Nghệ An cam kết tạo sự thay đổi mạnh mẽ để thúc đẩy du lịch phát triển

(Baonghean)- Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An nhân Hội thảo khoa học liên kết du lịch vùng Bắc - Nam Trung bộ.
P.V:  Nghệ An là tỉnh có nguồn tiềm năng du lịch phong phú, xin đồng chí cho biết thế mạnh của tỉnh nhà trong lĩnh vực này ?.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Nghệ An là một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ, có diện tích lớn nhất cả nước (16.490 km2), có địa hình tự nhiên đa dạng gồm cả rừng núi, đồng bằng, biển và hải đảo, với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ nên thơ, là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng.
Tài nguyên du lịch tự nhiên của Nghệ An khá đa dạng, trong đó nổi bật là hệ thống rừng nguyên sinh ở khu vực phía Tây của tỉnh, hình thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới lớn nhất Đông Nam Á, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Bên cạnh đó, Nghệ An còn có hệ thống hang động tương đối phong phú, độc đáo, trong đó có một số hang động đã phát hiện được các di tích khảo cổ về cuộc sống của người Việt cổ cách đây hàng chục vạn năm như: hang Thẩm Ồm, hang Cỏ Ngụn (Quỳ Châu), hang Poòng (Quỳ Hợp),... Nghệ An có bờ biển dài trên 82 km, phẳng, cát trắng mịn, nước trong, có độ mặn vừa phải, môi trường trong lành, số lượng giờ nắng nhiều, thích hợp cho sự phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, chữa bệnh, với nhiều bãi tắm đẹp như Cửa Lò, Bãi Lữ, Quỳnh Phương, Quỳnh Lập, Diễn Thành… 
Cửa Lò - đô thị du lịch biển ở Nghệ An
Cửa Lò - đô thị du lịch biển ở Nghệ An  -Ảnh: Xuân Nhường
Nghệ An còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng. Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa nhiều và phong phú về thể loại, với gần 1.400 di tích đã được nhận biết, trong đó có 136 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, nổi bật là Di tích quốc gia đặc biệt Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Nam Đàn - Quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Ngoài ra, còn có rất nhiều di tích khác để phát triển loại hình du lịch tâm linh; có nền văn hóa dân gian phong phú, đặc sắc, với âm nhạc dân gian, các phong tục, tập quán, lễ hội, văn hóa ẩm thực… Đặc biệt, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó chính là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, là bản sắc riêng của xứ Nghệ, có khả năng tạo ra các sản phẩm du lịch của Nghệ An.
Du thuyền trên sông Giăng
Du thuyền trên sông Giăng  -Ảnh: Hoàng Hảo
Với tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đa dạng, tỉnh Nghệ An đang trở thành cầu nối giữa các vùng du lịch trong cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh... Nghệ An đang là điểm khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại và cũng là điểm khởi đầu của tuyến du lịch hành lang Đông Tây (theo Quốc lộ số 8), các chương trình kết nối các di sản như “Hành trình qua các miền Kinh đô Cổ”, khám phá hệ thống hang động ở miền Trung (Động Thiên Đường, hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới ở Quảng Bình)... Đồng thời, Nghệ An còn là điểm trung chuyển du lịch trong cả nước với du lịch nước ngoài, mà trước hết là với các nước: Lào, Thái Lan.
P.V: Vậy, Nghệ An đã làm gì để phát huy những tiềm năng, thế mạnh đó, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Với những thế mạnh vốn có trên, Nghệ An đã và đang đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng và các sản phẩm du lịch mới. Nhiều tuyến đường được nâng cấp và một số dự án hạ tầng được khánh thành đưa vào sử dụng, góp phần rút ngắn thời gian đi lại của các tour du lịch. Sân bay Vinh đã được nâng cấp thành sân bay quốc tế và hiện đang khai thác các tuyến bay đến thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng, Liên Khương - Lâm Đồng... (dự kiến sẽ mở đường bay Vinh - Bankok vào tháng 4/2016). Hệ thống cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, nhà hàng, dịch vụ mua sắm cũng phát triển mạnh mẽ, đủ khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cho khách du lịch khi đến Nghệ An.
