Xây dựng thương hiệu Bưởi hồng Quang Tiến
(Baonghean) - Múi mịn, mọng nước, ăn giòn vị ngọt thanh, khi ăn không có vị đắng, vị the như một số loại bưởi khác, đặc biệt có thể trồng, phát triển thay thế đất trồng keo, bạch đàn, đó là những đặc tính vượt trội của bưởi hồng Quang Tiến. Mới đây Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã có quyết định công nhận giống cây trồng nông nghiệp, đã tạo cơ sở cho vùng Phủ Quỳ đầu tư phát triển mạnh giống bưởi này.
Một cây bưởi giá trị hơn một sào lúa
Bác Nguyễn Đình Thuỷ ở khối Trung Nghĩa, được xem là “ vua” bưởi hồng Quang Tiến.
Trên diện tích đất đồi vườn nhà gần 14.000 m2, được sự hướng dẫn kỹ thuật của các kỹ sư Trung tâm Nghiên cứu giống cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ, bác Thuỷ đã trồng gần 400 gốc bưởi, có 200 gốc đã cho thu hoạch, số gốc còn lại đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Vì vườn đồi có độ dốc, nên các gốc bưởi đều được bác Thuỷ trồng theo hàng đồng mức. Ngược đồi, thăm vườn bưởi, trăm cây như một: bưởi quả to, đều, màu xanh tươi rói. Mùa bưởi này là vụ thứ 2 liên tiếp gia đình bác Thuỷ có số lượng quả xuất bán nhiều. Năm ngoái vườn bưởi cho gia đình bác Thủy thu nhập gần 150 triệu đồng. Năm nay, theo tính toán của bác Thuỷ thì mỗi gốc bưởi đang cho quả sẽ cho thu nhập khoảng 1 triệu đồng/gốc, tính ra với diện tích trên và số lượng cây hiện có cũng sẽ cho thu nhập khoảng 200 triệu. Bác Thuỷ đưa ra một bài toán kinh tế rất thuyết phục: “Mỗi cây tôi cắt tỉa chỉ để lại khoảng 100 quả, với giá bán tại vườn 10.000 đồng/ kg, trung bình mỗi quả có trọng lượng 1,2kg đến 1,4 kg thì mỗi cây bưởi sẽ cho thu nhập trên 1 triệu đồng, giá trị hơn cả một sào ruộng”.
Bưởi hồng Quang Tiến đem lại thu nhập cao cho gia đình bác Thủy
Từ mô hình trồng bưởi hồng Quang Tiến cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình bác Thuỷ, hiện tại rất nhiều hộ dân khối Trung Nghĩa dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của trung tâm cũng đang rất tích cực chặt phá bạch đàn, keo để đào hố để trồng bưởi hồng Quang Tiến. Nhiều hộ nhờ bưởi đã cho thu nhập ổn định và khá giả như: gia đình anh Quyết, gia đình chị Xuân, gia đình bác Năm…
Chuyện về cây bưởi “tổ”
Cây bưởi gốc hay còn gọi là cây bưởi “ tổ” của giống bưởi hồng Quang Tiến được trồng từ năm 1976, hiện nay đang sống và cho quả trong khu vực vườn gia đình bác Quang Nguyệt, khối Dốc Cao, phường Quang Tiến, Thị xã Thái Hoà. Người trồng, nhân giống đầu tiên từ cây bưởi gốc của vùng đất này là ông Võ Sỹ Đành. Năm 1991, do điều kiện gia đình khó khăn nên ông đã bán toàn bộ nhà cửa, vườn tược (trong đó có cây bưởi gốc) cho gia đình bác Quang Nguyệt và từ đó gia đình bác Quang Nguyệt trở thành chủ sở hữu cây bưởi gốc. Theo lời kể của chị Nguyệt thì từ khi gia đình chị về sinh sống trên mảnh đất này được thừa hưởng từ lộc cây, lộc đất, cứ mỗi năm một lứa, cây bưởi gốc vẫn cho quả đều. Không chỉ cây bưởi gốc xanh tốt cho quả đều mà trong khu vườn còn có 10 cây khác thuộc “thế hệ con, cháu” vẫn cho quả ngọt. Là công nhân về hưu mất sức, nên kinh tế gia đình bác Quang Nguyệt rất chật vật, cũng nhờ mỗi năm một vụ bưởi (3 gốc, trong đó 15 gốc đã cho thu hoạch) mà gia đình thêm thu nhập từ 15- 20 triệu đồng, trừ chi phí phân bón, các dịch vụ khác khoảng 2 triệu thì đây là một khoản thu nhập không nhỏ. Nói về cây bưởi gốc, một kỹ sư nông nghiệp cho biết: Đến bây giờ cũng không ai biết cây bưởi gốc có nguồn gốc từ đâu, tuy nhiên theo quy định cứ 15-20 năm đối với cây ăn quả đều được công nhận giống gốc địa phương.
Xây dựng thương hiệu bưởi hồng Quang Tiến
“Trung tâm Nghiên cứu giống cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ cần phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương để phát triển nhanh về diện tích, ổn định chất lượng, xây dựng thương hiệu bưởi hồng Quang Tiến trở thành một trong những đặc sản cây ăn quả Phủ Quỳ nói riêng, xứ Nghệ nói chung…” Đó là kết luận chỉ đạo của đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Tỉnh uỷ trong chuyến công tác tại Thị xã Thái Hoà và làm việc với trung tâm mới đây.
Báo cáo đề tài khoa học của Trung tâm Nghiên cứu giống cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ cho thấy: Bắt đầu từ năm 1998, sau khi phát hiện những đặc tính quý, vượt trội của loại bưởi này, trung tâm đã triển khai trồng khảo nghiệm để tiến hành đánh giá. Từ kết quả khảo nghiệm cơ bản và kết quả khảo nghiệm sản xuất đều cho thấy bưởi hồng Quang Tiến có những ưu điểm vượt trội hơn so với bưởi Pomelo và bưới Phúc Trạch, đó là năng suất cao hơn, cây trồng, quả ít bị sâu bệnh phá hoại nhất là bệnh greening (sâu đục thân), rầy vàng hại quả. Điều vượt trội về năng suất và chất lượng quả. Về hiệu quả kinh tế sau 7 năm trồng, bưởi hồng Quang Tiến cho thu hoạch 4 vụ quả (bắt đầu cho thu hoạch từ năm thứ 4), cho năng suất rất cao (62,5 tấn/ ha), bình quân 4 năm năng suất đạt 27,5 tấn/ ha, cho thu nhập 859 triệu đồng, lãi 683 triệu (sau khi trừ chi phí).
Từ kết quả nghiên cứu khảo nghiệm giống bưởi hồng Quang Tiến của Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ, ngày 12/7/2012, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã có Quyết định số 298/QĐ-TT-CCN về việc công nhận giống cây trồng nông nghiệp. Đây có thể xem là điều kiện hết sức thuận lợi, công nhận tính pháp lý trong sản xuất nông nghiệp để Bộ NN&PTNT có chương trình tiếp tục đầu tư và địa phương cũng tập trung phát triển. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay tại phường Quang Tiến có hộ dân trồng tự phát, nhất là các hộ dân vùng Dốc Cao. Do đó, để quản lý chất lượng vườn cây, quy trình chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm một cách thống nhất đang rất khó khăn. Bà Võ Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giống cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ đề xuất: “ Địa phương, các ngành liên quan phải có sự hỗ trợ các hộ dân trong vùng quy hoạch phát triển giống bưởi này để hướng dẫn, giám sát các hộ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, từ đó mới tạo cơ sở có được vườn cây tốt thì mới đủ điều kiện xây dựng bền vững thương hiệu bưởi hồng Quang Tiến”.
Như vậy, từ sự thành công đối với mô hình thử nghiệm nhưng để phát triển đại trà với số lượng lớn, tiến đến xây dựng, đăng ký thương hiệu “ bưởi hồng Quang Tiến” thì bước đi vẫn còn ở phía trước.
Hữu Nghĩa