Hành trình 60 năm đi tìm mộ liệt sỹ

(Baonghean) - Cho đến tận bây giờ, ông Nguyễn Công Kình (SN 1948, P. Bến Thủy, TP Vinh, Nghệ An) không thể nào quên được cái ngày cách đây hơn 60 năm, một chú bộ đội gõ cửa nhà mình, mang theo tư trang, những vật dụng còn sót lại cuối cùng của cha mình kèm theo giấy báo tử: “Chiều hôm đó, mọi người đang tập trung chuẩn bị bữa cơm thì địch phục kích bất ngờ đánh bom. Mọi người vội vàng vào vị trí, anh Côn đã trúng đạn hy sinh…”

Những câu nói khắc sâu trong trí nhớ cậu bé Kình ngày ấy mới 5 tuổi. Để từ đó, đau đáu suốt cuộc đời ông, là đi tìm cha còn nằm đâu đó trên đất nước bạn Lào trở về với quê hương máu thịt.

Nỗi đau chiến tranh

Năm 1949, ông Nguyễn Công Côn (SN 1926) - cha của ông Nguyễn Công Kình quê xã Thanh Khai, Thanh Chương, Nghệ An lên đường nhập ngũ. Sau đó, được bổ sung vào đội quân tình nguyện, sang giúp nước bạn Lào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thuộc Đại đội 21, đoàn 81 Thượng Lào.

“Lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu mọi việc, nhưng sau này đồng đội cũ của cha kể lại, tháng 9 năm 1953 chiến sự rất căng thẳng, ác liệt. Vùng Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng, Thượng Lào đã có nhiều trận giao tranh, địch liên tiếp tổ chức các cuộc truy quét, còn quân ta tập trung đẩy lui chúng. Ngày 5/9/1953, đơn vị cha tôi tập kết tại Keo Ba Tu, Noọng Hét, đang chuẩn bị bữa cơm tối thì địch nổ súng. Cha tôi lúc đó là trung đội trưởng chỉ huy một nhóm tiến công thì bị trúng đạn, hy sinh…”

Ông Nguyễn Công Kình kể chuyện đi tìm cha qua sơ đồ
Ông Nguyễn Công Kình kể chuyện đi tìm mộ cha qua sơ đồ vẽ bằng tay.

Năm ấy, gia đình ông Kình nhận được giấy báo tử, kèm theo một cái bản đồ sơ lược, vẽ bằng tay, nơi đồng đội chôn cất người lính Nguyễn Công Côn đã hy sinh anh dũng. Nhiệm vụ chiến đấu vẫn phải tiếp tục, người ngã xuống nằm lại nơi đất bạn, được đánh dấu bằng hòn đá to cạnh đó, rồi đơn vị lại hành quân đi.

Cậu bé Kình đứng sau cánh cửa, nghe chú bộ đội đến nhà báo tin cha, và thấy mẹ ôm em gái nhỏ 1 tuổi lặng người òa khóc. Chiến tranh ở nơi xa, mà nỗi đau lại quặn thắt phía quê nhà.

2 năm sau đó, vào đúng ngày 29 tháng 12 âm lịch, mẹ của Kình đi cắt gánh cỏ cuối năm về cho trâu, để yên tâm nghỉ 3 ngày tết, thì bị lật bè và chết đuối dưới dòng sông Lam. Cái tết năm ấy, lạnh đến tê tái!

Mất cha, rồi đột ngột mất mẹ, Kình và em gái lúc đó mới 3 tuổi sống dựa vào lòng yêu thương, chăm sóc và bù đắp của ông bà nội ngoại, chú thím. Cũng chính từ tuổi thơ nhọc nhằn thiếu vắng bóng hình cha mẹ, mà 2 anh em cố gắng học hành, để có thể tự lập đứng trên đôi chân mình giữa cuộc đời sóng gió. Nguyện vọng đau đáu và lớn lao nhất cuộc đời của Nguyễn Văn Kình, là tìm được mộ cha, đưa cha về với quê hương máu thịt.

Hành trình tìm cha

Ông lặn lội đi tìm những người đồng đội cũ từng là bộ đội tình nguyện ở Noọng Hét, Lào hỏi thăm về nơi cha đã từng chiến đấu và được biết, trong trận đánh chiều ngày 5.9.1953, Nguyễn Công Côn đã hi sinh cùng với 1 đồng đội nữa cùng quê Thanh Chương, Nghệ An. “Một đồng đội của cha tôi quê ở xã Hưng Tây, Hưng Nguyên còn nhớ rất rõ và tường thuật lại trận đánh ngày 5.9 đó, chỉ có cha tôi và ông Mai Văn Cương hy sinh, cả 2 ông đều được chôn cạnh nhau. Ông còn bảo khi nào đi cất bốc, ông đi cùng với, nếu cần ông sẽ đi cùng chỉ chỗ cho”.

Vậy là Nguyễn Công Kình ngược về quê, tìm đến xã Phong Thịnh, Thanh Chương, gặp gia đình liệt sĩ Mai Văn Cương. Nhưng hoàn cảnh của người liệt sỹ ấy cũng hết sức đặc biệt. Là con trai cả trong nhà, lên đường chiến đấu khi mới lập gia đình rồi hy sinh khi chưa có con. Ở nhà, gia đình nhất quyết động viên con dâu còn quá trẻ đi tìm hạnh phúc khác, kẻo lỡ dở đời người. Năm tháng qua đi, cha mẹ già đã mất, các anh em mỗi người mỗi nơi, vất vả lo toan cuộc sống gia đình, chưa ai có điều kiện để đi tìm mộ của liệt sĩ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ ấy.

sơ đồ
2 tấm sơ đồ chỉ dẫn nơi chôn cất được gửi cho gia đình thân nhân 2 liệt sỹ.
Sơ đồ
2 tấm sơ đồ chỉ dẫn nơi chôn cất được gửi cho gia đình thân nhân 2 liệt sỹ.

Chỉ có điều, tờ giấy báo tử và tấm bản đồ vẽ bằng tay ngả màu vàng úa vẫn đang được giữ gìn vô cùng cẩn thận. Tấm bản đồ ấy, chỉ đường đi, vị trí, các dấu hiệu, giống hệt như bản đồ phần mộ cha mà ông Kình đang giữ. Nét chữ trong đó cũng là của một người viết. Vậy là 2 người lính đang nằm cùng nhau, đâu đó bên nước bạn Lào.

Ông Kình nhận luôn nhiệm vụ tìm mộ của đồng đội cha. Nộp các giấy tờ liên quan cho đội Quy tập tỉnh Nghệ An và chờ đợi. Năm 1994, ông biết tin có 3 hài cốt liệt sĩ mới được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Anh Sơn, Nghệ An, được tìm thấy tại bản Keo Ba Tu Nhỡ, Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng. Trùng địa danh, ông khấp khởi mừng thầm, xin phép Ban quản lý nghĩa trang Anh Sơn, lấy 3 nắm đất về thờ cúng. “Tôi lập 3 bát hương và nghĩ rằng, nếu có nhầm thì cũng là mình hương khói, tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sỹ, các đồng đội của cha”, ông Kình tâm sự.

Ông cứ đinh ninh rằng, một trong 3 ngôi mộ đó là của cha mình, liệt sỹ Nguyễn Công Côn. “Nhưng gần đây, khi được nhà nước cho phép, chúng tôi xin đi xét nghiệm AND thì kết quả không trùng khớp”. Thông tin trên khiến ông Kình và gia đình vô cùng suy sụp. “Nhiều lúc tôi cảm giác mình đã tắt hy vọng và thất bất lực, bất hiếu với cha. Nhưng khi tìm lại các giấy tờ, tôi phát hiện ra ở Noọng Hét có hai bản gồm Ba Keo Tu Nọi và Ba Keo Tu Nhỡ và 3 ngôi mộ được tập kết về thuộc bản Ba Keo Tu Nhỡ. Lần này, tôi quyết định lên gặp Ban quy tập tỉnh Nghệ An, xin đi cùng sang Xiêng Khoảng, Lào để tìm mộ cha”, ông Kình kể lại.

Trên đất bạn Lào

Vậy là đứa con tóc bạc, gần 70 tuổi khăn gói hành lý theo các chiến sĩ đội quy tập hài cốt liệt sĩ lên đường. Quả đúng là trước kia có bản Keo Ba Tu Nọi, nhưng ở đó chỉ có khoảng gần 2 chục hộ dân sinh sống, sau chiến tranh tất cả đã dời sang Keo Ba Tu Nhỡ.

Dân trong bản cũng cho biết, cách đây khoảng gần 2 chục năm đã cất bốc được 3 hài cốt liệt sĩ, nhưng ở đây vẫn còn 2 ngôi mộ liệt sĩ chống Pháp nữa. Bộ đội Việt Nam quy tập hài cốt liệt sĩ sang đi tìm nhiều lần rồi, mà chưa thấy.

“Người dân Lào bên đó họ tốt bụng lắm. Ngày chúng tôi sang đúng vào dịp tết Lào, vậy mà trưởng bản gọi toàn bộ bà con ra đón, khiến tôi xúc động không nói nên lời. Mặc dù là thời gian nghỉ ngơi, nhưng trưởng bản nói, nếu cần gì giúp đỡ, cứ nói, bà con sẽ hết lòng giúp đỡ”.

Ông Kình lại đến người già nhất bản để hỏi thăm, cụ đã 85 tuổi, sức khỏe yếu, nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Cụ khẳng định: “Trận đánh đó tao nhớ rất rõ mà. Hồi đó, tao 14, 15 tuổi rồi. Có 2 bộ đội Việt Nam hi sinh”. Theo như lời cụ già đó kể, vị trí mà cha ông Kình cùng người bạn của mình được đồng đội chôn cất, giống như những gì đã vẽ trong sơ đồ.

Cụ cũng mong được cùng mọi người đi tìm. Mọi người đỡ cụ ngồi lên xe máy, người chở, người giữ đằng sau. Cụ vừa nhớ lại, vừa chỉ con đường ngày xưa ở đâu, trận đánh thế nào, bộ đội chiến đấu ra sao, và chỉ khu vực quanh hòn đá lớn nay đã thành ngã 3 đường “đó đó, 2 anh bộ đội Việt Nam nằm vị trí đó”!

Mọi người bắt tay vào đào, thận trọng từng chút một. “Tôi đi cùng với 4 anh bộ đội quy tập hài cốt liệt sĩ. Các anh ấy đúng là có kinh nghiệm, nếu gia đình tự đi tìm, không thể nào tìm được hài cốt của cha anh mình. Nhất là với bộ đội hy sinh những năm kháng chiến chống Pháp. Tính ra, hơn 60 năm trôi qua rồi, máu xương tan vào đất, không có kinh nghiệm và sự cẩn thận, thì không thể tìm được hài cốt liệt sỹ”- ông Kình kể lại.

Các chiến sĩ vừa đào, vừa liên lạc hỏi thăm đoàn quy tập hài cốt đã từng đến đây tìm kiếm trước đó. Đất rắn như đá. Thủa xưa, phương tiện không thể có như bây giờ, chắc chắn các liệt sĩ chỉ có thể được chôn theo các rãnh hào. Cứ thế các anh đào, xúc theo từng vệt đất mềm, mở rộng ra theo hình xương cá… cả nửa ngay trời mới đào được xuống 1m đất, hết rãnh này đến rãnh khác.

Ròng rã từng ngày, các chiến sĩ ăn mì tôm, uống nước suối vẫn kiên nhẫn và thận trọng đào bới, không bỏ cuộc. Với trường hợp của gia đình ông Kình, có bản đồ rõ ràng, có nhân chứng kể lại, việc tìm kiếm có thể kéo dài nhưng chắc chắn có hi vọng.

Đến ngày thứ 4, thì đào đến 1 cái hố nhỏ, tất cả mọi người dừng tay, ai nấy lặng im. Rồi cẩn trọng từng chút một gạt đất đá ra… Tìm thấy rồi! “Không thể nói được cảm xúc của tôi lúc đó, chỉ thấy tim đập liên hồi và chân đứng không vững. Nước mắt cứ thế trào ra…”

Còn các anh vẫn tiếp tục đào “còn một mộ nữa, chắc chắn chỉ ở bên trái, hoặc bên phải thôi”. Dưới lớp đất rắn như đá sỏi, vẫn nhận ra được vị trí nằm của 2 người cạnh nhau, đầu hướng về Đông, như theo phong tục của người Việt Nam mình khi chôn cất…

Các chiến sĩ quy tập cẩn thận làm công tác nghiệp vụ của mình, vẫn không quên bốc theo nắm đất dưới mộ gói vào cùng với hài cốt bộ đội. Nắm đất có một phần máu thịt, đã ôm ấp, che chở và bảo vệ các liệt sĩ ngã xuống suốt hơn 60 năm qua…

Nghĩa trang liệt sỹ Đô Lương ngày 9/5/2015, đón 29 liệt sĩ trở về từ nước bạn Lào về nước đợt II, mùa khô năm 2014-2015, không khí thiêng liêng, thành kính. Hai ngôi mộ ông Kình cùng với Đội quy tập tìm kiếm cũng đã kịp trở về trong ngày đoàn tụ…

Ông Nguyễn Công Kình đã kịp báo tin cho gia đình người đồng đội Mai Văn Cương của cha. Hai gia đình xin được lấy mẫu đi xét nghiệm ADN và kết quả đã xác định được chính xác hài cốt liệt sĩ Mai Văn Cương (SN 1933, Phong Thịnh, Thanh Chương, Nghệ An). “Gia đình tôi thì vẫn đang chờ kết quả, nhưng tôi tin đó sẽ là cha mình, điều quan trọng nhất là gia đình tôi được thanh thản, vì đã làm hết sức mình để tìm cha, tìm đồng đội của cha trở về”, ông Kình xúc động nói.

Hồ Lài

tin mới

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

(Baonghean.vn) - Sáng 27/3, tại thủ đô Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân và Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”.

Lao động may Nghệ An

Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

(Baonghean.vn) - Năm 2023, công tác giải quyết việc làm của Nghệ An tiếp tục vượt chỉ tiêu kế hoạch khá cao. Tuy nhiên, việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa chặt chẽ; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp...

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

(Baonghean.vn) - Mua hải sản tươi sống ngay khi thuyền vừa cập bến, ghé tay đẩy thuyền cùng ngư dân, dõi mắt nhìn ngư dân nhanh tay gỡ những con cá, con ghẹ trên mắt lưới; thưởng thức món cá nướng thơm lừng ngay bên bếp than nơi bến cá… là những trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Cửa Lò.

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Lê Văn Lương - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An.

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

(Baonghean.vn) - “Trước đây, để tìm đến và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi thường phải về tận các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa. Nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ cần đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, ở đó luôn có những bệnh nhân khổ nhất, những con người cần hỗ trợ nhất”.

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ngày 24/3, tại xã Châu Kim (Quế Phong) đã diễn ra Hội thi quăng chài lần thứ nhất năm 2024. Đây là hoạt động nhằm duy trì và phát triển nghề chài của địa phương cũng như góp phần làm phong phú thêm các hoạt động trong Lễ hội Đền Chín Gian năm 2024.

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

(Baonghean.vn) -  Xây dựng đường giao thông, tổ chức bữa cơm yêu thương, tặng quà cho học sinh khó khăn… là những hoạt động của đoàn viên thanh niên xã Na Ngoi và các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về màu áo xanh tình nguyện nơi biên cương Tổ quốc.

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, tại thành phố Nha Trang, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Indonesia năm 2024". Hội nghị là hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia.