Xây dựng điểm du lịch cộng đồng tự cung, tự cấp thực phẩm sạch

Hoài Thu 08/12/2023 16:13

(Baonghean.vn) - Hiện nay, một trong những hướng phát triển được các homestay, điểm du lịch cộng đồng thực hiện và đầu tư ngày càng bài bản, đó là đảm bảo nguồn cung thực phẩm sạch ngay tại chỗ.

Tự chăn nuôi, trồng trọt

Đại Sơn, huyện Đô Lương không phải là xã thuộc địa bàn miền núi cao, xưa nay không có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Vì vậy, từ đầu năm 2022, khi anh Lê Đông và vợ là chị Vi Thị Nga chuyển cơ sở homestay Đông Nga từ bản Thanh Đào, xã Bồng Khê (Con Cuông) về xóm 1, của xã để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, bà con xem đây là chuyện lạ.

bna_đôgn nga.jpg
Các homestay đầu tư hệ thống chuồng trại chăn nuôi cung cấp thực phẩm sạch phục vụ du khách. Ảnh: Hoài Thu

Sau khi ổn định các hạng mục nhà và khu vực sản xuất, chăn nuôi, chủ cơ sở homestay Đông Nga đã mời người dân xã Đại Sơn cùng trải nghiệm “mô hình mới” về du lịch cộng đồng, trong đó có sự tham gia của người dân bản Thanh Đào, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông - là những “cộng sự” đã nhiều năm tham gia phát triển cơ sở du lịch cộng đồng này.

Anh Lê Đông cho biết, ngoài cùng với bà con dân tộc Thái ở một số xã của huyện Con Cuông như Bồng Khê, Môn Sơn sản xuất men lá và rượu men lá truyền thống của đồng bào Thái, thì homestay còn thực hiện tự chăn nuôi, trồng trọt để tạo nguồn thực phẩm sạch phục vụ du khách.

Đằng sau dãy nhà sàn dùng làm nơi ngủ nghỉ và sinh hoạt văn hoá, múa cồng chiêng, anh Lê Đông dành một không gian khá rộng để xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn đen, gà, vịt và trồng các loại rau gia vị.

bna_ Homestay Đông Nga chế biến thực phẩm phục vụ du khách 1.JPG
Homestay Đông Nga chế biến thực phẩm phục vụ du khách. Ảnh: Hoài Thu

“Khu chăn nuôi của homesaty luôn duy trì khoảng 30 con lợn đen, đàn gà hơn 100 con. Đối với thịt bò, vì cơ sở “đóng chân” tại địa phương có truyền thống chăn nuôi và buôn bán trâu bò, nên gia đình tự liên hệ để đặt hàng người dân chăn nuôi đảm bảo chất lượng. Thời gian tới, tôi dự định nuôi thêm một số loài vật đặc sản khác như dế, rắn mối, dúi. Về chế biến, các món ăn hầu hết đều chế biến theo cách truyền thống của đồng bào Thái” - anh Lê Đông cho biết.

Cũng với xu hướng tự túc thực phẩm để đảm bảo nguồn cung vừa sạch, vừa chủ động, anh Đinh Bá Cương - chủ farmstay Nhật Minh ở xã Châu Thôn (Quế Phong) cho biết, từ khi xây dựng điểm du lịch trải nghiệm trên đỉnh dốc Bù Chông Cha, anh đã định hướng việc tự chăn nuôi, trồng trọt để tạo nguồn thực phẩm phục vụ du khách.

bna_nhat minh farmstay.png
Anh Đinh Bá Cương tự tay chế biến thực phẩm phục vụ du khách. Ảnh: PV

Món chủ đạo trong thực đơn của farmstay Nhật Minh được chế biến từ thịt lợn đen bản địa được nuôi tại gia trại của gia đình anh. “Hiện nay, gia trại đang duy trì trung bình khoảng 150 con lợn đen bản địa, nuôi theo cách “cuốn chiếu”, không bán ra thị trường. Tự túc chăn nuôi vừa đảm bảo ổn định nguồn cung, vừa có thực phẩm sạch nâng chất lượng ẩm thực, vừa tránh được dịch bệnh gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, trang trại trồng các loại rau, củ theo mùa và đầu tư trồng các loại hoa” - anh Cương cho biết.

Hoặc như tại Khu du lịch sinh thái Hòn Mát ở xóm Sơn Hải, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, theo chủ cơ sở cho biết, hiện nay khu du lịch này đã cơ bản tự túc được thực phẩm như gà, lợn thả đồi, các loại cá sông được nuôi trong lồng bè như cá lăng, cá leo. Và cơ sở dành 3 ha đất để trồng các loài hoa và rau màu, 1 ha trồng các loại cây ăn quả, 1 ha trồng dược liệu phục vụ du khách khi tham quan và trải nghiệm.

bna_ẩm thực hòn mát.jpg
Thực phẩm phục vụ khách tại các điểm du lịch, homestay được các chủ cơ sở tự tay sản xuất, hoặc ký kết với người dân địa phương cung cấp để đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: PV

Liên kết sản xuất nguyên liệu sạch

Xu hướng các điểm du lịch cộng đồng tự túc về nguồn cung thực phẩm đang được hầu hết các tổ chức, cá nhân kinh doanh loại hình này áp dụng. Theo họ chia sẻ, đây vừa là cách giúp tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo chất lượng ẩm thực của cơ sở mình.

Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng có thể tự nuôi trồng được đầy đủ các loại thực phẩm. Vì vậy, ngoài tự sản xuất một số loại nguyên liệu, chủ yếu là thịt gia súc, gia cầm, thì họ còn tìm nguồn cung cấp thực phẩm có nguồn gốc, có chất lượng để liên kết tiêu thụ.

Ví như tại điểm trải nghiệm du lịch Mường Cuông ở xã Yên Khê (Con Cuông), chủ cơ sở này cho biết, dù cơ sở mới đi vào hoạt động hơn 1 năm, lượng khách chủ yếu là người dân địa phương, song cơ sở luôn duy trì việc tự cung, tự cấp thực phẩm, chủ yếu là gà và cá nước ngọt. Còn các loại khác như thịt lợn, bò, dê và một số loại rau, củ, quả theo mùa thì cơ sở tự liên hệ với các hộ dân trong xã để liên kết cung cấp. Sự liên kết lấy việc đảm bảo nguồn cung sạch, chất lượng làm tiêu chí hàng đầu.

bna_hM.jpg
Hoa và cây ăn quả trồng theo hướng hữu cơ tại Khu du lịch Hòn Mát. Ảnh: PV

Ông Lê Trung Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khê cho biết, việc các homestay, các điểm du lịch trải nghiệm ở xã lâu nay đều thực hiện theo hướng tự chăn nuôi, trồng trọt và đặt hàng nông sản từ các hộ dân bản địa. Chính quyền xã luôn khuyến khích và cũng có sự kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo chất lượng phục vụ du khách của địa phương, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây cũng là chỉ đạo thường xuyên của UBND huyện Con Cuông trong công tác phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các địa phương.

Có thể nói, đảm bảo chất lượng thực phẩm, tạo nét đặc sắc trong văn hoá ẩm thực địa phương là một trong những yếu tố thúc đẩy ngành Du lịch phát triển bền vững, hiệu quả và theo đúng định hướng phát triển kinh tế xanh hiện nay.

Đối với ngành Du lịch, hiện nay UBND tỉnh đã phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó du lịch sinh thái miền Tây là một trong những định hướng trọng điểm.

Bna_du khách trải nghiệm múa hát dân gian tại homestay Đôgn Nga.jpg
Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái là hướng phát triển kinh tế hiệu quả ở các huyện miền Tây Nghệ An. Ảnh: Hoài Thu

Ngành Du lịch đã tổ chức đoàn chuyên gia thực hiện khảo sát, tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các huyện, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái. Trong đó, phát huy nét đặc sắc của ẩm thực địa phương, kết hợp đảm bảo an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng. Sau khi đoàn công tác khảo sát đã thẩm định công nhận thêm 03 điểm du lịch, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 27 điểm du lịch được công nhận là điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

Theo tổng kết của UBND tỉnh, nhìn chung du lịch năm 2023 đã có khởi sắc hơn các năm trước. Dự ước 10 tháng đầu năm, lượng khách du lịch ước đạt 7,3 triệu lượt, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khách lưu trú ước đạt 4,68 triệu lượt, tăng 23% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 17.149 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch ước đạt 6.730 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2022.

Mới nhất
x
Xây dựng điểm du lịch cộng đồng tự cung, tự cấp thực phẩm sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO