Xao xác mùa lau bãi bồi sông Lam

ầm cuối thu đầu đông, khoảng nửa cuối tháng 10 đến tháng 11 dương lịch, trên bãi bồi sông Lam đoạn dưới chân cầu Yên Xuân cũ (Nam Đàn, Nghệ An), lại trắng xóa mùa lau. Người dân Nam Cường (Nam Đàn) cho hay, cánh đồng cỏ lau mới hình thành vài năm lại đây, khi phù sa bồi lắng làm nên bờ bãi. Và cỏ lau, không cần gieo trồng, cứ theo đất, theo gió mà mọc lên, mà bung nở khi cái lạnh bắt đầu se sắt. Hoa lau mỏng manh, lãng đãng khói sương khiến nhiều người muốn tìm tới gửi gắm chút lắng bình yên, lãng mạn ngày đầu đông...

Nhiều người đến với đồng cỏ lau Nam Cường, lại liên tưởng tới cỏ lau trên bãi giữa sông Hồng, nơi nhìn nghiêng lên sẽ gặp cây cầu Long Biên cổ kính giống như ở đây, nhìn lên sẽ bắt gặp cây cầu Yên Xuân. Bờ nam cầu Yên Xuân thuộc địa phận xã Nam Cường, bờ bắc thuộc địa bàn Hưng Xuân, Hưng Nguyên. Cây cầu này cũng được xây dựng từ thời Pháp thuộc, với 7 nhịp, chủ yếu để phục vụ tuyến xe lửa Bắc - Nam. Sau này, do nước lũ thượng nguồn đổ về làm sạt lở, ngành đường sắt phải nối thêm 3 nhịp cầu phía nam đồng thời mở rộng hành lang để đáp ứng việc qua lại của nhân dân 2 bên.

Từ bãi cỏ hoang dại, mọc trên đất bồi ẩm ướt , thảng hoặc có đôi ba cư dân chài lưới trên sông Lam ghé thăm, một ngày kia được phát hiện bởi những người vẫn qua lại ngược xuôi trên cây cầu cũ với nỗi ngạc nhiên: Chà, bãi cỏ hoang này đẹp lạ! Những dấu chân đi xuống bãi cỏ đã hình thành nên những lối mòn. Ngày càng nhiều dân phượt, dân chụp ảnh, những đôi lứa và cả nhóm bè bạn…hẹn hò nhau: Đến đồng cỏ lau Nam Cường đi!

Cỏ lau nơi này mọc thành nhiều cụm, bãi. Giống cỏ đặc trưng không sống đơn lẻ, chúng chụm đầu vào nhau, xạc xào với gió. Bờ sông Lam, bao giờ cũng thế, rất nhiều gió. Thân lau mềm, cứ theo gió mà ngả nghiêng, dập dờn, phơ phất.

Hoa lau dường như dành cho những người tha hương, những người ưa hoài niệm, những người đang buồn nhớ… Hoa lau cũng như muốn nhắc nhở con người về vẻ đẹp dữ dội mà rất mong manh. Thử ngẫm xem, có loài hoa nào không cần gieo trồng, chăm bón mà cứ ngan ngát mọc lên, mặc kệ những nắng, gió, sự ơ hờ vô tâm của người đời. Và có loài nào mang vẻ đẹp mong manh đến thế, chỉ cần cơn gió nhẹ là đã lay động, màu trắng như muốn tan biến vào không gian xám đầu đông…

Hoa lau, nhìn gần thì có lẫn sắc tím, nhìn xa thì muôn muốt trắng, khi sắp tàn có màu trắng đục như một dải mây. Và đến màu lau nở, người ta tin, bão lũ đã hết mùa…

Còn gì thú vị hơn, khi đến với đồng cỏ, theo những lối mòn quanh co xuống bãi, qua rừng bạch đàn và cây dại, 2 bên đường mọc tím cây xấu hổ và trắng xóa xuyến chi là đến với ngàn lau xao xác. Trên kia, câu cầu Yên Xuân soi bóng dưới sông Lam rì rào sóng. Nhô lên trên cái nền trắng bạc mênh mông chiều đông là tháp chuông gầy của nhà thờ giáo họ Yên Thái (Hưng Xuân, Hưng Nguyên) phía bờ bên kia.

Và miết dọc theo triền sông, gặp thêm đồng cỏ lau Nam Lâm bình yên thơ mộng với những đàn trâu thung thăng tìm cỏ trong chiều…

Đến với đồng cỏ lau Nam Cường, có nhiều con đường để đi. Nhưng tiện nhất, nếu đi từ Thành phố Vinh thì sẽ có 2 lối và đều quãng từ 8 đến 10 cây số: Nếu bạn đi xe máy thì đi theo đường cầu Cửa Tiền (Vinh), vào đường 8B đến thẳng đầu cầu Yên Xuân cũ. Còn nếu đi bằng phương tiện ô tô, đến ngã 3 Thái Lão (Hưng Nguyễn) rẽ trái theo đường 12/9 qua cầu Yên Xuân mới, lại rẽ trái là đến đầu cầu cũ. Ở đây, có dịch vụ giữ xe tự phát của người dân quê cạnh chân cầu Yên Xuân, với giá xe đạp, xe máy 5 đến 10 ngàn đồng, giá ô tô 20- 30 ngàn đồng.

Vì cây lau khá cao nên nhiều người muốn chụp ảnh đồng lau góc rộng, hoặc muốn có bộ ảnh đẹp giữa cánh đồng lau thường mang theo thang nhôm, thang inox theo cùng. Đất đồng lau mềm, song không sợ lún. Chụp ảnh đồng lau đẹp nhất là vào những buổi chiều, quãng 3 rưỡi đến 5 giờ chiều. Nếu có ánh hoàng hôn mùa đông thì tuyệt nhất.

Hãy tranh thủ giữ lại vẻ đẹp mỏng manh ấy trước khi những bông lau tan vào trong gió…

Hãy tranh thủ giữ lại vẻ đẹp mỏng manh ấy trước khi những bông lau tan vào trong gió…

Bài: Thùy Vinh

Ảnh: Lê Thắng - Hải Vương - Quốc Đàn - Sách Nguyễn

Thiết kế: Hà Giang