Xin hứa cố gắng chăm ngoan!

28/04/2015 16:39

(Baonghean) - Năm nay đợt nghỉ lễ thật dài, cả nhà ai cũng phấn khởi vì có thời gian nghỉ ngơi, đi du lịch thay đổi không khí. Phấn khởi nhất là bé Bim, con bé thắc mắc với mình vẻ hí hửng:

- 30/4 là ngày Giải phóng miền Nam, được nghỉ lễ là đúng. Còn ngày 1/5 là ngày Quốc tế Lao động, lẽ ra phải đi làm chứ sao lại được nghỉ cậu nhỉ?

- Được nghỉ để có khoảng lắng lại và suy ngẫm về giá trị của sức lao động đấy mà.

- Nhưng ngày nào cũng làm việc mệt ơi là mệt, được nghỉ rồi sẽ chẳng ai muốn làm việc nữa. Nếu cho Bim chọn giữa đi học và được nghỉ, tất nhiên Bim thích được nghỉ hơn nhiều!

- Thế Bim có chắc là nghỉ mãi không chán không? Nếu không có lao động, học tập thì người ta cần gì phải nghỉ ngơi, ngày nghỉ sẽ giống như bao ngày, chẳng có ý nghĩa gì hết?

- Bim thấy ngày bình thường hay ngày nghỉ thì cậu cũng ăn sáng rồi ngồi đọc báo ở quán cà phê mãi đến gần hết buổi sáng đấy thôi, hi hi...

Đến đây thì mình tắc tị, không biết đáp lại cô cháu gái lý sự như thế nào cho đỡ... xấu mặt. Bởi vì sự thật là con bé nói không hề oan cho mình một tí nào. Không phải mình chống chế hay đổ thừa nhưng hình như đó cũng là căn bệnh chung vô số người lớn chúng ta. Cứ thử đến các quán ăn, quán cà phê vào buổi sáng, quán nhậu, hàng bia vào buổi trưa và chiều thì biết: Hỡi ôi, không lúc nào là không đông đúc, tấp nập. Đấy là với cánh đàn ông, còn phụ nữ? Xin hãy thử đến cơ quan mình thì khắc biết: ngồi làm việc mà lướt facebook, xem hàng qua mạng ầm ầm, chưa hết giờ đã hối hả sửa soạn về sớm để đi... ăn hàng, làm móng, làm tóc, v.v và v.v. Không phải ai cũng thế nhưng có một số không hề nhỏ đang mắc phải căn bệnh nêu trên, và đó đã là một tin đủ buồn cho xã hội này rồi!

Người suy nghĩ đơn giản thì cho rằng: Chuyện tầm phào! Chỉ là dăm, mười phút nhỏ nhặt thì có giá trị gì mà phải chi li tính toán? Xin được làm một phép tính thế này: Mỗi buổi sáng mất thêm 15 phút cà kê đọc báo, uống cà phê, buổi trưa ra về sớm 15 phút, chiều đi làm trễ 15 phút và lại về sớm 15 phút, vị chi mỗi ngày chúng ta mất ít nhất là 1 tiếng đồng hồ "ăn gian" vào thời gian làm việc (trong thực tế, 1 tiếng xem ra vẫn còn hơi ít!). Có nghĩa là hiệu suất công việc của chúng ta giảm đi ít nhất 12,5%, ví dụ nếu một ngày chúng ta làm ra được lượng của cải tương đương với 100.000 đồng thì nay chỉ còn 87.500 đồng, chưa kể chi phí cho các khoản như cà phê, mua sắm, ăn uống, vui chơi,... Một sự lãng phí vô lý!

Giờ ngẫm lại mới hiểu, tại sao trẻ con lại hào hứng hơn người lớn khi được nghỉ, ấy bởi chính đây là những "người lao động" thật thà nhất, chăm chỉ nhất. Cũng không hẳn là bởi ý thức của trẻ con tốt hơn hay ý thức của người lớn kém hơn, mà bởi trẻ con thường phải sống trong khuôn phép, kỷ luật do người lớn chúng ta đặt ra. Một đứa trẻ không làm bài tập về nhà một lần, sẽ bị tất thảy mọi người khiển trách, nghiêm phạt. Trong khi đó, người lớn chúng ta lấp liếm, che giấu sự lười biếng của mình tinh vi hơn, hoặc giả người lớn có phần "giơ cao đánh khẽ" với nhau khi phạm lỗi. Vậy nên, không có gì khó hiểu khi ngày nghỉ không đem lại cho chúng ta sự hứng khởi lớn, bởi lẽ ngày làm việc bình thường vốn dĩ đã bị cắt xén ít nhiều dành vào việc vui chơi, nghỉ ngơi rồi còn đâu? Nghĩ đến đây, mình thấy xấu hổ với Bim quá chừng và cũng xấu hổ cả với kỳ nghỉ lễ. Thôi thì, từ nay xin hứa cố gắng chăm ngoan!v

Hải Triều

Xin hứa cố gắng chăm ngoan!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO