Việt - Lào nỗ lực phối hợp tìm kiếm hài cốt liệt sỹ

(Baonghean) - Trong cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân, đế quốc xâm lược, Đảng và nhân dân 2 nước Việt Nam - Lào cùng chung một chiến hào, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, đã để lại biết bao kỷ niệm sâu sắc, thấm đẫm tình nghĩa sắt son. Chiến tranh đã lùi xa, hòa bình lập lại, tình nghĩa ấy lại được vun đắp ngày càng gắn bó, khắc phục hậu quả sau chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội và tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất nước bạn Lào. Phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Phùng Ngọc Phương, Đội trưởng Đội quy tập mộ liệt sỹ, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An để hiểu rõ hơn về vấn đề này. 
Hội đàm ký kêt biên bản bàn giao, tiếp nhận hài cốt liệt sỹ đợt II năm 2013 - 2014 giữa Ban công tác đặc biệt 3 tỉnh Nghệ An - Viêng Chăn - Xiêng Khoảng.	Ảnh: P.V
Hội đàm ký kêt biên bản bàn giao, tiếp nhận hài cốt liệt sỹ đợt II năm 2013 - 2014 giữa Ban công tác đặc biệt 3 tỉnh Nghệ An - Viêng Chăn - Xiêng Khoảng. Ảnh: P.V
Phóng viên: Thưa đồng chí, quá trình tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ Việt Nam tại Lào về nước được tiến hành nhiều năm qua. Vậy, đồng chí có thể cho biết rõ hơn về công tác đó được phối hợp thực hiện với kết quả như thế nào? 
Thượng tá Phùng Ngọc Phương: Công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ Việt Nam tại Lào được thực hiện dựa trên cơ sở đường lối quan điểm của 2 đảng và 2 Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 1237 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy tập mộ liệt sỹ đến năm 2020. Đội quy tập mộ liệt sỹ, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An được giao nhiệm vụ phối hợp với Ban công tác đặc biệt và lực lượng vũ trang 3 tỉnh của Lào là: Xiêng Khoảng, Viêng Chăn và Xây Xổm Bun để thực hiện công tác tìm kiếm. Thời điểm mùa mưa tại Lào, hai bên tổ chức hội đàm, phối hợp với nhau để thu thập, sàng lọc, xử lý thông tin và lên kế hoạch thực hiện tìm kiếm vào mùa khô. Hơn 30 năm qua, sự phối hợp giữa ta và bạn đã giúp tìm kiếm, cất bốc được 11.858 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam chiến đấu hy sinh trên đất bạn, trong đó đã tổ chức bàn giao 912 hài cốt liệt sỹ xác định được danh tính, quê quán, tiễn đưa về quê hương, phần nào làm ấm lòng biết bao người mẹ, người vợ đã âm thầm cống hiến cho Tổ quốc những người con bất tử.
Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết những khó khăn lớn nhất trong công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ trên đất nước bạn? 
Thượng tá Phùng Ngọc Phương: Thứ nhất là việc tìm kiếm thông tin hiện nay rất khó khăn, những nhân chứng đã mất hoặc già yếu, không còn nhớ chính xác vị trí chôn cất đồng đội mình trước đây. Hơn nữa, chiến tranh cũng đã lùi xa, do sự tái tạo của con người và tự nhiên nên địa hình, địa vật trước đây thay đổi quá nhiều. Có nhiều phần mộ lại nằm ở vùng sâu, vùng xa, không có dân cư sinh sống nên rất ít người biết về vị trí phần mộ. Một vấn đề lớn khác là khi tìm kiếm được phần mộ rồi thì việc xác định danh tính của liệt sỹ cũng rất khó, phần lớn các phần mộ không có di vật để lại hoặc di vật đã mục nát do trải qua thời gian chôn cất quá lâu. Còn trong quá trình tìm kiếm thì địa hình rừng núi nhiều nơi rất hiểm trở, phong tục, tập quán, ngôn ngữ khác nhau. Mặc dù các đồng chí làm nhiệm vụ quy tập được học tiếng Lào nhưng cũng không thể hiểu hết được ngôn ngữ của các vùng dân tộc. Những vấn đề này khiến công tác tìm kiếm, quy tập gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân các bộ tộc Lào nên những khó khăn đó phần nào được giảm bớt. 
Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn về sự giúp đỡ của nước bạn Lào đối với chúng ta trong công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ? 
Thượng tá Phùng Ngọc Phương: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đội luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình của Ban công tác đặc biệt các tỉnh bạn, lực lượng vũ trang, lực lượng công an và đặc biệt nhân dân các bộ tộc Lào. Vào mùa mưa thì cán bộ, chiến sỹ xuống các bản làng, thực hiện 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) để nắm thông tin qua nhiều kênh như của cựu chiến binh Lào đã cùng chiến đấu với các chiến sỹ của ta, hoặc là những người dân vào làm rừng, đi săn bắn phát hiện có phần mộ liệt sỹ thì cũng thông báo đến đội quy tập. Trong quá trình tìm kiếm, cất bốc thì luôn có đơn vị bạn cùng đi để dẫn đường, chỉ lối, đặc biệt là đảm bảo an ninh, an toàn ở những khu vực những địa bàn tình hình an ninh chính trị chưa thực sự ổn định. Ngược lại đối với những đồng chí làm nhiệm vụ quy tập thì đã tranh thủ giờ nghỉ, thời gian nghỉ đệm giúp đỡ nhân dân các bộ tộc Lào như tăng gia sản xuất, vệ sinh môi trường, làm nhà cửa, thu hoạch mùa màng,… Tình cảm của hai bên rất gắn bó và keo sơn, từ đó lại tạo thêm niềm tin của nhân dân các bộ tộc Lào với bộ đội Việt Nam và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình hơn trong công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ. 
Phóng viên: Công tác tìm kiếm và quy tập mộ liệt sỹ rất gian nan và vất vả, đồng chí có thể chia sẻ những cảm xúc của cán bộ, chiến sỹ trong đội khi tìm kiếm và cất bốc được hài cốt đồng đội không ạ? 
Thượng tá Phùng Ngọc Phương: Mỗi lần tìm thấy được một hài cốt liệt sỹ, tìm thấy được di vật của đồng đội, bao nhiêu những khó khăn, mệt nhọc bỗng dưng đều tan biến, thay vào đó là cảm xúc vỡ òa, vui sướng như tìm thấy được thân nhân của chính mình vậy. Bên cạnh niềm vui là niềm xúc động dâng trào. Sau những lần như vậy, chúng tôi càng thêm quyết tâm hơn, phải cố gắng khắc phục mọi khó khăn để tìm được nhiều đồng đội, đưa về với đất mẹ yêu thương.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết nhiệm vụ trọng tâm và những phương án triển khai thực hiện của đơn vị trong việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ trong thời gian tới? 
Thượng tá Phùng Ngọc Phương: Được sự quan tâm chỉ đạo của Ban chỉ đạo 1237 Quân khu 4, Ban công tác đặc biệt tỉnh, đặc biệt sự phối hợp nhịp nhàng của Ban công tác đặc biệt 4 tỉnh, trước hết chúng tôi phải quán triệt cho cán bộ, nhân viên trong đội chấp hành, thực hiện tốt các công văn chỉ thị cấp trên; đồng thời tăng cường giáo dục cho anh em hiểu rõ việc làm của mình là thể hiện tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm và nghĩa cử cao đẹp đối với gia đình các liệt sỹ. Đơn vị sẽ cố gắng phối hợp với nước bạn Lào, liên hệ với những cựu chiến binh từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam biết thông tin về các phần mộ liệt sỹ để tìm kiếm và quy tập các mộ liệt sỹ về các nghĩa trang, sớm đưa các anh về đất mẹ. Những khó khăn chỉ là bước đầu, để thể hiện nghĩa tình đồng đội trọn vẹn với các liệt sỹ, anh em sẽ khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí! 
Phương Thảo (Thực hiện)

tin mới

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

(Baonghean.vn) - Sáng 27/3, tại thủ đô Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân và Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”.

Lao động may Nghệ An

Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

(Baonghean.vn) - Năm 2023, công tác giải quyết việc làm của Nghệ An tiếp tục vượt chỉ tiêu kế hoạch khá cao. Tuy nhiên, việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa chặt chẽ; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp...

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

(Baonghean.vn) - Mua hải sản tươi sống ngay khi thuyền vừa cập bến, ghé tay đẩy thuyền cùng ngư dân, dõi mắt nhìn ngư dân nhanh tay gỡ những con cá, con ghẹ trên mắt lưới; thưởng thức món cá nướng thơm lừng ngay bên bếp than nơi bến cá… là những trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Cửa Lò.

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Lê Văn Lương - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An.

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

(Baonghean.vn) - “Trước đây, để tìm đến và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi thường phải về tận các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa. Nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ cần đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, ở đó luôn có những bệnh nhân khổ nhất, những con người cần hỗ trợ nhất”.

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ngày 24/3, tại xã Châu Kim (Quế Phong) đã diễn ra Hội thi quăng chài lần thứ nhất năm 2024. Đây là hoạt động nhằm duy trì và phát triển nghề chài của địa phương cũng như góp phần làm phong phú thêm các hoạt động trong Lễ hội Đền Chín Gian năm 2024.

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

(Baonghean.vn) -  Xây dựng đường giao thông, tổ chức bữa cơm yêu thương, tặng quà cho học sinh khó khăn… là những hoạt động của đoàn viên thanh niên xã Na Ngoi và các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về màu áo xanh tình nguyện nơi biên cương Tổ quốc.

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, tại thành phố Nha Trang, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Indonesia năm 2024". Hội nghị là hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia.