Pháp luật

Xe biển trắng hoạt động kinh doanh vận tải: Cần xử lý nghiêm

Tiến Đông 28/05/2024 20:13

Mặc dù đã có quy định bắt buộc xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải phải đổi sang biển số màu vàng trước ngày 31/12/2021. Vậy nhưng đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh, vẫn còn rất nhiều xe ô tô cá nhân mang biển trắng, ngang nhiên hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trái phép, gây mất trật tự an toàn giao thông và bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Xe biển trắng vẫn ngang nhiên kinh doanh dịch vụ

Theo quy định tại Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an về quy trình cấp, thu hồi đăng ký biển số xe cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ 1/8/2020, xe ôtô kinh doanh vận tải sẽ có nền màu vàng, chữ và số màu đen. Từ thời điểm trên, các xe kinh doanh vận tải đăng ký mới sẽ được cấp biển số màu vàng, còn các xe đang hoạt động kinh doanh vận tải trước ngày Thông tư 58 có hiệu lực sẽ phải chuyển đổi sang biển vàng, chữ số màu đen trước ngày 31/12/2021.

bna_mot-xe-taxi-du-7-cho-vao-don-khach-tai-san-bay-vinh.-anh-td.jpg
Một xe "taxi dù" 7 chỗ vào đón khách tại Sân bay Vinh. Ảnh: TĐ

Việc lắp biển số màu vàng cho xe kinh doanh vận tải được xác định nhằm mục đích giúp lực lượng chức năng dễ dàng phát hiện, xử phạt những trường hợp vi phạm. Khi các phương tiện bắt buộc đổi sang biển số màu vàng cũng sẽ khắc phục được tình trạng xe dù, bến cóc, trốn thuế, phí và gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Thông tư 58 đã quy định, kể từ sau ngày 31/12/2021, xe kinh doanh vận tải của cá nhân hoặc tổ chức nếu không đổi từ biển số trắng truyền thống sang biển màu vàng, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó, phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-8 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm.

Vậy nhưng trên thực tế, rất nhiều xe cá nhân mang biển trắng vẫn ngang nhiên hoạt động hoạt động theo kiểu taxi gia đình, xe 7 chỗ ghép chuyến, hay xe dịch vụ đưa đón hành khách đi sân bay… mà không chịu đổi sang biển vàng.

Có mặt tại Sân bay Vinh một ngày gần đây, chúng tôi chứng kiến rất nhiều xe ô tô từ 5-7 chỗ mang biển trắng, nằm la liệt trước cổng vào và trong các bãi đậu xe. Do quy định xe kinh doanh công nghệ không được vào đón trả khách nên nhiều lái xe đã lách luật bằng cách chờ khi hành khách ra đến sảnh thì mới đánh xe vào đón. Nếu có cơ quan chức năng kiểm tra thì viện lý do là đi đón người nhà.

bna_mot-xe-taxi-du-7-cho-vao-tra-khach-tai-benh-vien-san-nhi-nghe-an.-anh-tien-dong.jpg
Xe 7 chỗ mang biển trắng hoạt động dịch vụ vận tải vào đón khách tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An. Ảnh: TĐ

Không riêng gì sân bay, tại các trục đường chính thường có tuyến xe buýt đi qua như trục đường Nguyễn Du, Trần Phú, Quang Trung, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Sỹ Sách… hay tại cổng các bệnh viện lớn, có rất nhiều xe 7 chỗ, còn gọi là taxi dù mang biển màu trắng đến chào mời khách lên xe với giá tiền ngang hoặc chỉ đắt hơn một ít so với giá xe buýt.

Để “qua mặt” cơ quan chức năng, các taxi dù này thường đậu cách đểm xe buýt một quãng ngắn, hoặc đậu trên vỉa hè gần với điểm dừng xe buýt, khi nào có khách đến chờ xe thì lân la xuống bắt chuyện và mời chào khách lên xe. Đa phần các phương tiện này đều mang biển màu trắng, dù trên thực tế họ đang kinh doanh dịch vụ.

bna_thong-bao-chi-tiet-ve-gio-xe-chay-da-duoc-dang-tai-cong-khai-tren-trang-facebook.-anh-td.jpg
Thông báo chi tiết về giờ xe chạy đã được đăng tải công khai trên trang Facebook. Ảnh:TĐ

Ngoài việc “nấp” tại các điểm chờ xe buýt, các chủ xe biển trắng này còn lập các trang Facebook, Zalo… công khai chào mời dịch vụ vận tải khách.

Vào một trang có tên “Xe ghép sân bay Vinh, ĐH Vinh” trên mạng xã hội Facebook, chúng tôi bắt gặp rất nhiều status đăng mời chào khách đi từ Vinh về các huyện kèm theo số điện thoại liên hệ. Theo như lời cam kết của các chủ xe thì sẽ đưa đón tận nhà và giá cước chỉ cao hơn giá vé xe buýt 10.000 đồng.

Thậm chí nhiều nhóm “xe ghép” còn đưa lịch trình xe chạy từ Vinh về các huyện khép kín từ 4h sáng đến tận 17h cùng số điện thoại “tổng đài” để khách hàng liên hệ.

Đặc biệt, để đề phòng trường hợp lực lượng chức năng hóa trang bắt quả tang xử lý, các lái xe thường không thu tiền ngay khi hành khách lên xe mà chỉ khi tới nơi, khách xuống xe thì lái xe mới xuống cùng để thu tiền. Nhiều trường hợp, khi bị cơ quan chức năng kiểm tra thì bịa ra lý do đưa đón người nhà đi viện hay từ sân bay về quê…

bna_thong-tin-moi-chao-di-xe-duoc-dang-tai-tren-trang-facebook.-anh-td.jpg
Thông tin mời chào khách đi xe được đăng công khai trên các hội, nhóm Facebook. Ảnh: TĐ

Có thể thấy rằng, việc các xe ô tô cá nhân, xe gia đình tham gia kinh doanh vận tải, về khía cạnh nào đó vẫn đem lại sự tiện lợi cho người dân. Tuy nhiên, tình trạng này lại kéo theo những bất cập về trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt là gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với các phương tiện kinh doanh vận tải gắn biển số vàng, có nộp thuế, phí đầy đủ.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, tính đến tháng 5/2024, trong danh sách phương tiện thuộc quản lý của Sở thì có có 684 phương tiện chạy tuyến cố định; 199 xe buýt; 1.385 xe taxi; 125 xe hợp đồng công nghệ (dưới 9 chỗ); 29 xe trung chuyển…

Cần siết chặt quản lý

Thực tế, xe taxi dù gắn biển trắng, ngang nhiên hoạt động kinh doanh dịch vụ đã xuất hiện từ nhiều năm lại đây. Vào năm 2023, nhận thấy trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều cá nhân sử dụng xe ô tô từ 5 đến 7 chỗ gắn biển trắng, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trái phép, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông, trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, cạnh tranh không bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô… UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn.

bna_chen-chuc.jpg
Một chiếc xe "taxi dù" 7 chỗ chen vào điểm đậu xe buýt để trả khách. Ảnh: TĐ

Cụ thể, tại Văn bản 3456/UBND-CN ngày 8/5/2023, về việc chấn chỉnh công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã giao cho Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô trên địa bàn; chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành, thị rà soát, hướng dẫn tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia hoạt động kinh doanh vận tải phải đáp ứng các yêu cầu điều kiện về kinh doanh theo quy định của pháp luật; chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, thành, thị kiểm tra, xử lý hoạt động của xe ô tô cá nhân kinh doanh vận tải hành khách trái quy định.

Rà soát các quy định của pháp luật, báo cáo kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô chở người từ 5 - 7 chỗ ngồi (không hoạt động theo loại hình vận tải khách bằng xe taxi) để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động vận tải khách của loại xe này.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, thành, thị tăng cường tuần tra, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật để xử lý các xe ô tô cá nhân từ 5 - 7 chỗ ngồi có hành vi kinh doanh vận tải hành khách trái quy định…

Đồng thời, giao UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo ban an toàn giao thông cấp huyện chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã rà soát, thống kê, lập danh sách số lượng phương tiện và chủ xe cá nhân từ 5 - 7 chỗ ngồi trên địa bàn có dấu hiệu sử dụng phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải khách.

Cùng với đó, tăng cường, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải khách đến các chủ xe và ký cam kết với các chủ xe không tham gia hoạt động kinh doanh vận tải khách trái quy định của pháp luật. Nếu có nhu cầu hoạt động kinh doanh vận tải hành khách thì phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để được cấp phép hoạt động theo đúng quy định…

bna_1-chiec-xe.jpg
Một chiếc xe "taxi dù" vừa trả khách bên cạnh Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông. Ảnh: TĐ

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngay sau đó, Sở Giao thông vận tải cũng đã có văn bản đề nghị các huyện, thành, thị chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn và UBND cấp xã tổ chức tuyên truyền về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo quy định đến các chủ xe ô tô cá nhân từ 5-7 chỗ ngồi trên địa bàn.

Nhất là các chủ xe ô tô cá nhân có dấu hiệu sử dụng phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải khách và ký cam kết với các chủ xe không tham gia hoạt động kinh doanh vận tải khách trái quy định của pháp luật.

Đồng thời, tuyên truyền người dân trên địa bàn khi có nhu cầu đi lại bằng xe ô tô thì lựa chọn các phương tiện đã được cấp phép hoạt động kinh doanh vận tải để đảm bảo an toàn và quyền lợi; không sử dụng dịch vụ vận tải trái quy định.

Ông Nguyễn Xuân Vinh – Phó Phòng Quản lý Vận tải, Sở Giao thông vận tải Nghệ An cho biết: Có thể thấy rằng, mặc dù các quy định của pháp luật đã nêu rõ và phân loại các nhóm đối tượng được phép hoạt động kinh doanh dịch vụ. Đồng thời, cũng đã có những hướng dẫn cụ thể để mọi người dân có phương tiện đều có thể tham gia hoạt động kinh doanh vận tải (cấp đổi sang biển vàng). Vậy nhưng, trên thực tế nhiều cá nhân vẫn không chấp hành.

Để chấn chỉnh tình trạng này, đòi hỏi các lực lượng chức năng phải thường xuyên kiểm tra; các địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền để các chủ phương tiện tự giác chấp hành. Có như vậy thì mới tạo ra môi trường kinh doanh dịch vụ vận tải lành mạnh.

Xe biển trắng hoạt động kinh doanh vận tải: Cần xử lý nghiêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO