Xế hộp Fortuner biến thành xe dù chạy khách chui

12/01/2017 09:13

(Baonghean) - Đứng chờ xe ở thị tứ Cây Chanh (xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn) về TP. Vinh, thật bất ngờ khi chiếc xe fortuner 7 chỗ đỗ lại.

Người lái xe nhanh nhảu mở cửa bước xuống hỏi: “Anh về Vinh à”?. Đang phân vân thì anh lái xe khẳng định luôn: “Anh yên tâm, đây là xe chở khách, từ đây xuống Vinh cũng chỉ 70.000 đồng thôi, bằng với giá niêm yết của tuyến này. Tới Vinh anh xuống chỗ nào tôi chở đến chỗ đó”.

Qua câu chuyện trên xe, mới biết vài năm trở lại đây, do xe chở khách nhiều lên, về các huyện Thanh Chương, Anh Sơn theo tuyến đường Hồ Chí Minh có cả xe buýt, nên các loại xe khách trên 16 chỗ không cạnh tranh nổi. Một số nhà xe phải quay sang đầu tư mua xe loại 7 hoặc 9 chỗ để “chạy”.

Tài xế tên Trung cho biết: Tui chạy xe 16 chỗ nhiều năm rồi, giờ bỏ nghề thì không biết làm gì mà ăn nên đành phải theo nghề. Xe nhỏ, ngày làm vài chuyến, nếu hôm nào may mắn cũng kiếm được gần 2 triệu đồng. Chạy xe này không phải vào bến, ít bị lực lượng chức năng kiểm tra, lại thuận lợi chạy trong thành phố!

Sau 2 giờ di chuyển, xe đến địa bàn thị trấn Hưng Nguyên, vừa thu tiền, lái xe vừa hỏi địa chỉ từng khách để tính toán cung đường sao cho hợp lý nhất và cứ thế, tài xế thoải mái chạy lòng vòng trong thành phố trả khách, trả hàng. Mội lần trả khách xong, anh này còn không quên dặn “Khi nào về cứ gọi là tôi đón tận nơi”.

Xe khách 16 chỗ dừng tại đường Nguyễn Đức Cảnh để đón khách (ảnh chụp lúc 12h ngày 10/1).
Xe khách 16 chỗ dừng tại đường Nguyễn Đức Cảnh để đón khách (ảnh chụp lúc 12h ngày 10/1). Ảnh: P.V

Không chỉ loại xe 7 chỗ mà ở TP. Vinh bây giờ không thiếu xe khách loại 16 chỗ “công khai” đón trả khách trong thành phố. Vào lúc 10h30’ sáng 10/1, chúng tôi đã gọi đến số 0973 511... chạy tuyến TP. Vinh - thị trấn Con Cuông và ngược lại của HTX Vận tải hành khách V.K mang BKS 37B 0080... (xe bỏ bến đến nay hơn 6 tháng - số liệu do Bến xe Vinh cung cấp)... và được nhà xe hỏi ngay là ở đâu để đến đón luôn. Khi chúng tôi thoái thác nói không kịp thì được "tư vấn" là nhà có 6 xe chạy liên tục (khoảng 30 phút/chuyến - PV) nên anh có thể đi bất cứ lúc nào từ 4h30’ sáng đến khoảng 7h chiều và đều được đón, trả khách trong thành phố.

Đứng ở góc độ khách hàng, việc có xe đón, trả tận nơi là một thuận lợi rất lớn. Bởi nếu như trước đây, xe chỉ đi đến bến, sau đó khách xuống và tự đi về nhà hoặc khi muốn đi đâu bằng xe khách đều phải ra bến thì ngày nay, dù ở ngõ nhỏ hay trên những tuyến phố lớn, miễn không có mặt lực lượng chức năng, thanh tra, cảnh sát là nhà xe mở cửa đón, trả khách. Tuy nhiên, điều này lại mang đến nhiều hệ lụy.

