Xe lưu hành sắp phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đang xây dựng lộ trình nâng tiêu chuẩn khí thải ôtô và áp dụng tiêu chuẩn khí thải với xe máy. Dự kiến bộ quy chuẩn mới sẽ ban hành trong tháng 4.

Nâng mức tiêu chuẩn khí thải đối với ôtô
Ô nhiễm không khí đang là vấn đề cấp thiết, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM - nơi nhiều ngày đầu năm 2025 nằm trong nhóm ô nhiễm nhất thế giới. Bên cạnh phát thải từ xây dựng, sản xuất, giao thông cơ giới là nguồn ô nhiễm chính.
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu đẩy nhanh lộ trình kiểm soát khí thải phương tiện, nhất là tại các đô thị ô nhiễm cao.
Thông báo 153/TB-VPCP ngày 4.4 cũng nêu rõ việc ban hành và thực hiện tiêu chuẩn khí thải ở địa phương theo hướng nghiêm ngặt hơn quy chuẩn quốc gia, dự kiến triển khai trong tháng 5.2025.
Trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Đức - Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - cho biết, bộ đã phối hợp với Bộ Xây dựng hoàn thành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện ôtô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Còn với các phương tiện ôtô đang lưu hành hiện vẫn áp dụng kiểm định theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6438:2018, phía Cục Môi trường đang xây dựng bộ quy chuẩn mới theo hướng nâng mức tiêu chuẩn khí thải đối với ôtô đang lưu hành.
Theo ông Nguyễn Hoàng Đức, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp với Bộ Xây dựng và Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng quy chuẩn khí thải đối với ôtô đang lưu hành. Hiện Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6438:2018 có 4 mức, nhưng mới áp dụng đến mức 2. Các đơn vị đang phối hợp để nâng lên mức 4 và tiến tới áp dụng mức 5 trong tương lai.
Đối với môtô, xe gắn máy, Cục Môi trường cũng đang khẩn trương xây dựng quy chuẩn cho xe máy đang lưu hành theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bộ quy chuẩn mới dự kiến được ban hành trong tháng 4 và trước mắt sẽ thí điểm tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM.
"Đây là một áp lực rất lớn vì phải đưa ra lộ trình các mức giới hạn khí thải phụ thuộc vào từng loại xe, năm sản xuất và tình hình của từng địa phương. Ví dụ Hà Nội dự kiến áp dụng mô hình vùng phát thải thấp thì riêng vùng đó sẽ phải có quy chuẩn riêng, những xe đạt ở mức nào thì mới được đi vào khu vực đó. Các chính sách đều phải có sự liên kết với nhau" - ông Đức thông tin thêm.
Cần sự chung tay của người dân
Theo PGS.TS Hoàng Anh Lê - Trưởng Bộ môn Quản lý môi trường, Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, các chính sách của cơ quan chức năng cần có sự đồng hành của người dân để đem lại hiệu quả cao nhất, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông đang lưu hành.
PGS.TS Hoàng Anh Lê cho rằng, các chính sách được ban hành thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc giảm ô nhiễm không khí, và người dân chính là những người hưởng lợi lớn nhất. Khi bộ quy chuẩn khí thải được ban hành, mỗi người nên đối chiếu với phương tiện của mình để đảm bảo tuân thủ. Với những xe quá cũ, chất lượng không còn đảm bảo, cần chấp nhận loại bỏ. Hiện đã có chính sách hỗ trợ đổi xe máy cũ sang xe mới, người dân có thể lựa chọn phương tiện phù hợp tùy theo hoàn cảnh.
Trước đó, kết luận tại cuộc họp về xây dựng và lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh cần đánh giá kỹ lưỡng tác động đa chiều của quy chuẩn, đặc biệt với các phương tiện đang lưu hành, xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước.Quá trình xây dựng quy chuẩn và lộ trình áp dụng phải dựa trên cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn rõ ràng, đi kèm đánh giá tác động toàn diện. Đồng thời, cần có các giải pháp đồng bộ về kinh tế, xã hội, khoa học và kiên quyết triển khai để giảm ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông.