Những đứa trẻ ở Khe Bu

(Baonghean) - Bỏ học sớm, đi rừng đi rẫy, thậm chí là xuống suối đãi vàng là những điều “bình thường” của trẻ em Đan Lai ở bản Khe Bu (Châu Khê - Con Cuông).  Đó là niềm day dứt trong tâm trí tôi sau chuyến về bản thăm lại cộng đồng này.

“Con của trời”
“Chúng nó đều là con của trời cả đấy.” Đó là cách ví von của chị Lô Thị Mai, một dân bản Khe Bu nói về những đứa trẻ của cộng đồng mình. Trong tiết “đại thử”, nhiệt độ ngoài trời lên đến bốn chục độ, bầy trẻ vẫn đánh trần bêu nắng. Dường như sự thiếu thốn về cơm ăn áo mặc, cái nắng gay gắt những ngày hè chẳng mấy ảnh hưởng đến niềm vui sống của chúng. Có thể thấy, khi bước chân vào bản này thì toàn gặp… trẻ con. Như thể bản nhỏ này là thế giới riêng của bầy trẻ. Chúng nhìn ra từ nhưng ô cửa sổ, la cà dưới gầm nhà sàn, trên nền đường bê tông, la cà dưới lòng suối. Người lớn hầu hết đều đang ở trên rừng. Họ đi từ sáng sớm, tối mịt mới trở về nhà, có khi còn ngủ lại trên đó để kiếm lâm sản phụ và bắt ong.
Trẻ em Khe Bu bắt cá trên suối Nặm Pu.
Trẻ em Khe Bu bắt cá trên suối Nặm Pu.
Bản có hơn trăm nóc nhà và những cặp vợ chồng trong độ tuổi thường sinh nhiều hơn 2 đứa con. Đứa lớn chưa kịp cai sữa, đứa bé hơn đã vội chào đời. Những đứa trẻ miệt rừng lớn lên một cách hồn nhiên như thể nhưng mầm cây dại. 
Dù chưa đến 40 tuổi nhưng chị Lô Thị Mai đã lên chức bà ngoại. Hai con gái lớn của chị đều đã lập gia đình. Cô con gái thứ hai mới bước qua tuổi 18 mà đã toòng teng trên lưng một đứa con 14 tháng tuổi. 
 Không thuộc diện quá khó khăn nhưng gia đình chị Mai khá chật vật để nuôi 2 đứa trẻ, một bé trai là cháu ngoại mới hơn 1 tuổi. Cậu con út vừa học hết lớp 5. Vợ chồng chị sống bằng nghề vót đũa nhập cho các nhà hàng, những đám cưới ở ngoài phố huyện hay bán lẻ cho khách vãng lai vốn ưa chuộng đũa vót bằng một số loại gỗ rừng. Anh chị còn bán thuốc nam chữa đau khớp, gãy xương cho người trong vùng. “Nhờ mấy cái nghề này mà thằng út mình được yên tâm đi học”, anh Vi Văn Tâm, chồng chị Mai chia sẻ.
Trong bản có không ít những đứa trẻ chỉ học hết lớp 5 rồi ở nhà. Muốn học lên cấp hai, bầy trẻ phải ra trung tâm xã cách bản 20 km. Ở đó, nơi ăn chốn ở cho học sinh tương đối tươm tất, thế nhưng có vẻ như việc thu hút những học sinh Đan Lai tiếp tục đi học gặp khá nhiều khó khăn vì cha mẹ không mấy mặn mà với việc học của con cái. Có một nguyên nhân khiến cha mẹ chưa quan tâm cho con cái đi học, một bà lão làm nghề bán hàng tạp hóa trong bản đã nhiều năm nay cho biết: Người dân nơi đây quan niệm: “Chúng tôi ở rú, biết chữ là được, cần gì bằng cấp hai, cấp ba?” 
Dưới lòng suối…
Con trai út của gia đình chị Lô Thị Mai tên gọi Vi Văn Ước, đứa con trai gia đình rất mong đợi. Trong bản những cái tên như Ước, Đạt, Mong, Hiếm, Yêu, Quý… không hề hiếm. Tâm lý của những người làm cha, làm mẹ vẫn mong muốn một đứa con trai để sau này có chỗ dựa.
Ước là một chú bé khá hiếu động. Sau phút e ngại ban đầu, nó sà vào rỉ tai tôi trên dòng suối Nặm Pu gần nhà có rất nhiều trẻ con.  Đây là con suối mát nhất trong vùng nên ai cũng muốn đến ngụp lặn cho tan biến cái nóng ngày hè như thiêu như đốt. Tôi đoán thế, nhưng cũng chỉ đúng có một phần…
Bé Hà Vân chơi ở trên bè
Bé Hà Vân chơi ở trên bè
