Xác định phương án sắp xếp bộ máy ở xã sáp nhập
(Baonghean) - Thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, Nghệ An dự kiến sẽ có 184 cán bộ, 198 công chức dôi dư. Trong khi chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết thông qua Đề án sáp nhập xã của Nghệ An, các địa phương liên quan cần xây dựng phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ vốn được coi là một trong những khâu quan trọng nhất.
CHỦ ĐỘNG Ở CẤP XÃ
Theo Đề án, ở huyện Hưng Nguyên, xã Hưng Phú sẽ sáp nhập với xã Hưng Khánh thành xã Hưng Thành. Qua trao đổi với lãnh đạo xã, được biết, thực hiện chủ trương sáp nhập, trong số cán bộ xã đã có những đồng chí chủ động tìm hiểu các chính sách và xin về hưu trước tuổi, như đồng chí Nguyễn Cảnh Hóa - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Hưng Phú. Trải qua nhiều vị trí công tác tại địa phương từ Chủ tịch Hội Nông dân đến Thường vụ trực Đảng và đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã từ năm 2017 đến nay, đồng chí Hóa đã có nhiều đóng góp cho phong trào, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong bối cảnh sáp nhập, mặc dù còn mấy năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu và căn cứ vào quy định thì vẫn nằm trong độ tuổi có thể tái cử cấp ủy khóa mới, tuy nhiên đồng chí Hóa đã chủ động đề đạt nguyện vọng và đã tìm hiểu ở Ban Tổ chức Huyện ủy để thực hiện các quy trình xin nghỉ trước tuổi theo quy định.
Ông Nguyễn Cảnh Hóa - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên (đứng) trao đổi công việc với đồng nghiệp. Ảnh: Thành Duy |
“Qua tìm hiểu được biết, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi phù hợp. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn qua sáp nhập xã tạo điều kiện cho những cán bộ trẻ trưởng thành, cống hiến nên có nguyện vọng xin nghỉ hưu trước tuổi”
Cũng là ở xã Hưng Phú, đồng chí Ngô Minh Hạ - Bí thư Đảng ủy xã cho hay, đồng chí Phạm Thế Khoa (sinh năm 1963) là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã sau khi tìm hiểu các chính sách cũng đã hoàn thành các thủ tục xin nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định số 113/2018/NĐ-CP về tinh giản biên chế.
Còn tại huyện Thanh Chương, các xã Thanh Tường, Thanh Hưng và Thanh Văn, theo đề án cũng sẽ sáp nhập để hình thành xã mới có tên Đại Đồng. Dự cuộc họp mở rộng của UBND xã Thanh Tường vừa qua, thấy rằng lãnh đạo, cán bộ xã đã trao đổi rất thẳng thắn và có sự chỉ đạo quyết liệt về các công tác chuẩn bị như kiểm kê tài sản công, tài chính, đặc biệt là rà soát công tác nhân sự. Hiện, xã Thanh Tường có 21 cán bộ, công chức, trong đó cán bộ 10 người, công chức 11 người. Bên cạnh lên các phương án về nhân sự, xã cũng tập trung thực hiện công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, công chức.
Đồng chí Lưu Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Thanh Tường cho biết, trong tổng số cán bộ xã thì sắp tới có đồng chí Bí thư Đảng ủy đủ tuổi nghỉ hưu và đồng chí Nguyễn Quang Hùng - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã đã có đơn gửi phòng Nội vụ, UBND huyện xin nghỉ trước tuổi theo Nghị định 113/2018/NĐ-CP về tinh giản biên chế dù còn gần 4 năm nữa.
Ông Nguyễn Quang Hùng (thứ 2 từ phải sang) - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Thanh Tường (Thanh Chương) đã viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Ảnh: Thành Duy |
Đồng chí Hùng là cán bộ, đảng viên gương mẫu, từng là điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và được tỉnh tặng Bằng khen. Nhiều năm đảm nhận một trong những vị trí lãnh đạo chủ chốt của xã, đặc biệt có hàng chục năm là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự, đồng chí Hùng đã có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng và cả trong xây dựng nông thôn mới tại xóm khi được giao phân công phụ trách. Chia sẻ về quyết định gây bất ngờ với nhiều người, đồng chí Nguyễn Quang Hùng chia sẻ, căn cứ vào tình hình thực tiễn và những điều kiện của bản thân, đồng thời cũng muốn tạo điều kiện cho cán bộ trẻ nên đã chủ động viết đơn xin nghỉ.
RỐT RÁO Ở CẤP HUYỆN
Trở lại với huyện Hưng Nguyên, địa bàn có số lượng xã sáp nhập nhiều nhất đợt này với 10 xã. Theo đó, tổng số cán bộ 10 xã hiện có là 94 đồng chí, tổng số công chức hiện có 103 đồng chí. Tuy nhiên, đến năm 2020 chỉ có 16 cán bộ và 1 công chức nghỉ hưu, trong khi số cán bộ, công chức của 5 xã mới sau sáp nhập theo quy định được bố trí là 50 cán bộ và 50 công chức.
Hiện nay, theo lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy Hưng Nguyên, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo và các tiểu ban liên quan để chủ động tiến hành quá trình sắp xếp các xã. Trong đó, Ban Tổ chức Huyện ủy đang xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp bố trí cán bộ, công chức các xã sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện; qua đó chỉ rõ định hướng bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức của đơn vị hành chính cấp xã.
Sau khi sáp nhập xã Hưng Long và Hưng Xá thành xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên. Dự kiến trụ sở xã mới sẽ đạt tại trụ sở xã Hưng Long hiện nay (ảnh). Ảnh: Thành Duy |
Qua tìm hiểu tại các huyện, thị liên quan cũng đã triển khai xây dựng phương án, làm việc với các xã để chủ động khi bố trí cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách, cũng như giải quyết các vấn đề về cơ sở vật chất, tài chính khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Tỉnh ủy với Ban Thường vụ huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc về tình hình thực hiện nhiệm vụ quý III, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2019, đồng chí Trần Quốc Chung - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, Hội đồng thẩm định Trung ương do Bộ Nội vụ chủ trì đã thẩm định và nhất trí phương án sáp nhập xã trên địa bàn Nghệ An. Theo lộ trình sau khi xem xét, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 này để xem xét và ra nghị quyết thông qua sáp nhập xã.
“Tháng 12/2019 có thể có nghị quyết và bắt đầu tiến hành sáp nhập. Theo quy định, sau khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phải tiến hành tổ chức sáp nhập trong thời gian 60 ngày”.
Phía Sở Nội vụ cũng đề nghị tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã liên quan trong thời gian này rà soát lại tất cả những vị trí việc làm, cán bộ, chức danh, trình độ, tuổi tác… Sau đó có dự kiến trước sẽ bố trí cán bộ, cán bộ dôi dư, chuyển sang việc khác, vị trí bố trí thích hợp… Từ đó báo để Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh, đồng thời phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy bố trí số lượng cán bộ phù hợp.
Lãnh đạo thị xã Thái Hòa kiểm tra công tác chuẩn bị sáp nhập phường Long Sơn và xã Nghĩa Hòa thành 1 đơn vị hành chính. Ảnh: Thành Duy |
Về nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh trong quá trình thực hiện đảm bảo tiến độ nhanh nhất có thể. Cấp huyện liên quan chủ động xây dựng phương án ở những đơn vị hành chính cấp xã dự kiến sáp nhập, để sau khi nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành có thể bắt tay thực hiện ngay.
Theo Đề án, tổng số ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp trên địa bàn tỉnh là 39 đơn vị; sau sắp xếp còn lại 19 đơn vị hành chính cấp xã (16 đơn vị mới, 3 đơn vị thay đổi diện tích tự nhiên, quy mô dân số và địa giới hành chính), giảm 20 đơn vị. Hiện trạng đội ngũ cán bộ công chức của 36 xã, phường, thị trấn; không tính 3 xã giữ nguyên số lượng là xã Tam Thái, xã Xá Lượng (Tương Dương) và xã Tiền Phong (Quế Phong), thì có 732 người (344 cán bộ, 388 công chức). Theo tính toán của Sở Nội vụ, dự kiến tiếp tục bố trí 350 cán bộ, công chức (cán bộ là 160 người, công chức là 190 người). Sau khi bố trí còn dôi dư 184 cán bộ, 198 công chức.