Xâm hại trẻ em - những điều phụ huynh cần biết

(Baonghean) - Mỗi năm, ở Việt Nam có hơn 1.000 trẻ em bị xâm hại. Tuy nhiên, ít ai biết rằng chỉ 20 - 30% các vụ xâm hại trẻ em xuất phát từ người lạ. Quyền lợi và an toàn của trẻ em đang bị đe dọa vì sự thiếu hụt trong nhận thức của phụ huynh và xã hội.

Những con số đáng giật mình

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao vì nhiều vụ xâm hại trẻ em liên tiếp bị phanh phui. Những thông tin về trẻ bị xâm hại tràn ngập trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao nạn xâm hại tình dục trẻ em lại gia tăng đột biến như vậy? Điều đáng ngạc nhiên là sự thực hoàn toàn ngược lại. Nạn xâm hại trẻ em không gia tăng mà thậm chí còn có chiều hướng giảm xuống. 

Tiến sỹ giáo dục Vũ Thu Hương trò chuyện với các phụ huynh tại Hội thảo phòng, chống nạn xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: Thục Anh
Tiến sỹ giáo dục Vũ Thu Hương tương tác với các phụ huynh và trẻ tại Hội thảo phòng, chống nạn xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: Thục Anh

Tiến sỹ giáo dục Vũ Thu Hương - giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Trước năm 2010, ở Việt Nam mỗi năm có 1.200 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em. Sau năm 2010, con số này là 1.000 - 1.500 vụ mỗi năm và hiện đang ở mức khoảng 1.000 vụ mỗi năm. Xâm hại trẻ em là một loại hình phạm tội không mới, song nhận thức của xã hội nói chung và các bậc phụ huynh nói riêng về vấn đề này nhìn chung còn sơ sài. 

Với các bậc phụ huynh bắt đầu tìm hiểu về giáo dục giới tính cho trẻ cũng như phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, những con số phản ánh thực trạng tại Việt Nam có thể sẽ khiến các vị giật mình. Trên 70% các vụ xâm hại trẻ em đến từ chính người thân trong gia đình và người quen.

Đó có thể là anh chị em, họ hàng và thậm chí là ông bà, bố mẹ. Vụ việc bố đẻ và ông cùng nhau xâm hại bé gái ở Vĩnh Long mới được phanh phui gần đây là ví dụ cụ thể nhất. Từ đây rút ra nguyên tắc đầu tiên để bảo vệ trẻ khỏi hành vi xâm hại: Vòng tròn an toàn của trẻ cần phải được thiết lập và không một ai là ngoại lệ, kể cả là những người thân nhất với trẻ. 

Trẻ em cần được quan tâm và tôn trọng hơn

Có khoảng thời gian sống ở Đức và một số quốc gia khác, Tiến sỹ Vũ Thu Hương nhận xét: “Tôi thấy thương trẻ em Việt Nam vì các em chưa thực sự được quan tâm và tôn trọng. Có bao nhiêu người trong số các phụ huynh Việt Nam từng hỏi con muốn gì và tôn trọng câu trả lời của con? Có bao nhiêu người gõ cửa trước khi vào phòng con? Phụ huynh Việt hầu như chỉ cho con thứ mình muốn chứ không phải thứ con muốn, con cần”. 

Sự tôn trọng là điều mà các bậc phụ huynh cần nghiêm túc suy nghĩ và thiết lập trong mối quan hệ với con. Đó là yếu tố thiết yếu để gây dựng ở trẻ sự tin tưởng, cởi mở với bố mẹ. Đồng thời, sự tôn trọng của bố mẹ sẽ là hình mẫu để trẻ xây dựng các mối quan hệ xã hội của mình. Trong vấn đề giáo dục giới tính, bố mẹ càng tôn trọng con thì quá trình giáo dục càng dễ thành công và giúp trẻ không bị lệch lạc hoặc trở thành nạn nhân.

Một tâm lý thường thấy ở nạn nhân của các vụ xâm hại là mặc cảm tội lỗi cũng xuất phát từ sự thiếu tôn trọng của những người xung quanh. Nếu ngay trong hoàn cảnh bình thường mà trẻ em không cảm thấy được tôn trọng thì khi vụ việc xâm hại xảy ra, tâm lý sợ bị quở trách dẫn đến hành vi giấu diếm, im lặng chịu đựng là điều dễ hiểu. 

Một tình trạng phổ biến khác ở Việt Nam là trẻ em bị xâm hại nhưng bản thân các em và người thân không nhận biết được. Chúng ta thường nghĩ xâm hại tình dục mới là xâm hại, nhưng trên thực tế, xâm hại có thể xảy ra bằng nhiều biểu hiện, ở nhiều mức độ khác nhau. Các hành vi có sự động chạm cơ thể từ “nhẹ” như ôm ấp, thơm, vuốt ve,… đến “nặng” như cởi quần áo, sờ mó, cấu véo vùng kín của trẻ đều được xem là hành vi xâm hại.

Nói thì tưởng nghiêm trọng, trên thực tế, nhiều phụ huynh Việt Nam rất hay sờ vào vùng kín của trẻ như một cách chơi đùa, thể hiện tình cảm. Đây là một thói quen xấu, có thể khiến trẻ nhận thức lệch lạc về giới tính và không biết tự bảo vệ trước các hành vi xâm hại. 

Giáo dục giới tính cho trẻ là vấn đề đang cần nhiều hơn sự quan tâm của bố mẹ và xã hội. Ảnh: Thục Anh
Giáo dục giới tính cho trẻ là vấn đề đang cần nhiều hơn sự quan tâm của bố mẹ và xã hội. Ảnh: Thục Anh

Nói về vấn đề này, Tiến sỹ Vũ Thu Hương cho rằng các phụ huynh Việt Nam cần phải thay đổi: “Tôi từng gặp nhiều bố mẹ mắng con, bắt con phải đứng yên để người khác ôm ấp, sờ mó dù trẻ tỏ thái độ không thích. Các bố mẹ phải xem lại điều này. Cơ thể, nhất là vùng kín của trẻ là riêng tư, chỉ trẻ mới có quyền động chạm đến. Những người khác, kể cả bố mẹ, nếu muốn động chạm đều phải có sự đồng ý của trẻ. Khi bố mẹ nhận thức được điều này thì việc giáo dục trẻ tự bảo vệ mình sẽ dễ dàng hơn nhiều. Chúng ta chỉ cần nói với trẻ: Người nào tìm cách chạm vào con và vùng kín của con dù con không muốn thì đó là người xấu, nếu gặp người xấu thì con phải tránh xa và phải nói với bố mẹ”.

Nỗi đau bị xâm hại sẽ mãi mãi ám ảnh trẻ

Nói về những trường hợp bị xâm hại tình dục mà mình từng tư vấn, Tiến sỹ Vũ Thu Hương khẳng định: “Có người nói tôi bị ám ảnh vì giáo dục giới tính và xâm hại tình dục trẻ em. Đúng là tôi bị ám ảnh bởi những đứa trẻ, những ông bố bà mẹ mà câu chuyện của họ khiến tôi thấy hết sức đau lòng.

Có nhiều đứa trẻ kể với tôi rằng, chúng bị bố đẻ xâm hại và điều đó đã hoàn toàn phá vỡ hình tượng tuyệt đẹp của bố trong lòng chúng. Có những em không thể yêu và kết hôn vì ám ảnh và nỗi sợ hãi đàn ông. Có những người mẹ tâm sự với tôi, nói rằng họ không bao giờ thôi ân hận và day dứt vì đã không quan tâm đến con đủ để phát hiện ra những dấu hiệu bất thường. Hoặc đã được cảnh báo nhưng xem nhẹ để rồi con mình phải chịu nỗi đau quá lớn.

Chúng ta có thể làm nhiều điều để chữa trị vết thương thể xác và tinh thần cho trẻ, nhưng chúng sẽ không bao giờ quên những gì đã xảy ra. Kể cả khi các con có thể sống một cuộc sống bình thường như mọi người, nỗi đau sẽ luôn ở đó và có thể được gợi lại bất cứ lúc nào. Vậy nên, các bố mẹ, hãy quan tâm đến con, tôn trọng con, lắng nghe con nói và làm mọi cách để bảo vệ con khỏi nạn xâm hại”. 

Ngày 8/4, tại thành phố Vinh diễn ra Hội thảo Phòng chống nạn xâm hại tình dục trẻ em do Hope&Believe Club (một nhóm các ông bố bà mẹ chia sẻ quan điểm về giáo dục trẻ và tạo cộng đồng giao lưu, học hỏi lẫn nhau giữa các phụ huynh) phối hợp với ABBANK tổ chức. Khoảng 400 phụ huynh và trẻ đã đến nghe Tiến sỹ Vũ Thu Hương nói chuyện và tư vấn về giáo dục giới tính và bảo vệ trẻ khỏi nạn xâm hại.
.


Thục Anh

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.