Xe ô tô bị rung lắc, nên kiểm tra bộ phận nào?

Ngọc Anh 22/04/2019 11:23

(Baonghean.vn) - Xe ô tô sử dụng trong thời gian dài sẽ không giữ được chức năng hoàn hảo như ban đầu. Và một trong những vấn đề phổ biến cũng như khó chịu nhất là hiện tượng xe rung lắc khi đi trên đường... Nếu ô tô bị rung khác thường, hãy kiểm tra các bộ phận dưới đây để khắc phục sự cố phiền toái này.

1. Động cơ và bộ phận lái có vấn đề

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng xe ô tô bị rung đó là động cơ và bộ phận lái có vấn đề. Nguyên nhân phổ biến do động cơ không được cung cấp đấy đủ không khí (khí ô xi) hoặc không đủ nhiên liệu, hoặc bộ phận đánh lửa hoạt động không bình thường.

Hiện tượng rung của xe là do động cơ có các hiện tượng: động cơ ô tô bị hụt hay khựng khi tăng tốc; xe chạy qua vạch giảm tốc ở một khoảng tốc độ nhất định; xe chạy ổn định trong thời gian đầu và bắt đầu rung nhiều khi hoạt động lâu.

2. Hệ thống phanh bị lỗi

Việc thường xuyên phanh gấp khiến làm tăng ma sát, mài mòn và việc này vượt qua khả năng xử lý của đĩa phanh. Vì thế đĩa phanh sẽ bị biến dạng, chỗ nâng lên, chỗ hạ xuống... Khi đĩa phanh bị biến dạng, bộ kẹp phanh và má phanh không thể siết chặt các đĩa phanh để cho chiếc xe dừng lại, khiến xe có hiện tượng rung lắc.

Với trường hợp này, nên đưa xe tới các trung tâm, thợ sửa chữa sẽ tháo đĩa phanh hoặc trống phanh ra để vệ sinh và nắn lại nếu đĩa bị cong vênh.

Còn với trường hợp đĩa bị mài mòn không đồng đều, thì cần sử dụng tới máy tiện để loại bỏ lớp bên ngoài, giúp cho bề mặt phẳng và trơn tru hơn, giảm hẳn tình trạng rung lắc và phanh cũng ăn hơn.

3. Bánh xe lỏng, không cân và vòng bi cong

Bánh xe bị lỏng hoặc giữa các bánh xe lắp không cân, làm cho xe bị rung mạnh nhất ở vô lăng của xe. Bạn cần kiểm tra, vặn chặt tất cả các bánh xe với moay ơ.

Ô tô rung còn có thể do vòng bi ở trục bánh bị hỏng; vòng bi là bộ phận rất bền, nhưng khi va chạm mạnh hoặc va đập với vật thể cứng có thể bị vỡ hoặc mòn khiến xe đi “phập phập” lúc lên, lúc xuống; nếu để lâu vòng bi càng ngày càng hỏng nặng, rất nguy hiểm cho người lái.

Nếu xe rung ở một khoảng tốc độ nhất định thì cân chỉnh lại lốp. Nếu lốp xe bị mòn thì thay lốp mới, trường hợp lốp mòn không đều cần đảo lốp ô tô. Kiểm tra độ tròn của lốp, nếu lốp không hoàn toàn tròn thì phải kiểm tra áp suất hoặc thay lốp.

4. Trục xe ô tô bị trục trặc

Khi gặp vấn đề về lỗi trục các đăng của xe, xe sẽ rung lên theo tốc độ lái, vận tốc càng cao xe càng rung lắc mạnh. Lỗi trục các đăng thường gặp ở xe sử dụng hệ dẫn động bánh sau và bốn bánh. Khi chạy qua địa hình gồ ghề, do trục các đăng bị va đập, cong vênh hoặc bị mòn, dẫn đến xe ô tô bị rung ở tốc độ tăng dần.

Khi đã bị lỗi trục các đăng trước hết phải thay bi chữ thập. Nếu hiện tượng rung vẫn không hết thì phải thay trục các đăng mới... Nếu lớp vỏ bọc khớp nối đồng tốc ở cuối trục các đăng bị rách hay bung ra thì bùn đất, bụi bẩn bám vào các khớp động làm khớp bị kẹt, gây ra rung.

5. Bu lông đế máy bị hỏng

Khi lỏng hay đứt bu lông đế máy, máy vẫn nổ dễ dàng, không thấy gì ở tốc độ thấp, nhưng khi lên tốc độ cao lại thấy tiếng kêu lạch cạch, máy rất rung nếu chạy tốc độ lớn hơn 40km/h. Bạn kiểm tra lại bu lông đế máy, vặn chặt lại hoặc bổ sung bu lông mới.

Theo Tổng hợp
Copy Link

Mới nhất

x
Xe ô tô bị rung lắc, nên kiểm tra bộ phận nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO