Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ của Liên hợp quốc.
Nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch là rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản luật pháp, chính sách liên quan đến công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em gái phù hợp với công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Công ước CEDAW).
Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông, giáo dục, vận động toàn xã hội nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em gái; lồng ghép công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án của các bộ, ngành và địa phương; kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ ở trung ương và địa phương.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia công ước CEDAW về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (từ năm 1981) |
Các Bộ, ngành và địa phương xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và lộ trình thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban CEDAW theo yêu cầu của Kế hoạch đảm bảo đúng tiến độ và hiệu quả.
Trong đó, Bộ Tư pháp rà soát đề xuất sửa đổi, các quy định pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước nhằm góp phần xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, rà soát sửa đổi quy định chính sách về cấm phân biệt đối xử trong Bộ luật lao động nhằm phù hợp với Hiến pháp và các cam kết quốc tế về bình đẳng giới; tăng cường thanh tra và kiểm tra về tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới trong lao động việc làm.
Bộ Y tế có trách nhiệm đẩy mạnh tập huấn và truyền thông về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, bao gồm: Sửa đổi tài liệu giáo dục, giảm tỷ lệ mù chữ và bỏ học của trẻ em gái dân tộc thiểu số thông qua cung cấp nền giáo dục song ngữ.
Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo công an các cấp phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc phát hiện sớm, can thiệp và xử lý các vụ bạo lực trên cơ sở giới, môi giới hôn nhân bất hợp pháp và bảo vệ nạn nhân; nghiên cứu về quy mô, mức độ và nguyên nhân cốt lõi của nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em gái vì mục đích bóc lột lao động và tình dục...
Theo Dantri
TIN LIÊN QUAN |
---|