Giải quyết dứt điểm tồn đọng ở các khu TĐC Thủy điện Hủa Na trong năm 2016?

(Baonghean) – 14 bản với 1.362 hộ dân thuộc 2 xã Thông Thụ, Đồng Văn (Quế Phong) đã phải nhường nơi "chôn nhau cắt rốn" để thực hiện Dự án Thủy điện Hủa Na. Tuy nhiên, dù dự án này đã hoàn thành và đưa vào vận hành gần 3 năm nhưng công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư còn rất nhiều những tồn đọng.

Nhiều tồn đọng

Theo báo cáo tháng 10/2015, của Ủy ban MTTQ huyện Quế Phong, đời sống của đồng bào các khu tái định cư Thủy điện Hủa Na gặp nhiều khó khăn, thiếu công trình hạ tầng công cộng, thiếu đất sản xuất, đất làm rẫy…; thu nhập của người dân thấp, không ổn định; cuộc sống của người dân đang dựa vào gạo trợ cấp và tiền đề bù, hỗ trợ từ dự án.

Vì vậy, kiến nghị UBND huyện chỉ đạo các cấp ngành hoàn chỉnh việc đền bù giải phóng mặt bằng và có cơ chế hỗ trợ để xây dựng các đề án chương trình, mô hình sản xuất gắn với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng miền, giúp người dân có được phương thức sản xuất, chăn nuôi phù hợp; đẩy nhanh việc giao đất, cấp giấy CNQSDĐ để ổn định sản xuất.

Một điểm sạt lở đất tại khu tái định cư Pù Khoóng.
Một điểm sạt lở đất tại khu tái định cư Pù Khoóng (xã Đồng Văn).

Đồng Văn là xã có 4 khu tái định cư: Huôi Chà Là, Huôi Dục – Huôi Man, Nậm mư – Nậm Kè và Khủn Na (Pù Khoóng). Về đây ngày cuối năm 2015, ông Lang Văn Tuần – Bí thư Đảng ủy xã cho biết, chủ đầu tư còn “mắc nợ nhân dân 18,4 tỷ đồng, và có 25 phương án liên quan chưa được phê duyệt”.

Bên cạnh đó, có những vấn đề bất cập như thiếu nước sinh hoạt; hạ tầng khu tái định cư xuống cấp… mà cán bộ xã đang bối rối, không biết trả lời như thế nào với nhân dân. Ông Lang Văn Tuần nói: “Nhiều vấn đề còn đặt ra ở các khu tái định cư lắm. Lâu nay cuộc sống của bà con trong vào gạo hỗ trợ. Thế nhưng chỉ còn gần 1 năm nữa cũng hết khoản hỗ trợ này, thế thì tương lai sẽ ra sao nếu không giải quyết dứt điểm những tồn đọng…?”.

Có mặt tại bản Pù Khoóng, bức tranh ảm đạm của các khu tái định cư dự án thủy điện Hủa Na hiện ra rõ hơn. Pù Khoóng có 4 công trình nước sạch tập trung thì đều không sử dụng được do đường ống dẫn nước bị vỡ; một số công trình nhà ở, đường giao thông nội bản đã bị xuống cấp; có 2 điểm đang bị sạt lở… Trưởng bản Lang Văn Thoại trao đổi: “Bản có 35 hộ, 143 khẩu thì có tới 16 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo. Pù Khoóng có nhiều những vấn đề bất cập lắm, mong báo có ý kiến để cấp trên giải quyết giúp nhân dân…”.

Trưởng bản Pù Khoóng, anh Lang Văn Thoại kiểm tra một công trình nước sạnh bị bỏ hoang.
Trưởng bản Pù Khoóng, anh Lang Văn Thoại kiểm tra một công trình nước sạnh bị bỏ hoang.

Theo UBND huyện Quế Phong, đến tháng 10/2015, Hội đồng BTHT&TĐC thủy điện Hủa Na đã chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ được 676,1 tỷ đồng (gồm cả kinh phí hỗ trợ gạo), hiện còn 32 quyết định bồi thường, hỗ trợ đã được UBND huyện phê duyệt với tổng kinh phí 48,7 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư chưa cấp kinh phí để chi trả; Hội đồng BTHT&TĐC đã phối hợp với Công ty CP thủy điện Hủa Na thẩm định hoàn thiện 12 phương án bồi thường với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng.

Về công tác xây dựng tái định cư, còn 0,9km đường nội vùng khu tái định cư Xốp Cọ - Nậm Niên đang tiếp tục thi công; đường giao thông nội vùng Na Lướm (Thông Thụ) chưa có kinh phí để thi công phần mặt đường bê tông; 2 công trình nước tại Nậm Nui – Nậm Ke và Piêng Cu chưa được bàn giao; hệ thống kè chống sạt lở tại Huôi Đừa chưa được chủ đầu tư phê duyệt thiết kế…

Về vấn đề đất sản xuất, với đất trồng cây hàng năm, tại 5 điểm Xốp Cọ - Nậm Niên, Huôi Sin – Huôi Lạn (Tiền Phong), Huôi Chà Là (Đồng Văn), Huôi Lướm và Na Lướm (Thông Thụ) chưa giao được đất cho nhân dân; đất trồng lúa nước mới chỉ giao tạm thời 1,06ha tại điểm Xốp Cọ - Nậm Niên; đất lâm nghiệp còn 5 điểm tái định cư thuộc xã Thông Thụ, 1 điểm tái định cư thuộc xã Tiền Phong chưa triển khai giao đất đến từng hộ gia đình.

Một con đường tại khu tái định cư thuộc xã Đồng Văn đã bị sạt lở.
Một con đường tại khu tái định cư thuộc xã Đồng Văn đã bị sạt lở.

Theo ông Trương Minh Cương – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, liên tục trong hơn 2 năm qua, UBND tỉnh và huyện Quế Phong đã nhiều lần đôn đốc Công ty CP thủy điện Hủa Na phải giải quyết các tồn đọng  tại các khu tái định cư. Thậm chí, trong những tháng cuối năm 2015, UBND tỉnh còn tổ chức họp và ra văn bản yêu cầu Công ty CP thủy điện Hủa Na phải cấp nguồn kinh phí để xử lý các tồn đọng, tuy nhiên, các tồn tại ở các khu tái định cư thủy điện Hủa Na cho đến nay vẫn còn rất lớn.

Sẽ giải quyết dứt điểm trong năm 2016?

Để giải quyết dứt điểm các tồn đọng ở các khu tái định cư, cần tới trên 337 tỷ đồng (trong đó, số vốn cần có trong năm 2015 là 131,48 tỷ đồng; và, 205,6 tỷ đồng là số vốn cần có trong các năm tiếp theo). Vậy nhưng trong năm 2015, do diễn biến bất thường của thời tiết, khô hạn trên diện rộng, lượng nước quá thấp nên nửa cuối tháng 11 và cả tháng 12/2015 Công ty CP thủy điện Hủa Na phải ngừng phát điện. Tổng sản lượng điện năm 2015 chỉ đạt khoảng 62% công suất thiết kế, giảm đến hơn 200 tỷ đồng so với năm 2014. Ông Trịnh Bảo Ngọc – Giám đốc Công ty CP thủy điện Hủa Na nêu lên thực trạng về sản xuất kinh doanh, và trao đổi: “Chúng tôi biết rõ về những tồn tại ở các khu tái định cư, tuy nhiên do tình hình sản xuất, kinh doanh quá khó khăn nên đã chậm xử lý được các vấn đề tồn đọng”.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, Công ty CP thủy điện Hủa Na đã kiến nghị cấp trên là Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam một số giải pháp như bổ sung một số vốn điều lệ, trước mắt cấp 53,4 tỷ đồng trong tổng số vốn điều lệ tăng thêm là 255,1 tỷ đồng để kịp thời có nguồn vốn chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân theo yêu cầu của UBND tỉnh; chấp thuận cho công ty đàm phán với ngân hàng vay bổ sung 300 tỷ đồng trong năm 2015 để có nguồn vốn thanh toán cho các nhà thầu xây dựng tái định cư hoàn thành những hạng mục dở dang, hoàn thiện hạ tầng các khu tái định cư và giải quyết các tồn đọng còn lại trong quá trình đầu tư dự án; hỗ trợ đôn đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia, Công ty Truyền tải điện 1 sớm nhận bàn giao, thanh toán kinh phí đầu tư đường dây 220kv (khoảng 365 tỷ đồng) để có thêm kinh phí…

Một khu tái dịnh cư Thủy điện Hủa Na ở xã Thông Thụ (Quế Phong).
Một khu tái dịnh cư Thủy điện Hủa Na ở xã Thông Thụ (Quế Phong).

Hiện Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam đã vào cuộc để tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc ở các khu tái định cư dự án thủy điện Hủa Na. Ngày 8/12/2015, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam có công văn 3300/ĐLDK-TCKT&KT gửi Công ty CP thủy điện Hủa Na yêu cầu hoàn thiện thủ tục vay ngân hàng để “chi trả các khoản cấp bách như cấp gạo cho dân, cấp tiền đền bù giải phóng mặt bằng” và “tuyệt đối không để vấn đề phức tạp, khiếu kiện xẩy ra”; bên cạnh đó, vào cuộc để Tập đoàn điện lực Việt Nam thanh toán vốn đầu tư xây dựng đường dây 220kv Hủa Na – Thanh Hóa để đơn vị này có thêm kinh phí giải quyết các tồn đọng tại các khu tái định cư.

Đến ngày 29/12/2015, Tổng Công ty điện lực dầu khí Việt Nam có công văn 3507/ĐLDK-XD về việc các vấn đề tồn tại trong công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư Thủy điện Hủa Na gửi UBND tỉnh. Tại Công văn 3507, Tổng Công ty điện lực dầu khí Việt Nam nêu rõ là đã chỉ đạo Công ty CP thủy điện Hủa Na thực hiện ngay một số công tác như: “Cân đối nguồn vốn để thực hiện hỗ trợ gạo quý IV cho nhân dân tái định cư (hoàn thành trước Tết nguyên đán Bính Thân); tiếp tục làm việc với các ngân hàng để sớm giải ngân kinh phí hoạt động cho Hội đồng bồi thường; chi trả tiền cho các phương án đã được duyệt; hoàn thiện các công trình hạ tầng, giải quyết đất sản xuất… cho nhân dân; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Quế Phong, báo cáo UBND tỉnh tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để trong thời gian sớm nhất hoàn thành các tồn tại về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và định canh của dự án”.

Đại diện Công ty CP thủy điện Hủa Na cho biết: “Với sự vào cuộc của Tổng công ty, việc đàm phán giữa công ty với ngân hàng diễn ra khá thuận lợi. Chúng tôi hy vọng sau khi thẩm định hồ sơ, đầu quý I/2016, ngân hàng sẽ giải ngân để công ty giải quyết các vấn đề tồn đọng tại các khu tái định cư như nội dung Tổng công ty đã chi đạo…”.

                                                                                                                                                                         Nhật Lân

tin mới

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

(Baonghean.vn) - Cùng với việc tạo ra hàng trăm nghìn cơ hội kinh doanh và trị giá doanh số giao dịch, kinh doanh lên tới hàng nghìn tỷ đồng, BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh còn tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội trên địa bàn.

Ca sỹ Đinh Hiền Anh ra mắt bộ đôi album Lời ca đất nước và Dòng chảy miền thương nhớ

Ca sỹ Đinh Hiền Anh ra mắt bộ đôi album Lời ca đất nước và Dòng chảy miền thương nhớ

(Baonghean.vn) - Chiều 20/4, tại TP Vinh, ca sỹ Đinh Hiền Anh tổ chức buổi họp báo ra mắt 2 CD phòng thu Lời ca đất nước và Dòng chảy miền thương nhớ. Bộ đôi CD ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước sau chiến tranh, hướng tới kỷ niệm 49 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4).

[Infographics] Chiến thắng Điện Biên Phủ - Cột mốc vàng của lịch sử dân tộc Việt Nam

[Infographics] Chiến thắng Điện Biên Phủ - Cột mốc vàng của lịch sử dân tộc Việt Nam

(Baonghean.vn) - Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cánh đồng Mường Thanh, quân và dân ta đã lập nên một trong những chiến công hiển hách, vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc - Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Khai mạc triển lãm 'Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất'

Khai mạc triển lãm 'Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất'

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 1085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa (939 - 2024), sáng 19/4, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã khai mạc triển lãm, chuyên đề “Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất”.

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.