Loay hoay tìm giải pháp bảo vệ voi rừng

(Baonghean) - Trước thực trạng số lượng voi rừng đang suy giảm nghiêm trọng, Việt Nam đặt mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững những quần thể voi hoang dã ở 3 khu vực. Nghệ An là 1 trong 3 tỉnh có đề án bảo tồn voi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng đến nay, việc  thực hiện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề di chuyển những cá thể voi đơn lẻ.» Khi voi rừng nổi giận

 » Theo dấu voi rừng ở miền Tây Nghệ An

 » Khi voi rừng nổi giận

Những năm 2010 - 2011, chỉ trong vòng 19 tháng, hơn 10 con voi hoang dã được phát hiện bị bắn chết tại các tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk và Đồng Nai. Số lượng voi ở Việt Nam, kể cả voi nhà lẫn voi trong tự nhiên đang đối mặt với nguy cơ bị tận diệt. Tình trạng khẩn cấp đến mức, ông Scott Roberton - Giám đốc quốc gia tại Việt Nam của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã, vào thời điểm đó đã phải đưa ra cảnh báo “với mức độ giết hại như thế này, loài voi sẽ tuyệt chủng ở Việt Nam trong vòng 10 năm tới”.

Trước thực trạng đó, tháng 5/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 -  2020 với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 280 tỷ đồng. Trong đó, Nghệ An là 1 trong 3 vùng được ưu tiên bảo tồn và phát triển bền vững quần thể voi hoang dã. Đề án này với mục tiêu tổ chức phòng ngừa và ngăn chặn hành vi săn bắn, xâm hại voi cũng như xâm lấn trái phép vào vùng quy hoạch bảo tồn voi; ngăn chặn xung đột voi và người, bảo vệ môi trường sống và hành lang di chuyển của voi trong tự nhiên…

Bản Cao Vều 1 (xã Phúc Sơn, Anh Sơn), phía sau trước đây vốn là rừng nứa nơi voi sinh sống.  Ảnh: Tiến Hùng
Bản Cao Vều 1 (xã Phúc Sơn, Anh Sơn) trước đây vốn là rừng nứa nơi voi sinh sống. Ảnh: Tiến Hùng

Trong đề án này, một trong những nhiệm vụ khẩn cấp là lập dự án và tổ chức thực hiện di chuyển, tái nhập đàn đối với những cá thể đơn lẻ. Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp hiệu quả để di chuyển voi.

“Đối với những đàn voi này thì hoàn toàn không có khả năng phát triển nữa, và thời gian tới rồi  chúng sẽ chết. Trong khi đó, việc di chuyển lại gặp quá nhiều khó khăn”, ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát chia sẻ. Tại Nghệ An, có 6 đàn voi thì có đến 4 đàn với chỉ một cá thể sinh sống độc lập; trong đó có 2 con voi cái thường xảy ra xung đột với con người. 

Một ngày đầu tháng 8/2016, chị Lương Thị Hoa (xã Châu Khê, Con Cuông) hốt hoảng khi phát hiện đàn trâu của gia đình vẫn thường thả rông ở khu vực bìa rừng, bị thiếu mất con trâu đực. Người phụ nữ này lập tức kêu gọi dân làng tìm kiếm. Vào sâu trong rừng, người dân phát hiện con trâu này đang đứng cạnh một con voi cái to lớn.

“Nó giữ con trâu lại đó, không cho đi đâu. Nhiều người đến gần chụp ảnh, nó cũng không có dấu hiệu lo sợ, mấy tiếng sau nó mới chịu rời đi để chị Hoa đưa trâu về nhà”, một người dân tham gia cuộc tìm kiếm kể. Đây là con voi cái sống đơn độc hơn 20 năm nay ở trung tâm của vườn. Trước đây, đàn voi này có ít nhất một cặp, nhưng năm 1996, con voi đực đã bị sát hại. 

“Qua quan sát ở bên hốc tai, chúng tôi biết con voi này vẫn còn đang ở độ tuổi sinh sản. Vào mùa động dục, không có con đực, nó trở nên hung dữ hơn. Mỗi lần như vậy, nó thường ra khỏi rừng tìm đến những đàn trâu của người dân. Đặc biệt là những con trâu đực to lớn” - ông Cường cho hay.

Vườn Quốc gia Pù Mát cũng đã tính đến phương án sáp nhập con voi đơn lẻ này với 2 đàn cùng sống trong vườn. Tuy nhiên, quãng đường từ khu vực này đến đàn voi ở Tây Bắc Pù Mát mất 2 ngày đường, qua rất nhiều sông suối, nên điều này dường như không thể. Trong khi đó, để con voi cái này đến được với đàn voi 6 con ở phía Đông Nam khu vườn cũng bị ngăn cản bởi sông Giăng.

Cùng cảnh ngộ đơn độc là con voi cái hung dữ ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống thường về quấy phá các bản làng thuộc xã Bắc Sơn (Quỳ Hợp). Ông Lương Văn Kình - Bí thư Đảng ủy xã Bắc Sơn cho hay, trước đây đàn voi này có đến vài chục con. “Đến những năm đầu thập niên 90, đàn này vẫn còn 6 đến 7 con. Nhưng sau đó có thể bị sát hại hoặc bỏ đi đâu mất, chỉ còn một con này sinh sống”, ông Kình nói thêm.

Sống cô độc suốt nhiều năm, dường như đánh hơi được sự tồn tại của những đàn voi ở bên kia Pù Mát, con voi cái được ghi nhận nhiều lần vượt quãng rừng xa để tìm kiếm đồng loại. Tuy nhiên, khi đến khu vực huyện Anh Sơn, nó bị ngăn lại bởi dòng sông Lam. Lần theo dấu chân, lực lượng kiểm lâm ghi nhận, mỗi lần con voi cái ở Quỳ Hợp và con voi ở Trung tâm Pù Mát di chuyển đến sông Giăng và sông Lam tìm kiếm đồng loại, đàn voi 6 con ở Đông Nam Pù Mát cũng có xu hướng tới khu vực này. Tuy nhiên, dòng sông sâu đã ngăn cản chúng sáp nhập.

Theo ông Trần Xuân Cường, giải pháp để di chuyển voi đơn lẻ thông thường dùng đến thuốc mê, tuy nhiên đối với địa hình Việt Nam, dùng cách này không phù hợp. “Hiện nay có 2 loại thuốc mê đó là loại tác dụng nhanh và chậm. Loại tác dụng nhanh bắn xong voi bị mê lập tức, như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe voi. Đặc biệt ở địa hình núi dốc, biết đâu bắn xong nó gục ngã rồi rơi xuống vực hoặc lăn xuống dốc mà chết. Loại thứ 2 có tác dụng sau khoảng 25 phút. Nếu dùng loại này, sau khi bắn xong, voi sẽ hoảng loạn mà chạy vào rừng sâu. Như vậy, những người bắn sẽ khó mà đuổi theo kịp để biết nó sẽ bị hạ gục ở vị trí nào. Có khi tìm cả ngày không thấy, mà thấy rồi cũng phải phá rừng làm đường để đưa nó đi. Rất là tốn kém. Chưa kể, trên đường bỏ chạy sau khi bị bắn thuốc, con voi có thể gặp nguy hiểm”, ông Cường cho biết.

Con voi cái đơn độc ở Trung tâm Pù Mát. Ảnh: người dân cung cấp
Con voi cái đơn độc ở Trung tâm Pù Mát. Ảnh: người dân cung cấp

Vào mùa động dục, voi dễ dàng được ghép đôi. Tuy nhiên, những ngày khác trong năm, chúng lại thường có xu hướng xung đột với voi lạ. Điều này cũng là một trong những trăn trở của các chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã khi đề cập đến vấn đề sáp nhập đàn voi. Chưa kể, voi cũng sẽ bị chết nếu sinh cảnh mới không phù hợp. Trên thực tế, ở Việt Nam cũng đã hai lần thất bại khi di chuyển voi. Đó là khi đàn voi ở Tánh Linh (Bình Thuận), và Bình Châu - Phước Bửu (Bà Rịa - Vũng Tàu), được di chuyển lên Đắk Lắk. Chúng sau đó nhanh chóng bị chết vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do mất sức và môi trường sống không hợp. 

Mặc dù được đánh giá có đầy đủ điều kiện để phát triển số lượng voi, tuy nhiên từ khi được quy hoạch nằm trong 3 vùng ưu tiên để bảo tồn voi đến nay, cá thể voi ở Nghệ An vẫn chưa được tăng lên. Lần cuối cùng cơ quan chức năng ghi nhận voi sinh đẻ đã cách đây 7 năm, ở phía Đông Nam Pù Mát. Tuy nhiên, sau khi con voi đực đầu đàn bị sát hại cùng thời điểm với voi con ra đời, đàn voi này vẫn giữ ở mức 6 con cho đến nay.

“Mặc dù trong đàn vẫn còn 2 con đực sắp trưởng thành nhưng đối với loài voi, nó rất kỵ chuyện giao phối cận huyết. Chúng tôi đang muốn sáp nhập con voi cái ở Quỳ Hợp và con ở trung tâm Pù Mát với đàn này bằng cách dẫn dụ chúng đến những đoạn nước cạn để vượt sông Giăng và sông Lam. Tuy vậy, công việc này chắc chắn rất khó khăn và tốn kém” - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, kiêm Phó ban Quản lý Dự án bảo tồn voi Nghệ An nói.

Việt Nam đã từng “thua” trong “cuộc chiến” bảo vệ loài tê giác một sừng. Khi ngày 29/4/2010, xác con tê giác cuối cùng được tìm thấy. Nó bị những kẻ săn trộm bắn hạ tại Vườn Quốc gia Cát Tiên để lấy sừng. Đó là một tin buồn đối với ngành Bảo tồn học Việt Nam, khi chỉ cách đó khoảng 20 năm, tại vườn quốc gia này vẫn còn khoảng 15 con tê giác sinh sống. Những vết đạn đã làm mất vĩnh viễn một phần di sản của thiên nhiên, một biểu trưng của giá trị đa dạng sinh học tại Việt Nam. Vì vậy, có lẽ đã đến lúc các cơ quan ban, ngành và cả cộng đồng cần phải chung tay bảo vệ những loài động vật đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng tại Việt Nam. Và voi - một loài vật gắn liền với văn hóa, nhiều chiến tích trong lịch sử dân tộc cũng đang trong tình cảnh đó. 

Để bảo tồn và giảm xung đột giữa người và voi trên địa bàn, cơ quan chức năng ở Nghệ An đã đưa ra một số giải pháp, trong đó gồm, thành lập các đội phản ứng nhanh ở các địa phương thường xuyên có voi xuất hiện để hỗ trợ người dân khi xảy ra xung đột; hỗ trợ về thiệt hại kinh tế do voi gây ra cho người dân; tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo tồn voi và cách tránh xung đột với voi; bảo vệ các vùng sinh cảnh sống lâu dài cho các đàn voi; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế kết hợp phòng tránh xung đột voi và người như nuôi ong, trồng mây; đề xuất với Tổng cục Lâm nghiệp tìm giải pháp di chuyển những con voi đơn lẻ đến địa điểm mới...

Tiến Hùng

tin mới

Lao động may Nghệ An

Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

(Baonghean.vn) - Năm 2023, công tác giải quyết việc làm của Nghệ An tiếp tục vượt chỉ tiêu kế hoạch khá cao. Tuy nhiên, việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa chặt chẽ; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp...

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

(Baonghean.vn) - Mua hải sản tươi sống ngay khi thuyền vừa cập bến, ghé tay đẩy thuyền cùng ngư dân, dõi mắt nhìn ngư dân nhanh tay gỡ những con cá, con ghẹ trên mắt lưới; thưởng thức món cá nướng thơm lừng ngay bên bếp than nơi bến cá… là những trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Cửa Lò.

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Lê Văn Lương - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An.

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

(Baonghean.vn) - “Trước đây, để tìm đến và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi thường phải về tận các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa. Nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ cần đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, ở đó luôn có những bệnh nhân khổ nhất, những con người cần hỗ trợ nhất”.

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ngày 24/3, tại xã Châu Kim (Quế Phong) đã diễn ra Hội thi quăng chài lần thứ nhất năm 2024. Đây là hoạt động nhằm duy trì và phát triển nghề chài của địa phương cũng như góp phần làm phong phú thêm các hoạt động trong Lễ hội Đền Chín Gian năm 2024.

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

(Baonghean.vn) -  Xây dựng đường giao thông, tổ chức bữa cơm yêu thương, tặng quà cho học sinh khó khăn… là những hoạt động của đoàn viên thanh niên xã Na Ngoi và các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về màu áo xanh tình nguyện nơi biên cương Tổ quốc.

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, tại thành phố Nha Trang, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Indonesia năm 2024". Hội nghị là hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia.

Vui hội đền Chín Gian

Vui hội đền Chín Gian

(Baonghean.vn) - Đền Chín Gian tọa lạc trên đỉnh Pú Chò Nhàng thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

(Baonghean.vn) - Sáng 21/3, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã đến thăm, động viên cán bộ, nhân viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.