Một ngày ở Nghi Thủy

(Baonghean) - Sau khi thổi nến chào đón tuổi 20, tôi sẵn sàng cho chuyến đi xa đầu tiên, tạm xa Hà Nội - nơi gắn bó suốt 20 năm để tiến gần hơn tới đam mê. Một người bạn đã cho tôi địa chỉ, mà theo bạn: “Sẽ phù hợp với cậu cho một cuộc trải nghiệm. Vừa đủ để chưa phải quá vất vả, nhưng cũng vừa đủ để thấy yêu hơn cuộc sống này”. Địa chỉ bạn cho tôi, ấy là quê ngoại của bạn. Làng cá thuộc phường Nghi Thủy, Thị xã Cửa Lò, Nghệ An. 
“Thử gõ google xem, để biết qua tý chút về nơi mà cậu sẽ đến”. Cô bạn gợi ý và chúng tôi đã cùng ngồi xem một video về bến cá Nghi Thủy mới được quay những ngày đầu tháng 5 này. Không chần chừ nữa, lên đường thôi... Tôi đã khao khát biết bao cái cảm giác một mình tự khám phá những miền đất cho tới giờ vẫn còn xa lạ mới mẻ với mình, ngay chính trên đất nước mình...
Chợ bến cá Nghi Thủy lúc 5 giờ sáng.	Ảnh: Hồ Phương
Chợ bến cá Nghi Thủy lúc 5 giờ sáng. Ảnh: Hồ Phương
Cửa Lò đón chào tôi bằng dải cát dài phẳng lặng, bằng những rặng phi lao rì rào trong gió, bằng tiếng sóng vỗ bờ không nghỉ ngày đêm; và làng cá Nghi Thủy đón chào tôi bằng những nụ cười chân chất của ngư dân vùng biển. 6 giờ tối, kết thúc hành trình 300km và dừng chân tại làng cá Nghi Thủy, chuyến đi đầu tiên của tôi có thể gọi là tốt đẹp. Nhưng tuyệt vời hơn là đến đây tôi còn được gia đình chị Bùi Thị Mỹ (khối 7, phường Nghi Thủy, một người thân của bạn tôi) nhiệt tình cho ở lại qua đêm và hứa sẽ cho tôi trải nghiệm một ngày cùng người dân vùng biển.
Đang đắm mình trong giấc ngủ sau một ngày khá mệt nhọc, thì tiếng lạch cạch của đồ vật va vào nhau, rồi tiếng gà gáy sáng làm tôi thức giấc. Đưa đôi mắt đang ngái ngủ nhìn qua vách cửa, trời vẫn còn tối mịt. Chị Mỹ tay bật công tắc đèn và nói với tôi “Dậy thôi o, một ngày của dân biển bầy tui bắt đầu từ rất sớm như vầy đó”, tôi nhìn đồng hồ, mới 4 giờ sáng. “Ngày nào cũng thế sao chị, ngày nào cũng dậy từ tầm này?” chị Mỹ cười: “Trừ ngày ốm thôi. Dậy sớm cũng quen mà. Thấy ngày rất dài, o ạ”. Tôi vươn vai. Gió nhè nhẹ, mùi của biển ôm trọn cả làng cá, đèn từng nhà đang sáng dần, cảm giác yên bình đến lạ lùng.
Chị Mỹ đưa cho tôi một cái áo khoác đã ngả màu: “Khoác áo này vào đi em, giờ mình ra bến cá, lấy sỷ cá về bán, chen nhau ngoài đó thì dễ bẩn lắm” Đầu đội nón lá, người khoác áo lao động, đạp chiếc xe cọc cạch buộc đầy những sọt để đựng cá, tôi đã ra dáng một cư dân biển chính hiệu. Đạp xe theo sau chị Mỹ, trời còn mù mịt tối, tôi thấy chị đi có vẻ chầm chậm, thong thả: Có phải vì sợ em không quen mà chị đi chậm không? Chị trả lời: Đi chậm như vậy để ra đến ngã tư làng, mấy chị em vừa gặp nhau đi chung cho vui, lúc đó trời cũng rạng sáng, sẽ đi nhanh hơn.
Trong tiết trời dịu nhẹ của sáng sớm, đạp xe giữa những ngõ nhỏ, âm thanh cọc cạch phát ra từ những chiếc xe tựa như một bản hòa tấu. Lại thoang thoảng mùi tép biển phơi khô được nắng, mùi cá thu thơm phức tỏa ra từ những lò nướng. Xa xa là bến cá đang dần hiện lên rõ nét, thuyền từng đoàn cập bến, nhộn nhịp hẳn lên. Bến cá đông đúc, tấp nập, đủ màu sắc. Các mẹ, các chị ngồi chờ đón thuyền về để kịp mua những mớ hàng hải sản đầu tiên, tươi rói.
Ngư dân Nghi Thủy (TX. Cửa Lò) chuyển cá lên bờ. Ảnh: Hồ Phương
Ngư dân Nghi Thủy (TX. Cửa Lò) chuyển cá lên bờ. Ảnh: Hồ Phương
Đang đắm mình trong không khí họp chợ đón thuyền về, chị Mỹ lay vai tôi: “Nhanh lên o, thuyền kia sắp cập bến rồi, qua đó chờ lấy cá. Nhanh lên!” Như hiểu được sự gấp rút, cứ thế tôi ôm hai sọt tre cun cút chạy theo chị về phía chiếc thuyền đang tiến vào bờ. Thuyền vừa cập bến, tôi dễ dàng thấy được sự vui tươi phấn khởi nhưng không kém phần mệt mỏi  trên gương mặt các thuyền viên sau một đêm ra khơi thắng lợi. Thuyền về cá đầy khoang, rất nhanh chóng một đội ngũ bốc xếp đã đứng đợi từ trước, những bàn tay thoăn thoắt chuyền nhau từng sọt tôm, cua, cá, ghẹ xuống bờ. Tất cả các mặt hàng hải sản đều còn tươi sống, những đôi mắt cá, mắt mực còn lấp lánh. Chị Mỹ nhanh tay với lấy sọt cá thu rồi tự đặt lên cân và trả tiền cho chủ tàu như việc làm thường ngày. Khung cảnh chợ bến cá hiện lên như một bức tranh đầy màu sắc, tấp nập người mua kẻ bán, thi thoảng lại có từng đoàn khách du lịch đến tham quan, tiếng í ới gọi nhau, trao đổi, trả giá nhộn nhịp… 
Nghi Thủy cũng như bao làng chài ven biển khác. Đại đa số người dân ở đây sống bằng nghề đi biển và hậu cần nghề cá. Chính vì vậy, không khó để bắt gặp những hình ảnh người dân ngồi nướng cá bên bếp than, trên con đường dẫn vào làng.
Theo lời chia sẻ của chị Mỹ, công việc của những người làm nghề nướng cá được bắt đầu bằng việc thu mua cá từ các đội tàu, đem về, cắt từng miếng, rửa sạch, chờ ráo nước rồi đem nướng trên than hoa. Cá biển được chế biến theo hình thức này sẽ giữ được hương vị tự nhiên, dễ bảo quản, dễ vận chuyển nên ngày càng được nhiều người ưu chuộng. Vì lý do đó mà nghề nướng cá ở Nghi Thủy cũng phát triển theo. Toàn phường có hơn 100 hộ làm nghề nướng cá với thu nhập từ 7 – 15 triệu đồng/hộ/tháng. Nhà làm ít thì bán ở các chợ quanh vùng, nhà làm nhiều thì cung cấp cho các huyện miền núi trong tỉnh, và bán cho khách du lịch ở khắp các tỉnh, thành. Từ đây, Nghi Thủy được nhiều người biết đến với sản phẩm cá biển nướng. Đó cũng là một trong những nghề được địa phương khuyến khích trong kế hoạch phát triển du lịch.
Thời điểm bắt đầu mùa hè cũng là lúc nghề nướng cá Nghi Thủy vào chính vụ. Những giàn cá phơi kín sân, lấn ra hai bên đường làng. Dáng các mẹ, các chị chấp chới nón lá rửa, phơi, nướng cá cùng tiếng nói cười nhộn nhịp khắp làng trên, xóm dưới.
Rời chợ bến cá cũng tầm giữa trưa, tôi cùng chị Mỹ chở cá về nhà để bắt đầu công việc nướng cá thường ngày. Chị Mỹ cho biết, mùa hè làm nghề nướng cá là thích nhất, vì cá phơi được nắng, thơm ngon hơn, nhưng cũng vì vậy mà người nướng cá lại cực hơn. Nhiệt độ ngoài trời có khi lên tới 40 độ C, thế nhưng chị vẫn cứ ngồi bên bếp than để nướng hàng tấn cá. Đó là chưa kể, việc thường xuyên tiếp xúc với khói và bụi than, đêm về nằm ho sặc sụa. Nhưng nghề mà, làm lâu cũng thấy gắn bó. Việc nướng cá, ngoài chị Mỹ, còn có mẹ già. Chồng chị, một anh trai làng biển theo những chuyến ra khơi đến nửa tháng mới về. Gia đình chị mới có 1 cháu nhỏ, tha thẩn chơi lúc mẹ và bà tất bật bên bếp nướng.
Nướng cá tại chợ (TX.Cửa Lò). Ảnh: Phan Nguyễn
Nướng cá tại chợ (TX.Cửa Lò). Ảnh: Phan Nguyễn
Nhìn những miếng cá thu đang dần chín vàng trên bếp than hồng, mới thấy sự khéo léo của người thợ nướng cá. Nướng cá đúng cách, phải giữ được mức lửa vừa phải, cá chín đến độ, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, lật trở càng đều tay, cá càng thơm ngon. Ai học nhanh cũng mất cả năm trời mới quen nghề. Mùi cá nướng lẫn trong mùi khói than hồng phảng phất như đánh dấu một nét riêng cho làng nghề nướng cá Nghi Thủy. Chị Mỹ chỉ cho tôi cách lật trở từng con cá trên lò than. Vậy mà tôi vẫn đầy lúng túng. Công việc tưởng chừng rất dễ mà tôi làm đầy khó nhọc. Chị bảo, những “thành phẩm” này ngày mai, ngày mốt chị sẽ đi nhập trên chợ Vinh. Ngày nào có được nhiều cá, sẽ có mối “bỏ hàng” lên các chợ miền núi. “Nhưng thôi, mình sức yếu, làm được ít, quanh quẩn bán Vinh, Cửa Lò thôi”, chị Mỹ cho hay
Cả buổi chiều chúng tôi ngồi với lò than đỏ rực. Đôi tay tôi cũng đã mỏi nhừ. Bữa cơm tối dọn ra toàn là thức ăn từ biển, vô cùng thơm ngon. Ăn bữa tối với gia đình chị Mỹ, tôi tạm biệt để mãi nhớ một Nghi Thủy. Nhớ vẻ đẹp tráng lệ của thời khắc ban mai, khi bình minh lên và mặt trời ló rạng. Nhớ cái hối hả của những tàu thuyền từ khơi xa trở về. Nhớ vẻ lam lũ, tất bật nhưng đầy niềm vui  của người dân vùng biển. Nhớ bếp than hồng rực với mùi thơm cá nướng... 
Thy Huệ

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.