Trăn trở văn hóa Ơ đu

(Baonghean) - Bản Văng Môn - xã Nga My (Tương Dương) hiện là nơi tập trung sinh sống lớn nhất của tộc người Ơ đu tại Việt Nam. Nếu bộ mặt đời sống kinh tế nơi đây đang ngày càng thay đổi, thì đáng buồn thay, những dấu tích văn hóa của tộc người Ơ đu đã bị mai một và ngày càng khó khôi phục. Không chỉ người trẻ ở bản đã bị đồng hóa hoàn toàn, mà ngay cả với người già thì trong trí nhớ của họ cũng chẳng còn điều gì rõ nét về bản sắc riêng của dân tộc mình…

Vượt chặng đường đèo núi từ Thị trấn Hòa Bình (Tương Dương), chúng tôi có mặt tại bản Văng Môn khi nắng hè gay gắt chỉ còn là những ánh tà dương nhợt nhạt. Bản Văng Môn cách trung tâm huyện Tương Dương gần 70 km, cư dân của bản được sống quần cư ven con đường lớn đi qua nhiều xã từ Tương Dương sang Quỳ Hợp. Bà Lương Thị Xuân, một người già bản Văng Môn cho biết: Trước năm 2006, người Ơ đu sống rải rác ở 7 bản của các xã Kim Đa, Kim Tiến, Nhôn Mai, gồm: Xốp Pột, Kim Hòa, Tả Xiêng, Cà Moong, Chà Coong, bản Com, bản Pủng. Năm 2006, người Ơ đu di dân theo chương trình tái định cư phục vụ công trình Thủy điện Bản Vẽ và về chung sống tại bản Văng Môn. Từ đó đến nay, nhờ được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện nhiều mặt về cơ sở vật chất, nên cuộc sống của người Ơ đu không ngừng được cải thiện. Cựu chiến binh Lo Xuân Luyện cho biết: Từ khi được về sống tập trung, ý thức tự tôn về cộng đồng dân tộc của người Ơ đu được thể hiện rõ nét hơn, công tác bảo tồn bản sắc văn hóa của người Ơ đu được quan tâm hơn. Song bản sắc của người Ơ đu đã phai nhạt, việc tìm kiếm, bảo tồn và lưu giữ bản sắc văn hóa người Ơ đu còn khó hơn mò kim đáy bể. 

Ông Lo Xuân Phong – Bí thư Chi bộ bản Văng Môn (thứ 3 từ trái sang) và đoàn công tác giao lưu với đại diện bản Khạp tại Mường Khun, Xiêng Khoảng, Lào. 	Ảnh tư liệu
Ông Lo Xuân Phong – Bí thư Chi bộ bản Văng Môn (thứ 3 từ trái sang) và đoàn công tác giao lưu với đại diện bản Khạp tại Mường Khun, Xiêng Khoảng, Lào. Ảnh tư liệu
Anh Lo Văn Hiềm – Phó bản Văng Môn kiêm công an viên cho biết, bản Văng Môn hiện có 91 hộ, tính đến thời điểm hiện tại có 432 khẩu. Toàn bản tập trung sinh sống với nhau và các tập tục sinh hoạt cơ bản đã bị “Khơ mú hóa”, “Thái hóa”, “Kinh hóa”. Hiện không còn nét riêng của người Ơ đu trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất. Thậm chí, các già bản cũng không còn nhớ gì về trang phục truyền thống của người Ơ đu. “Chúng tôi lớn lên thì thấy ông bà, bố mẹ mình đã ăn mặc như người Khơ mú, người Thái rồi, không nhớ chi nữa cả. Khi các nhà nghiên cứu về sưu tầm, tìm kiếm chúng tôi không còn bất cứ trang phục truyền thống nào nữa” – ông Lo Xuân Luyện tâm sự.
Khi chúng tôi hỏi bà con dân bản Văng Môn về kinh nghiệm nhận biết, phân biệt người Ơ đu với người các dân tộc khác, bà con dân bản cho biết chỉ còn một dấu hiệu rõ nhất là nhận biết qua nguồn gốc dòng họ. Đó là người Ơ đu đều mang họ cha và đến nay mới chỉ nhận biết được duy nhất một dòng họ, đó là họ Lo. Một đặc điểm riêng biệt từ xưa đến nay của người Ơ đu là con cháu trong dòng họ Lo không lấy nhau, điều đó cũng có nghĩa là người trong dân tộc Ơ đu không lấy nhau. Ông Lo Xuân Tính – Trưởng bản Văng Môn cho biết một trong những lý do người Ơ đu không lấy nhau cũng là vì dân số của dân tộc này quá ít, chủ yếu là anh em cận huyết thống. Do đó, tiếng là bản Văng Môn có 432 người Ơ đu, nhưng trên thực tế có thể ít hơn, bởi con dâu, con rể của bản đều là người các dân tộc khác.
Ông Vi Tân Hợi – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, là một người có nhiều năm quan tâm, tìm hiểu về văn hóa người Ơ đu, kể rằng ông đã nhiều lần làm người “đưa đường” cho các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà ngôn ngữ học, dân tộc học từ Trung ương đến địa phương vào tìm hiểu, sưu tầm và bảo tồn văn hóa Ơ đu, và gần như tất cả họ đều có những nhận xét không mấy vui, ấy là văn hóa Ơ đu “mai một quá nhiều rồi”. Trong số đó, Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn ở Viện Ngôn ngữ Việt Nam là người có thời gian trực tiếp điền dã, chung sống tại các bản làng người Ơ đu lâu nhất: Trong khoảng thời gian 1986 - 1987, Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn đã có 3 tháng vào sinh sống, cùng ăn, cùng ở tại các bản người Ơ đu như một dân bản thực thụ. Ngay tại thời điểm đó, từ những sưu tầm, nghiên cứu của ông cho thấy ngay cả những bài văn cúng được cho là “cổ” nhất, “Ơ đu nhất”, cũng đã bị “Thái hóa” trên 70%. 
Dân tộc Ơ đu còn có tên gọi khác là Tày Hạt, theo tiếng Thái có nghĩa là tộc người “rách rưới”. Theo những giả thiết lịch sử lưu truyền trong dân gian thì dân tộc Ơ đu từng sinh sống trên địa bàn rộng lớn, với đời sống văn hóa đặc sắc, sự cố kết cộng đồng chặt chẽ và hùng mạnh. Tuy nhiên, qua các cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc, người Ơ đu đã nhiều lần nhận thất bại và để tồn tại họ phải có những cuộc thiên di lớn. Không những thế, để bảo toàn tính mạng, họ phải “quên” đi, chối bỏ thân phận của bộ tộc mình, không tự nhận mình là người Ơ đu, mà phải tự làm cho mình giống với người Thái, người Khơ mú, và phải sống khổ sở, rách rưới, thiếu thốn ở các vùng hẻo lánh. Có thể nói, quá trình thiên di, trốn chạy, nương náu vào cuộc sống của các dân tộc khác... chính là quá trình rơi rớt các bản sắc riêng của dân tộc Ơ đu. Duy chỉ có cuộc thiên di năm 2006 là cuộc “đoàn tụ lớn”, cộng đồng người Ơ đu được đưa về sống tập trung để nâng cao ý thức tộc người, ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát triển cộng đồng người Ơ đu theo chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.
Trao đổi với ông Lương Thanh Hải – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tương Dương, được biết huyện đã và đang phối hợp với các cấp, ngành chuyên môn tìm mọi giải pháp, mọi nỗ lực để bảo tồn văn hóa của người Ơ đu, tuy nhiên, việc sưu tầm, tìm kiếm và bảo lưu gặp vô vàn khó khăn. Tính đến nay, đã có 5 lớp dạy học tiếng Ơ đu được triển khai tại Văng Môn. Tuy nhiên, hiệu quả các lớp học không cao vì chữ viết người Ơ đu không còn, chưa thể khôi phục lại, trong khi đó vốn từ Ơ đu của những người già ở Văng Môn cũng chỉ còn chưa đến 200 từ. Những tiếng, những từ này tồn tại khá riêng lẻ, rời rạc, khó sử dụng và đương nhiên là không thông dụng. Dù già bản truyền dạy lại cho người trẻ nhưng vẫn không hiệu quả, vẫn chưa phục hồi được nhu cầu nói tiếng Ơ đu trong tộc người Ơ đu.
Một tín hiệu khả quan trong công tác bảo tồn văn hóa người Ơ đu đó là hiện vẫn còn một bộ phận khoảng 2 vạn người Ơ đu sinh sống ở đất bạn Lào. Trong đó tập trung chủ yếu ở bản Khạp, huyện Mường Khun, tỉnh Xiêng Khoảng. Một số cụ già bản Khạp đã xác nhận là họ có nguồn gốc ở huyện Tương Dương. Vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh đã cùng với chính quyền địa phương đưa đại diện người Ơ đu ở Tương Dương sang thăm, giao lưu với bà con tộc người Ơ đu ở bản Khạp (Lào). Được biết, hiện người Ơ đu ở bản Khạp vẫn còn giữ được trang phục truyền thống của họ, và ngôn ngữ Ơ đu vẫn được lưu truyền với vốn từ khá phong phú. Hiện tại, các cơ quan chuyên môn đã tham mưu cho tỉnh các nội dung tăng cường giao lưu giữa bản Văng Môn (Nga My, Tương Dương) với bản Khạp (Mường Khun, Xiêng Khoảng, Lào) thông qua đó khôi phục lại một số tập tục, phong tục, bản sắc người Ơ đu ở Văng Môn.
Cùng với đó, ngành Văn hóa và chính quyền địa phương đang trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi, chuẩn bị các bước cho việc phục dựng Lễ hội Tiếng sấm đầu năm (Lễ Chăm Phtrong) – một lễ hội đặc sắc của người Ơ đu nhưng từ lâu đã bị lãng quên. Theo người xưa kể lại thì đây là một lễ hội hết sức đặc sắc, với nhiều nội dung thể hiện đặc trưng văn hóa độc đáo của tộc người Ơ đu. Tại Lễ hội Tiếng sấm đầu năm, người Ơ đu thực hiện nhiều nội dung quan trọng, gồm: Trao sắc cho thầy mo của bản – người chăm lo phần âm cho người chết và phần hồn cho người sống, chăm sóc sức khỏe cho người sống; chọn người có uy tín, bầu trưởng họ, trưởng nhánh; đổi tên cho người trưởng thành. Cũng theo quan niệm của người Ơ đu xưa, trẻ con dù sinh ra lúc nào nhưng chỉ đến khi có tiếng sấm đầu năm thì lúc đó mới thành người, và ngày đó mới đặt tên con và nhập nhánh họ. Người chết thì cho đến khi có tiếng sấm đầu năm mới chính thức được “về trời”, “lên nhà trời”. Đó cũng là ngày người ta làm đám cưới cho người chết và sau đó vợ hoặc chồng của người đã khuất mới được “đi bước nữa”.  
Hiện tại, bà con dân bản Văng Môn đang rất mong ngóng để Lễ hội Tiếng sấm đầu năm được khôi phục. Tôi hỏi già bản Lo Xuân Luyện bao giờ thì có thể tổ chức được ngày lễ quan trọng này, già Luyện nói: “Ngày trước thì phải chờ có tiếng sấm, còn ngày nay phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, bởi dân bản cũng không nhớ bất kỳ nghi lễ nào nữa. Đã chờ đợi vài năm rồi nhưng vẫn chưa tổ chức được. Nhưng dù chậm vẫn chờ, còn nước còn tát mà”. 
Ngô Kiên

tin mới

Lao động may Nghệ An

Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

(Baonghean.vn) - Năm 2023, công tác giải quyết việc làm của Nghệ An tiếp tục vượt chỉ tiêu kế hoạch khá cao. Tuy nhiên, việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa chặt chẽ; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp...

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

Những trải nghiệm thú vị ở Cửa Lò lúc rạng đông

(Baonghean.vn) - Mua hải sản tươi sống ngay khi thuyền vừa cập bến, ghé tay đẩy thuyền cùng ngư dân, dõi mắt nhìn ngư dân nhanh tay gỡ những con cá, con ghẹ trên mắt lưới; thưởng thức món cá nướng thơm lừng ngay bên bếp than nơi bến cá… là những trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Cửa Lò.

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

Tạo động lực để người trẻ dấn thân và cống hiến

(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Lê Văn Lương - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An.

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

'Phép màu' ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

(Baonghean.vn) - “Trước đây, để tìm đến và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi thường phải về tận các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa. Nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ cần đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, ở đó luôn có những bệnh nhân khổ nhất, những con người cần hỗ trợ nhất”.

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

Độc đáo hội thi quăng chài ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ngày 24/3, tại xã Châu Kim (Quế Phong) đã diễn ra Hội thi quăng chài lần thứ nhất năm 2024. Đây là hoạt động nhằm duy trì và phát triển nghề chài của địa phương cũng như góp phần làm phong phú thêm các hoạt động trong Lễ hội Đền Chín Gian năm 2024.

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

Tháng 3 yêu thương nơi biên giới Na Ngoi

(Baonghean.vn) -  Xây dựng đường giao thông, tổ chức bữa cơm yêu thương, tặng quà cho học sinh khó khăn… là những hoạt động của đoàn viên thanh niên xã Na Ngoi và các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về màu áo xanh tình nguyện nơi biên cương Tổ quốc.

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

Nghệ An tham dự Hội nghị 'Gặp gỡ Indonesia 2024'

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, tại thành phố Nha Trang, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Indonesia năm 2024". Hội nghị là hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Indonesia.

Vui hội đền Chín Gian

Vui hội đền Chín Gian

(Baonghean.vn) - Đền Chín Gian tọa lạc trên đỉnh Pú Chò Nhàng thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

(Baonghean.vn) - Sáng 21/3, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã đến thăm, động viên cán bộ, nhân viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.