Xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp): Nỗ lực vượt khó về đích NTM
(Baonghean) - Xã Nghĩa Xuân nằm phía Đông huyện Quỳ Hợp, tiếp giáp với xã Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn. Do có Quốc lộ 48 chạy qua lên Quỳ Châu, Quế Phong và Thị trấn Quỳ Hợp; trên địa bàn có một số doanh nghiệp, nhà máy quy mô đứng chân, nên Nghĩa Xuân có nhiều thuận lợi về giao thương, phát triển kinh tế. Tuy vậy, với đặc thù là xã khu vực II, trong đó có 4/15 bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và gần 50% dân số là đồng bào dân tộc Thổ (còn lại là dân tộc Kinh), nên việc phát triển kinh tế, xã hội nói chung và xây dựng nông thôn mới (NTM) nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại; khi bắt tay thực hiện xây dựng NTM xã mới đạt 7/19 tiêu chí, nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu có nhiều yếu kém...
Đồng chí Trương Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Xuân cho biết: Để đạt được thành tích như hôm nay, xã đã chỉ đạo hết sức tập trung và quyết liệt; huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc; đặc biệt, phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện các tiêu chí. Nhờ các giải pháp triển khai thực hiện đồng bộ và sâu sát, nên sau gần 4 năm xây dựng NTM, xã Nghĩa Xuân đạt được kết quả tích cực, đã huy động được 85,5 tỷ đồng xây dựng các tiêu chí NTM, trong đó Trung ương hỗ trợ trực tiếp 1,52 tỷ đồng; tỉnh 21,37 tỷ đồng; huyện 9,16 tỷ đồng; xã 1,9 tỷ đồng; nhân dân đóng góp và hiến đất trị giá 33,18 tỷ đồng; nguồn khác 18,3 tỷ đồng...
UBND xã Nghĩa Xuân trang trí chuẩn bị đón Bằng công nhận đạt chuẩn NTM. |
Quá trình thực hiện xây dựng NTM, tiêu chí được xác định là khó khăn nhưng xã Nghĩa Xuân đã cố gắng thực hiện khá tốt là tiêu chí giao thông. Trong vòng 4 năm, xã huy động được 37,2 tỷ đồng chiếm 43% kinh phí xây dựng NTM để hoàn thiện hệ thống giao thông, với tổng chiều dài 82 km, trong đó đường liên xã 11,26 km; đường liên thôn 8,12 km; đường thôn xóm dài 42,38 km; đường nội đồng trên 20 km. Trước khi thực hiện NTM, mới chỉ có 2,96 km đường nhựa, thì nay đã làm thêm được 3,31 km đường nhựa và 4,99 km đường bê tông, đạt 100%; đã bê tông hoá 4,73 km đường liên thôn, trong đó lồng ghép dự án 0,9 km, nhân dân thực hiện 3,83 km, đạt 58%. Ngoài 12,27 km đường liên thôn đã được bê tông, xã thực hiện thêm 11,08 km, nâng tổng số km đường bê tông liên thôn lên 23,35 km, đạt 55%; hiện xã đang tiếp tục đổ cấp phối cát, sỏi đường nội đồng, bảo đảm không lầy lội vào mùa mưa...
Để phục vụ sản xuất, bình quân mỗi năm xã đầu tư trên 1 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi và gần 3 tỷ đồng để nâng cấp lưới điện. Đến nay, toàn xã có 16,48 km kênh mương, trong đó bê tông hoá được 10 km, đạt 60,7% và 13 trạm biến áp/52,06 km đường dây, cơ bản đáp ứng nhu cầu điện tiêu dùng và phục vụ sản xuất cho bà con.
Một thế mạnh khác mà xã Nghĩa Xuân tiếp tục khẳng định và phát huy được là phát triển thương mại, dịch vụ. Sau khi được xây dựng theo quy hoạch mạng lưới chợ nông thôn của tỉnh năm 2005, Chợ Dinh trở thành trung tâm thương mại lớn thứ hai của huyện; có Quốc lộ 48 đi qua và là nơi Nhà máy Mía đường Phủ Quỳ (NASU) đứng chân nên hoạt động kinh doanh buôn bán ngày càng sầm uất. Mới đây, để bảo đảm cho nhân dân kinh doanh, xã đã huy động được 3,74 tỷ đồng xây thêm 1 đình chợ mới; tu sửa, nâng cấp khu vực ngoài trời để bố trí cho các hộ kinh doanh hàng không thường xuyên hoạt động; ngoài tu bổ hệ thống đường đi, hệ thống thoát nước, công trình vệ sinh trong chợ được xây dựng hàng năm, tạo mặt bằng sạch sẽ, thoáng mát cho nhân dân kinh doanh. Xã tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất mía; phát triển mạnh các ngành nghề dịch vụ, sửa chữa cơ khí, vận tải... xung quanh nhà máy đường để tạo thêm việc làm cho người lao động...
Nhân dân xã Nghĩa Xuân làm đường giao thông nông thôn mới. |
Để NTM phát triển toàn diện, xã cũng quan tâm củng cố hệ thống chính trị, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho dạy và học, đảm bảo các điều kiện cho các sinh hoạt văn hóa, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Xã Nghĩa Xuân được cấp trên đánh giá là một trong những địa phương có hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, an ninh trật tự đảm bảo; cơ sở thiết chế văn hóa đồng bộ, đầy đủ khi 15/15 xóm đã đạt danh hiệu Làng Văn hóa. Hiện nay, xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế và phổ cập giáo dục. Nhờ tạo việc làm thường xuyên cho trên 90% lao động tại chỗ, nên thời điểm bắt tay xây dựng NTM xã còn 24% hộ nghèo, bình quân thu nhập đầu người 11 triệu đồng, đến năm 2015 xã chỉ còn 6,6% hộ nghèo (148 hộ), bình quân thu nhập đầu người đạt 18 triệu đồng (quy định xã khu vực II hộ nghèo được phép là dưới 10%).
Hiện nay, mặc dù đã đạt 19/19 tiêu chí, nhưng theo Chủ tịch UBND xã Trương Văn Chính thì Nghĩa Xuân vẫn phải cố gắng nhiều khi có một vài tiêu chí như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất nhà văn hóa, trường học, tỷ lệ hộ nghèo dù đã đạt nhưng chưa hoàn thiện 100%. Mặt khác, quá trình triển khai mặc dù người dân đồng tỉnh ủng hộ, thậm chí sẵn sàng đóng tiền, hiến đất và tháo dỡ tường bao để xóm, xã mở đường, nhưng do thu nhập người dân còn khó khăn (4/15 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn) nên ảnh hưởng việc huy động nguồn lực từ sức dân...
Kiến nghị của xã Nghĩa Xuân là, sau khi xã được công nhận NTM, để nâng cao chất lượng, tăng tính bền vững cho các tiêu chí, mong tiếp tục được tỉnh và huyện hỗ trợ về xi măng để hoàn thiện 100% cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. Bên cạnh đó, có sự hỗ trợ nhiều hơn trong tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống mới vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định, qua đó nâng cao đời sống cho bà con.
Hà - Hương