là Lễ hội đền Bạch Mã. Sau nhiều năm được tổ chức vào mùa Hè, từ năm 2007 lễ hội được chuyển sang  mùa Xuân, phù hợp với mùa lễ hội chung của mọi miền và đúng với lễ Tế Hiệp đã được tổ chức tại Đền như trước đây. Lễ hội đền Bạch Mã nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân và tưởng nhớ công đức của các bậc tiền bối có công xây dựng và bảo vệ cương vực lãnh thổ nước Việt Nam, là hoạt động văn hóa tâm linh lành mạnh, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng và nhu cầu tham quan các di tích lịch sử văn hóa của người dân.
Lễ hội đền Bạch Mã năm 2015 diễn ra trong các ngày 9, 10/2 âm lịch với 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức  trang nghiêm thành kính gồm lễ Khai quang, Lễ thắp hương phần mộ Phan Đà, Lễ rước, Lễ Yết cáo, Lễ mít tinh, Lễ tế thần, Lễ tạ. Riêng Lễ rước có sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân rước ngai thần Phan Đà từ đền về Phủ Ngoại - nơi thờ cúng cha mẹ ông. Khi đoàn rước đi qua các thôn đều nghênh tiếp trang nghiêm và làm lễ bái tạ.
Phần hội được tổ chức song song gồm các trò chơi dân gian như: Chọi gà, cờ thẻ, cờ người, vật cù, kéo co, ném còn, bắn nỏ, thả diều và các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền; các hoạt động văn hóa văn nghệ như “Làng vui chơi làng ca hát”, thi người đẹp lễ hội, giao lưu văn nghệ giữa các xã trong huyện và sự tham gia của các huyện bạn. Lễ hội đền Bạch Mã là lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, đã và đang được người dân đón đợi và đánh giá cao. Mặt khác việc khôi phục và phát huy Lễ hội đền Bạch Mã còn là điều kiện để giao lưu, hội nhập giữa xã Võ Liệt nói riêng, huyện Thanh Chương nói chung với mọi miền đất nước. Bởi như một sự trùng hợp ngẫu nhiên: Đền Bạch Mã nằm cạnh đường Hồ Chí Minh về quê Bác, gần tuyến đường Hồ Chí Minh và đường cửa khẩu Thanh Thủy - Nậm On, một vùng đất núi non hùng vĩ với nhiều công trình hồ đập và rừng nguyên sinh. Đền Bạch Mã cũng nằm gần đình Võ Liệt, một di tích lịch sử nổi tiếng khác với kiến trúc độc đáo, giá trị như một Văn Miếu, là nơi thành lập chính quyền Xô Viết đầu tiên và duy nhất trong cao trào Cách mạng 1930 - 1931.
Không còn được hưởng đặc ân là “Cả nước cùng thờ” (Điển lễ quốc tế), nhưng với sự chỉ đạo của sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, sự đầu tư công sức và kinh nghiệm qua nhiều năm tổ chức, lễ hội năm nay đang hứa hẹn nhiều thành công mới. Đến Lễ hội đền Bạch Mã là đến với một địa danh có 2 di tích văn hóa cấp quốc gia, nơi “gánh trầu quế vào chèo, cô gái hóa thành thơ”, đến với quê hương “Cô gái Sông Lam”, một trong những cái nôi của cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Trần Đình Hà

tin mới

Trần Thị Trâm.

Người mẹ được cụ Phan gọi là Quốc mẫu và chuyện chiếc khăn tay tiễn con xuất dương

(Baonghean.vn) - Một người phụ nữ nhỏ bé, được giáo dục dưới sở học và lễ nghĩa phong kiến, nhưng bằng tài hoa, khí phách và lòng yêu nước vô bờ, đã vượt qua bao gian truân để 3 lần sang Xiêm mua vũ khí cho nghĩa quân. Đó là bà Trần Thị Trâm - người được cụ Phan Bội Châu khâm phục gọi là Quốc mẫu, "Tiểu Trưng", là nữ kiệt đất Hồng Lam.
Ném pao

Bản làng người Mông nô nức vào hội ném pao

(Baonghean.vn) - Dịp đầu năm mới, khắp các bản làng người Mông ở vùng cao Nghệ An lại nô nức bước vào hội ném pao. Đây là nét đẹp trong văn hóa của cộng đồng người Mông mỗi dịp Tết đến Xuân về, đồng thời cũng là thời điểm các nam thanh nữ tú tìm hiểu nhau để nên duyên vợ chồng.
Người Mông Nghệ An

Lợn trong đời sống người Mông Nghệ An

(Baonghean.vn) - Nếu như các dân tộc khác coi việc chăn nuôi lợn là để phục vụ đời sống đồng thời mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, thì một số người Mông ở Nghệ An cho rằng lợn chỉ được dùng để giết thịt phục vụ cho các ngày lễ, Tết.
Bà Sầm Thị Vinh (áo trắng, ngoài cùng bên trái) dạy các thành viên trong CLB các làn điệu dân ca Thái. Ảnh: Chu Thanh

Người lưu giữ làn điệu dân ca Thái

(Baonghean.vn) - Đến với bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, già trẻ, trai gái trong bản không ai không biết đến bà Sầm Thị Vinh (1950), một trong số ít người “lưu giữ” được nhiều làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Thái.