Trở về sau 22 năm bị lừa bán sang Trung Quốc

Chị Bậu kể, trong lần đi buôn, bị một phụ nữ thôi miên rồi đưa qua Trung Quốc bán làm vợ một thanh niên trẻ tuổi. May mắn, chị gặp được người chồng thương yêu vợ nhưng phải mất 22 năm mới có cơ hội tìm về quê.

Ngày cuối tháng 4, căn nhà nhỏ ở thị trấn Tân An (Hiệp Đức, Quảng Nam) của cụ Lê Thị Ngữ (86 tuổi) rộn rã tiếng cười. Nghe tin con gái cụ, chị Phạm Thị Bậu (52 tuổi) trở về sau 22 năm tưởng chừng mất tích, hàng xóm, người thân kéo đến chia vui. Dân làng đến đông, căn nhà nhỏ của bà mẹ Việt Nam anh hùng thường ngày vắng lặng bỗng trở nên chật chội.

Chị Bậu kể, trung tuần tháng 4/1994, chị theo những chuyến xe khách để buôn hoa quả ra TP Huế bán. Trong một lần giao hàng ở Huế, chị bắt xe về lại Quảng Nam. Khi xe đến giữa đèo Hải Vân thì bị hỏng, hành khách phải xuống. “Lúc đó khoảng 15h chiều, tôi ngồi uống nước bên đường với nhiều hành khách khác. Đang ngồi thì bất ngờ có người phụ nữ tới vỗ vai rồi đầu óc mê man”, người phụ nữ lúc đó đã có chồng và hai con trai kể.

nguoi-dan-ba-tro-ve-sau-22-nam-bi-ban-sang-trung-quoc

Chị Bậu nay đã có quốc tịch Trung Quốc sau 22 năm mất tích. Ảnh: Tiến Hùng.

Chị Bậu nói rằng, sau cái vỗ vai đó, không hiểu vì lý do gì chị như người mất hồn, lặng lẽ và ngoan ngoãn đi theo người phụ nữ kia bắt xe ra Bắc. Dọc đường chị không nhớ ghé những đâu và khi bừng tỉnh thì được đưa qua tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). “Nó giống như bị thôi miên, không biết gì hết, bà ta nói gì tôi làm theo nấy. Lúc tỉnh, một người phụ nữ cho hay, tôi đã bị bán qua Trung Quốc, muốn trở về Việt Nam phải bỏ ra 2.000 nhân dân tệ. Nếu không có tiền chuộc thân thì ở yên đó, chờ người đến mua”, chị Bậu nhớ lại.

Cùng cảnh ngộ với chị Bậu lúc đó có khoảng 10 phụ nữ Việt đang bị giam giữ. Không có tiền, chẳng quen biết ai để nhờ cậy, chị Bậu và tất cả chị em khác đành chấp nhận ngồi chờ đàn ông Trung Quốc đến mua. “Nhiều nhóm đàn ông được dẫn đến xem mặt chúng tôi, họ chọn lựa rồi trả tiền cho bà chủ. Họ bán chúng tôi như món hàng. Lúc đó, ai cũng rất sợ nhưng không biết làm gì vì không thể nào bỏ trốn. Không ai nói được tiếng Trung Quốc mà cũng chẳng biết đường”, chị Bậu nói, hướng ánh mắt về người chồng Trung Quốc đang bị đám trẻ con trong xóm vây kín vì tò mò.

“Ngày nó mất tích, tôi lặn lội hơn hai tháng trời đi khắp nhiều tỉnh để tìm con nhưng không thấy. Đi xem bói họ nói con chết rồi, về lập bàn thờ đi nhưng tôi không tin. Linh tính báo tôi rằng con tôi còn sống. Đã 22 năm, từng ấy thời gian, đêm nào tôi cũng khấn cầu con gái sẽ quay về. Cảm ơn trời đất đã cho mẹ con được gặp lại nhau”, cụ Ngữ ngồi bên cạnh xen vào, giọng run run, nước mắt giàn giụa. Cụ có đến 9 người con trong đó 5 người đã mất.

Chống tay lên trái như để nhớ lại những câu chuyện hơn 20 năm trước, chị Bẩu kể tiếp, gần 10 ngày sau khi bị đưa qua bên đó, một thanh niên người Trung Quốc tìm đến chỗ nhóm buôn người rồi trả 2.000 tệ để mua chị về làm vợ. Chàng trai đó là Yang Jianfeng, lúc đó mới 19, kém chị Bậu đến gần chục tuổi.

nguoi-dan-ba-tro-ve-sau-22-nam-bi-ban-sang-trung-quoc-1

Chị Bậu bên cạnh mẹ già đã 86 tuổi. Ảnh: Tiến Hùng.

Mua bán xong, Yang chở vợ bằng xe máy về nhà ở thị trấn Đại Luân (TP Bắc Lưu, Quảng Tây). Gọi là thị trấn nhưng nhà Yang nằm giữa một vùng quê nghèo hẻo lánh. Để tới được đó, Yang chở chị Bậu đi hết nửa ngày đường. “Nhóm buôn người bảo nếu không chịu làm vợ sẽ bị đánh đập. Đất khách, lạ lẫm cộng với sự nhớ nhà, nhớ gia đình nhưng chị đành chịu”, chị Bậu nói.

Gia đình Yang rất nghèo, mồ côi từ nhỏ, ba anh em đùm bọc nhau lớn lên. Cũng vì nghèo lại không có việc làm nên Yang không được con gái trong làng ưa, đành dành dụm tiền đi mua vợ, dù biết chị Bậu nhiều hơn cả tuổi anh cả trong gia đình. Hai hôm sau ngày dẫn vợ về, gia đình anh Yang làm mâm cơm thay lễ cưới.

“Không hiểu được tiếng nên thời gian đầu vợ chồng giao tiếp bằng ngôn ngữ hình thể, cũng hiểu được sơ sơ. Mất gần nửa năm thì tôi mới bắt đầu hiểu và nói được tiếng Trung nên cuộc sống đỡ hơn”, chị Bậu kể.

Người phụ nữ này cho rằng, so với những người bị bán sang Trung Quốc làm vợ, chị là trường hợp may mắn vì rất được Yang thương yêu. Hàng ngày, Yang chạy xe ôm còn vợ đi làm đồng. Mặc dù lấy nhau bằng cuộc mua bán nhưng chỉ thời gian ngắn, cả hai nảy sinh tình cảm, rất yêu nhau. Vài năm sau, hai đứa con trai lần lượt ra đời, chị Bậu cũng được làm quốc tịch với tên gọi Lý Tú.

“Yang rất thương tôi, chẳng khi nào tôi bị đánh đập hay chửi bới như những người vợ Việt Nam ở bên này cả. Yang hiền lắm, nhiều khi còn bị tôi bắt nạt”, chị Bậu cười nói, tay ôm chặt người chồng trẻ. Chị Bậu cho hay, ở Trung Quốc, nhiều phụ nữ Việt Nam bị bán làm vợ không chịu được cảnh hành hạ nên bỏ trốn. Thời gian đầu, chị nhớ nhà, cũng muốn bỏ đi, nhưng khi đã yêu Yang rồi hai con ra đời, chị tạm quên mình còn có một gia đình ở Việt Nam.

“Cũng nhớ mẹ, nhớ con, nhớ quê da diết nhưng vì điều kiện gia đình nhà chồng  khó khăn. Lúc đó phải nuôi 2 con nên lần lữa mãi. Nay gia đình chồng đã khấm khá, vợ chồng đã làm được nhà riêng, hai người con đã lớn và đi làm, nên vợ chồng mới thu xếp về Việt Nam được”, chị Yang phân trần với gia đình việc mất tích lâu nay mà không có lấy một bức thư.

nguoi-dan-ba-tro-ve-sau-22-nam-bi-ban-sang-trung-quoc-2

Người chồng Trung Quốc kém chị Bậu gần 10 tuổi. Ảnh: Tiến Hùng.

Khi nói ý định về quê với chồng, Yang nằng nặc đòi đi theo. Người chồng sợ vợ về sẽ không quay trở lại. Về đến thị trấn Tân An, không còn nhớ đường, chị Bậu đành phải tìm ra chợ mong có người nhận ra mình hoặc gặp được người quen. May mắn, nhiều người trong làng vẫn nhớ chị. Lập tức, tin người phụ nữ mất tích 22 năm lan khắp vùng. Cả nhà cụ Ngữ nghe tin, hối hả ra đường để đón chị, vui mừng khôn xiết. Cụ Ngữ nói rằng, sức khỏe đã yếu, lâu nay đau ốm liên tục nhưng suốt 10 ngày qua, người cụ dường như khỏe lại vì gặp được con.

Sau khi chị Bậu mất tích, chồng chị cũng bỏ đi biệt xứ, để lại hai người con trai cho cụ nuôi nấng. Tuy nhiên gia cảnh khó khăn, vài năm sau cụ đành nén nước mắt để cho hai cháu làm con nuôi một cặp vợ chồng người Canada. Đến nay, hai người cháu đã có cuộc sống ổn định ở nước ngoài, thi thoảng về thăm cụ.

Nghe mẹ già nhắc đến hai cháu, chị Bậu rưng rưng nước mắt. “Suốt 22 năm chỉ mong có ngày về để được gặp lại mẹ già, con thơ. Giờ mẹ con cách biệt, không biết bao giờ mới được gặp nhau. Không biết tụi nó có nhớ mặt mẹ, vì ngày đó các con còn quá nhỏ”, chị Bậu nói và cho hay, dự kiến vài tuần nữa chị lại sang Trung Quốc, sau này có cơ hội sẽ về thăm quê.

“Chắc lần sau nó về thăm, tôi cũng đã mất rồi”, cụ Ngữ ngồi bên cạnh nói, giọng nghẹn đắng.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Khối phố trưởng An Nam (thị trấn Tân An), cho hay lâu nay ông cũng như người dân tưởng chị Bậu đã chết. “Tôi nhớ hồi xưa gia đình họ đã tìm kiếm rất nhiều nhưng chẳng có thông tin gì. Nay chị ấy lại tự về, thật là may mắn”, ông Cảnh nói.

Theo VNE

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.