"Con mắt" làng cổ

(Baonghean) - Có người nói giếng cổ là một mảnh ghép của không gian làng, nhưng khi giếng làng được coi là vật thể sống động, chứng tích của lịch sử - văn hóa làng quê Việt, thì gọi là “con mắt” của làng đúng hơn chăng? Về với Kim Liên quê Bác tháng Năm này, tôi đã hun hút “rơi” trong những “con mắt” làng như thế...

Ngôi nhà láng giềng của  cụ Nguyễn Sinh Sắc ở Làng Sen mới được phục dựng.
Ngôi nhà láng giềng của cụ Nguyễn Sinh Sắc ở Làng Sen mới được phục dựng.

Tiếng ve đã râm ran trong những tán cây cổ thụ Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Làng Sen. Cái âm thanh gọi hè làm rạo rực trái tim học trò và gọi về  hoài niệm hoa niên cho mọi người bất kể tuổi tác ấy, đã làm xao động cái nắng chớm tháng Năm lồng muôn bước chân du khách mấy miền ríu rít về bên mái nhà xưa dường như đang vọng tiếng đàm đạo của cụ Phó bảng và tiếng ê a học bài của cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Ông Phó Chủ tịch xã Kim Liên chợt dứt tôi ra khỏi dòng liên tưởng, nói: “Này phóng viên, giếng Cốc Làng Sen - Kim Liên có rất nhiều “bạn” đấy!”.

Bảng dẫn tích giếng Cốc ở làng Sen ghi: “Trong thời gian sinh sống ở Làng Sen từ năm 1901 - 1906, cậu Nguyễn Sinh Cung thường ra đây lấy nước cho gia đình dùng, giúp cha đun nước pha chè… Ngày 16/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về thăm quê hương lần đầu. Sau khi đi từ nhà ông Phó bảng ra ngõ, bồi hồi nhớ lại kỷ niệm xưa, Người hỏi bà con: Giếng Cốc nay còn nữa không? Nước giếng Cốc trong và ngọt, nấu chè xanh và làm tương ngon nổi tiếng cả vùng!”. Giếng Cốc đến bây giờ nữa là đã hơn 300 tuổi, theo như lời phó chủ tịch xã nói thì hẳn giếng Cốc phải “kết bạn” vong niên với nhiều giếng làng khác trên vùng đất xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh xưa?
Quả thực, gần như năm nào cũng về với Làng Sen - Kim Liên, mà bây giờ tôi mới biết trong 23 thôn của xã nay hầu như thôn nào cũng có giếng cổ. Và là một “tua” thú vị, khi bỏ ra một ít thời gian  để tới thăm các giếng cổ ở đây. Từ Làng Sen chạy thẳng núi Chung, rồi rẽ trái vào hết con đường nhựa nhỏ như dải lụa vắt mềm mại qua lưng núi xanh rì cây cỏ là đến giếng Chùa ở thôn Hồng Sơn 1. Núi Chung kỳ vĩ trong địa thế linh khí danh thắng, còn chứng tích cho nhiều cuộc can qua, cách mạng quan trọng trong lịch sử, có chùa Đạt và đền Thánh Cả những địa danh đã đi vào đời sống tâm linh, vào thơ ca dân gian: "Nhất vui là cảnh chợ Cầu/Ngoài (có) đền Thánh Cả, trong (có) lầu gác chuông". Giếng này có lẽ được đào gần chùa Đạt “trong lầu gác chuông” xưa, nên được nhân dân gọi là giếng Chùa.
Giếng nằm mé bên đường liên thôn, sau 2 lần được tôn tạo mà lần cuối là năm 1995, đã kịp lấy lại màu cổ rêu phong. Ngày xưa, để đào giếng làng, thường là hương hào kỳ mục đứng ra huy động dân đinh làm, hoặc đôi khi cũng có thể là dân cày trại lập làng mới nhóm lại đào lấy nước dùng. Nhưng đào ở đâu thì cũng nhất định phải hợp long mạch phong thủy. Theo như tín ngưỡng làng cổ nói chung, giếng làng hình vuông tượng trưng cho đất mẹ, giếng hình tròn tượng trưng cho trời và giếng bầu dục tượng trưng cho con người. Theo hình thức tôn tạo lại như hiện nay, thì giếng Chùa ở thôn Hồng Sơn 1 với chằn chặn hình lục giác, có lẽ dụng ý người xưa đây là “con mắt” của đất mẹ vùng “Chung sơn tại đỉnh hình Vương tự” sản sinh nhiều khí chất anh hào? Giếng Chùa ở Hồng Sơn 1 hiện nay vẫn được nhân dân sử dụng nước sinh hoạt, nhất là vào mùa hè. Giếng còn là nơi để người dân hoài niệm tâm linh về ngôi chùa Đạt đã phế tích theo thời gian để mà hướng thiện, đợi một ngày phục dựng lại chùa.
Chùa chiền là chốn thiện, còn là hồn cốt của làng quê Việt, thì giếng làng bên chùa ví như con mắt dẫn dắt lòng người về với chốn thiện ấy. Ở Kim Liên có một số giếng mang tên giếng Chùa; là vì giếng thường được đào gần các ngôi chùa thờ Bụt. Thế nên, giếng làng ở đây trở thành một phần quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng, tập quán của làng quê. Dễ hiểu khi hiện tại cả xã Kim Liên có tới 12 giếng làng được tôn tạo từ tâm nguyện đóng góp của người dân, như muốn gìn giữ lại cho muôn đời sau nơi tụ thủy, tụ phúc cho cả làng. Cụ ông Hoàng Xuân Đô, ở thôn Hội 4, Kim Liên tai đã nghễnh ngãng tợn, nhưng rất mặn chuyện, nói: “Tui ngót 7 chục (tuổi) rồi, nhà ở đây từ mấy đời cha ông, sinh ra lớn lên đã thấy có giếng Chùa này. Chùa làng thiêng lắm, nhưng không biết vì sao mấy mươi năm trước được dời đi nơi khác. Thuở nhỏ, tui từng vào nghịch đồ chùa, bị phạt thần hồn nát thần tính, sau cha mẹ phải biện lễ lên chùa tạ mới “thoát” đấy! Lạ là giếng xây ghép từng bền vững hàng trăm năm, tới khi chùa bị dời đi, giếng bỗng đổ nát dần, được tôn tạo lại vào năm 1994, nhưng nay vẫn bị nứt vỡ”. 
Giếng Chùa,  ở thôn Hội 4 - Kim Liên.
Giếng Chùa, ở thôn Hội 4 - Kim Liên.
Giếng Chùa thôn Hội 4 nay vẫn được dân làng trổ thòng ống nhựa bơm hút nước về bể nhà dùng cho sinh hoạt; nhưng có lẽ, giá trị nhất của giếng vẫn là những câu chuyện của lớp người đi trước kể cho thế hệ sau bao câu chuyện quần tụ sinh hoạt của người làng những đêm trăng thanh, những ngày nắng cả mùa màng bên ngôi giếng cổ - “con mắt” của làng.
Kim Liên đất ví phường vải. Hoàng Trù là cái nôi phường hát ví cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, mà trong đó công lớn phải kể đến Bà Hoàng Thị An, dì ruột của cậu Cung (bà An là em ruột của bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ), cũng là một người con gái tài hoa hát hay và giỏi đối đáp, quy tụ được nhiều nho sinh tài tử về thi thố với con gái làng ở “chiếu hát” vuông sân những đêm trăng quay tơ dệt vải. Ấy là chuyện tôi hóng được từ nghệ nhân dân gian ví phường vải Trần Văn Tư, 87 tuổi, ở thôn Trù 1. Hây hẩy gió đầu hạ, bên ấm chè xanh trong khuôn viên vườn nhà khua động tàu cau, cụ Trần Văn Tư mở đầu hồi ức xa lắc bằng những vần thơ cụ vừa cảm tác: “Cây đa, bến nước, đình làng/Hoàng Trù quê mẹ rộn ràng thời xưa…”.
Theo cụ, thì gia đình cụ đồ Hoàng Xuân Đường (ông ngoại Bác Hồ) là nếp nho gia đức cao vọng trọng ở làng Hoàng Trù, mấy đời ăn nước giếng Trọt, giếng Gieo ở làng. Chẳng biết từ “trọt” có liên quan đến từ “gieo” trong “gieo trồng”, “trồng trọt” hay không? Nhưng giếng Trọt và giếng Gieo đều được người xưa đào trên cùng một “trọt” đất ven làng, quanh năm nước trong leo lẻo, đôi giếng sóng ngang ví như đôi mắt của người con gái đẹp trên thế đất làng dệt vải Hoàng Trù xưa. Cũng theo cụ Tư, là nước giếng Gieo, giếng Trọt nấu chè xanh, là dùng làm tương đặc sản ngon không kém gì giếng Cốc bên Làng Sen. Hiện trong hai giếng thì chỉ mới giếng Trọt được tôn tạo từ năm 1996 và không có giá trị sử dụng nguồn nước nữa, nhưng người làng Hoàng Trù  vẫn luôn gìn giữ bảo vệ, hồ hởi nói về đôi giếng làng cổ như một nếp hằn trong cảm thức quê hương.
Rời Hoàng Trù, lên lại Làng Sen, khép một vòng du ngoạn qua các thôn mạc Kim Liên đó đây còn lưu nét cổ, xe như trôi giữa các cánh đồng mẫu lớn mượt mà lúa xuân trổ đòng, qua những đầm sen đằm thắm hương sắc, chúng tôi rẽ vào thôn Mậu 1, nơi người dân đang nhộn nhịp tôn tạo lại ngôi giếng cổ của thôn với khuôn viên hơn 210 m2, xây hết gần 200 triệu đồng do các hộ dân và con em đóng góp. Tôi được Bí thư chi bộ kiêm Xóm trưởng thôn Mậu 1 - anh Trần Quang Đệ chỉ cho xem dấu tích hàng đá ong vốn là “con chạch” bao ngôi giếng có cùng 500 năm tuổi với tên gọi giếng Phường Đoài. Có phải là giếng của phường vải, phường hát một thôn Đoài cổ? Xóm trưởng Đệ thì cam đoan bên giếng xưa có dáng đa cổ thụ, sân hội làng rộn tiết chào xuân đón Tết với cây đu và hội hát ví níu chân nam thanh, nữ tú… Trải mấy trăm năm qua giếng mấy lần đổi tên sang Phường Côi rồi trở lại tên Phường Đoài như bây giờ, từ là phục vụ cho 7 hộ dân nay trở thành nơi hội tụ tình làng, nghĩa xóm của 200 hộ dân thôn Mậu 1, và là nguồn nước mát lành không thể thay thế cho người thôn nấu rượu, làm tương.
Tôn tạo giếng Phường Đoài ở thôn Mậu 1 - Kim Liên.
Tôn tạo giếng Phường Đoài ở thôn Mậu 1 - Kim Liên.
Nhưng, phục dựng có quy mô và đạt dụng ý thể hiện một ngôi giếng cổ đại diện cho văn hóa làng xã đồng bằng xứ Nghệ miền Trung, là ngôi giếng Phụ Đầm ở thôn Sen 3 nơi có nhà thờ dòng họ Nguyễn Sinh Kim Liên. Hiểu biết hạn hẹp và khó kỳ công khảo cứu, nên tôi không biết tên gọi Phụ Đầm có sự đồng nghĩa hay đảo ngữ từ việc phiên âm, giải nghĩa Hán tự không? Chỉ biết giếng được phục dựng năm 2013 trên điểm cũ bên đầm rộng, thiết kế đầy chất mỹ thuật hài hòa vào các hạng mục mới tôn tạo Khu di tích Kim Liên gắn với phát triển du lịch, điểm vào quần thể di tích trong không gian một Làng Sen đang ngày được trở lại mạch nguồn hồn xưa vốn cổ… 
Giếng cổ không chỉ là giá trị văn hóa vật thể mà còn là biểu hiện của giá trị văn hóa phi vật thể. Khát vọng giao hòa trời đất, lòng người của người xưa gửi gắm qua ngôi giếng làng đã dần được gọi về, lưu giữ một cách trân trọng ở Kim Liên. Đáng mừng là với tốc độ xây dựng NTM khá mạnh mẽ (dự kiến tháng 9/2014 này Kim Liên công bố hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM), với sự tự giác khôi phục, tôn tạo giếng cổ và nhiều hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần thiết thực khác của người dân các thôn xóm, đã đưa Kim Liên lên tầm chiều sâu trong gìn giữ bản sắc văn hóa thời kỳ phát triển mới… Đáng nói thêm là, về với Làng Sen tháng Năm này, du khách sẽ được gặp lại một phần không gian Làng Sen cuối thế kỷ 19, với 3 ngôi nhà tranh là láng giềng của cụ Phó bảng đã được phục dựng đón khách (đang tiến hành giải phóng mặt bằng để phục dựng 3 ngôi nhà nữa ở Hoàng Trù). Tôi mạo muội ví von, cùng với những giếng cổ như “con mắt” của làng ở Kim Liên, thì những ngôi nhà tranh ấy là những “nét mày” làm sống động thêm lên không gian văn hóa làng có phần thiêng liêng trong tâm thức mọi người Việt Nam đối với những làng quê gắn bó với tuổi thơ Bác Hồ kính yêu!
Đình Sâm

tin mới

Lao động may Nghệ An

Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

(Baonghean.vn) - Năm 2023, công tác giải quyết việc làm của Nghệ An tiếp tục vượt chỉ tiêu kế hoạch khá cao. Tuy nhiên, việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa chặt chẽ; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp...

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

(Baonghean.vn) - Mua hải sản tươi sống ngay khi thuyền vừa cập bến, ghé tay đẩy thuyền cùng ngư dân, dõi mắt nhìn ngư dân nhanh tay gỡ những con cá, con ghẹ trên mắt lưới; thưởng thức món cá nướng thơm lừng ngay bên bếp than nơi bến cá… là những trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Cửa Lò.

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Lê Văn Lương - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An.

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

(Baonghean.vn) - “Trước đây, để tìm đến và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi thường phải về tận các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa. Nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ cần đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, ở đó luôn có những bệnh nhân khổ nhất, những con người cần hỗ trợ nhất”.

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ngày 24/3, tại xã Châu Kim (Quế Phong) đã diễn ra Hội thi quăng chài lần thứ nhất năm 2024. Đây là hoạt động nhằm duy trì và phát triển nghề chài của địa phương cũng như góp phần làm phong phú thêm các hoạt động trong Lễ hội Đền Chín Gian năm 2024.

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

(Baonghean.vn) -  Xây dựng đường giao thông, tổ chức bữa cơm yêu thương, tặng quà cho học sinh khó khăn… là những hoạt động của đoàn viên thanh niên xã Na Ngoi và các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về màu áo xanh tình nguyện nơi biên cương Tổ quốc.

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, tại thành phố Nha Trang, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Indonesia năm 2024". Hội nghị là hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia.

Vui hội đền Chín Gian

Vui hội đền Chín Gian

(Baonghean.vn) - Đền Chín Gian tọa lạc trên đỉnh Pú Chò Nhàng thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

(Baonghean.vn) - Sáng 21/3, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã đến thăm, động viên cán bộ, nhân viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.