Xe khách tuyến Vinh - Quế Phong dừng bắt khách ở điểm chờ xe buýt cạnh vườn hoa Vòi Phun (TP. Vinh). (Ảnh chụp lúc 11h16' ngày 10/1).
Xe khách tuyến Vinh - Quế Phong dừng bắt khách ở điểm chờ xe buýt cạnh vườn hoa Vòi Phun (TP. Vinh). (Ảnh chụp lúc 11h16' ngày 10/1). Ảnh: P.V

Ông Nguyễn Đình Lâm - Trưởng phòng Kế hoạch Vận tải Công ty CP Bến xe Nghệ An cho biết: Hiện nay số lượng xe bỏ bến và xe dù vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng. Hàng tháng chúng tôi đều có báo cáo gửi Thanh tra Giao thông Vận tải Nghệ An đề nghị xử lý kiểm tra, xử lý nghiêm và đưa xe vào bến hoạt động theo đúng quy định. Bởi điều việc bỏ bến không những gây thất thoát ngân sách, mà còn tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng trong kinh doanh vận tải. Ví dụ: Xe chạy tuyến Vinh - Con Cuông, giá phơi lệnh hiện tại 80.000 đồng x 26 lượt/tháng = 2.080.000 đồng/tháng; tuyến Vinh - Thanh Chương (80.000 đồng x 26 = 2.080.000 đồng/tháng; Vinh - Mường Xén 180.000 đồng x 26 = 4.680.000 đồng/tháng... Trong khi đó, các xe bỏ bến lại không phải đóng đồng nào.

Với xe dù, việc khiến Nhà nước thất thu chỉ là một khía cạnh, bởi thường thì các loại xe dù không vào bến hoặc vào bến nhưng vẫn chạy không đúng lịch trình để đón khách còn là một trong nguyên nhân gây ách tắc giao thông trong thành phố hiện nay. Tuy vậy, để xử lý không hề đơn giản.

Nhiều người ở Thanh Chương, Anh Sơn, Đô Lương mua các loại xe 7 chỗ để chạy xe khách. Ảnh minh họa.

Thiếu tá Nguyễn Duy Hà - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông thành phố Vinh cho biết: Những xe không có hợp đồng vận chuyển hành khách thường chọn những khung giờ cao điểm, khi lực lượng Cảnh sát giao thông đang ra sức làm nhiệm vụ phân luồng tránh ùn tắc, khi đó, nếu có phát hiện ra dấu hiệu vi phạm thì vẫn phải ưu tiên cho việc phân luồng giao thông. Hơn nữa, họ cũng không bắt khách ở những địa điểm đã có chốt của cảnh sát. Trừ khi nhận được tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về xe kinh doanh vận tải và làm các thủ tục điều tra cần thiết, như họ nói chở người nhà, nhưng khi hỏi tên lại không biết nhau... thì mới có thể xử lý”.

Theo tổng hợp của Đội Cảnh sát Giao thông thành phố Vinh, từ ngày 16/11/2015 đến ngày 15/11/2016, Công an thành phố đã lập biên bản xử lý 232 trường hợp xe khách chạy không đúng lịch trình; từ ngày 16/11/2016 đến ngày 8/1/2017, lập biên bản xử lý 28 trường hợp xe chạy không đúng lịch trình. Từ kết quả trên, đem đối chiếu với số liệu tổng hợp cả năm của Công ty CP xe khách Nghệ An về tình trạng xe dù, xe bỏ bến, thì rõ ràng các loại xe này đã “qua mặt” được lực lượng chức năng không ít lần. Bởi theo tìm hiểu, mỗi xe dù, xe bỏ bến mỗi ngày chạy 2 - 3 thậm chí là 4 chuyến đi và về, thì mỗi năm con số vi phạm lên tới hàng nghìn lần.

Theo báo cáo thống kê đầu năm 2017 của Công ty cổ phần Xe khách Nghệ An, hiện nay trên tất cả các tuyến nội địa đều có xe dù và xe bỏ bến. Đơn cử: Tuyến Quốc lộ 7 (Vinh - Con Cuông, Vinh - Tân Kỳ và ngược lại): 5 xe dù, 3 xe bỏ bến; Quốc lộ 46 (Vinh - TT. Dùng và ngược lại): 2 xe bỏ bến; Quốc lộ có 2 xe bỏ bến; Quốc lộ 48 (Vinh - Quỳ Châu và ngược lại). Đặc biệt tuyến Quốc lộ 1 (Vinh - Quỳnh Lưu và ngược lại): 3 xe dù, 9 xe bỏ bến.

Thảo Anh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Xế hộp Fortuner biến thành xe dù chạy khách chui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO