Thềm nhà yêu thương

(Baonghean) - Tối qua tôi mơ thấy mình bất ngờ đi lạc qua vài con đường rất quen hàng ngày vẫn đi ở Sài Gòn. Lòng vòng bỗng chốc lạc qua... khu tập thể ngày nhỏ ở Vinh.

Chẳng còn ai ở đó. Những dãy nhà cấp 4 be bé, đều tăm tắp nằm song song nhau, phía trước là những thềm nhà trống trơn. Nhưng khi mắt tôi nhòe đi vì nước mắt, tôi thấy mình trong đám trẻ con tóc râu ngô lom khom ngồi chơi ô ăn quan xuyên trưa trên những thềm nhà ấy. Tiếng cười cả đám quyện lấy nhau, tiếng cãi nhau, tiếng trò chuyện râm ran khi mải chơi và chỉ tạm im khi một người lớn bước ra từ cửa căn nhà nào gần đó nhắc nhở.

 

Những căn nhà tập thể tôi ở chung nhau một dãy thềm dài. Ở đầu thềm này là vệt gạch son vẽ ô ăn quan, đầu thềm kia lại là ô nhảy lò cò, thêm vài nét vẽ nguệch ngoạc của cô cậu nhóc nào đấy. Bức tường mặt tiền dãy nhà cũng trở thành một gallery cho lũ trẻ tha hồ nguệch ngoạc.

Vài tháng, vào một ngày Chủ nhật mát trời nào đấy, một hai ông bố trẻ trong dãy nhà sẽ xắn tay áo lên tự tô vôi “hô biến” các vết gạch son lem nhem. Sau đó, đương nhiên, khi lớp vôi khô, những nét vẽ màu gạch khác lại xuất hiện... Chẳng người lớn nào lấy làm phiền về điều ấy. Những ông bố trẻ nói “kệ, con nít phải nghịch mới lớn”. Thềm nhà dường như trở thành nơi sở hữu để đám trẻ con tha hồ chơi bời, quậy phá.

Buổi sáng mùa hè, nếu không đi học, trẻ con khu tập thể tôi ở thường bị nhốt trong nhà cùng vài cuốn truyện trong lúc bố mẹ đi làm ở cơ quan cách nhà vài trăm mét. Tôi thường he hé mắt nhìn ra thềm nhà lúc ấy, lũ chim sẻ sà hẳn xuống chụm hai chân nhảy lí lắc trên thềm nhà, buông những tiếng kêu chim chíp nho nhỏ tươi vui. Lúc ấy, thềm nhà là của lũ chim, và đứa nhóc hiếu động như tôi chỉ mong mình được biến thành chim.

Khu tập thể ấy giờ chẳng còn dấu tích gì ngoài những con đường dọc ngang vẫn chạy bên chân núi Quyết. Lâu lắm rồi tôi không nhắc gì tới dãy thềm nhà xưa cũ, cho tới khi tối qua, chợt gặp lại trong giấc mơ hôm qua. Tỉnh dậy thấy ngẩn ngơ nuối tiếc.

Một góc phố Vinh.
Một góc phố Vinh.

2. Khi thôi không còn ở tập thể, mẹ tôi rời vùng ven, xây căn nhà mái bằng nho nhỏ ở trung tâm thành phố. Nhà nhỏ, tấc đất tấc vàng nhưng mẹ vẫn dành ra một khoảng thềm đủ rộng để chúng tôi có thể tụm năm tụm bảy cùng bè bạn chơi ở đó. Khoảng thềm được mẹ lát gạch hoa sạch bóng, ngày ngày lau qua lau lại vài bận.

Mẹ nói, mẹ nhớ thềm nhà tập thể trát xi măng trước đây, trẻ con chơi một lúc lấm lem đít quần, tội lắm. Vì thế, kiểu gì thềm cũng phải sạch, đẹp cho con chơi thoải mái, người bán hàng rong đi ngang mỏi chân ghé vào có chỗ sạch để ngồi... Hơn nữa, trước khi bước vào nhà phải bước qua thềm, thềm nhà có sạch thì mới có cảm giác dễ chịu khi vào nhà. Thương thềm nhà mới thương ngôi nhà.

Thềm nhà - khoảng không yêu thương.
Thềm nhà - khoảng không yêu thương.

Mẹ kể, ngày trẻ, mẹ chưa có căn nhà nào. Mỗi lần đi công tác từ Thanh Hóa về, phải dừng xe ở Vinh rồi bắt thêm chuyến xe nữa ngược lên Đô Lương. Mẹ bị chứng say xe, có lúc say tới mức xe vừa về tới Vinh thì mắt mờ, nôn thốc nôn tháo mật xanh mật vàng tưởng chết. Đang lúc hoa mắt vì say xe, nhìn những thềm nhà lướt qua cửa kính xe, bố mẹ con cái quây quần ngồi chơi đùa bên nhau, mẹ ao ước mình có một... thềm nhà ở phố Vinh.

Chỉ một thẻo đất bé tí bằng thềm nhà thôi, có mái che, vậy là dư sức nghỉ lưng, để khỏi phải đi xe ngược lên Đô Lương. Vậy mà giờ mẹ có một căn nhà. Căn nhà có nhỏ đi nữa thì nhất định phải có thềm nhà, để cả nhà quây quần hóng gió đêm hè, để người đi đường xa có thể nán lại dừng chân ghé vào nghỉ mệt. 

Đối diện thềm nhà tôi là một xưởng làm kem. Các bác bán kem rong ruổi cả ngày dang nắng, buổi tối ăn uống tắm giặt xong lại qua thềm nhà tôi ngồi uống nước, tán dóc. Phía bên xưởng kem chật chội, khuất gió, lại mùi máy móc nên hầu như chỉ khi đi ngủ các bác mới quay về. Mẹ tôi luôn nấu một ấm chè xanh lớn để sẵn mời các bác uống. Buổi chiều, việc thường xuyên mẹ giao cho tôi là lau thật sạch thềm nhà để các bác có thể ngồi thoải mái.

Dĩ nhiên, việc ấy có lúc nhàm chán khi diễn ra hàng ngày mà một cô nhỏ tuổi lên 10 lại không thấy chút lợi lộc nào. Mẹ hiểu thái độ không vừa ý của tôi, mẹ nói: “Con ạ, các bác chẳng sung sướng gì, cũng như lúc mẹ mỏi mệt, say xe trên đường đi công tác về, mẹ chỉ ước ao có một thềm nhà để nghỉ ngơi. Mình có một thềm nhà, mình bỏ công lau mất 5 phút thôi mà nhiều người vui, con thấy việc ấy đáng làm không?”.

3. Có một dạo, ở Vinh nhà nhà làm thêm nghề... bóc lạc vào ngày nghỉ, buổi tối. Lúc đó lạc Nghệ An có giá, được xuất khẩu qua nhiều vùng miền khác nên tới mùa lạc, cả dân thành phố cũng có việc để làm. Những thềm nhà đầy lạc là lạc, Người lớn trẻ con xúm xít trên thềm, tay đập củ lạc lên nền gạch hoa thềm nhà để dễ bóc, tạo thành những âm thanh lép bép rất vui tai. Đám trẻ con ngồi bóc lạc với một niềm háo hức đợi dăm củ lạc lép, hạt nheo nheo lớp vỏ. Loại lạc ấy kém chất lượng nên được phép bỏ đi nhưng đám trẻ lại rất thích vì ăn ngọt ngọt, dai dai.

 

Bóc lạc nhưng cũng là một câu chuyện vui có lẽ chỉ ở riêng phố Vinh. Mỗi nhà sẽ nhận những bao lạc nguyên vỏ và nộp lại lạc nhân cho chủ vựa, nhận nhiều thì thù lao nhiều. Nhưng hình như không nhà ai nhận nhiều bởi chỉ coi đó là việc làm thêm cho vui, tiện thể có thêm thu nhập lúc rảnh rỗi trải chiếu ra thềm trò chuyện.

Nhà tôi ít người, bố đi xa nên mẹ con bóc được ít hơn hẳn những nhà khác. Chú hàng xóm thường nhận thêm vài bao lạc vỏ đẩy sang thềm nhà tôi, huy động thêm vài cô chú hàng xóm khác qua cùng ngồi bóc lạc giúp mấy mẹ con. Thi thoảng chú còn bê hẳn bộ đầu Video ra trước thềm nhà, bật vài bộ phim hút khách. Trẻ con, người lớn vừa bóc lạc vừa sụt sùi theo từng thước phim và không bao giờ tính toán chuyện thiệt hơn khi đi giúp không công cho hàng xóm. 

4. Vinh khác với nhiều thành phố khác, nhiều căn nhà phố không đua ra sát vỉa hè, mặt đường mà chủ nhà thường chừa ra một, hai thước đất để làm thềm. Thềm là nơi bà thả thóc lúa mời gọi lũ sẻ đến ăn mỗi sáng. Thềm là nơi ông cùng bạn bè đánh cờ nhấp ngụm chè xanh. Thềm là nơi những đêm tháng bảy nắng nung cả nhà ra ngồi chuyện trò hóng gió. Đơn giản vậy thôi mà giữ bao bình yên trong đó.

Tôi không biết có phải dân Vinh thích sinh hoạt nhiều ở thềm, nhất là những ngày hè vì thời tiết khắc nghiệt hay không. Buổi sáng ra thềm hóng gió sớm mai mát lành, ngày đi làm, tối về lại ra hóng gió đêm, ngắm trăng sao. Chẳng ai ngắm trăng hóng gió một mình, nên các bà, các ông, các cô các chị phải tụ nhau lại, lúc thềm nhà này, hôm qua nhà nọ, chỉ một ấm chè xanh, một đĩa lạc rang thơm bùi là đủ sẻ chia hết mọi chuyện tâm tình.

Từ những sẻ chia ấy mà người Vinh có phần dễ gần, thoải mái hơn nhiều dân phố khác. Chồng tôi, một anh rể thành Vinh ngạc nhiên khi ở phố nhưng người Vinh có thể chạy qua chạy lại nhà nhau xin củ tỏi, củ hành; nhà hàng xóm có khách đột xuất trong bữa cơm có thể chạy qua nhà bên cạnh xin thêm phần cơm, nồi cá... Anh nói, cách sống ấy tưởng như chỉ có ở những vùng quê xưa cũ. Tôi nói, đó là chuyện bình thường ở Vinh, nơi đa số người Vinh đều đến từ nhiều vùng quê khác, rất nhiều thứ có thể phai phôi nhưng tình cảm thì nhất định phải giữ lại. 

Hành lang khu tập thể Quang Trung.
Hành lang khu tập thể Quang Trung.

Nhiều gia đình ở Vinh cách đây tầm hơn 10 năm về trước thường đặt thùng hoặc bể nước mưa bên thềm. Có một ống nước dẫn nước mưa từ trên mái nhà chảy xuống để tắm cho trẻ con hết rôm sảy, nấu cơm canh thật ngọt và người đi đường không ngại xin ngụm nước mưa mát lành xua tan bao mệt mỏi trên con đường ngược xuôi bề bộn. Lâu lắm rồi tôi không gặp lại thùng nước mưa ngày xưa ấy, nghĩ tới chợt thấy nhớ nhớ như một người thân đã lâu không gặp lại.

Tôi lớn lên bằng cả những bài học yêu thương chia sẻ be bé mẹ trao cho như thế. Thềm nhà ngày ấy, bây giờ là nơi bố tôi mắc võng nghỉ trưa, mở một tiệm vá, sửa xe máy be bé. Bố vẫn giữ thói quen để ấm nước trà bên thềm, kê thêm một ghế tựa lưng bên cạnh, người qua đường mệt mỏi có thể ghé vào nhấp ngụm nước, ngả chút lưng... Và khi tôi đi xa ghé về, vẫn nhớ lời mẹ: Thương thềm nhà mới thương ngôi nhà...

Bài: Khôi Nguyên Thảo

Ảnh: Lê Thắng

tin mới

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

(Baonghean.vn) - Sáng 27/3, tại thủ đô Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân và Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”.

Lao động may Nghệ An

Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

(Baonghean.vn) - Năm 2023, công tác giải quyết việc làm của Nghệ An tiếp tục vượt chỉ tiêu kế hoạch khá cao. Tuy nhiên, việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa chặt chẽ; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp...

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

(Baonghean.vn) - Mua hải sản tươi sống ngay khi thuyền vừa cập bến, ghé tay đẩy thuyền cùng ngư dân, dõi mắt nhìn ngư dân nhanh tay gỡ những con cá, con ghẹ trên mắt lưới; thưởng thức món cá nướng thơm lừng ngay bên bếp than nơi bến cá… là những trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Cửa Lò.

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Lê Văn Lương - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An.

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

(Baonghean.vn) - “Trước đây, để tìm đến và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi thường phải về tận các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa. Nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ cần đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, ở đó luôn có những bệnh nhân khổ nhất, những con người cần hỗ trợ nhất”.

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ngày 24/3, tại xã Châu Kim (Quế Phong) đã diễn ra Hội thi quăng chài lần thứ nhất năm 2024. Đây là hoạt động nhằm duy trì và phát triển nghề chài của địa phương cũng như góp phần làm phong phú thêm các hoạt động trong Lễ hội Đền Chín Gian năm 2024.

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

(Baonghean.vn) -  Xây dựng đường giao thông, tổ chức bữa cơm yêu thương, tặng quà cho học sinh khó khăn… là những hoạt động của đoàn viên thanh niên xã Na Ngoi và các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về màu áo xanh tình nguyện nơi biên cương Tổ quốc.

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, tại thành phố Nha Trang, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Indonesia năm 2024". Hội nghị là hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia.