Xây dựng Anh Sơn trở thành cực tăng trưởng của miền Tây Nghệ An

21/08/2017 10:29

(Baonghean) - "Anh Sơn cần tập trung thu hút đầu tư lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến tại các khu, cụm công nghiệp để khai thác và phát triển các sản phẩm chủ lực của huyện. Cùng đó, nâng cao chất lượng nông sản, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm" - đó là một trong những định hướng phát triển được đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh gợi mở tại cuộc làm việc ngày 18/8 với lãnh đạo huyện Anh Sơn.

Phát triển các mô hình kinh tế

Trong khuôn khổ chương trình làm việc tại Anh Sơn (ngày 18/8), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường và đoàn công tác đã dành nhiều thời gian kiểm tra các mô hình phát triển kinh tế của huyện. Ngoài các mô hình trồng chè, mía, đoàn công tác đến thăm quan vườn rau, củ, quả sạch công nghệ cao tại xã Hội Sơn do Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Kim Nhan làm chủ đầu tư. Mô hình trồng rau củ quả trong nhà lưới, bằng hệ thống tưới nhỏ giọt, trồng các loại nông sản như dưa lưới, cà chua, rau các loại. Quy mô diện tích giai đoạn đầu là 2.500m2 với tổng mức đầu tư khoảng 1,6 tỷ đồng.

Cho rằng đây là mô hình kinh tế hàng hoá bước đầu khá thành công với sản phẩm dưa lưới chất lượng cao và đầu ra ổn định, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Để dự án rau sạch Kim Nhan có hiệu quả kinh tế cao, thời gian thu hồi vốn sớm và phát triển bền vững, doanh nghiệp cùng với huyện, các ngành liên quan cần tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Đoàn công tác của tỉnh thăm vườn rau, củ, quả sạch công nghệ cao tại xã Hội Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Thu Huyền
Đoàn công tác của tỉnh thăm vườn rau, củ, quả sạch công nghệ cao tại xã Hội Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Thu Huyền

Tại cánh đồng mía chất lượng cao ở xã Hoa Sơn do Công ty CP mía đường sông Lam đầu tư, cây mía đang lên xanh tốt như trải thảm. Trên diện tích 90 ha đất bãi màu, người dân và doanh nghiệp đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, đưa cây mía xuống đất bãi và cơ cấu giống mới LK9211, QĐ 93159..., năng suất bình quân trong 3 năm là 90 tấn/ha. Đây cũng là sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, phù hợp với thổ nhưỡng và thời tiết khí hậu trong vùng. Việc xây dựng cánh đồng mía lớn năng suất cao của người dân Hoa Sơn được coi là “đòn bẩy”, làm thay đổi cuộc sống trong tương lai không xa.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Sông Lam cho biết: Việc chuyển đổi cây mía ra vùng bãi sông Lam là hướng tới xây dựng cánh đồng mẫu lớn đáp ứng yêu cầu tất yếu của sự phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá. Hiện nay, riêng xã Hoa Sơn có hơn 137 ha mía. Để chỉ đạo trồng mới đảm bảo diện tích, UBND xã, các chủ hợp đồng trồng mía cùng cán bộ Công ty CP mía đường Sông Lam đi thăm quan thực tế một số mô hình tại huyện Nghĩa Đàn nhằm đưa toàn bộ giống mới có hiệu quả, năng suất cao về trồng. Vụ ép 2017 - 2018 dự kiến năng suất bình quân từ 80 -100 tấn/ha.

Người dân Hùng Sơn, Anh Sơn thu hoạch chè. Ảnh: Thu Huyền
Người dân Hùng Sơn, Anh Sơn thu hoạch chè. Ảnh: Thu Huyền

Chè được coi là cây trồng chủ lực của Anh Sơn và nói đến chè Anh Sơn, người ta không thể không nhắc tới Hùng Sơn - địa phương đi đầu trong chăm sóc và ứng dụng công nghệ mới để chế biến chè. Năng động, sáng tạo để nâng cao giá trị cây chè, một cây trồng chủ lực của địa phương, nhiều cơ sở chế biến ở đây đã không chỉ đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng nguyên liệu, mà còn đưa dây chuyền chế biến chè Tencha của Nhật Bản vào sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm và nâng cao giá trị của cây chè.

Đoàn công tác thăm Hợp tác xã Quý Oanh - một trong những mô hình chế biến chè ở xã Hùng Sơn. Ảnh: Thu Huyền
Đoàn công tác thăm Hợp tác xã Quý Oanh - một trong những mô hình chế biến chè ở xã Hùng Sơn. Ảnh: Thu Huyền

Tới thăm Hợp tác xã Quý Oanh - một trong những mô hình chế biến chè ở xã Hùng Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh vui mừng trước những kết quả khả quan của cơ sở. Ngoài chế biến chè theo truyền thống, HTX Quý Oanh còn sản xuất chè Tencha công nghệ Nhật Bản do tổ chức Jica đầu tư máy móc.

Mô hình này có diện tích 0,3 ha, các khâu kỹ thuật từ chăm sóc, bón phân đến thu hoạch đều do Jica cung ứng và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, HTX có sản lượng 500 tấn chè tươi tương đương 10 tấn chè khô mỗi năm; mô hình đã được đánh giá có khả thi và đang dự kiến mở rộng diện tích trong thời gian tới.

Tiếp tục chú trọng thu hút đầu tư

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo huyện, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đánh giá: Anh Sơn đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ với những chương trình, đề án cụ thể. Qua đó, đời sống nhân dân có sự đổi mới, kinh tế phát triển.

Đặc biệt, công tác xúc tiến đầu tư và phát triển doanh nghiệp được huyện quan tâm thực hiện tốt; đã thu hút được nhiều dự án lớn trên địa bàn như: Dự án sản xuất gỗ ván sợi MDF tại Khu công nghiệp Tri Lễ xã Khai Sơn với tổng mức đầu tư hơn 1.754 tỷ đồng; Dự án sản xuất giống lợn công nghệ cao tại xã Tam Sơn với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng; Dự án đầu tư Trung tâm nghiên cứu khoa học vật nuôi công nghệ cao tại xã Hùng Sơn với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng; Dự án trung tâm hội nghị, thể thao và du lịch Kim Nhan PLAZA tại thị trấn Anh Sơn với tổng mức đầu tư 61,539 tỷ đồng; Dự án trung tâm thương mại, kinh doanh dịch vụ tổng hợp tại thị trấn Anh Sơn…

Đoàn công tác kiểm tra sơ đồ thực địa đường vào nhà máy MDF. Ảnh: Thu Huyền
Đoàn công tác kiểm tra sơ đồ thực địa đường vào nhà máy sản xuất gỗ ván sợi MDF tại Khu công nghiệp Tri Lễ xã Khai Sơn. Ảnh: Thu Huyền

Anh Sơn được tỉnh chọn làm vùng kinh tế năng động trọng điểm, huyện quan trọng trong chiến lược phát triển miền Tây Nghệ An. Để địa phương phát triển nhanh, trở thành 1 trong 3 cực tăng trưởng của tỉnh, trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm các chương trình, đề án giai đoạn 2015 - 2020 theo Chương trình hành động của BTV Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Anh Sơn khoá XX, nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó cần lưu ý các chỉ tiêu của năm 2017 như: Tốc độ tăng trưởng, quan tâm thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội đặc biệt ở những xã nghèo, khó khăn…

Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, để khai thác hết tiềm năng lợi thế hiện có, huyện Anh Sơn cần tập trung thu hút đầu tư, nhất là phải thu hút mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến tại các khu, cụm công nghiệp nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực của huyện. Cùng đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất và giá trị; làm sao để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hình thành thêm các vùng chuyên canh nguyên liệu, đảm bảo nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu các sản phẩm như: chè, tinh bột sắn, nhiên liệu sạch… Đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới, phấn đấu trong năm nay có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM.

“Để đạt được những mục tiêu trên, vấn đề hết sức quan trọng là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở; làm sao để mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như của tỉnh đều được triển khai tốt xuống cơ sở” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường nhấn mạnh.

7 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn huyện Anh Sơn đạt 7,52%. Trong đó, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,4%; khu vực công nghiệp xây dựng tăng 14,05%, khu vực dịch vụ tăng 8%. Giá trị tăng thêm bình quân đầu người đạt 24,1 triệu đồng.

Kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học vừa qua đứng thứ 2 toàn tỉnh; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế cao, dự kiến cuối năm có 19/21 xã đạt 90%; các chính sách xã hội được quan tâm và thực hiện kịp thời; Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm còn 10,77%.


Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Xây dựng Anh Sơn trở thành cực tăng trưởng của miền Tây Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO