Xây dựng đề án nâng cao mức sống vùng miền Tây và ven biển

09/05/2014 15:55

(Baonghean.vn) - Sáng 9/5/2014, dưới sự chủ trì của Ủy viên BTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Đại, đại diện lãnh đạo các ban ngành liên quan đã thảo luận, góp ý xây dựng dự thảo Đề án Giảm nghèo và nâng cao đời sống của nhân dân vùng miền tây và ven biển Nghệ An đến năm 2020.

(Baonghean.vn) - Sáng 9/5/2014, dưới sự chủ trì của Ủy viên BTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Đại, đại diện lãnh đạo các ban ngành liên quan đã thảo luận, góp ý xây dựng dự thảo Đề án Giảm nghèo và nâng cao đời sống của nhân dân vùng miền tây và ven biển Nghệ An đến năm 2020.

Đồng chí Lê Xuân Đại chủ trì cuộc họp

Thời gian qua, thực hiện các chường trình, đề án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với công tác giảm nghèo của Trung ương, đến năm 2013 vùng miền Tây và ven biển Nghệ An có những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao đời sống người dân. Tốc độ tăng trưởng bình quân các năm 2011- 2013 miền Tây đạt 6,8%/năm, ven biển đạt 8%/năm; thu nhập bình quân đạt 15,5 triệu đồng/người/năm ở miền Tây và 20,3 triệu đồng/người/năm ở ven biển, bằng 63,3% và 82,86% so với bình quân chung của tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo ở cả hai vùng chiếm 24.06% và 8,44%. Điều kiện cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, điện, y tế, trường học … ở cả hai vùng đều được cải thiện nhiều so với trước.

Miền Tây có 213/217 xã (98%) có đường ô tô và 92% có điện lưới đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế, trên 99% số xã có các trường học từ mầm non đến trung học cơ sở được xây dựng kiên cố và bán kiên cố; các tỷ lệ này ở vùng ven biển đều đạt 100%... Đồng thời, các lĩnh vực khác như chất lượng lao động cũng như đời sống văn hóa ở các 2 vùng đều có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, cả hai vùng đều còn có những khó khăn, tồn tại, hạn chế như tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo nhất là vùng miền Tây còn chiếm tỷ lệ khá cao. Trong đó, Kỳ Sơn 60,93%, Tương Dương 51,55%, Quỳ Châu 45%... Chất lượng lao động ở miền Tây và vùng ven biển còn thấp so với cả tỉnh. Có thể nói quy mô phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả hai vùng đều chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Ở miền Tây, các tệ nạn xã hội như ma túy, di dịch cư trái phép còn diễn biến phức tạp.

Có nhiều nguyên nhân dân đến tình trạng yếu kém ở các hai vùng như thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, nuôi trồng thủy sản; điều kiện canh tác khó khăn; vị trí địa lý không thuận lợi, cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng có nhiều bước phát triển nhưng chưa đáp ứng với nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống người dân; số hộ nghèo, đông con, chưa biết cách tính toán làm ăn còn chiếm tỷ lệ cao; vai trò lãnh đạo điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở còn hạn chế.

Từ thực tế trên, dự thảo Đề án Giảm nghèo và nâng cao mức sống cho nhân dân vùng miền Tây và vùng ven biển đề ra các mục tiêu: Phấn đấu nâng mức thu nhập của người dân giai đoạn 2014 – 2015 lên gấp 1,65 lần so với năm 2012 và đến giai đoạn 2016 – 2020 lên gấp 2 lần so với năm 2015. Trong đó, đến năm 2020, thu nhập bình quân vùng miền Tây tăng từ 25,5 triệu đồng lên 51 triệu đồng/người/năm, trong đó hộ nghèo từ 7,6 triệu đồng lên 19 triệu đồng/người/năm; vùng ven biển tăng từ 33,5 triệu đồng lên 67 triệu đồng/người/năm. Trong đó hộ nghèo từ 8,6 triệu đồng lên 21,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở cả hai khu vực từ 15% cuối năm 2005 xuống còn 5% vào năm 2020; lao động qua đào tạo vùng miền Tây đạt 55%, vùng ven biển đạt 65%, giải quyết việc làm hàng năm cả hai vùng mỗi năm đạt gần 17 nghìn người.

Dự thảo đề án cũng đề ra 8 nhiệm vụ, đồng thời phân công các ngành, các cấp liên quan tổ chức thực hiện nhằm đưa đề án vào cuộc sống đạt hiệu quả cao.

Việt Long

Xây dựng đề án nâng cao mức sống vùng miền Tây và ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO