Xô viết Nghệ - Tĩnh với ngòi bút Trần Hữu Thung

16/09/2012 18:20

(Baonghean) - Sinh ra trong một gia đình nông dân thực thụ tại làng Trung Phường, xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, quê hương nhà thơ Trần Hữu Thung (1923-1999) có con sông Bùng nổi tiếng, gắn với nhiều câu chuyện kể đã thành giai thoại...

Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976, Trần Hữu Thung trở lại vùng đồng chiêm quê mình tìm hiểu thêm thực tế, dự định viết một bài bút ký. Ngồn ngộn hình ảnh, chi tiết, nhân vật ông gặp được đây đó gắn với con sông Bùng - con sông từ hồi nhỏ, ông thường nhắc mắc là không biết bắt ngồn từ đâu, mà cứ quanh co trăm khúc như một sợi chỉ rối thả giữa mặt đất - nhà thơ may mắn có cuộc "hội ngộ" với ông Ba, người xã bên, xưa làm xeo mõ của làng.




Trần Hữu Thung (Ảnh chụp năm 1995).

Ông Ba kể về sự kiện biểu tình huyện đường Diễn Châu vào cái năm 1931. Có hàng trăm người tham gia bị giặc Tây bắn, giết thảm thương. Xác thu lượm không hết được, một số theo nước thủy triều con sông Bùng trôi ngược lên. Tên lý trưởng ra lệnh cho ông Ba cầm cây sào đi dọc sông Bùng, đoạn chảy qua địa phận làng, cứ hễ thấy xác người nào dạt vào bờ thì cứ lấy sào mà đẩy ra. Số là, xác cộng sản dạt vào làng nào, làng đó phải trình báo, gây bao sự phiền hà! Đoạn sông dài, ông Ba với cây sào đi miết, đến trưa ngày thứ ba, bất chợt thấy một xác người mắc vào gốc cây bần. Xác đàn ông, áo quần rách rưới, nách phải đeo mo cơm, xâu cà muối đeo chéo ngực. Thấy tội nghiệp quá, nghĩ đến điều phúc đức, ông Ba kều cái xác vào bờ, rồi chôn vội vàng vào hốc đất nơi cồn cát gần đấy. Sáng hôm sau, có người đàn bà cõng con đi tìm dọc sông, hỏi đúng đặc điểm, ông Ba ân cần, lặng lẽ chỉ nơi chôn cất người chồng chị ta.


Thế rồi hàng năm, đến ngày giỗ, người đàn bà lại cõng con đến nhà ông Ba tạ ơn, còn bát cơm nén nhang thì mang ra mộ cúng. Ba năm sau, họ hàng anh em bí mật bốc xác người thân đưa về. Nhà ông Ba thành nơi qua lại thâm tình của cái gia đình ấy. Còn đứa con chị cõng năm nào, nay được học hành tử tế, trở thành một kỹ sư nông nghiệp!


Vừa nghe kể, Trần Hữu Thung vừa ghi chép lia lịa vào sổ tay, như "bắt được vàng mười". Chi tiết lịch sử năm 1931 quý giá này đã góp phần đắc lực tạo nên sự ám ảnh và thành công của "Ký ức đồng chiêm" - một bài bút ký được khởi thảo từ năm 1976, phải mãi tới năm 1986 mới hoàn thành. Cũng năm đó, "Ký ức đồng chiêm" nhận giải Nhất cuộc thi ký do Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Văn nghệ tổ chức...


Dành toàn bộ vốn sống, sức lực và tài năng nghệ thuật cho đề tài Xô viết Nghệ-Tĩnh trên quê hương mình, ở nhà thơ Trần Hữu Thung, có còn lẽ phải kể tới truyện thơ Lời sáo mách (NXB Nghệ - Tĩnh, 1985) dành cho thiếu nhi, và đặc biệt là kịch bản phim Ngày ấy bên bờ sông Lam, đã dựng thành phim năm 1980. Nhớ lại, sáng tác về đề tài Xô viết Nghệ - Tĩnh cũng đã khá phong phú và ấn tượng. Không kể thơ ca vô danh và hữu danh, riêng văn xuôi và sân khấu, có thể nhắc tới Xóm thợ Trường Thi (tiểu thuyết của Hoàng Ngọc Anh), Ngọn cờ Bến Thủy (truyện ký của Minh Huệ), Chuyện về nữ chiến sỹ Xô viết (nhiều tác giả), Nắng sông Lam (tiểu thuyết của Bá Dũng), Ngày hội của Rạng Đông (tráng ca của Võ Văn Trực), Cô gái sông Lam (chèo của Nguyễn Trung Phong), Đốm lửa núi Hồng (ca kịch của Thế Kỷ), Rạng Đông (tuồng của Học Phi), Dấu chân người trước (cải lương của Thùy Linh - Hoàng Yên)...

Khi viết lời giới thiệu cho Tuyển tập Trần Hữu Thung, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1998, nhà thơ Võ Văn Trực, người bạn đồng hương thân cận của ông, đã xúc động nhớ lại: Hồi ấy, xưởng phim truyện Hà Nội bàn với anh Thung viết kịch bản phim về Xô viết Nghệ - Tĩnh. Vốn tư liệu đã có sẵn, anh nhận lời và say sưa viết. Xô viết Nghệ - Tĩnh là một đề tài lớn, không dễ viết hay, một số nhà văn, nhà thơ xứ Nghệ đã dồn tâm huyết viết hồi ký, tiểu thuyết, trường ca... Nhưng có lẽ, hiếm có tác phẩm nào vượt được kịch bản phim Ngày ấy bên bờ sông Lam!


Kim Hùng

Mới nhất

x
Xô viết Nghệ - Tĩnh với ngòi bút Trần Hữu Thung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO