Xây dựng chính quyền 2 cấp: Ý Đảng hợp lòng Dân
Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Báo Nghệ An đã ghi một số ý kiến chia sẻ từ cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn tỉnh.

Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Báo Nghệ An đã ghi nhận một số ý kiến chia sẻ từ cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn tỉnh.
Mai Hoa (Ghi) • 03/05/2025

Bỏ đơn vị hành chính cấp huyện, rút gọn lại đơn vị hành chính cấp xã là quyết sách mang tính lịch sử của Đảng; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng đối với cải cách hành chính, trong đó có cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Bản thân tôi đã từng có nhiều năm công tác ở cấp huyện, thấy rõ: Chức năng, nhiệm vụ chính của cấp huyện là chuyển tải, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở hoạt động của cấp cơ sở trong triển khai thực hiện các chỉ đạo của cấp trên; còn cấp xã mới thực sự là cấp trực tiếp thực hiện các nội dung, công việc, đưa các chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống.

Ở một cấp với đầy đủ bộ máy nhưng chỉ thực hiện các nhiệm vụ mang tính “trung gian”; đặc biệt, hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, quản lý điều hành, chuyển đổi số mạnh mẽ với việc số hóa tất cả các dữ liệu, thực hiện phong trào “Bình dân học số” và ứng dụng AI trên tất cả các lĩnh vực, thì việc duy trì bộ máy trung gian cấp huyện là không cần thiết. Cho nên, chủ trương bỏ cấp huyện của Trung ương là quyết sách lịch sử vô cùng đúng đắn và đúng thời điểm.
Vấn đề Trung ương và tỉnh Nghệ An cần quan tâm là phải xây dựng rõ quy chế phối hợp giữa cấp tỉnh và xã, đồng thời phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp tỉnh và cấp xã khi bỏ cấp huyện nhằm phát huy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền 2 cấp. Gắn với đó là cần định hướng, chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí cán bộ không chỉ ở cấp xã mà ở các sở, ban, ngành cấp tỉnh phải thật sự vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
* * * * *

Chủ trương bỏ cấp huyện, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đang tạo được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, bởi nhiều lợi ích có thể nhìn thấy được: Bỏ cấp huyện sẽ bớt đi bộ máy trung gian giữa tỉnh và xã, giảm biên chế, giảm chi ngân sách cho bộ máy nhằm dành nguồn lực chi đầu tư phát triển và phục vụ dân sinh mà chủ trương miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông công lập bắt đầu từ tháng 9/2025 và hướng tới miễn viện phí toàn dân của Trung ương đang thực sự làm cho người dân hân hoan, phấn khởi.

Mặt khác, là nâng cao tính chủ động, “tự quyết” của cấp xã, thúc đẩy việc triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh cũng như giải quyết các nhu cầu, quyền lợi của người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng và kịp thời hơn... Đồng thời, mở rộng không gian và các điều kiện thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cho từng địa bàn, cùng hướng tới mục đích cao nhất là nâng cao đời sống của người dân.
Vấn đề được cán bộ, nhân dân đặt ra là đội ngũ cán bộ cấp xã phải hội tụ đủ các yếu tố về trình độ, năng lực, nhiệt tình và trách nhiệm. Bởi vậy, đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm lựa chọn, bố trí cán bộ cấp xã có chất lượng trên cơ sở đánh giá khách quan, trung thực đội ngũ cán bộ cấp huyện và cấp xã hiện có bằng các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, tạo điều kiện và cơ hội để những cán bộ thực sự có trình độ, năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm tiếp tục tham gia vào bộ máy hành chính và phục vụ nhân dân.
* * * * *

Chủ trương sáp nhập xã quy mô lớn hơn và bỏ cấp huyện, được Trung ương và các cấp trong tỉnh đang triển khai khẳng định “ý Đảng, lòng Dân” là một. Dù đây là “quyết sách chiến lược chưa từng có” như lời Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đồng thời chưa được vận hành trong thực tế, nhưng thông qua hệ thống chính trị, các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nắm bắt khá rõ những tác động tích cực từ chủ trương mang tính lịch sử này. Đó là, giảm tầng nấc trung gian, giảm sự “cồng kềnh”, thu gọn bộ máy và lợi ích thụ hưởng trực tiếp là của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch không phải qua nhiều khâu, đi lại nhiều lần và mất thời gian, chi phí đi lại.

Về phía Nhà nước cũng giảm nguồn chi từ ngân sách duy trì hoạt động của bộ máy, giảm người làm việc, giảm nguồn chi trả lương cho cán bộ và nguồn lực đó sẽ được chi vào đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, thì hưởng lợi cuối cùng cũng chính của người dân. Từ những tác động tích cực đó, bản thân tôi và qua nắm bắt dư luận trong nhân dân, đều đồng tình ủng hộ chủ trương bỏ cấp huyện và sắp xếp, sáp nhập, mở rộng quy mô cấp xã lớn hơn. Điều quan trọng là sự vận hành bộ máy chính quyền 2 cấp bắt đầu từ ngày 1/7/2025 khi bỏ cấp huyện phải đảm bảo thật sự hiệu quả của bộ máy; bởi người dân bây giờ không chỉ cần chính quyền gần dân, sát dân, mà cần hơn là chính quyền hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu chính đáng của nhân dân tốt hơn, không để dân, doanh nghiệp bị thiệt thòi hay khó khăn trong tiếp cận dịch vụ công.
Ý Đảng hợp lòng dân thì nhân dân sẵn sàng ủng hộ. Người dân chúng tôi không ngại thay đổi, khi sự thay đổi đó chính vì sự phát triển chung của đất nước, quê hương và phục vụ nhân dân tốt hơn./.