Xây dựng thiết chế VH-TT ở Quỳnh Lưu: Nhiều xã Thiếu quỹ đất

03/08/2014 21:36

(Baonghean) - Thời gian qua, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và đóng góp của người dân, Quỳnh Lưu đã đạt được những kết quả nhất định trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Một số tiêu chí đạt ở mức khá như giao thông nông thôn, trường học, y tế, điện… Tuy nhiên, riêng về tiêu chí thiết chế văn hóa thể thao (cụ thể là nhà văn hóa xóm) ở một số xã ven biển còn gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất để quy hoạch.

(Baonghean) - Thời gian qua, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và đóng góp của người dân, Quỳnh Lưu đã đạt được những kết quả nhất định trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Một số tiêu chí đạt ở mức khá như giao thông nông thôn, trường học, y tế, điện… Tuy nhiên, riêng về tiêu chí thiết chế văn hóa thể thao (cụ thể là nhà văn hóa xóm) ở một số xã ven biển còn gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất để quy hoạch.

Là xã vùng biển với 100% người dân làm nghề đánh bắt hải sản, những năm qua, cùng với đầu tư đóng tàu lớn để vươn khơi, thành lập mô hình liên kết tàu thuyền đánh bắt trên biển, ngư dân Quỳnh Long còn mở rộng ngư trường, bám biển, vì thế năng suất sản lượng đáng bắt ngày càng cao. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, sản lượng khai thác hải sản đạt 7.145 tấn, giá trị sản xuất đạt 88,068 tỷ đồng (bằng 48% kế hoạch), giá trị nuôi trồng hải sản và khai thác nhuyễn thể ven bờ là 650 triệu đồng, thu nhập nghề cá ước tính 4,5 triệu đồng/lao động/tháng (riêng nghề vây thu nhập bình quân đạt 8 triệu đồng /lao động/tháng). Đến nay hộ nghèo còn 6,5%. Khi đời sống kinh tế ngày càng ổn định, bà con vùng biển càng quan tâm hơn đến đời sống văn hóa tinh thần. Thế nhưng một khó khăn hiện nay Quỳnh Long đang trăn trở đó là quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa xóm – nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bộ mặt của xóm, thôn vẫn chưa thực hiện được.

Cơ sở vật chất Nhà văn hóa thôn Đại Bắc (xã Quỳnh Long).
Cơ sở vật chất Nhà văn hóa thôn Đại Bắc (xã Quỳnh Long).

Đến thăm Nhà Văn hóa thôn Đại Bắc – một trong những nhà văn hóa có diện tích nhỏ nhất trong 7/8 nhà văn hóa ở Quỳnh Long, tổng toàn bộ diện tích chỉ đạt 250m2; đã xuống cấp. Bà Đào Thị Nga – Bí thư chi bộ thôn cho biết: Nhà Văn hóa thôn được xây dựng từ những năm 1989, nay đã xuống cấp, khuôn viên nhỏ, bàn ghế xộc xệch, mỗi lần tổ chức sinh hoạt, hội họp cho người dân, chúng tôi thấy rất bất tiện. Ảnh hưởng rất lớn tới phong trào của thôn. Ví như Tết đến tổ chức gặp mặt, trao quà, mừng thọ cho các cụ cao tuổi hay tổ chức văn nghệ cũng khó thực hiện vì diện tích khuôn viên quá nhỏ; ngày hè Đoàn Thanh niên thôn muốn tổ chức sinh hoạt hè cho các cháu cũng chịu... Đây là vấn đề bức xúc của cả thôn chúng tôi. Vì quỹ đất của thôn không có, muốn mở rộng diện tích nhà văn hóa cũng không thể vì xung quanh toàn nhà dân. Trong nghị quyết của chi bộ, chúng tôi đã thống nhất: Cuối năm nay sẽ huy động sự đóng góp của các hộ dân trong thôn (mỗi hộ 1 triệu đồng), kêu gọi sự ủng hộ của con em xa quê để xây dựng lại nhà văn hóa. Bà Bùi Thị Hạnh (50 tuổi) người dân thôn Đại Bắc cho rằng: Chính nhà văn hóa xuống cấp, bàn ghế không đảm bảo, các buổi sinh hoạt đoàn thể không hấp dẫn nên không thu hút nhiều người dân tham gia. Trước đây bà thường xuyên tham gia các cuộc họp xóm, các buổi sinh hoạt của Hội Phụ nữ… nhưng thời gian gần đây bà ít đi hơn vì đến họp cũng không có chỗ ngồi, nhà văn hóa lại nóng nực nên cũng không muốn đi.

Trao đổi với ông Trần Quang Vệ - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long, được biết: Quỳnh Long là xã đất chật, người đông (diện tích toàn xã 170,3 ha, trong đó đất ở 31 ha với 10.000 dân). Toàn xã có 8 xóm thì 7 xóm có nhà văn hóa nhưng diện tích hẹp (rộng nhất đạt 350m2 và nhỏ nhất như Nhà Văn hóa xóm Đại Bắc chỉ có 250m2 cả khuôn viên). Tất cả những nhà văn hóa này đều xây dựng từ rất lâu, nay đã xuống cấp và không thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân. Thời gian qua chúng tôi chưa tiến hành huy động sức dân để xây nhà văn hóa các thôn, vì quỹ đất của xã bây giờ không có, nếu cứ tiến hành làm mới trên nền đất cũ thì không đảm bảo tiêu chí nông thôn mới. Trước bức xúc của người dân, trong Nghị quyết của Đảng bộ xã quyết nghị: Từ nay đến 2020 sẽ xây mới toàn bộ các nhà văn hóa đã xuống cấp. Nếu những nhà văn hóa thôn nào diện tích quá nhỏ, sẽ tuyên truyền, huy động những hộ dân sống xung quanh hiến đất để có thể mở rộng khuôn viên, trong điều kiện không thể hiến đất, sẽ nghiên cứu quy hoạch nhà văn hóa ra nơi mới. Có như vậy mới đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân.

Xã Sơn Hải có 13 xóm thì mới có 7 xóm có nhà văn hóa. Bà Lê Thị Vân – cán bộ văn hóa xã cho rằng: Khó khăn nhất ở Sơn Hải nói riêng và các xã ven biển Quỳnh Lưu nói chung vẫn là quỹ đất. Do không có nhà văn hóa nên mọi hoạt động tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, các chính sách, tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ và nhiều hoạt động của các đoàn thể ở các xóm cực kỳ khó khăn và hầu như không phong phú, không thu hút được nhân dân tham gia.

Bà Trần Thị Trông, Xóm trưởng xóm 5, xã Sơn Hải - một trong những xóm đến nay vẫn không có nhà văn hóa, cho biết: Toàn xóm có tới 200 hộ mà không có nơi để sinh hoạt cộng đồng. Bao nhiêu năm nay mỗi lần muốn tổ chức họp chi bộ, họp xóm, hay tổ chức hoạt động tập thể… chúng tôi toàn mượn nhà dân, mà phải đến thăm dò tình hình, ý kiến của các nhà trước đó hàng tuần liền, để không mượn được nhà này còn chuyển sang nhà khác… Nhà nào sân rộng thì thuê ghế ngồi ngoài sân, nhà nào sân chật thì trải chiếu ngồi trong nhà. 200 hộ dân nếu đi họp đầy đủ có lẽ không nhà nào chứa nổi. Có những đợt như tổ chức tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình kéo dài 2 ngày, mượn được nhà này 1 ngày, ngày hôm sau lại chuyển sang nhà khác… phiền phức vô cùng. Như hè năm nay, để có sân tập luyện nghi thức Đội cho các cháu thiếu nhi tham gia chào mừng Ngày Quốc khánh 2/9, các cháu đã phải ra tập luyện trong sân của cảng cá. Tối đến, xóm lại huy động Đoàn Thanh niên, Hội CCB… kéo điện để có đủ ánh sáng cho các cháu tập luyện. Để chấm dứt tình trạng này, hiện xóm đã đề xuất với xã xin đất cạnh cảng cá để xây nhà văn hóa xóm để nhân dân có nơi để sinh hoạt, hội họp.

Hiện nay, không chỉ Quỳnh Long, Sơn Hải mà hầu hết các xã vùng biển của Quỳnh Lưu việc thực hiện tiêu chí nhà văn hóa thôn, xóm gặp rất nhiều khó khăn do thiếu diện tích đất để quy hoạch. Trước thực trạng đó, Quỳnh Lưu đã ban hành Đề án “Xây dựng thiết chế văn hóa thông tin thể thao đạt chuẩn quốc gia đến năm 2015 và những năm tiếp theo”, trong đó đưa ra những tiêu chí cụ thể như: Tỷ lệ xã, thị trấn có thiết chế VHTT-TT đạt chuẩn từ 75 – 80%; tỷ lệ xã, thị trấn có nhà văn hóa đa chức năng đảm bảo đạt chuẩn (diện tích, chỗ ngồi, các phòng chức năng và các công trình phụ trợ khác) đạt 80%; tỷ lệ thôn, xóm có nhà văn hóa và sân chơi thể thao đạt 95%. Riêng các xóm vùng giáo toàn tòng, trong quá trình xây mới nhà văn hóa xóm, hỗ trợ 30 triệu đồng/xóm, mỗi năm không quá 5 xóm. Ở các xã vùng biển như Quỳnh Long, Sơn Hải, Quỳnh Thuận… đây là những xã có quá ít quỹ đất, cần phải xây dựng quy hoạch lại cho hợp lý, phù hợp với tình hình địa phương, trình lên HĐND huyện để có những giải pháp thích hợp.

Bài, ảnh: Thanh Thủy

Tiêu chí xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm theo tiêu chí nông thôn mới: Diện tích đất khu nhà văn hóa 500m2 trở lên đối với đồng bằng và 300m2 trở lên đối với miền núi; diện tích khu nhà thể thao từ 2.000m2 trở lên đối với đồng bằng và 1.500 m2 trở lên đối với miền núi. Quy mô xây dựng bao gồm: hội trường nhà văn hóa (100 chỗ ngồi trở lên); sân khấu trong hội trường; sân tập thể thao và các công trình phụ trợ khác. Ngoài ra còn có trang, thiết bị phục vụ nhà văn hóa như tăng âm loa máy, khánh tiết, tủ sách, bàn ghế, một số dụng cụ thể dục, thể thao phù hợp với từng địa phương … Kinh phí hoạt động thường xuyên của nhà văn hóa do ngân sách địa phương hỗ trợ và nhân dân đóng góp từ nguồn xã hội hóa, tỷ lệ cụ thể do địa phương quy định.

Mới nhất
x
Xây dựng thiết chế VH-TT ở Quỳnh Lưu: Nhiều xã Thiếu quỹ đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO