Ấm lòng bữa cơm bán trú

(Baonghean) - Có "gạo 36", hầu hết các trường bán trú và trường có học sinh bán trú tại các huyện vùng cao đã cùng hội phụ huynh, chính quyền sở tại có sự phối hợp khá nhuần nhuyễn với nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quyết định 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường PTDT bán trú để cho các em có được những bữa ăn ấm áp, đảm bảo dinh dưỡng...  

Chúng tôi có mặt tại Trường PTDTBT Nậm Cắn (xã Nậm Cắn, Kỳ Sơn) vào thời điểm tan trường. Từ các phòng học kiên cố khang trang, các em học sinh đồng phục tươi tắn nối nhau trở về khu nhà ở bán trú cách đó chừng hơn 200m. Tại nhà bếp, 3 cô cấp dưỡng khẩn trương chia các khẩu phần ăn vào những xoong nhôm trắng có đánh số và đặt lên kệ thép. Các em sẽ dùng bữa tập trung tại sân có mái che. Trong sân, có các dãy bàn ghế gỗ được sắp xếp ngay ngắn, đánh số thứ tự theo từng nhóm để các em ngồi ăn trật tự.

Đúng 11h45, sau tiếng kẻng hiệu lệnh, các em đưa bát, thìa ngồi vào vị trí của mình để bắt đầu ăn cơm. Thức ăn hôm nay gồm có cá kho, canh. Ở những bàn chưa đủ người thì các em vẫn ngồi đợi bạn ra ăn. Em lớn thì ân cần gắp thức ăn cho em nhỏ... Em Lầu Bá Thái, học sinh lớp 9, chia sẻ: Cơm các cô nấu rất ngon. Hôm nào em cũng ăn hết 3 bát. Thức ăn trưa ngoài cá kho và canh rau cải như hôm nay, có bữa có thịt, trứng...". Còn em Cử Bá Cung, học sinh lớp 6 thì bẽn lẽn: "Ăn cơm ở trường ngon hơn ở nhà nhiều! Được ăn ngon, ăn no nên chúng em yên tâm học tập tốt hơn".

Trường PTDTBT Nậm Cắn nằm ở vùng cao biên giới, giáp với nước bạn Lào, có 341 học sinh. Trong đó có 266 em ở bán trú (chủ yếu là con em đồng bào Mông, Khơ Mú) nhà cách trường hơn 10 km không thể đi về trong ngày. Trước đây, tình trạng học sinh bỏ học của trường khá nhiều, nhưng từ hơn 2 năm nay, nhất là từ khi trường tổ chức nấu ăn tập trung thì số học sinh đến lớp đều đặn hơn. Thầy Phạm Hồng Thắng, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: "Dù trường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, nhưng với những chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước đối với học sinh vùng đặc biệt khó khăn như Quyết định 85 và Quyết định 36, cuộc sống và sự học của các em đã thay đổi rất nhiều. Trước đây, các em phải dựng các túp lều xập xệ, ẩm thấp, rách nát xung quanh trường để vừa học, vừa sinh hoạt. Hàng ngày sau giờ học, các em phải lên rừng hái măng, bẻ củi tự nấu ăn, nên việc học bị sao nhãng. Nhiều em không chịu được khổ đã bỏ học, ở nhà theo bố mẹ lên rẫy hoặc lấy chồng. Từ khi thực hiện các Quyết định 85 và 36 của Thủ tướng Chính phủ... mỗi em hàng tháng được hỗ trợ 460.000 đồng và 15 kg gạo, nhà trường đã phối hợp với chính quyền, hội phụ huynh tổ chức cho các em nơi ở, ăn uống nên mọi sự đã chuyển biến rất tốt...".

Bữa cơm bán trú tại Trường PTDT  bán trú Nậm Cắn (Kỳ Sơn).
Bữa cơm bán trú tại Trường PTDT bán trú Nậm Cắn (Kỳ Sơn).

Ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, trong những năm qua, công tác vận động học sinh người Đan Lai sống ở thượng nguồn sông Giăng (vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát) ra học là hết sức khó khăn, vất vả. Cứ đến đầu năm học mới hoặc sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nhà trường lại phải phối hợp với xã thành lập đoàn trực tiếp vào từng gia đình, gặp gỡ phụ huynh để vận động các em đến lớp. Năm học này, cả 2 bản Khe Búng và Cò Phạt có 70 em trong độ tuổi học THCS; đến thời điểm hiện tại đã có 57 em ra học tại Trường THCS Môn Sơn. Để giúp các em yên tâm học tập, nhà trường đã tổ chức nấu ăn cho các em ngay tại khu bán trú. Thầy Nguyễn Văn Hào, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Trường có 440 học sinh, 100% các em được hưởng chính sách hỗ trợ gạo theo Quyết định 36; có 223 học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 85. Do khu nhà bán trú chật chội chưa đảm bảo, nên trường mới chỉ bố trí được cho 44 học sinh người Đan Lai chỗ ăn, nghỉ. Các em còn lại đang ở trong nhà dân khu vực xung quanh trường. Để các em được ăn uống đảm bảo, trường đã hợp đồng với một bác bảo vệ kiêm nấu ăn cho các em. Nguồn kinh phí chi trả công tác phục vụ nấu ăn nhà trường vận động đóng góp của phụ huynh, các giáo viên và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm".

Tại Trường THCS Châu Khê (Con Cuông), khu nhà ở bán trú được chăm lo rất khang trang, sạch sẽ. Khu ở bán trú nằm trong khuôn viên của trường, 44 em học sinh bán trú là con của các gia đình ở 2 bản Khe Bu và Khe Lã cách xa trường đến 15 km. Ở đây, mỗi em được bố trí 1 giường. Kế bên cạnh phòng nghỉ là phòng ăn tập trung với đầy đủ bàn ghế, khay đựng đồ ăn bằng inox... Chia sẻ về cách làm của trường, thầy Cao Khắc Hùng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Do các em đều ở xa, nên nhà trường đã bố trí sắp xếp cho các em ở ngay trong trường. Để các em được ăn uống đầy đủ, nhà trường hợp đồng với một nhân viên có nhiệm vụ hàng ngày nấu cơm cho các em, lương cho người này do nhà trường chi trả. Thuận lợi của nhà trường là nguồn thực phẩm dễ mua nên thực đơn bữa ăn của các em được thay đổi hàng ngày, đảm bảo chất dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm...".

Chứng kiến các bữa ăn của học sinh ở các trường PTDT nội trú, học sinh bán trú trên địa bàn 2 huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, chúng tôi nhớ lại ngày theo chân đoàn công tác ngược ngàn đưa "gạo 36" vào Trường THCS Tam Hợp, nghe tâm sự của thầy Võ Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường: Khi trường chưa tổ chức nấu ăn cho các em thì tiền và gạo hỗ trợ được chuyển trực tiếp cho bố mẹ học sinh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh sử dụng tiền chi tiêu việc khác, có nhà mang gạo bán lại cho các quầy hàng lấy tiền tiêu xài, uống rượu... mà không mua sắm áo quần, lo cơm nước cho con cái học hành. Vì thế, các em đến trường luôn trong hoàn cảnh thiếu ăn, bữa cơm chủ yếu chỉ có măng, muối và một ít cá sông. Thấy các em đi học về lụi cụi vào bếp nhóm lửa nấu ăn, thức ăn chỉ có muối, măng với rau, họa hoằn có thêm con cá bắt dưới suối nên thầy, cô không cầm được nước mắt. Vì vậy, trường đã họp bàn với Đảng ủy, chính quyền và hội phụ huynh, quyết tâm dựng nhà tạm và tổ chức nấu ăn cho các em. Thầy Võ Anh Tuấn nói: "Thật lòng, để tổ chức nơi ăn, nghỉ cho các em, nhà trường rất vất vả. Tuy nhiên, làm được điều này thì thấy nhẹ lòng. Học sinh đã được ăn đảm bảo chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh, yên tâm học tập, qua đó đã góp phần thay đổi nhận thức của phụ huynh trong việc chăm lo sự học của con em mình...".

Nhớ cách đây vài năm lên vùng cao vào dịp năm học mới, học trò nhỏ vùng cao xa nhà, sống trong những túp lều mái lá, vách nứa lưa thưa dựng liêu xiêu xung quanh các ngôi trường; bữa ăn của các em, ngoài nắm cơm là dúm muối nhỏ, dăm quả ớt xanh, kèm thêm vài ngọn măng... Còn hiện nay, vẫn tại những nơi cũ mà chúng tôi trở lại, thấy cuộc sống học tập của các em thay đổi rất nhiều. Hầu khắp các trường bán trú, và cả trường có học sinh bán trú, dù còn những khó khăn, hạn chế nhất định, nhưng đã có nhà ở, có giường, chiếu, chăn màn, đồ dùng học tập... cho các em sử dụng. Và quan trọng hơn, từ những chính sách quan tâm hỗ trợ học sinh vùng khó của Chính phủ, hàng ngày các em đã có bữa ăn ngon...

(Còn nữa)

Nhật Lân - Phạm Bằng

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.