Xây dựng kịch bản tạo nguồn thu ngân sách: Bài 1: Một năm vượt khó

Năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, nhiệm vụ thu ngân sách bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp và nỗ lực vượt bậc của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng, Nghệ An vừa đảm bảo nhiệm vụ, chỉ tiêu thu ngân sách, vừa góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.

Thời điểm mới triển khai nhiệm vụ năm 2020, ảnh hưởng của Nghị định 100/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ khiến doanh thu, các khoản thuế từ các nhà máy bia giảm mạnh.

Trên thực tế, đến cuối quý 2, thay vì mức nộp thuế xấp xỉ 50% như các năm trước, doanh thu các nhà máy bia trên địa bàn Nghệ An chỉ ở mức 20%, nên đặt ngành Thuế đứng trước rất nhiều áp lực. Vậy nhưng, khó khăn thực sự đè nặng từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế và đời sống xã hội. Một loạt hoạt động kinh tế đã bị ngưng trệ, trong đó, lớn nhất là lĩnh vực thương mại và dịch vụ du lịch, khiến chỉ tiêu thu ngân sách đối mặt với vô vàn khó khăn.

Một trong những địa phương bị ảnh hưởng trầm trọng, phải kể đến thị xã Cửa Lò. Thông lệ, thời điểm tháng 6/2020, thị xã Cửa Lò đã hoàn thành nghĩa vụ thu ngân sách, tương ứng với mức thu 450 – 500 tỷ đồng/năm.

Thế nhưng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mùa du lịch biển không thể diễn ra như kế hoạch và các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, nhà hàng không kinh doanh được nên không có đồng tiền thuế nào. Đã thế, theo chủ trương của cấp trên, địa phương phải trích ngân sách để chi trả cho phòng, chống dịch bệnh, cách ly tại cộng đồng.

Xếp dỡ hàng hóa Container tại Cảng Cửa Lò. Ảnh: Quang An - Trân Châu
Xếp dỡ hàng hóa Container tại Cảng Cửa Lò. Ảnh: Quang An - Trân Châu

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo UBND thị xã Cửa Lò thời điểm đó thừa nhận, địa phương rất hoang mang và lúng túng vì chưa khi nào phải đối mặt với tình huống khó khăn và chưa có tiền lệ này.

Trước thực tế trên và trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành, UBND tỉnh, trong đó, nhất là ngành Tài chính và Thuế phải rà soát, tính toán lại kịch bản trong trạng thái mới để có giải pháp giãn, giảm, xóa nợ về nghĩa vụ thuế, chậm tiền đóng BHXH nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn; đồng thời, Cục Thuế chỉ đạo các phòng và chi cục khu vực tăng cường rà soát, nắm tình hình, làm việc với các địa phương và doanh nghiệp lớn để có kế hoạch đảm bảo thu đúng, thu đủ các khoản nghĩa vụ thuế theo quy định…

Ông Thái Hồng Hường – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức, cho biết: Năm 2019, Công ty nộp nghĩa vụ ngân sách tỉnh trên 1.700 tỷ đồng, đứng vào tốp 5 đơn vị đóng góp lớn nhất cho ngân sách tỉnh. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên các giao dịch xuất, nhập khẩu đóng băng và mãi đến tháng 9, Công ty mới chỉ đóng góp khoảng 700 tỷ đồng. Thực tế trên khiến ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế, lãnh đạo tỉnh và ngành Thuế đã kịp thời đến nắm tình hình, động viên doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.

Kho cảng của Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức - 1 trong 10 đơn vị nộp thuế lớn nhất tỉnh.
Kho cảng của Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức - 1 trong 10 đơn vị nộp thuế lớn nhất tỉnh.

Theo ông Nguyễn Viết Hưng – Trưởng phòng Ngân sách, Sở Tài chính cho biết: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và các chủ trương, chính sách thay đổi nên tỉnh không chỉ giảm gần 500 tỷ đồng nguồn thu, trong đó, tác động từ Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia làm giảm thu 350 tỷ đồng, Nghị định số 68/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 20/2017 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết cũng làm giảm 60 tỷ đồng; Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với DN, HTX, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác làm giảm thu 45 tỷ đồng; Quyết định số 22/2020/QĐ-UB của UBND tỉnh về ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên cũng làm giảm thu 10 tỷ đồng…

Trong khi nguồn thu bị thiếu hụt, nhưng tỉnh phải trích xuất từ nguồn dự phòng hỗ trợ khẩn cấp các địa phương khoảng 1.700 tỷ đồng để đảm bảo các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch, nên áp lực chi đặt ra rất căng thẳng.

Đại diện Công ty may Minh Anh phát biểu trong tọa đàm giữa doanh nghiệp và UBND TP. Vinh. 	Ảnh: Ng. Hải
Đại diện Công ty may Minh Anh phát biểu trong tọa đàm giữa doanh nghiệp và UBND TP. Vinh. Ảnh: Ng. Hải

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành Thuế và Tài chính đã hoàn thành nhiệm vụ một cách ngoạn mục. Kết thúc năm 2020, tổng thu ngân sách toàn tỉnh đạt 17.363 tỷ đồng, đạt 111,6% dự toán HĐND tỉnh điều chỉnh, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2019 và là một trong số ít tỉnh có số thu tăng từ 10-11% so với kế hoạch. Trong đó, thu nội địa đạt 16.186 tỷ đồng, đạt 117,6% dự toán, tăng 11,3% so với cùng kỳ.

Không tính số thu từ tiền sử dụng đất và thu xổ số kiến thiết (5.056 tỷ đồng) thì thu nội địa thực hiện 11.104 tỷ đồng, đạt 100,7% dự toán và tăng 4,8% so với cùng kỳ.

Đồ họa: Lâm Tùng
Đồ họa: Lâm Tùng

Một trong những đơn vị về đích ngoạn mục phải kể đến Chi cục Thuế khu vực Bắc Vinh. Ông Nguyễn Viết Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Bắc Vinh cho biết: Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, chúng tôi thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất cho người nộp thuế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế; đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành liên quan hỗ trợ khai thác các nguồn thu khác để bù đắp phần hụt thu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời tiết bất lợi.

Kết quả là năm 2020, Chi cục Thuế khu vực Bắc Vinh đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các lĩnh vực công tác. Thu ngân sách đạt 1.070,4 tỷ đồng, đạt 159% dự toán pháp lệnh. Trong đó, trừ tiền SDĐ thu được 505 tỷ đồng, đạt 123% dự toán pháp lệnh, số tiền SDĐ thu được 565,4 tỷ đồng, đạt 213% dự toán pháp lệnh; Thuế CTNDV-NQD thu được 314 tỷ đồng, đạt 121% dự toán pháp lệnh, bằng 103% so cùng kỳ. Trong đó, địa bàn thị xã Cửa Lò mặc dù khởi đầu khó khăn do mùa du lịch biển bị đổ bể nhưng vẫn thu được được 612,1 tỷ đồng, huyện Nghi Lộc thu được 458,3 tỷ đồng.

Trạm trộn xi măng Nghi Thiết. Ảnh: Thu Huyền
Trạm trộn xi măng Nghi Thiết. Ảnh: Thu Huyền

Ông Trịnh Thanh Hải – Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho rằng, để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách một cách ngoạn mục trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự vào cuộc tích cực của đội ngũ cán bộ ngành Thuế…

Trong bối cảnh nguồn thu bị sụt giảm, ngành Thuế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về tăng cường thu ngân sách; quy chế phối hợp trong công tác thu, nộp ngân sách trên địa bàn (nổi bật là chính sách về thu lệ phí trước bạ thuận lợi nhất khi người dân ở đâu thì nộp ở đó và không nhất thiết phải về nơi có hộ khẩu thường trú); kịp thời đánh giá, xây dựng lại kịch bản thu ngân sách Nhà nước năm 2020 tương ứng với các kịch bản có thể xảy ra của tình hình dịch bệnh; theo dõi sát tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách tại từng đơn vị; xây dựng kế hoạch làm việc với một số chính quyền cấp huyện và doanh nghiệp trọng điểm; triển khai kịp thời các chính sách về hỗ trợ, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh; tăng cường tuyên truyền, đối thoại các chính sách mới về thuế; phối hợp với các địa phương trong công tác quản lý thu thuế trên địa bàn trên cơ sở Quy chế phối hợp của UBND tỉnh…

Nhà máy sản xuất gạch tại CCN Đô Lăng, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Thu Huyền
Nhà máy sản xuất gạch tại CCN Đô Lăng, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Thu Huyền

Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cũng xác nhận: Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bị thiếu nguyên liệu sản xuất hoặc đầu ra, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp tại các KCN Nghệ An chỉ giãn và cắt giảm luân phiên lao động chứ không phải đóng cửa, ngưng hoạt động.

Một số doanh nghiệp sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, đã nhanh chóng hoạt động, kinh doanh ổn định trở lại… Đó là yếu tố tích cực để năm 2020, Nghệ An đạt tốc độ tăng trưởng sản phẩm gần 4,5% và là một trong số ít địa phương của cả nước đạt chỉ tiêu tăng trưởng sản phẩm trên 4%. Nghệ An cũng là 1 trong tốp 20 tỉnh có thu ngân sách tăng 10% so với dự toán giao và là 1 trong tốp 40 tỉnh có tăng trưởng thu vượt dự kiến.

Điều này lý giải trong số các khoản thu vượt dự kiến, có khoản thu mặc dù khởi đầu rất khó khăn nhưng vẫn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đó là lệ phí trước bạ, dự kiến giảm khoảng 50-60 tỷ đồng do chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đăng ký ô tô của Chính phủ.

Tuy nhiên, do người dân tiêu dùng cá nhân, trong đó, mua ô tô cá nhân tăng mạnh nên khoản thu từ lệ phí trước bạ vẫn đạt 961 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sau khi dịch Covid-19 tại nước ta được khống chế, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động trở lại, đồng nghĩa với các chuyên gia nước ngoài vào làm việc nên số thuế thu nhập cá nhân vẫn đạt 103% dự toán và bằng 111% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngoài các khoản thu tích cực và khá vững trên, một số khoản thu khác như thuế môi trường, tiền sử dụng đất của  năm 2020 do nhiều yếu tố thuận lợi cũng vượt cao so dự kiến. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ những cải cách mạnh mẽ trong quy định về thủ tục đấu giá đất nền và thị trường đất đai, bất động sản ấm dần sau đại dịch…