Chung tay thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân

(Baonghean) - Ông Lê Trường Giang - Giám đốc BHXH Nghệ An trao đổi về tình hình thực hiện lộ trình BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh.

P.V: Xin ông cho biết những lợi ích căn bản của người bệnh tham gia BHYT được hưởng khi khám, chữa bệnh và những chia sẻ từ BHYT giúp người bệnh vượt qua bệnh tật?

Sử dụng thiết bị hiện đại khám mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Nghệ An. 	Ảnh: Từ Thành
Sử dụng thiết bị hiện đại khám mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Nghệ An. Ảnh: Từ Thành

Ông Lê Trường Giang: Tham gia BHYT có lợi ích rất lớn trong quá trình  điều trị, đặc biệt là các bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn. Quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT hiện nay đã được mở rộng, bao gồm: khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con; chi phí vận chuyển đối với một số nhóm đối tượng; chi trả tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tai nạn giao thông, tự tử, tự gây thương tích và điều trị lác, cận thị, tật khúc xạ mắt đối với trẻ em dưới 6 tuổi... Khi tham gia BHYT liên tục từ 5 năm trở lên, ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng theo đúng quy định, người tham gia BHYT được cấp giấy chứng nhận không đồng chi trả trong năm khi chi phí khám, chữa bệnh trong năm vượt quá 6 tháng lương cơ sở.

Về lâu dài, khi đạt được mục tiêu BHYT toàn dân, quỹ BHYT phát triển bền vững thì người dân còn được hưởng lợi nhiều hơn: Phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng chi trả BHYT được mở rộng, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao, giảm tỷ lệ đồng chi trả khám, chữa bệnh của người có BHYT; góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng.

P.V: Ông có thể cho biết những thành tựu nổi bật về thực hiện chính sách BHYT và lộ trình tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua?

Ông Lê Trường Giang: Trước hết, nhận thức của các tầng lớp nhân dân và trách nhiệm của các cấp, các ngành về thực hiện chính sách BHYT ngày càng được nâng lên. Tổ chức thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét, đặc biệt, sau khi Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 22 ngày 28/8/2013 triển khai thực hiện Nghị quyết 21 NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020.

Từ năm 2014, chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia BHYT được đưa vào hệ thống chỉ tiêu kinh tế, xã hội trình HĐND tỉnh thông qua và được giao chỉ tiêu cụ thể cho từng huyện, thành phố, thị xã. Đây là sự thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với việc thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.

Cùng với đó, việc mở rộng các nhóm đối tượng cơ bản đã được thực hiện theo đúng lộ trình của Luật BHYT và Luật BHYT sửa đổi. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh Nghệ An tăng lên qua các năm. Nếu như năm 2012, Nghệ An có 71,36 % dân số tham gia BHYT thì tính đến hết năm 2015 có 76,95%, và tính đến ngày 31/5/2016 là 79,5%, tương ứng với tổng số người tham gia là 2.447.181 người.

Ngoài ra, mạng lưới khám, chữa bệnh BHYT được mở rộng, chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh từng bước được nâng lên. Người dân đã được tiếp cận và chăm sóc sức khỏe từ nguồn quỹ BHYT ngay tại cộng đồng dân cư và nhiều dịch vụ y tế hiện đại.

Chăm sóc cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức chống độc - Bệnh viện Hữu nghị  Đa khoa Nghệ An. Ảnh: M.Q
Chăm sóc cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức chống độc - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh: M.Q

Mặt khác, công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện BHYT có những chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo và có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể đã coi lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách BHYT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội. Việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT đã trở thành một trong các giải pháp để hoàn thành các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

P.V: Những khó khăn, thách thức trong việc phát triển đối tượng tham gia BHYT thưa ông?

Ông Lê Trường Giang: Nghệ An là một tỉnh có địa bàn rộng, đông dân cư, nhiều đơn vị doanh nghiệp hoạt động với số lượng lao động lớn, nhưng hiện nay, mới chỉ có 79,5% dân số tham gia BHYT. Tỷ lệ bao phủ BHYT của các địa phương, tỷ lệ người dân tham gia BHYT giữa các nhóm đối tượng không đồng đều. Bên cạnh những địa phương có tỷ lệ bao phủ đạt 100% như: Quế Phong, Con Cuông, Quỳ Châu, nhiều địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp hơn mức bình quân chung, như Hưng Nguyên (60,7%), Hoàng Mai (62,2%), Quỳnh Lưu (65,2%), Yên Thành (63,8%), Nam Đàn (66,3%)…

Bên cạnh đó, chất lượng KCB ở một số cơ sở y tế vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng gian lận thẻ BHYT của một số đối tượng ngày càng gia tăng và tinh vi như: mượn thẻ BHYT của người khác đi khám, chữa bệnh, sử dụng thẻ BHYT giả, chứng minh nhân dân giả… ảnh hưởng không nhỏ đến ý thức tham gia BHYT cho chính bản thân của người dân và nguồn quỹ khám, chữa bệnh BHYT.

P.V: Để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2020, BHXH tỉnh Nghệ An đã có những giải pháp gì thưa ông?

Ông Lê Trường Giang: Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An có trên 90% dân số tham gia BHYT. Từ nay đến năm 2020 là khoảng thời gian không còn dài, mục tiêu của Chính phủ đề ra và để đạt tới mục tiêu BHYT toàn dân là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cực kỳ khó khăn, rất cần đến sự chung tay của cả hệ thống chính trị. 

Ngoài các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHYT đang triển khai, trong thời gian tới, BHXH Nghệ An đẩy mạnh một số giải pháp để tăng nhanh tỷ lệ tham gia tại các nhóm đối tượng đang có tỷ lệ tham gia BHYT thấp, trong đó chú trọng tuyên truyền, thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT ở các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm. Đối với đối tượng cận nghèo, đề nghị UBND tỉnh sớm trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về việc hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo giai đoạn 2016 - 2020.

Đối với hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sớm triển khai Thông tư số 02/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/3/2016 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình xác định hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2016 - 2020, từ đó sớm lập xong danh sách đối tượng này để vận động tham gia và làm căn cứ đề xuất hỗ trợ mức đóng. 

Đối với nhóm tham gia theo hộ gia đình, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện, UBND xã và Bưu điện tỉnh phối hợp với cơ quan BHXH nhanh chóng hoàn thiện công tác lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT, làm tốt công tác báo tăng, giảm đối tượng tham gia BHYT hàng tháng. Ngoài ra, UBND tỉnh cần xem xét đưa thêm tiêu chuẩn xét gia đình văn hóa là phải 100% thành viên trong hộ gia đình tham gia BHYT, và tiêu chuẩn xét xã nông thôn mới là tỷ lệ bao phủ BHYT của xã đạt trên 80% dân số.

Cùng với đó, BHXH Nghệ An tiếp tục phát triển các đại lý BHXH, BHYT để tăng khả năng tiếp cận của người dân với chính sách BHYT; đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh BHYT và phối hợp với ngành Y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế để đảm bảo quyền lợi, sự hài lòng của người tham gia BHYT.

Minh Quân (Thực hiện) 

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.