Đoàn kết, khai thác tiềm năng, xây dựng Con Cuông trở thành trung tâm vùng Tây Nam Nghệ An

Đồng chí Nguyễn Đình Hùng – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Con Cuông trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An nhân Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Con Cuông lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Phóng viên: Thưa đồng chí, trong 5 năm qua, huyện miền núi Con Cuông được các cấp ngành đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Theo đồng chí, những kết quả nổi bật nhất mà Đảng bộ và nhân dân huyện giành được trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 là những lĩnh vực nào?

Đồng chí Nguyễn Đình Hùng: Trong quá trình chuẩn bị báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ đã đánh giá rất sát đúng thực tế quá trình phát triển của huyện trong nhiệm kỳ 2015 – 2020. Cùng đó, tổ chức lấy ý kiến đánh giá, góp ý của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn huyện và các sở, ngành của tỉnh. Qua tổng hợp, chúng tôi thấy rằng, nhiệm kỳ 2015 – 2020, huyện Con Cuông có những chuyển biển khá toàn diện và đồng bộ về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Bình quân tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015 – 2020 đạt 9,41%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó ngành nông, lâm nghiệp chiếm 40,23%; công nghiệp – xây dựng 15,67%; thương mại – dịch vụ 44,1%. Thu nhập bình quân năm 2020 ước đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm, tăng 1,6 lần so với đầu nhiệm kỳ.

Lãnh đạo huyện Con Cuông thăm các mô hình kinh tế trên địa bàn.
Lãnh đạo huyện Con Cuông thăm các mô hình kinh tế trên địa bàn.
Ngày mùa ở Chi Khê (Con Cuông).
Ngày mùa ở Chi Khê (Con Cuông).

Quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội, cấp ủy và chính quyền từ huyện đến cơ sở đã trăn trở, đưa ra nhiều giải pháp để khai thác thế mạnh về nông – lâm nghiệp. Huyện thu hút được các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến dược liệu, hình thành các sản phẩm từ cam (rượu cam, xà phòng cam, kẹo cam); rượu men lá, rượu cần. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại tập trung. Công tác quản lý, bảo vệ, trồng và chăm sóc rừng tiếp tục được chỉ đạo có hiệu quả, với hơn 12.300 ha rừng nguyên liệu, góp phần nâng độ che phủ rừng đạt 86%, đồng thời tạo thêm sinh kế cho người dân.

Trong nhiệm kỳ, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là một số dự án ách yếu, cấp thiết kéo dài trong nhiều năm như tuyến từ Quốc lộ 7A vào Bệnh viện vùng Tây Nam; Bồng Khê đi Bình Chuẩn; Mậu Đức đi Thạch Ngàn; hoàn thành 7 cầu treo dân sinh và 6 cầu cứng; 38 km tuyến đường tuần tra biên giới… Bên cạnh đó, cả hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã chung sức đồng lòng đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, tham gia đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn. Huyện cũng thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng thương mại – dịch vụ, du lịch. Điều đáng mừng là đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến về nhận thức cũng như hành động về chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế hiệu quả theo hướng hàng hóa, thực hành sản xuất sạch.

Du lịch là thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện Con Cuông.
Du lịch là thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện Con Cuông.

Một thế mạnh được huyện Con Cuông tập trung khai thác có hiệu quả trong nhiệm kỳ là phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác các tiềm năng về phong cảnh và sự đa dạng văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Theo đó, nhiều điểm du lịch được quy hoạch đầu tư và đưa vào khai thác như điểm du lịch thác Khe Kèm; điểm du lịch Thắm Nàng Màn; khu du lịch sinh thái Tạ Bó; du lịch trải nghiệm bằng thuyền trên sông Giăng; điểm du lịch văn hóa cộng đồng khe Rạn, bản Nưa…, rất nhiều hộ đồng bào dân tộc tham gia phát triển dịch vụ du lịch với những bản sắc văn hóa đặc sắc. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến với Con Cuông tăng theo từng năm và đưa du lịch trở thành một mũi nhọn phát triển kinh tế quan trọng.

Song song với lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở huyện Con Cuông cũng vào cuộc tích cực với nhiều giải pháp giảm nghèo hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 32,01% (năm 2015) xuống khoảng 14,18% (năm 2020). Lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục chăm lo và phát triển, đời sống vật chất và tinh thần, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, các vấn đề xã hội được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Vẻ đẹp hùng vĩ ở huyện Con Cuông.
Vẻ đẹp hùng vĩ ở huyện Con Cuông.

Phóng viên: Kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 là sự nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện. Vậy những yếu tố nào để đảm bảo sự thành công đó, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Đình Hùng: Điều cốt lõi nhất là Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Con Cuông đã phát huy khối đại đoàn kết, nỗ lực hành động để có được sự phát triển đồng đều trên các lĩnh vực. Quá trình lãnh đạo, Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện luôn là hạt nhân lan tỏa sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân. Mọi chủ trương đều được bàn bạc, thống nhất cao và thực hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ.

Video: Bá Hậu

Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện có những đổi mới lãnh đạo theo hướng trọng tâm, trọng điểm và đúng thời điểm; tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể vì nhiệm vụ chính trị chung của địa phương. Huyện cũng tập trung thay đổi lề lối làm việc; quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên. Qua đó, đánh giá đúng cán bộ, kiên quyết sắp xếp, bố trí lại những cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở vị trí được phân công. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường trao đổi, tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe kiến nghị, phản ánh của cán bộ, đảng viên và nhân dân qua nhiều diễn đàn như: Gặp gỡ trực tiếp, thông qua hội nghị đối thoại, trao đổi bằng điện thoại hoặc nhắn tin bằng facebook, zalo… Trong nhiệm kỳ, Ban Thường vụ cấp ủy 2 cấp đã tổ chức 62 hội nghị tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, đảng viên và nhân dân… Qua các kênh thông tin đó, huyện tập trung xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn ở cơ sở cũng như bức xúc của nhân dân; tạo niềm tin và sự đồng thuận cao trong thực hiện các nhiệm vụ đặt ra.

Đoàn đại biểu huyện Con Cuông báo công với Bác tại Kim Liên (Nam Đàn).
Đoàn đại biểu huyện Con Cuông báo công với Bác tại Kim Liên (Nam Đàn).

Một vấn đề quan trọng mà Ban Chấp hành Đảng bộ huyện luôn chăm lo, đó là quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ. Trong nhiệm kỳ, toàn huyện có 149 cán bộ đi học chuyên môn, bao gồm tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng; 42 cán bộ đi học cử nhân, cao cấp lý luận chính trị và 392 trung cấp. Huyện cũng đã triển khai bài bản và có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương, của tỉnh về công tác xây dựng Đảng, như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7 (XII)… Đặc biệt, thông qua việc sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết Trung ương 6 đã góp phần kiện toàn lại đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng tinh gọn, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hơn trong hoạt động.

Phóng viên: Từ kết quả và những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo ở nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Con Cuông đề ra những định hướng, nhiệm vụ trọng tâm nào cho nhiệm kỳ 2020 – 2025, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Đình Hùng: Kết quả của sự đoàn kết, đổi mới, sáng tạo trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 đang tạo niềm tin để Đảng bộ và nhân dân huyện Con Cuông tiếp tục đặt ra mục tiêu phát triển hơn nữa trong chặng đường tới. Nhiệm vụ lớn đặt ra cho huyện đã được tỉnh Nghệ An và Chính phủ xác định là phát triển huyện Con Cuông trở thành đô thị sinh thái và là trung tâm kinh tế – xã hội vùng Tây Nam tỉnh Nghệ An.

Trên cơ sở đó, Đảng bộ huyện đặt ra yêu cầu tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp và hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Tập trung xây dựng NTM để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Từng bước xây dựng Con Cuông trở thành đô thị theo hướng sinh thái, có kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn.

Để thực hiện mục tiêu đó, Đảng bộ huyện xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong thời gian tới, đó là:

Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành và xây dựng bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thứ hai, nâng cao nguồn nhân lực, chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu hội nhập. Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của huyện.

Người dân Con Cuông nỗ lực xây dựng nông thôn mới.
Người dân Con Cuông nỗ lực xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, huy động các nguồn lực cho đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ ở đô thị và nông thôn, nhất là hạ tầng giao thông và thương mại – dịch vụ. Tập trung nguồn lực hoàn thành cầu Thành Nam qua sông Lam.

Thứ tư, tích cực ứng dụng KHCN vào sản xuất nông, lâm nghiệp; thu hút đầu tư chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, phát huy giá trị kinh tế rừng, vườn rừng, kinh tế dưới tán rừng và phát triển trang trại, gia trại với các sản phẩm an toàn, chất lượng cao.

Thứ năm, tập trung bảo vệ tài nguyên du lịch, tăng cường phối hợp quảng bá, kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ hiện có. Chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa – lịch sử.

Với truyền thống là vùng quê cách mạng, nơi thành lập Chi bộ Đảng vùng dân tộc thiểu số đầu tiên của miền Tây Nam Nghệ An và với những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Con Cuông quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, cùng với sự hỗ trợ của các cấp ngành để phát triển nhanh và bền vững hơn, từng bước xây dựng Con Cuông trở thành đô thị sinh thái và là trung tâm kinh tế – xã hội vùng Tây Nam tỉnh Nghệ An.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!