Tôi rảo bước theo cậu bé đang nhảy chân sáo ra suối. Nơi hợp lưu giữa suối Nặm Pu và suối Khe Choăng tạo thành vực nước nhỏ, khá nhộn nhịp người. Họ cầm trên tay những công cụ đãi vàng thủ công như cái sàng gỗ, xẻng, cuốc, thuổng… Những người dân trong bản tập trung tại đây từ sáng sớm để kiếm vàng cám dưới lòng suối. Theo thổ lộ của những người đãi vàng thì công việc này trong một ngày may mắn có thể giúp họ kiếm một vài phân vàng. Thế nhưng số ngày về tay không thường nhiều hơn ngày may mắn.
Có khá nhiều em nhỏ tham gia “đội quân” đãi vàng. Phần lớn trong số này còn là học sinh tiểu học. Những ngày nghỉ học, bầy trẻ coi việc cùng đi đãi vàng dưới suối là một cách để đỡ đần cha mẹ. Với một số trẻ nhỏ thì việc có tìm được vàng hay không thì chẳng mấy quan trọng. Chúng tham gia công việc chỉ như một trò vui chơi. 
Năm nay 14 tuổi, cô bé La Thị Huyền cho biết đã nghỉ học từ khi mới vào lớp 6. Những ngày không đi rừng kiếm măng hay bắt ong mới theo gia đình xuống suối đãi vàng. Nếu gặp may, có ngày em vẫn có thể giúp gia đình kiếm một vài trăm nghìn. Huyền cho biết cô bé bắt đầu theo cha mẹ xuống suối tập đãi vàng từ khi đang học tiểu học. Còn cậu bé người Đan Lai khác là La Văn Vọng mới vào lớp 3 cũng đã biết cầm sàng gỗ đãi vàng. Đứng dưới lòng suối ngay cạnh Vọng là một cậu bé quãng 4 tuổi. Cháu bé theo anh cùng gia đình xuống suối bởi ở nhà chẳng có ai trông nom.
Sau mấy câu chuyện chóng vánh với bầy trẻ đãi vàng, cậu bé Ước lại dẫn chúng tôi đi ngược dòng suối. Một chiếc bè chở củi đi qua. Ngồi vắt vẻo trên bè là là cô bé gái đang ở tuổi mẫu giáo. Bé mạnh dạn giới thiệu tên Hà Vân diện bộ váy hồng rất “mốt” và cho biết đang theo mẹ đi hái củi trở về. Bà mẹ trẻ thì phân bua: “Cho ở nhà thì nó đi nghịch dại sợ ngã xuống suối. Để nó đi cùng cũng sợ nhưng có người lớn vẫn yên tâm hơn”. Cô bé đang tung chân nghịch nước chợt xen vào: “Con muốn đi rừng với mẹ mà”. Có lẽ đối với một cô bé hoạt bát như Hà Vân, đi rừng cùng mẹ cũng như chuyện trẻ em của thành phố đi chơi công viên vậy thôi.
Trên một khúc suối khác có một bầy trẻ đi bắt cá. Bé La Thị Ngoan mới học hết lớp 4 tỏ ra có nhiều kinh nghiệm bắt cá hơn chúng bạn. Ngoan tập hợp cả nhóm lại chọn một khúc suối nhỏ rồi xếp đá ngăn cho dòng nước chuyển sang một hướng khác. Cô bé dùng lá cây, rác rều bịt kín những khe hở ngăn nước suối rỉ xuống. Chỉ mất độ nửa giờ sau, khúc suối phía dưới cạn nước, bầy trẻ tha hồ tìm bắt cá. Cách đánh như vậy vẫn được dân bản áp dụng từ nhiều đời nay. Sớm phải giúp cha mẹ lo việc nhà nên Ngoan cũng sớm học được những kinh nghiệm đánh cá của người lớn.
Những đứa trẻ trên dòng suối Nặm Pu mà chúng tôi gặp phần lớn đều ở tuổi lên 9, lên 10 nhưng đã lao vào cuộc mưu sinh với vẻ hồn nhiên. Có người sẽ nghĩ rằng chúng đang bị đối xử không công bằng vì tất cả đều đang ở tuổi chỉ biết ăn, ngủ, học hành. Nhưng cuộc sống ở vùng cao, nhất là những cộng đồng sống gần với thiên nhiên như người Đan Lai từ bao đời nay đã vậy. Mỗi người sinh ra từ khi biết đi đứng đã phải học cách tự kiếm lấy cái ăn hàng ngày…
Hữu Vi

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

(Baonghean.vn) - Năm 2024, lễ hội du lịch Cửa Lò hướng đến quảng bá các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất và con người Cửa Lò đến du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Cửa Lò sẽ tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Thị xã Cửa Lò.