Đoàn các công ty lữ hành khảo sát điểm du lịch hồ Vệ Vừng ở Yên Thành   -Ảnh: V.T
Đoàn các công ty lữ hành khảo sát điểm du lịch hồ Vệ Vừng ở Yên Thành -Ảnh: Văn Trường
Nghệ An đã xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng biển với những bãi tắm đẹp, các khu resort cao cấp tại: Cửa Lò (1 trong 12 đô thị du lịch biển của Việt Nam), Bãi Lữ - Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu....; Du lịch sinh thái với các điểm trong các khu rừng nguyên sinh và khu bảo tồn: Vườn quốc gia Pù Mát và Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An; Du lịch thám hiểm với các tuyến du lịch leo núi, vượt sông suối: Tuyến du lịch Phà Lài - Khe Khặng, du thuyền trên sông Giăng, Thác Khe Kèm - bảo tàng gene động thực vật...; Du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, liên kết mở các chương trình du lịch thăm các nước bạn Lào, Thái Lan bằng đường bộ...
Tuy nhiên, trên thực tế, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, Nghệ An vẫn chưa phát huy hết những tiềm năng lợi thế sẵn có của mình.
P.V: Để du lịch Nghệ An từng bước khẳng định thương hiệu và là cầu nối quan trọng để liên kết phát triển du lịch các tỉnh Bắc – Nam Trung bộ, thời gian tới, lãnh đạo tỉnh có những chỉ đạo, giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường: Để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ “ngành công nghiệp không khói” ở Nghệ An, trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Nghệ An xác định và tập trung thực hiện các mục tiêu phát triển ngành du lịch như sau:
1. Tiếp tục tăng cường nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ và xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện; chủ động hội nhập và gắn kết du lịch Nghệ An với du lịch khu vực Bắc - Nam Trung bộ, với cả nước và quốc tế; đảm bảo tốc độ phát triển nhanh và bền vững. 
2. Phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển văn hóa, nhất là bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới và biển đảo.
Cánh đồng hoa hướng dương Nghĩa Đàn thu hút sự chú ý của đông đảo du khách -Ảnh: Thái Trường
Cánh đồng hoa hướng dương Nghĩa Đàn thu hút sự chú ý của đông đảo du khách -Ảnh: Thái Trường
3. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng, trọng tâm là du lịch biển đảo gắn với du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, du lịch sinh thái, để du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Chú trọng hình thành các tour du lịch gắn kết và phát huy hiệu quả các điểm du lịch, các sản phẩm du lịch độc đáo, các cơ sở du lịch hấp dẫn, có chất lượng cao, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. 
4. Hoàn thiện hệ thống công viên và dịch vụ ven bãi biển. Thu hút đầu tư các công trình văn hóa, thể thao, dịch vụ vui chơi giải trí, cơ sở mua sắm gắn với phát triển loại hình du lịch sinh thái, làng nghề, du lịch văn hóa tâm linh. Hình thành các tour du lịch gắn kết du lịch biển, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch dựa vào cộng đồng. Tăng cường liên kết xây dựng sản phẩm, thương hiệu du lịch giữa các địa bàn trọng điểm du lịch Vinh – Cửa Lò – Nam Đàn – Con Cuông – Yên Thành – Quỳ Châu. Mở rộng liên kết với các điểm du lịch tại Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế và các vùng khác nổi tiếng trong cả nước.
5. Phát triển bền vững nguồn nhân lực du lịch thông qua đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng, trau dồi kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp cao. 
Cơ sở hạ tầng du lịch Nghệ An ngày càng được đầu tư, nâng cấp. Trong ảnh: Sân golf ở Cửa Lò -Ảnh: Đào Tuấn
Cơ sở hạ tầng du lịch Nghệ An ngày càng được đầu tư, nâng cấp. Trong ảnh: Sân golf ở Cửa Lò. Ảnh: Đào Tuấn
Bên cạnh đó, việc tổ chức Hội thảo khoa học liên kết phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung bộ là cơ hội để chúng ta, những nhà làm chính sách và những nhà làm du lịch chuyên nghiệp tìm các giải pháp liên kết nhằm tiếp tục thúc đẩy du lịch phát triển hơn nữa.
Tại hội thảo này, chúng tôi mong muốn các đại biểu tập trung vào các giải pháp liên kết để phát triển hệ thống sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu vùng, sản phẩm bổ trợ, sản phẩm chuyên biệt để tránh sự trùng lặp; liên kết để không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa và khắc phục tính thời vụ trên cơ sở những định hướng đã được xác định trong chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam và quy hoạch phát triển du lịch vùng Bắc Trung bộ, vùng Nam Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 
Tỉnh Nghệ An cam kết sẵn sàng tham gia các hoạt động hợp tác đã ký kết, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các tỉnh và các doanh nghiệp trong hoạt động liên kết, cũng như chỉ đạo các cấp, các ngành, người dân cùng vào cuộc để tạo sự thay đổi mạnh mẽ về hoạt động du lịch.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Đức Chuyên (Thực hiện)

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.